Đại Kỷ Nguyên

Để con tự quyết định

Cho con cơ hội trưởng thành từ việc lựa đồ trong siêu thị (ảnh: Shutterstock).

Nếu cha mẹ thường xuyên trao cho con cơ hội tự quyết định cũng như để con được lựa chọn, con sẽ biết chịu trách nhiệm, học được kỹ năng giải quyết vấn đề, trưởng thành, sáng tạo và tự tin hơn. 

Quan điểm của bố mẹ Bill Gates là không giới hạn sự độc lập của con ngay từ khi còn nhỏ. Họ để con được quyết định những gì mình muốn. Thậm chí khi Bill Gates quyết định bỏ học tại ngôi trường danh giá bậc nhất Harvard, bố mẹ ông vẫn tôn trọng quyết định của con trai. Bố ông đã chia sẻ :”Tôi không thể định đoạt cuộc đời của con trai tôi được. Bill có những ý tưởng riêng về cách đạt được mục tiêu cá nhân và biết được mình đang làm gì”.

Trong khi đó, phần lớn phụ huynh cho rằng chỉ mình mới biết đâu là điều tốt đẹp nhất cho con. Họ không tin tưởng ở con và vô tình tước đi quyền lựa chọn của trẻ – cũng chính là kỹ năng quan trọng cho sự phát triển và thành công của chúng trong tương lai.

Tước đoạt quyền tự lựa chọn của trẻ diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, đó có thể đơn giản chỉ là không cho con cơ hội chọn món ăn yêu thích mà chỉ ăn những gì bố mẹ nấu, không để con tự chọn quần áo khi đến trường vì sợ rằng con không mặc đủ ấm…

Thực tế, khi trẻ đưa ra một lựa chọn tốt, chúng có thể đạt được sự hài lòng và thỏa mãn lớn nhất vì đã tự quyết định. Ngược lại, đối mặt với một kết quả tồi, chúng có thể đau khổ vì điều đó, nhưng không sao, vì đổi lại là bài học kinh nghiệm và khả năng đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.

Hãy trao cho con quyền được lựa chọn mà không phải cố tình ép con làm theo ý mình. Tất nhiên, con có lúc sai lúc đúng, cha mẹ chỉ cần ở bên cạnh, đồng cảm và sẻ chia. Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ chú ý những điều sau đây:

Nhường quyền quyết định cho con

Trẻ em không nên được bao bọc tới mức xa rời trách nhiệm và thực tế.

Vì nghĩ rằng con chưa đủ kỹ năng, kinh nghiệm nên không ít ba mẹ quyết định luôn mọi việc cho nhanh. Tuy nhiên, nếu ba mẹ muốn con trở thành một người hiểu biết, có trách nhiệm, biết tự đưa ra quyết định thì nên kiên nhẫn cho con thực hành việc này càng sớm càng tốt. 

Cha mẹ có thể bắt đầu để con quyết định một số việc nhỏ, như khi đi chợ hoặc siêu thị mua đồ ăn, trao cho con quyền lên thực đơn, lựa chọn nguyên liệu nấu nướng. Nếu đi du lịch, hãy để trẻ tham khảo danh sách khách sạn và đề xuất ý kiến chủ quan, quyết định chọn quà lưu niệm mà mình thích sao cho phù hợp với túi tiền.

Ảnh: Shutterstock.

Tạo thói quen tự quyết cho trẻ

Khi chia sẻ về bí quyết dạy 3 con thành công, mẹ của Elon Musk đã nói: “Tôi dạy chúng về sự vất vả của lao động và tôi luôn để chúng làm theo sở thích của mình”. Có lẽ chính quan điểm nhất quán này đã tạo cho các con của bà nhiều cơ hội trải nghiệm và trưởng thành nhất có thể, hay nói cách khác, quá trình lớn lên của bọn trẻ đã trở thành một quá trình liên tục tự quyết.

Thực ra, mỗi lần phải quyết định, kể cả những việc dường như nhỏ bé, trẻ đều học cách nhìn nhận và phân tích vấn đề, dần dần thói quen tạo ra kỹ năng quyết định chín chắn và tự tin.

