Đại Kỷ Nguyên

Dạy con nên người bằng những câu chuyện bồi dưỡng thiện lương

Thích nghe kể chuyện là thiên tính, cũng là nhu cầu tinh thần của trẻ, vậy cha mẹ nên kể cho con nghe những chuyện gì?

Dường như bất cứ đứa trẻ nào cũng thích nghe kể chuyện. Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Cô bé Lọ Lem, Sói xám và cừu non, Cô bé quàng khăn đỏ… đều là những câu chuyện bọn trẻ thích nghe đến thuộc làu. Những câu chuyện sinh động, hấp dẫn đó đã theo suốt tuổi thơ vui vẻ và hạnh phúc của mỗi người.

Sở dĩ trẻ thích nghe kể chuyện vì nội dung câu chuyện khiến trẻ em cảm thấy thế giới thật phong phú, tràn đầy màu sắc. Ngôn ngữ sinh động đẹp đẽ, tình tiết hấp dẫn. Hình tượng nhân vật đặc sắc và có cá tính. Mỗi câu chuyện đều mang ý nghĩa giáo dục là ca ngợi cái tốt, phê phán cái xấu, đánh thức đức tính lương thiện trong mỗi con người.

Kể chuyện cũng là cách tốt nhất giúp trẻ xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan tốt đẹp. Bởi vì, mỗi câu chuyện đều ẩn chứa ý nghĩa giáo dục nhất định, răn dạy con người nên đối diện với khó khăn, thất bại như thế nào. Ví như, những câu chuyện kể về cái xấu cái ác sẽ răn dạy trẻ biết sai là sửa, không sa vào con đường sai lầm. Những câu chuyện kể về nhân vật anh hùng lại bồi dưỡng tính thần chính nghĩa và tinh thần trách nhiệm cho trẻ.

Kể chuyện mang lại những tác dụng chủ yếu như có thể thắt chặt tình cảm giữa cha mẹ và con cái, điều này rất có lợi cho sự trưởng thành của trẻ, giúp trẻ thêm tự tin và biết cách giao tiếp với người khác. Và thông qua nội dung phong phú của các câu chuyện, trẻ biết rằng cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, từ đó xây dựng cho trẻ ý chí kiên trì, tinh thần không khuất phục. Chẳng hạn, câu chuyện về anh hùng Mai An Tiêm trong sự tích quả dưa hấu giúp trẻ hiểu rằng khi gặp khó khăn không được nản chí, phải học cách kiên cường, tự bảo vệ bản thân qua các kỹ năng sinh tồn… Có thể nói, những phẩm chất tốt đẹp của các nhân vật trong các câu chuyện luôn có tác dụng đến trẻ, cổ vũ trẻ phấn đấu, cố gắng hơn nữa trong cuộc sống.

Kể chuyện cũng là cách tốt nhất giúp trẻ xây dựng thế giới quan và nhân sinh quan tốt đẹp… (Ảnh: sohu.com)

Thích nghe kể chuyện là thiên tính, cũng là nhu cầu tinh thần của trẻ, vậy cha mẹ nên kể cho con nghe những chuyện gì? Dưới dây, chúng tôi xin cung cấp một vài thể loại truyện kể để cha mẹ tham khảo.

Truyện lịch sử

Giáo sư Diana, giảng dạy tại khoa Lịch sử Học viện giáo dục Đại học Columbia nói: “Dân tộc không coi trọng lịch sử là dân tộc bị lãng quên, khi tỉnh dậy, họ sẽ không biết mình là ai”. Có thể thấy, lịch sử có tầm quan trọng to lớn đối với mỗi đất nước nói chung và đối với từng con người nói riêng. Hầu hết các chính trị gia, những nhân vật thành công đều có hiểu biết sâu sắc về lịch sử. Mỗi đứa trẻ lại có những sở thích khác nhau: có trẻ thích nhảy múa, có trẻ thích âm nhạc, có trẻ thích toán học, có trẻ thích thể thao… Nhưng sở thích của trẻ là gì thì cha mẹ cũng nên giúp trẻ có hiểu biết nhất định về lịch sử.

