Trẻ em như giấy trắng, viết thứ gì vào thì chính là lưu giữ lại thứ ấy, cho nên người lớn cần suy nghĩ cẩn trọng. Trong kho tàng tri thức của nhân loại, hỏi đâu là giá trị tinh túy để dạy trẻ em? Câu trả lời thực đã có tự ngàn xưa.
Người xưa coi trọng giáo dục Đức. Bao trùm và xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử, cách dạy con của cổ nhân đều tập trung và nhấn mạnh vào việc phải tu thân dưỡng Đức.
“Người ban đầu, vốn tính thiện
Tính gần nhau, thói cách xa.
Nếu không dạy, tính thay đổi
Đạo dạy học, quý chuyên tâm”.
(Tam Tự Kinh)
Con người sinh ra vốn tính lương thiện, nhưng nếu không được giáo dục thì dưới ảnh hưởng của hoàn cảnh khác nhau, hậu thiên dễ dàng che mờ tiên thiên. Trong vô minh, chúng ta lạc mất bản tính, tự mình đánh mất Đức mà không biết.
Vậy trọng tâm của giáo dục chính là làm sao để con người nhận ra bản chất của mình là cái lương thiện ban đầu ấy, chứ không phải những thứ phù hoa sớm nở tối tàn. Khi đạo đức đang xuống cấp, trách nhiệm của giáo dục lại càng quan trọng. Bởi vì giữa dòng đời đục trong, giáo dục giúp con người hồi tâm chuyển hướng, trở về với bản tính tiên thiên của mình. Và để làm được điều này, việc dạy và học cần duy trì thường hằng, không được bỏ dở giữa chừng.
Thế nhưng, giáo dục ở nhà trường và gia đình hiện nay dường như đã rời xa cái tinh túy ấy. Đó là lý do vì sao người trẻ bây giờ không hiểu Đức là gì. Trường học thường lấy danh lợi làm trọng, quen nhồi nhét kiến thức cho học sinh, tập trung vào thành tích. Ở nhà, cha mẹ có thể quan tâm giáo dục, quản giáo con cái nhưng nếu không dạy điều Thiện thì cũng như không dạy.
Việc dạy và học nếu không lấy “coi trọng Đức, quý chuyên Tâm” làm cốt lõi, trẻ có học ngày học đêm cũng không thành người nhân cách, nghĩa là không kính trọng thầy cô, không biết ơn cha mẹ, không có thành tín, chí hướng, khoan dung, hối lỗi, không có tinh thần ham học tri thức, quý trọng sách vở thì nói đến việc học làm sao đặng?
Vì vậy, trong suy nghĩ của trẻ em ngày nay, chúng cảm thấy trường học khô khan cứng nhắc, thầy cô hay phàn nàn. Mặc dù thầy cô và nhà trường dồn bao công sức nhưng chúng vẫn chán nản học tập, lại thêm tính tình ích kỷ, nóng giận. Nạn bắt nạt học đường là phổ biến. Giáo dục gia đình càng khó khăn vì cha thường không đủ kiên nhẫn, con thường không biết dạ vâng…
Nhiều thầy cô và phụ huynh than thở rằng dạy trẻ thời nay sao khó quá! Nhìn chung là trên bảo dưới không nghe, cũng bởi vì không lấy Đức làm trọng, hơn nữa nếu trên không đủ Thiện thì dưới không thể thuận mà làm theo.
Tất nhiên, trường học có cái khổ của trường học, gia đình có cái khó của gia đình, cái khó cái khổ ấy thuộc về thời đại! Thật may là giáo dục có nhiều con đường khác tươi sáng.
Tự hỏi, có con đường nào mà ở đó thấm nhuần đạo lý nhân sinh, trẻ hiểu được bản tính tiên thiên, rồi nguyện ý nhìn vào nội tâm, tự ước thúc thay đổi phần hậu thiên không tốt của mình?
Cần hiểu rằng người lớn hay trẻ em đều có một điểm chung: con người ta chỉ khi thật tâm muốn thay đổi thì mới thay đổi, bằng không mọi sự ép buộc chỉ gây ra tổn thương cho mối quan hệ đôi bên, căn bản là không động được vào cái tâm ấy thì không tác dụng gì.
