Câu chuyện gặp nạn hy hữu của đội bóng nhí Thái Lan gây xôn xao dư luận gần đây không chỉ cho thấy tinh thần tự lập và hết sức bình tĩnh của các em nhỏ, mà còn khiến mỗi bậc cha mẹ chúng ta thức tỉnh về tầm quan trọng của việc dạy kỹ năng sống cho con.
Không thể nào diễn tả hết cảm giác hạnh phúc vỡ òa của cả nước Thái Lan hay những người quan tâm trên toàn thế giới khi được tin cả đội bóng đều còn sống sau 10 ngày mất tích. Tất cả gồm 12 em nhỏ độ tuổi từ 11 đến 16 cùng huấn luyện viên 25 tuổi của mình đều đứng túm tụm trong hang Tham Luang Nang Non, trên một vách đá nhỏ bị nước vây quanh.
Ai nấy cũng thắc mắc pha lẫn cảm phục trước tinh thần của đội bóng nhí này. Bởi trong điều kiện tối tăm mịt mù như vậy, nước ngập đầy hang, không thức ăn, không ánh sáng, môi trường lạnh lẽo, ẩm ướt với không ít côn trùng, bùn lầy, hang động sâu thăm thẳm và quanh co phức tạp đến như vậy, hy vọng được cứu sống dường như rất mong manh. Hay nói đúng hơn là tình huống ấy nghe giống như các câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm mà ta từng được xem, quả thật đáng sợ so với tâm trí non nớt của những đứa trẻ. Vậy mà, cả đội bóng vẫn sát cánh bên nhau, tinh thần ổn định không hoảng loạn, sức khỏe bình thường, còn có thể vui vẻ cười đùa với đội cứu hộ thì quả là một kỳ tích không nhỏ.
Nếu trong nguy cấp mà không có kỹ năng sống thì các em sẽ dễ rơi vào hoảng loạn, lặn ngụp tìm lối ra, hoặc uống nước trong hang, hoặc gào khóc. Mỗi em sẽ đi mỗi nơi tìm lối thoát riêng, rồi lạc nhau vì hang quá tối và chắc chắn không thể sống sót cho tới ngày được tìm thấy. Nhưng sự kỳ diệu này cho thấy các em đã đoàn kết và xử trí rất tốt mọi tình huống lúc khó khăn hoạn nạn, giống như việc cùng nhau hỗ trợ đồng lòng trên sân cỏ. Và hơn hết, điều ấy chứng tỏ các em đã tôi luyện kỹ năng sống, đó chính là ý chí vượt lên nghịch cảnh, quyết không đầu hàng số phận – điều mà không phải bất cứ em nhỏ nào cũng làm được.
Tuy nhiên, việc thiếu trang bị cho mình kỹ năng bơi lội cũng là một thiếu sót của đội bóng. Chỗ khuyết thiếu kỹ năng sống này khiến các em gặp khó khăn khi muốn quay trở ra ngoài cho đến khi học được kỹ năng ấy từ các chuyên gia cứu hộ. Từ câu chuyện trên có thể thấy việc dạy kỹ năng sống cho trẻ là vô cùng cần thiết.
Ngẫm lại câu chuyện tại Việt Nam cách đây 4 năm vào 19/12/2014, có 12 công nhân bị mắc kẹt sau sự cố sập hầm thủy điện Đa Dâng – Đa Chôm, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Sau 4 ngày bị mắt kẹt và được cứu sống thì nhiều người đã bị kiệt sức. Trong khi đó những câu chuyện sống sót hy hữu ở nước ngoài của các cô bé cậu bé chưa đầy 10 tuổi lại khiến chúng ta phải nhìn lại.
Chẳng hạn vụ việc cậu bé Yamato Tanooka 7 tuổi, đã thoát chết sau 6 ngày mất tích trong khu rừng đầy gấu tại Nhật Bản vào năm 2016 mà không có tổn thương nào. Hay bé gái 7 tuổi Sailor Gutzler là nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay gia đình thảm khốc hồi đầu tháng 1/2015 ở Kentucky, Mỹ, khi cả bố mẹ và anh chị đều tử nạn, dù rất hoảng loạn nhưng Gutzler tự mình chui ra khỏi đống đổ nát của chiếc máy bay đang bốc cháy và đi bộ khoảng 1,6 km đường rừng, lội sông mặc mưa quất rát mặt để tìm đến nhà dân cầu cứu. Vào năm 2009, cậu bé Grayson Wynne 9 tuổi từ bang Utah, Mỹ đã an toàn toàn sau khi bị lạc trong vườn quốc gia Ashley 18 giờ. Grayson đã vận dụng kỹ năng sinh tồn học từ chương trình truyền hình nổi tiếng “Man vs Wild” để sống sót.
