Là bậc quân vương tài năng lại vô cùng chăm chỉ, hàng ngày đều tự tay xử lý 300-400 bản tấu trình, nhưng Hoàng đế Khang Hy vẫn dành thời gian để dạy dỗ các hoàng tử của mình. Vậy ông đã dạy con như thế nào?
Một giáo sĩ Tây phương từng làm việc bên cạnh Khang Hy đã kể lại rằng:
“Hoàng đế là người tầm thước, hiền từ, chín chắn, cử chỉ đoan trang. Ông có vẻ bề ngoài uy nghiêm bất kể nhìn từ phương diện nào… Ông là người (…) hiểu biết rất nhiều lĩnh vực khoa học, hàng ngày đều dốc sức tìm tòi nghiên cứu, lại phải giải quyết công việc trong nước, vì thế buổi sáng và buổi tối ông đều định ra một thời gian nhất định để học tập”.
Là bậc quân vương tài năng lại vô cùng chăm chỉ, hàng ngày đều tự tay xử lý 300-400 bản tấu trình, nhưng Hoàng đế Khang Hy vẫn dành thời gian để dạy dỗ các hoàng tử của mình. Vậy ông đã dạy con như thế nào?
Học tập là nghiêm túc, ngay cả hoàng tử cũng không được an nhàn
Một học giả nổi tiếng người Pháp tên là Joachim Bouvet từng đến Trung Hoa để truyền giáo đã kể lại rằng, Hoàng đế Khang Hy đặc biệt chán ghét cuộc sống lười biếng và nhàn rỗi, do đó ông luôn lấy hoàn cảnh khó khăn gian khổ để tôi luyện bản thân cũng như tôi luyện cho các hoàng tử và hoàng tôn.
Trong cung điện nhà Thanh, nơi học tập của con cháu hoàng tộc được gọi là “Thượng thư phòng”. Dưới thời Hoàng đế Khang Hy, Thượng thư phòng được gọi là “Vô Dật Trai”, nghĩa là phòng học không có sự an dật. Khi bước vào đây, các hoàng tử, hoàng tôn sẽ không thể chơi đùa, cũng không thể mong cầu được an nhàn hay thoải mái.
Để đến được lớp học, mỗi ngày các hoàng tử đều phải đi bộ từ 3-4 dặm, sau khi tan học lại phải đi bộ để trở về tư phòng. Cứ như thế, cho dù mùa đông lạnh giá thì mỗi ngày đều phải đi bộ gần chục dặm đường, hơn phân nửa các hoàng tử hoàng tôn đều phải tuân theo quy củ này.
Vào mùa hè thời tiết nóng nực, các hoàng tử trong lớp học không được phép dùng quạt, chúng phải chịu đựng cái nóng trong khi vẫn ngồi thẳng lưng ngay ngắn. Buổi sáng là thời gian học các kinh điển và luyện thư pháp, yêu cầu mỗi chữ phải viết ít nhất 100 lần.
Đến buổi chiều, các hoàng tử sẽ ra sân để luyện các kỹ năng như võ thuật, cưỡi ngựa và bắn cung. Các học trò đi trước, lần lượt từng người, từng người một bắn tên vào mục tiêu, sau đó tới lượt thầy dạy và cuối cùng là hoàng đế. Thông thường, việc học tập bắt đầu từ 3 giờ sáng và sau thời gian nghỉ trưa là tiếp tục tới 7 giờ chiều, liên tục như vậy trong suốt cả mùa hè và mùa đông.
Học thuộc sách, phải đọc thuộc 120 lần
Mỗi ngày, các hoàng tử phải dậy rất sớm và ngồi vào bàn học từ 3 đến 5 giờ sáng để ôn lại bài học của ngày hôm trước. Thậm chí, hoàng thái tử khi ấy mới 13 tuổi nhưng đã phải dậy sớm hơn để chuẩn bị bài học. Từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, thầy dạy Mãn văn là Đạt Cáp Tháp và thầy dạy Hán văn là Phó Thang Bân sẽ tới Vô Dật Trai để cùng kiểm tra bài tập về nhà của các hoàng tử. Sau lễ quy bái, các hoàng tử phải ghi nhớ bài học, đọc to bài và yêu cầu là phải chính xác đến từng chữ. Sau đó, thầy dạy mới tiếp tục giảng các kinh thư mới.
Hoàng đế Khang Hy thường dành hai tiếng, từ 7 giờ đến 9 giờ sáng, để đích thân tới kiểm tra việc học tập của con trẻ. Ông sẽ chọn ngẫu nhiên một đoạn kinh thư và yêu cầu một hoàng tử phải đọc thuộc lòng. Hoàng đế Khang Hy nói: “Khi còn trẻ, ta có thể đọc to một cuốn sách 120 lần và sau đó là đọc thuộc lòng nó 120 lần”. Một đại thần hỏi: “Liệu đọc thuộc 100 lần có khả dĩ không ạ?”. Khang Hy trả lời rằng nhất định phải đọc thuộc đúng 120 lần thì mới đạt yêu cầu. Trước khi trở về hoàng cung để giải quyết việc chính sự, ông cũng không quên nhắn nhủ các lão sư: “Các khanh không nên biểu dương con trẻ mà hãy phê bình chúng nhiều hơn nữa, có như vậy chúng mới không tỏ ra kiêu ngạo”.
Học tập, quan trọng nhất là ở tu thân, dưỡng đức
Không chỉ quan tâm đến việc bồi dưỡng trí tuệ và rèn luyện tài năng cho con trẻ, Hoàng đế Khang Hy còn đặc biệt chú ý đến việc tu thân dưỡng đức của thế hệ sau. Ông đã để lại cuốn “Khang Hy gia huấn”, trong đó viết:
“Phàm là đối nhân xử thế thì nên biết khoan dung tha thứ. Thấy người có chuyện vui thì nên cảm thấy vui vẻ; thấy người có việc buồn thì nên cảm thông. Những điều này đều có lợi cho mình. Nếu ghen tức với thành công của người khác, vui vẻ trên thất bại của họ thì có ý nghĩa gì? Ấy là tự ôm những suy nghĩ xấu xa vô ích. Cổ ngữ có câu: ‘Nhìn sự thành của người như sự thành của mình; xem mất mát của người như mất mát của bản thân’. Nếu biết giữ lòng như thế, ắt sẽ được Trời giúp đỡ”.
Cổ ngữ có câu: “Thiên đạo vô thân, thường vu thiện nhân” (Lẽ trời thường đứng về phía người lương thiện). Bởi luôn dạy con tu thân dưỡng đức, nên các thế hệ sau này của Khang Hy đại đế luôn là những bậc minh quân hiền đức. Từ con trai của ông là Ung Chính cho đến cháu trai là Càn Long, đều là những bậc hoàng đế kiệt xuất trong lịch sử, tạo nên thời thái bình thịnh trị mà người ta vẫn gọi là “Khang-Càn thịnh thế”.
Tâm Minh