Đại Kỷ Nguyên

Đây chính là 3 ‘bước đột phá’ giúp cha mẹ hình thành những thói quen tốt cho trẻ

Thói quen là một sức mạnh ngoan cường và to lớn, nó có thể chi phối cuộc đời con người. Với trẻ em, thói quen sinh hoạt tốt đẹp sẽ mang đến thuận lợi suốt đời cho chúng. Ngược lại, thói quen sinh hoạt không tốt sẽ trở thành gông cùm và hòn đá cản đường trẻ bước vào xã hội, ứng phó với thách thức.

Để trẻ hình thành thói quen sinh hoạt tốt đẹp ngay từ tấm bé không chỉ có lợi cho sự phát triển tâm sinh lý của trẻ, mà còn giúp trẻ trở nên nổi bật trong tương lai.

Một ngày nọ, trong một phòng họp ở Paris có gần 100 người, trong đó có 75 người là chủ nhân của giải Nobel. Mọi người đang cùng thảo luận sôi nổi về điều gì đó.

Lúc ấy, một phóng viên đi về phía chủ nhân giải Nobel với mái tóc bạc phơ, bắt đầu phỏng vấn ông: “Thưa ông, ông đã học được điều mà ông cho là chủ yếu nhất ở phòng thí nghiệm nào, ở trường đại học nào?”

Nhà khoa học cao tuổi đáp: “Là ở trường mầm non”.

Phóng viên sững người, ngừng một lát rồi hỏi tiếp: “Ông học được những gì ở trường mầm non?”

Nhà khoa học kiên nhẫn đáp: “Chia một nửa số đồ của mình cho bạn, không phải đồ của mình thì không được lấy, làm sai chuyện gì thì phải xin lỗi, giúp đỡ người khác trong khả năng của mình, quan sát thật kỹ thiên nhiên và môi trường sống xung quanh mình. Xét một cách căn bản, tất cả những thứ tôi học được là những thứ này”.

Mặc dù câu trả lời của nhà khoa học có chút bất ngờ nhưng ông đã nhấn mạnh một điểm, đó là ý nghĩa quan trọng của thói quen tốt đối với cuộc đời. Vì vậy mới nói, thói quen từ thời nhỏ có thể dự đoán tương lai của một đứa trẻ.

Mặc dù câu trả lời của nhà khoa học có chút bất ngờ nhưng ông đã nhấn mạnh một điểm, đó là ý nghĩa quan trọng của thói quen tốt đối với cuộc đời. (Ảnh: wowamazing.com)

Sự hình thành thói quen phải bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ. Là người thầy đầu tiên của trẻ, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen cho trẻ. Trong bồi dưỡng thói quen, có thể thông qua những biện pháp ép buộc để thực thi, cũng có thể tiến hành một vài bài luyện tập. Nhưng rất nhiều lúc, dồn hết tâm sức rèn luyện khiến trẻ trở nên máy móc hoặc trước một đằng, sau lưng làm một kiểu. Vì thế, bồi dưỡng thói quen cần phải hình thành từ trong nội tâm đứa trẻ, để trẻ thực sự cảm thấy việc hình thành thói quen tốt là xuất phát nhu cầu của bản thân.

Trong Y học mọi người đều biết rằng khi châm cứu, nếu bác sỹ không bấm đúng huyệt mà tùy tiện châm cứu cho bệnh nhân thì không những không có được hiệu quả chữa trị tốt mà còn mang lại nỗi đau đớn lớn hơn cho người bệnh. Quá trình bồi dưỡng thói quen cũng như vậy, “bước đột phá” giống như “huyệt vị” trong châm cứu, tìm đúng bước đột phá, thói quen tốt sẽ được hình thành ở trẻ. Muốn tìm được bước đột phá thích hợp, cha mẹ cần lưu ý mấy điểm sau.

1. Hiểu con mới có thể tiến hành dạy dỗ

Chỉ có cái thích hợp mới là cái tốt nhất. Mỗi đứa trẻ đều có đặc điểm riêng, sự khác biệt của mình. Vì thế, khi tìm kiếm phương pháp bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ, cha mẹ cần suy nghĩ tới độ tuổi, môi trường, đặc điểm tâm lý, tính cách của trẻ… Như thế mới có thể tìm được phương pháp thích hợp cho trẻ.

Có trẻ không thích làm bài tập, không thích làm vệ sinh, không thích giao lưu với các bạn khác…, có nói thế nào, giáo dục thế nào cũng vô ích. Nếu cha mẹ ép buộc quá mức sẽ khiến trẻ có tâm lý chống đối. Lúc này, cha mẹ cần tìm hiểu xem trẻ thích cái gì, cần cái gì, trẻ hứng thú và phấn khích nhất với điều gì. Chỉ khi thật sự tìm hiểu thì cha mẹ mới tìm được điểm đột phá.

Tùng là một cậu bé không giữ vệ sinh. Cậu không bao giờ thích rửa tay, cha mẹ nói thế nào cũng vô ích. Một lần, Tùng vì không rửa tay trước khi ăn hoa quả mà bị tiêu chảy. Nhưng sau khi khỏi bệnh, Tùng vẫn giữ thói quen cũ mà không thay đổi.