Từ xưa tới nay, sách luôn được coi là người thầy mẫu mực của mỗi người, chính là vì có thể cải biến tư tưởng con người, làm thay đổi nhân tâm. Người xưa coi việc đọc sách vừa để tu học, vừa để tu tâm dưỡng tính. Thừa tướng nổi tiếng của triều đại Bắc Tống, đồng thời là nhà sử học Tư Mã Quang (1019 – 1086) một ngày nhìn thấy con trai đang cầm quyển sách một cách hờ hững trong tay, ông đã ngay lập tức dạy bảo: “Một người cao quý thích đọc sách Thánh hiền. Điều đầu tiên là người ấy phải yêu quý và trân trọng những cuốn sách”.
Còn cha mẹ người Do Thái lại xức dầu thơm vào từng trang sách để khuyến khích con trẻ yêu và đam mê việc đọc. Họ tin rằng: “Chúng ta sẽ trở thành gì, phụ thuộc vào điều chúng ta đọc sau khi tất cả các thầy cô giáo đã xong việc với chúng ta. Trường học vĩ đại nhất chính là sách vở”.
Chỉ có điều, sách có nhiều mà đọc nhiều dễ loạn. Nếu sách không đủ tốt thì cũng không cải biến được con người, thậm chí có thể ô nhiễm tư tưởng hoặc làm tư tưởng hạn hẹp, nhỏ bé đi. Quý hồ tinh bất quý hồ đa. Nếu có một cuốn sách nào đó mà khiến chấn động nhân tâm, lòng người quy phục, đạo đức hồi thăng thì cuốn sách ấy nên đọc, nên đọc lắm.
Để con người quy về bản tính lương thiện, nhất định cuốn sách ấy tự nó phải chứa đựng sự chân chính, thiện lương, khoan dung và nhẫn nại. Một cuốn sách “uy đức to lớn” có thể cải biến tư tưởng của chúng ta như “từ bi có thể làm nóng chảy cả sắt thép”.
Thế mới có chuyện người ta đọc xong cuốn sách mà cảm thán như tìm được báu vật: “Vừa đọc cuốn sách là tôi đọc mãi từ sáng đến tối, đến nỗi chẳng muốn bật đèn nữa, vì đã bị cuốn vào trong đó rồi. Đọc xong một phần thì lại muốn xem phần tiếp theo, đọc xong rồi thì lại muốn biết phần sau còn nói điều gì. Sau khi đọc xong rồi thì thấy toàn bộ thế giới quan đều thay đổi cả. Một số sự việc rất mơ hồ trước đây như thể được giải quyết hết tại thời khắc đó. Lúc đó cảm giác được đây chính là thứ mà tôi cần”. Phải rồi, mong mỏi từ sâu thẳm của sinh mệnh con người là phản bổn quy chân, trở về bản tính tiên thiên!
Quá trình trở về ấy thật không dễ dàng với người lớn, bởi vì sau những năm tháng gian khó của đời người thì bụi phủ một lớp đã dày, quan niệm hậu thiên tầng tầng lớp lớp che mờ bản tính tiên thiên. Trong khi đó, trẻ con vốn có tâm hồn trong sáng, mọi chuyện với chúng thành thật và tự nhiên như hít thở vậy.
Dưới đây là những suy nghĩ của Eli, Ivan, Emi, Lilia, Angela, Kalina, bọn trẻ viết nhật ký về quá trình thay đổi bản thân, quả thực đã làm được “coi trọng Đức, quý chuyên Tâm”. Tất cả đều là nhờ đọc một cuốn sách phi thường lấy Chân – Thiện – Nhẫn làm nguyên lý cốt lõi, nên chúng hiểu được bản tính tiên thiên là gì, nguyện ý nhìn vào nội tâm, tự ước thúc thay đổi phần hậu thiên không tốt của mình.
Trong nhật ký ngày 5 tháng 9 của mình, Eli đã viết rằng: “Hôm nay mình và các bạn bắt được một con thằn lằn. Chúng mình muốn giữ nó ở trong lọ để làm vật nuôi. Nhưng sau đó mình nhận ra rằng như vậy là không Thiện, chúng mình đã bắt nó rời khỏi môi trường sống tự nhiên, và không quan tâm đến sức khỏe của nó. Sau đó, chúng mình đã thả cho con thằn lằn đi”. Eli đã nhận ra bản tính tiên thiên của mình là Thiện, nghĩ đến cái khổ của người khác, và ngay lập tức em sửa chữa hành động của mình.