Và hàng loạt các câu chuyện tương tự khác khiến chúng ta cần nhìn lại sự quan trọng trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ em tại Việt Nam so với các nước khác. Ở các nước tiên tiến, chương trình học của trẻ có những bài ngoại khóa hướng dẫn kỹ năng sống tùy từng lứa tuổi. Cha mẹ các em cũng có ý thức dạy kỹ năng sống cho con từ rất sớm. Đó là những kỹ năng cơ bản như sử dụng các vật dụng nguy hiểm trong gia đình (như dao, kéo, kim, ổ điện), cách phòng tránh tai nạn trong nhà, cách gọi cấp cứu, cách vượt qua hiểm nguy (ví dụ kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn, ngập lụt, động đất…), cách bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại…
Bao bọc con quá mức, không dạy con kỹ năng sống, không dám cho con tự trải nghiệm, đó là điểm chung của nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam. Họ thà chở con đi đi về về hàng ngày chứ không dám cho con tự đi xe đến trường, cũng không dạy con cách tham gia giao thông an toàn. Họ thà nấu cơm cho con ăn cả đời chứ không dạy con cách vào bếp. Họ thà cấm đoán con giao du với bạn, chứ không dám để cho con tự lựa chọn bạn bè, cũng không dạy con cách nhìn người, cách chọn bạn mà chơi… Lẽ ra, họ phải là người hiểu hơn ai hết, rằng tai họa, bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào, rằng không ai có thể bao bọc con cả đời, rằng không dạy con kỹ năng sống, để con ngơ ngác khi ra đời mới thật là thiếu sáng suốt.
Bạn biết rằng Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng với những đứa trẻ tự lập từ khi còn rất nhỏ, bởi ngay từ bé chúng phải học cách đối mặt với thiên tai và thảm họa tự nhiên bất ngờ.
Ví dụ như bạn có thể dễ dàng bắt gặp cảnh tượng những đứa trẻ tại Nhật đi tàu điện ngầm một mình hay đi xe bus. Chúng đi tất đến đầu gối, giày da đánh bóng, mặc đồng phục với những chiếc mũ rộng vành. Đa phần các em chỉ mới 6 hoặc 7 tuổi và đang trên đường về nhà hoặc tới trường. Không có ngoại lệ nào, kể cả công chúa Nhật Bản cũng được gia đình hoàng gia của mình rèn tính tự lập từ nhỏ, nhưng dưới sự giám sát của những vệ sỹ riêng.
Ở trường học, các em phải tự lấy thức ăn và dọn dẹp sạch sẽ, thay vì trông chờ vào nhân viên căng tin. Mỗi tuần, các lớp sẽ luân phiên nhau dọn nhà vệ sinh trong trường. Điều này sẽ giúp chúng học được cách xoay sở khi gặp những vấn đề khó khăn.
Nếu việc nhỏ như vậy mà trẻ không tự mình làm được, chúng sẽ không thể làm được những việc to tát hơn, người Nhật nghĩ như vậy đấy.
Không chỉ với động đất, trẻ em còn được tham gia diễn tập khi có hỏa hoạn. Thông thường các vụ động đất hay kèm theo hỏa hoạn và sóng thần nên lũ trẻ sẽ được học cách sử dụng dụng cụ cứu hỏa hay cứu hộ cần thiết. Đi kèm với đó, các em được dạy cách phải giữ bình tĩnh hết mức khi bản thân gặp nạn.
Người Nhật còn lồng ghép rất nhiều bài học sinh tồn cho trẻ thông qua hoạt động dã ngoại. Vừa vui, vừa bổ ích, trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh, lại được áp dụng thực tiễn các kỹ năng đã học.
Các em phải tự mình dựng trại, nhóm lửa, có thể bơi và câu cá dưới sự kiểm soát của giáo viên. Hoặc nếu chẳng may bị lạc, các em sẽ biết đâu là nấm độc để tránh, côn trùng nào cắn gây hại để tự sơ cứu ban đầu.
Bố mẹ luôn cố bảo vệ và che chở con bằng mọi cách. Nhưng cách tốt nhất để trẻ sống và vượt qua hiểm nguy chính là trang bị cho con những kỹ năng “sống sót” quan trọng trong đời.
Nhã Thanh