Mặt khác, trong quá trình ra quyết định, trẻ sẽ học được sự cân bằng giữa khuôn phép và tự do. Ví dụ, cha mẹ quy định trẻ cần để quần áo cần giặt vào chậu và phải tự mặc quần áo vào buổi sáng, trong khi cho con thoải mái chọn món ăn và chủ động ăn trong giờ ăn. Một cách nữa tạo sự tự do trong khuôn khổ là bạn có thể để các vật dụng cho phép như hoa quả, quần áo, sách vở… ở chỗ thấp để trẻ có thể tự lấy chúng khi cần thiết.

Để trẻ lắng nghe bản thân

Cha mẹ cho phép con suy nghĩ về bản thân mình nhiều hơn thì chúng sẽ trở nên độc lập hơn.

Theo Emily Green, một chuyên gia tại trung tâm hỗ trợ trẻ em và gia đình ở Atlanta, các bậc phụ huynh có thể sử dụng các từ gợi ý “có vẻ như” và “dường như” để chúng nhận ra những gì bản thân mong đợi.

Sau khi đã giúp con hiểu được bản thân mình muốn gì, thì hãy cho con biết lúc này chúng cần phải tự quyết định hành động. Hãy để cho trẻ một khoảng thời gian có thể là 5 đến 10 phút để quyết định xem nên hay không nên thực hiện điều mình đang muốn. 

Phát triển nhận thức về cảm xúc có thể tạo cho trẻ sự bình tĩnh, từ đó dễ lựa chọn hơn. Ví dụ, bạn hãy để con quyết định xem sẽ tưới cây, lau nhà trước hay làm bài tập về nhà trước trong các công việc cần làm và hỏi xem tại sao con chọn như vậy, con cảm thấy thế nào với lựa chọn của mình.

Khi đã phát triển kỹ năng lắng nghe bản thân, con sẽ có khả năng bình tĩnh lắng nghe suy nghĩ và mong muốn của người khác.

Để trẻ trưởng thành trong những lần mắc sai lầm

Không phải tất cả quyết định con đưa ra đều có kết quả tốt, tuy nhiên để con trải nghiệm sai lầm con mới rút ra được bài học cho bản thân.

Ví dụ, nếu con quyết định chọn đôi giày đi học yêu thích đến công viên lầy lội và chẳng may bị hỏng, chúng sẽ nhớ hậu quả để lần sau đưa ra quyết định khác hợp lý hơn.

Ngoài ra, bạn cũng nên thể hiện sự đồng cảm với con, cùng con tìm cách vượt qua sự khó chịu đó, chẳng hạn như viết suy nghĩ ra một mảnh giấy, vo tròn thành một quả bóng và ném nó vào thùng rác.

Thấy được tầm quan trọng trong gia đình

Mỗi người đều muốn cảm nhận mình có vai trò quan trọng trong gia đình. Cha mẹ hãy trao cho con vai trò đó qua việc để con quyết định những việc đơn giản, ví dụ lựa chọn thực đơn hay lựa chọn địa điểm đi chơi cuối tuần.

Khi nhận ra tiếng nói của mình, trẻ có thể cảm thấy sự quan trọng đi cùng trách nhiệm của bản thân.

Ảnh: Pixabay.

Việc để con tự quyết định cũng khác nhau theo độ tuổi và sự trưởng thành của chúng. Sẽ rất nguy hiểm khi cho trẻ em còn nhỏ hoàn toàn tùy tiện trong việc ra quyết định. Nhưng bạn luôn có thể bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Trẻ em cần phải học rằng không phải tất cả các quyết định đều có kết quả tốt, điều quan trọng là bài học rút ra từ thất bại để lựa chọn sáng suốt hơn vào lần tới.

Khi bắt đầu dạy con tính tự lập hay tự ra quyết định, cả bố và mẹ đều phải có sự thống nhất trong cách dạy con. Bởi vì nếu trẻ biết được một trong 2 người có xu hướng nuông chiều, trong trẻ vẫn sẽ có sự ỷ lại vào người đó. Ví dụ như bố nghiêm khắc, nhưng mẹ lại hiền dịu nuông chiều, điều này khiến trẻ sợ bố và dựa dẫm vào mẹ.

Yêu thương con không còn chỉ là bảo vệ, mà là bảo vệ đúng mực và cho trẻ khoảng trời tự do để tự hình thành năng lực bản thân, có như vậy con mới đủ bản lĩnh vượt qua những khó khăn của cuộc sống sau này.

Video xem thêm: Chúng tôi cất tiếng nói cho những người không thể nói

Exit mobile version