Cậu bé Ivan 12 tuổi viết trong nhật ký ngày 2 tháng 9 của mình về việc cậu có mâu thuẫn với bà. Bà muốn Ivan tắt tivi bởi vì em đã xem quá thời gian quy định. Nhưng em đã xin phép bà xem hết tập phim và hứa sẽ tắt tivi ngay sau khi xem xong. Ivan làm đúng như lời đã hứa, và hiểu rằng em đã thực hiện được Chân.
Vào ngày 4 tháng 9, Ivan viết: “Hôm nay mình có mâu thuẫn với bà vì vụ những chiếc bánh kếp. Mình đã thực hiện được Chân bởi vì mình đã thú nhận với bà rằng mình đã ăn chiếc bánh cuối cùng.”
Cô bé 9 tuổi Kalina là em gái của Ivan. Cháu viết trong nhật ký của mình rằng: “Hôm qua, chúng mình chơi bài với anh trai. Anh đã thắng bởi vì anh chơi ăn gian, vì vậy mình đã nổi khùng lên và cất hết các lá bài đi. Sau đó mình nhận ra rằng mình đã không Thiện, vì vậy mình đã lấy bài ra và chơi một ván mới”. Bản tính Thiện và Nhẫn được đánh thức đã khiến Kalina không tính đến lỗi lầm của anh trai nữa, coi như chưa có chuyện gì xảy ra.
Cô bé 9 tuổi Emi tự ngăn mình không làm việc xấu và còn thú nhận về ý nghĩ xấu cho người khác, một điều mà ngay cả người tốt bình thường cũng chưa chắc làm được. Trong nhật ký của mình, em viết: “Hôm nay mình muốn lấy một ít tiền trong con lợn tiết kiệm của em gái. Nhưng thứ gì đó đã ngăn mình lại, mình nhận ra rằng việc này là không tốt, vì vậy mình đã không làm nữa. Sau đó mình đã thú nhận với em về ý định xấu của mình.”
Lilia 11 tuổi nói rằng đối với cháu, thực hành Thiện là dễ nhất và Nhẫn là khó nhất. Cháu chia sẻ rằng khi gặp mâu thuẫn với người khác hay khi không làm được điều như mong muốn, cháu rất khó giữ vững bản thân. Nhưng bây giờ, cháu đang cố gắng không cãi lại người khác. “Năm nay, cháu đã trở nên bao dung hơn với thầy cô và bạn bè. Cháu làm những việc mình nên làm, và cháu sẵn lòng làm bài tập về nhà mà không phàn nàn hay oán thán.” Cháu viết trong nhật ký ngày 3 tháng 10 của mình rằng: “Em gái mình không muốn chuẩn bị sách vở cho vào cặp. Mình đã chiểu theo nguyên lý Thiện và giúp đỡ em làm việc này.”
Có người thấy thật kỳ lạ, làm sao mà bọn trẻ có thể tự nhận ra mình đã không tốt và tự sửa ngay lập tức? Chúng hiểu được thế nào là đúng sai, theo Chân – Thiện – Nhẫn mà làm, chẳng phải quá tốt hay sao!
Bởi vì sách đã cải biến được tư tưởng của chúng, làm thay đổi nhân tâm.
Tuy nhiên, trẻ con cũng có thiên tính ham chơi và môi trường xung quanh dễ khiến chúng bị xao nhãng. Bởi vậy, cuốn sách quý dùng để chỉ đạo, còn cha mẹ thì phải đồng hành.
Thuở xưa, một lần Mạnh Tử bỏ học trở về nhà, mẹ Mạnh Tử đã tức giận cắt miếng vải đang dệt dở và khung cửi ngay trước mặt con. Bà răn dạy con rằng: “Đi học cũng giống như dệt vải vậy. Một miếng vải tốt được dệt bắt đầu từ từng sợi một, dệt thành một tấc rồi sau đó dần dần được một thước, cuối cùng mới được một súc vải hoàn chỉnh hữu dụng. Nếu việc học cũng như mảnh vải dệt dở chừng bị cắt như thế này thì bao công sức trước đây đều uổng phí, sẽ thành vô dụng”.
Vì vậy trẻ thực sự cần người lớn nhắc nhở việc đọc sách và ước thúc tâm tính của mình (ghi nhật ký là một cách làm rất tốt), phải kiên trì không được bỏ dở giữa chừng, nhớ học làm người trước. Làm được như vậy là đạt được cái gốc của giáo dục, coi trọng Đức, quý chuyên Tâm.
Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?