Cùng một món ăn, cùng một tình huống, nhưng mỗi người khác nhau lại có cách hành xử khác nhau, kết quả nhận được cũng hoàn toàn cách biệt. Điều đó cũng phản ánh như thế nào là một người có giáo dưỡng?
Bữa ăn ngon miệng với ‘món bánh phở’
Hồi Thái Khang Vĩnh còn bé, có một lần, mẹ dẫn cậu đi đến một gia đình giàu có chơi. Đến bữa ăn cơm, bà chủ nhà lấy những món ăn cao lương mỹ vị có trong nhà như bào ngư vi cá mang ra khoản đãi mọi người. Lúc ấy, Thái Khang Vĩnh đang còn nhỏ, lần đầu tiên được ăn món vi cá cho nên rất ngạc nhiên hỏi mẹ: “Đây là món gì vậy mẹ, ăn thật ngon?”.
Bà chủ nhà nghe vậy cười cười trả lời: “Đây là bánh phở”, nói rồi bà còn tự lấy thêm một chén nữa cho Thái Khang Vĩnh và nói: “Ăn ngon như vậy thì ăn nhiều thêm chút nhé!”.
Sau này, khi Thái Khang Vĩnh nổi tiếng, được rất nhiều người mời dùng cơm. Ông phát hiện, mỗi bữa cơm được mời mà có dùng nguyên liệu quý hiếm nấu ăn, thì chủ nhân bữa cơm đó thường giới thiệu cặn kẽ với ông. Ví như: “Đây là thịt bò Kobe, loại bò này mỗi ngày đều được chăm sóc đặc biệt, được người massage, được nghe âm nhạc, thật hiếm có, mỗi cân phải tốn mấy ngàn đô ấy”.
Cuối cùng ông nhận thấy rằng: “Sự khác biệt giữa người có tiền mà có giáo dưỡng với người giàu sang mà không có tư chất chính là: Người có giáo dưỡng lấy đồ ngon ra chiêu đãi người, là phát từ nội tâm mong muốn khách ăn được ngon miệng, muốn khách được cao hứng, vui vẻ. Còn người không có giáo dưỡng, họ chỉ muốn người khác nhận nhân tình của họ mà thôi, không thực lòng đãi người”.
Có giáo dưỡng hay không, chính là nhìn xem họ có để ý cảm nhận của người khác hay không, có suy nghĩ thay người khác hay không.
‘Tên của tôi không quan trọng’ – Sự khác biệt giữa 2 vị giáo sư
Nhớ có một lần nghe thính giảng, người đến nghe giảng không nhiều lắm, đến cuối buổi là phần hỏi đáp. Có một sinh viên đặt xong câu hỏi, vị giảng viên hỏi sinh viên đó tên là gì. Sinh viên này giới thiệu tên của mình nhưng vị giảng viên kia nghe không rõ nên hỏi lại thêm lần nữa. Sinh viên kia liền nói: “Không sao, sẽ không mấy ai để ý đâu, tên của tôi không quan trọng”. Vị giảng viên kia chỉ cười gượng một cái, cũng không hề hỏi lại, mà tiếp tục trả lời các câu hỏi. Buổi thính giảng kết thúc với không mấy ấn tượng.
Lại một vị giáo sư khác của đại học Oxford đến đại học Bắc Đại thính giảng, cũng đến phần hỏi đáp cuối buổi. Một sinh viên nêu câu hỏi xong, giáo sư hỏi sinh viên tên gọi là gì, sinh viên nói lên tên của mình nhưng vị giáo sư kia không nghe rõ, nên hỏi lại lần nữa. Sinh viên bèn nói: “Không sao, tên tôi không quan trọng, sẽ không ai chú ý đâu”.
Vị giáo sư nghiêm túc nhìn người sinh viên nọ rồi nói: “Nhưng tôi để ý, với tôi nó rất quan trọng”.
Khoảnh khắc vị giáo sư nói xong câu đó, dưới hội trường đột nhiên nổi lên từng đợt vỗ tay vang dội như sấm, tất cả mọi người đều nhìn vị giáo sư bằng ánh mắt mến phục. Sau đó người sinh viên kia từng chữ từng chữ đánh vần tên của mình một cách rõ ràng cho giáo sư nghe. Vị giáo sư trả lời câu hỏi xong lại gọi đúng tên người sinh viên kia làm cho anh vô cùng cảm động.
Tình huống xảy ra là giống nhau, nhưng mỗi người lại có cách xử sự khác nhau, dẫn đến hiệu quả cũng khác nhau.
Người biết tôn trọng người khác, sẽ biết suy nghĩ vì người khác, hơn nữa hành xử cũng hết sức nhân văn.
Như thế cũng hiểu vì sao khóa giảng của vị giảng viên thứ nhất không mấy người đến nghe, và cũng có thể hiểu được nguyên nhân vị giáo sư kia trở thành giáo sư của đại học Oxford.