Ghi chép lịch sử là ghi chép tiến trình hát triển của thế giới khách quan. Lịch sử mang nghĩa rộng bao hàm cả lịch sử về thế giới tự nhiên và lịch sử phát triển của xã hội loài người. Khi cha mẹ kể cho con nghe những câu chuyện lịch sử, không nên giới hạn ở lịch sử một quốc gia, một giai đoạn, một dân tộc mà có thể kể cho con nghe sự thay đổi của các triều đại, sự phát triển văn minh nhân loại… Thông qua những câu chuyện kể của cha mẹ trẻ em sẽ biết sống hòa hợp tôn trọng và bảo vệ những gì chúng đang được tận hưởng.

Truyện thành ngữ

Đất nước Việt Nam với lịch sử hàng nghìn năm xây dựng và phát triển đã để lại cho chúng ta một kho tàng văn hóa dân gian khổng lồ, trong đó có thành ngữ. Phía sau mỗi thành ngữ là một câu chuyện thú vị. Những câu thành ngữ được lưu truyền từ đời này sang đời khác, là kết tinh văn hóa của dân tộc, là một phần lịch sử đất nước. Học các câu chuyện thành ngữ cũng là để hiểu biết thêm về lịch sử, tích lũy vốn ngôn ngữ, kiến thức. Vì thế, cha mẹ nên tìm hiểu và kể thêm nhiều các câu chuyện về thành ngữ cho con nghe.

Học các câu chuyện thành ngữ cũng là để hiểu biết thêm về lịch sử, tích lũy vốn ngôn ngữ, kiến thức. (Ảnh minh họa: phunuvagiadinh)

Truyện về lễ nghĩa, ứng xử

Hiểu và biết thực hành lễ nghĩa là tố chất cần có trong quá trình sống, học tập, làm việc và giao tiếp xã hội. Vì thế, kể cho con những câu chuyện về lễ nghĩa sẽ là một cách tốt để dạy trẻ biết các phép tắc, lễ nghi. Ngoài những câu chuyện kinh điển, cha mẹ có thể kể cho con nghe những câu chuyện đạo đức trong cuộc sống hàng ngày, những hành động nên làm ở nơi công cộng để giúp con hình thành và nuôi dưỡng thói quen ứng xử lịch sự.

Truyện kể về các danh nhân

Nhà văn người Anh là Henry Fielding từng nói: “Tấm gương ghi dấu trong trái tim trẻ nhanh và mãnh liệt hơn giáo dục”. Vì thế, cha mẹ có thể dùng một vài câu chuyện về danh nhân để làm tấm gương cổ vũ cho trẻ.

Những câu chuyện kể về danh nhân đều rất giàu tính nhân văn, thể loại truyện này vì thế có thể làm tăng kiến thức cho trẻ, đồng thời cũng có ý nghĩa giáo dục vô cùng tích cực với trẻ.

Những câu chuyện danh nhân giúp mở mang và làm phong phú vốn hiểu biết về văn hóa truyền thống của trẻ nhỏ. Những câu chuyện danh nhân nước ngoài còn giúp trẻ hiểu biết thêm về văn hóa Á – Âu, có thêm hiểu biết về các phương diện văn hóa, giáo dục, xã hội… của các quốc gia, từ đó bồi dưỡng tố chất về đa văn hóa cho trẻ.

Trong quá trình hình thành nhân cách, trẻ được nuôi dưỡng phát triển những tố chất nào thì sẽ ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của chúng sau này. Vì thế, cha mẹ cần đặt nền tảng thật tốt cho con ngay từ bây giờ. Đọc sách, kể chuyện cho con nghe cũng là một phương tiện để đạt được điều đó.

Tâm Bình

Exit mobile version