Điều đó khiến cha mẹ cậu vô cùng lo lắng. Thông qua quan sát, cha mẹ thấy Tùng thích đọc truyện tranh. Vậy vì sao không để cậu đọc các câu chuyện liên quan đến vệ sinh nhỉ? Đây chính là “bước đột phá” rất tốt, có thể khiến Tùng vừa được đọc truyện vừa thu được kiến thức về việc giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Hiểu con mới có thể tìm được phương pháp thích hợp cho trẻ. (Ảnh: dinosauriens.info)

2. Tìm ra sở trường của con, coi đó là điểm đột phá

Trong bồi dưỡng thói quen, có người có thể hứng thú với cái này, người hứng thú với cái kia. “Điểm” hứng thú của mọi người không giống nhau, vậy nên việc tìm được bước đột phá cũng có sự khác biệt.

Minh là một học sinh trung học. Thành tích học tập của cậu không tốt, lại thích chơi điện tử. Tiền mừng tuổi hằng năm đều bị cậu dùng để chơi điện tử. Vì chuyện này, cậu còn cãi nhau với cha mẹ rất nhiều lần.

Cha mẹ đã từng nghĩ đến phương pháp cắt giảm tiền tiêu vặt, khống chế mức độ chơi điện tử của cậu. Nhưng khi thiếu tiền tiêu vặt, Minh đã ép cha mẹ phải cho cậu tiền tiêu vặt, nếu không sẽ tự sát.

Về sau, dưới sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý, cha mẹ bắt đầu cùng chơi game với Minh. Trong quá trình chơi, cha mẹ ngầm dẫn dắt Minh tìm hiểu về lập trình máy tính. Lâu dần, Minh chuyển hướng chú ý, game không còn là thứ cậu thích nhất, lập trình trở thành sở thích của cậu.

Câu chuyện ở trên cũng có thể được coi là hy hữu. Tuy nhiên, nó cũng giúp các bậc cha mẹ nhận ra rằng, trong quá trình sửa đổi thói quen xấu của trẻ và dẫn dắt trẻ có thói quen tốt thì “khơi tốt hơn chặn”. Cha mẹ cần nắm được hứng thú và sở trường của trẻ, đồng thời nỗ lực bồi dưỡng về mặt này. Tự nhiên trẻ sẽ chuyển hướng hứng thú, phát huy sở trường, vứt bỏ thói quen xấu vốn có, dần hình thành những thói quen tốt có lợi cho sự trưởng thành.

Trong quá trình sửa đổi thói quen xấu của trẻ và dẫn dắt trẻ có thói quen tốt thì “khơi tốt hơn chặn”. (Ảnh: gettyimages.com)

3. “Hạ mình” đối xử bình đẳng với con

Montessori là nhà giáo dục mầm non xuất sắc của phương Tây thế kỉ XX. Một lần, bà dạy bọn trẻ một tiết học liên quan đến việc vệ sinh cá nhân như phải lau mũi như thế nào. Bà làm mẫu cho bọn trẻ bằng việc sử dụng nhiều phương pháp khác nhau với khăn mùi xoa, còn hướng dẫn bọn trẻ nên làm thế nào để không gây chú ý của người khác. Bà lấy khăn mùi xoa và cố gắng lau mũi thật nhẹ.

Bọn trẻ chú ý quan sát, không ai phát ra tiếng động nào. Sau khi làm mẫu xong, bọn trẻ đều nhiệt liệt vỗ tay, rất nhiều trẻ chạy lên ôm Montessori.

Sở dĩ bọn trẻ phản ứng mãnh liệt như vậy là bởi vì tiết học này nó chạm tới điểm nhạy cảm về đời sống xã giao vô cùng có hạn của trẻ. Trẻ gặp khó khăn trong việc lau mũi mà không phát ra tiếng động gây chú ý của người xung quanh. Mỗi khi biểu hiện của trẻ không thích hợp, trẻ sẽ bị cha mẹ mắng nhưng lại không có ai dạy chúng cách làm đúng đắn.

Trong cuộc sống hằng ngày, khi bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ, một số cách làm không tôn trọng trẻ của cha mẹ đều sẽ gây ra ảnh hưởng không tốt với trẻ. Vì thế, dù cha mẹ có tìm thấy bước đột phá ở trẻ mà không tôn trọng trẻ, không đối xử bình đẳng với trẻ thì cũng vô ích.

Vì thế, trong quá trình bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ, cha mẹ không những phải tìm ra bước đột phá cho trẻ mà còn phải giấu đi ‘ý đồ’ giáo dục của mình, hãy âm thầm dẫn dắt, để trẻ nhận được sự giáo dục một cách tự nhiên. Từ đó trẻ sẽ dần dần làm theo sự dẫn dắt của cha mẹ để dần dần hình thành thói quen tốt.

Hồng Ân

Exit mobile version