Từ nhỏ mẹ có ảnh hưởng tới tôi rất sâu sắc
Tôi còn nhớ rõ một lần sắp ăn cơm, có một người ăn xin đi vào nhà chúng tôi. Mẹ vào nhà lấy một ít tiền ra cho, nhưng người ăn xin lại không cần tiền, mà mắt cứ nhìn lên bàn cơm của chúng tôi rồi nuốt nước miếng. Lúc này mẹ mới hiểu ra rồi bảo người ăn xin ngồi xuống ghế, ý bảo người này cùng ngồi ăn chung với chúng tôi. Nhưng người ăn xin không chịu ngồi bởi vì e sợ áo quần bẩn thỉu của mình sẽ dây bẩn ghế của nhà chúng tôi. Mẹ lại an ủi người ấy rằng không sao cả, ghế có bẩn thì lau đi là được. Nhưng người ăn xin vẫn khăng khăng không chịu ngồi, không còn cách nào khác, mẹ đành phải cho cơm và thức ăn vào một cái tô lớn rồi đưa cho người ăn xin, người ấy nhận lấy tô cơm, ngồi xổm ở một góc hiên rồi ăn nuốt ngấu nghiến.
Mẹ nhìn vậy không nỡ nên mang một cái ghế nhỏ đến, lại còn lấy một tờ giấy lót lên trên rồi bảo người ăn xin ngồi ghế. Người ăn xin nhận lấy ghế, lúc nhận lấy ghế, tôi rõ ràng nhìn thấy hai hàng nước mắt từ trên gương mặt bẩn thỉu của người ấy thi nhau chảy xuống. Người ăn xin vừa ăn vừa khóc, nước mắt đều rơi xuống trong bát cơm. Người ăn xin nói mình là người ở Hà Nam, từ Hà Nam đến Hồ Nam đã đi hơn nửa năm. Thường ngày đi nhà người khác xin ăn đều bị người ta xua đuổi, càng đừng nói đến được mời ăn cơm và lại còn được tôn trọng như vậy, là chưa từng được gặp qua. Điều này làm cho ông chợt nhớ đến nhà mình, cho nên nhất thời không nhịn được, mới khóc lên như thế.
Thừa dịp lúc người ăn xin ăn cơm, mẹ tôi cầm số tiền lúc nãy lén bỏ vào trong túi của ông ấy. Trước khi rời đi, người ăn xin tặng cho tôi một cái trống lắc còn rất mới. Cho đến nay tôi vẫn còn không hiểu vì sao người ăn xin lại luôn mang cái trống lắc đó bên người. Cái trống lắc ấy đã làm bạn cùng tôi suốt cả thời ấu thơ.
Bởi vì mẹ biết tôn trọng người khác, cho nên luôn đặt mình ở vị trí của người khác mà suy nghĩ. Bởi vậy mẹ đều được mọi người hàng xóm láng giềng xung quanh tôn kính, nếu mọi người có mâu thuẫn với nhau cũng tới nhờ mẹ tôi phân giải, mà mẹ cũng sẽ thực tâm hết sức hòa giải.
Mẹ thường giáo dục chúng tôi rằng:
Đi đến nhà người khác, nếu chủ nhà không mời mọc thì không được tự ý đi vào phòng ngủ của họ, không nên tự tiện ngồi lên giường của người khác.
Ngưới khác mượn dao kéo, thì không được chỉ mũi dao vào người khác.
Ăn cơm thì không nên chỉ chọn ăn món mình thích, khi đóng cửa mà phía sau còn có người đi đến thì phải nhớ vịn cửa.
Mẹ nói những việc này chủ yếu là giáo dục chúng tôi phải biết tôn trọng người khác, biết đặt mình vào vị trí đối phương mà suy nghĩ. Mà những câu răn dạy này có ảnh hưởng vô cùng lớn đến cuộc đời của tôi.
***
Bạch Cư Dị đã từng nói một câu rất có đạo lý đối nhân xử thế rằng “Dĩ tâm độ tâm, dĩ thân quan thân”. Bản thân mình muốn được người khác tôn trọng, thì trước hết chính mình cần hiểu coi trọng người khác. Người có giáo dưỡng, thường là người biết tôn trọng người khác, là người biết để ý đến cảm nhận của người khác. Đây cũng là điều chúng ta thường hay nói lấy người làm gốc, cái gì cũng vì người khác mà suy nghĩ.
Người có giáo dưỡng sẽ thật tâm đối đãi với mỗi người, dụng tâm mà xử lý mọi chuyện, lấy đức thu phục lòng người, sẽ được người khác tôn trọng.
Người có giáo dưỡng sẽ kiên quyết giữ gìn sự giáo dưỡng, thời thời khắc khắc đều nhắc nhở chính mình duy trì thành thói quen, cũng như chùm chìa khóa không thể bỏ quên, cũng như những chậu hoa mỗi ngày đều phải tưới nước. Sự giáo dưỡng cũng giống như hơi thở thường ngày, cũng như việc giơ tay nhấc chân tự nhiên vậy.
Theo Cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch