Hoàng đế Khang Hy cả đời cẩn trọng. Cho dù là tu thân, tề gia, trị quốc hay bình thiên hạ, ông đều vô cùng nghiêm túc, làm việc tận lực tận tâm.
Trong 60 năm trị vì, Hoàng đế Khang Hy đã đạt nhiều thành tựu và được cả thế giới ngưỡng mộ. Ngài không chỉ trân trọng sự nghiệp hiện tại, mà còn hy vọng sẽ truyền lại kinh nghiệm của mình cho hậu thế.
Hoàng đế Khang Hy từng nói: “Trẫm thường nghĩ đến trọng trách mà tổ tiên giao cho nên luôn giáo dục các hoàng tử cẩn thận, chưa từng dám khinh suất. Trời còn chưa sáng trẫm đã đích thân kiểm tra đốc thúc việc học tập, từ Đông Cung Thái tử cho đến các hoàng tử khác, theo thứ tự lần lượt lên điện đọc lại Kinh Thư. Khi mặt trời xuống núi còn lệnh cho hài tử học chữ, học bắn cung đến tận đêm khuya. Bắt đầu từ ngày xuân sang cho đến ngày đông tàn, năm này qua năm nọ, trẫm chưa có một ngày thảnh thơi, lười biếng”.
Nói đến phương pháp giáo dục con cái của Khang Hy, một nhà truyền giáo Dòng Tên là Joachim Bouvet đã kể lại những điều bản thân mắt thấy tai nghe cho đức vua Louis XIV của Pháp. Được biết, vua Louis XIV đã gửi khoảng 50 nhà truyền giáo đến Trung Hoa trong thời Khang Hy trị vì, trong đó Joachim Bouvet là một trong hai người có ảnh hưởng lớn nhất tới hoàng đế. Joachim Bouvet từng viết về mối quan hệ của Khang Hy và các hoàng tử như sau: Hoàng Thượng của Trung Quốc dùng tình yêu thương của một người cha để giáo dục con cái, khiến người người kính phục. Ngài đặc biệt chú ý đến việc giáo dục đạo đức cho các vị hoàng tử, lựa chọn cách huấn luyện phù hợp với thân phận của họ. Những bài học ấy bao gồm kinh sử, thi văn, thư họa, âm nhạc, kỷ hà (hình học), thiên văn, kỵ xạ, bơi lội, hỏa khí…
Hoàng đế Khang Hy vô cùng nghiêm khắc đốc thúc và huấn luyện con cháu học tập. Đa số họ đều văn võ song toàn, đặc biệt là hai vị hoàng đế kiệt xuất kế vị ngài. Một là Ung Chính – người có công lao hiển hách, kiến thức hơn người, hai là Càn Long – một vị hoàng đế nho nhã, đặc biệt tài giỏi, được mệnh danh là “thập toàn hoàng đế”. Thời Khang Hy thịnh thế chính là cơ sở kiến lập và ổn định triều đại Mãn Thanh trong hơn 200 năm. Tất cả những điều ấy là nhờ vào việc tu dưỡng đạo đức và cuốn Đình Huấn Cách Ngôn mà Hoàng đế Khang Hy để lại. Đây là quyển sách chịu ảnh hưởng từ các bản di chúc đáng quý của hoàng thất.
Dưới đây là một phần trong những lời dạy con mà Hoàng đế Khang Hy để lại:
1. Lúc rảnh rỗi, hãy nói nhiều hơn về hành động và lời nói tốt đẹp của người xưa. Ta thường dạy các con làm người phải có thiện chí, sau khi các con về nhà, cũng cần nói cho vợ con biết, vợ con của các con cũng sẽ vui vẻ lắng nghe lời khuyên hành thiện. Việc thiện tốt đẹp nhất trên đời này chính là khuyên nhủ người khác cùng nhau hành thiện.
2. Hiện nay kẻ nhàn rỗi phẩm hạnh không đoan chính và hoạn quan quen thói trách mắng người khác, hơn nữa động một chút là thề độc. Nhưng lời thề độc cũng giống hệt như đang mắng người, đều là dùng miệng nói ra. Chúng ta thân ở địa vị trên cao, tuyệt đối không thể làm như vậy. Cho dù người bên cạnh có sai sót, việc nhỏ thì trách vấn, việc lớn thì dùng roi đánh phạt, tại sao phải nhục mạ người khác đến mức không chịu được? Những lời nhục mạ bẩn thỉu chà đạp người khác khi nói ra rất nhẹ nhàng, nhưng sẽ khiến cho phẩm hạnh của chúng ta tổn thất lớn. Các con nhất định phải nhớ rõ không được làm như vậy.
3. Ta tuyệt đối không lừa gạt người khác. Ngay cả những thợ thủ công cũng có kỹ thuật bí mật của riêng mình tuyệt đối không thể nói cho người khác biết. Nhưng nếu như ta hỏi họ, họ chắc chắn sẽ nói rõ sự thật cho ta biết, họ đã nói cho ta biết thì ta nhất định phải giữ bảo vệ bí mật cho họ, không được nói cho bất kỳ ai.
Theo Secretchina
Khải Phong biên dịch