Ngày nay, các bậc cha mẹ thường trăn trở, không biết phải dạy con thế nào và bắt đầu từ đâu cho đúng. Họ cũng lo rằng những tệ nạn và hiện tượng xấu ngoài xã hội có thể ảnh hưởng không tốt đến sự trưởng thành của con trẻ…

Đồng cảm với nỗi băn khoăn trăn trở đó, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả những bài học dạy con quý giá của người xưa thông qua tác phẩm: ‘Đệ tử quy’ do Lý Dục Tú thời vua Khang Hy soạn thảo. Đây là cuốn sách cơ bản nhất về đạo lý đối nhân xử thế: dạy con biết hiếu kính với cha mẹ, dạy anh em phải biết thương yêu nhau, dạy cách ứng xử cho mọi người – đặc biệt là trẻ nhỏ, để có được cuộc sống và mối liên hệ tốt đẹp nhất trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Nguyên văn:

Phụ mẫu giáo, tu kính thính.

Phụ mẫu trách, tu thuận thừa.

Giải thích:

Cha mẹ dạy chúng ta về cách đối nhân xử thế, đó là để tốt cho chúng ta, vì vậy phải biết lắng nghe. Khi làm sai, cha mẹ phê bình phải biết khiêm tốn nhận lỗi, không được ngoan cố cãi lời để cha mẹ phải tức giận, tổn thương.

Thông điệp hữu ích dành cho phụ huynh

Trong xã hội hiện nay, phần lớn các gia đình đều sinh ít con, trẻ em trở thành trung tâm của vũ trụ, là nơi tập trung mọi sự yêu thương trong gia đình, từ ông bà nội ngoại đến cha mẹ. Thế là, mỗi khi chúng mắc lỗi, nếu có ai phê bình, lập tức sẽ bị những người còn lại phản đối, và đương nhiên việc dạy dỗ con cũng không thể đạt kết quả như mong muốn.

Thời cổ đại có một nguyên tắc sống: “Dù có phải hy sinh tính mạng, con cái cũng phải tuyệt đối trung thành, nghe lời cha mẹ”. Đương nhiên, nguyên tắc này không còn phù hợp với cách giáo dục của gia đình hiện đại, nhưng người xưa cũng để lại cho chúng ta rất nhiều bài học hay về phương pháp và tư tưởng giáo dục trẻ mà đến ngày nay vẫn hoàn toàn phù hợp.

Trẻ em trong gia đình hiện đại có rất nhiều điểm mạnh, ngoài học tập, chúng còn dám theo đuổi và làm những điều mình thích; chúng dám góp ý với cha mẹ mỗi khi cha mẹ không đúng, chúng có chủ kiến của riêng mình… Nhưng phần lớn trong số chúng lại là những đứa trẻ thiếu tôn kính đối với cha mẹ, thường bỏ ngoài tai những lời góp ý đúng đắn của cha mẹ, thậm chí còn coi thường đến mức kiếm cớ bỏ đi nơi khác.

Vậy thì, cha mẹ phải góp ý như thế nào con cái mới chịu tiếp thu?

Thông điệp hữu ích dành cho phụ huynh
Bạn sẽ góp ý với con cái như thể nào để chúng có thể tiếp thu ý kiến của mình và làm theo? (Ảnh: Pinterest.com)

Nên chọn cách khen trước chê sau

Những người trưởng thành như chúng ta thường có một tâm lý như sau: khi bị người khác phê bình, dù là mình có sai thật, thì vẫn cảm thấy khó chấp nhận. Sở dĩ có hiện tượng tâm lý này là vì rất nhiều người cho rằng bị phê bình là một điều đáng xấu hổ, và họ cảm thấy bị mất mặt.

Trẻ em cũng như vậy, chúng thậm chí còn mẫn cảm, tự tôn hơn cả người lớn. Vì vậy, cứ hễ bị phê bình, đặc biệt là sự phê bình nghiêm khắc của cha mẹ, là một bộ phận trong số chúng sẽ có những phản ứng thái quá. Chúng sẽ chọn cách không nói gì, “lì mặt” ra để phản đối cha mẹ, hoặc sẽ trốn học, bỏ nhà đi. Do vậy, mỗi khi con cái phạm lỗi, cha mẹ cần phải có cách phê bình hợp lý. Có thể chọn cách khen trước chê sau, như vậy con sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn, và cũng sẽ không khiến chúng cảm thấy bị xúc phạm, mất sĩ diện.

Khi gặp tình huống bắt buộc phải góp ý về lỗi của con mắc phải, nếu chúng ta cũng chọn cách khen trước chê sau thì con cái nghe xong sẽ thấy mình được tôn trọng nên đương nhiên chúng sẽ lắng nghe và thay đổi. Cách này hiệu quả hơn nhiều so với việc nói thẳng ra khuyết điểm của chúng.

Nên chọn cách khen trước chê sau
Khi con mắc lỗi, đừng vội chỉ trích mà hãy khen con trước rồi mới góp ý với con, đảm bảo chúng sẽ lắng nghe, tiếp thu và thay đổi. (Ảnh: mymdnow.com)

Trước khi phê bình con, cha mẹ bắt buộc phải đặt mình vào vị trí của con để suy nghĩ

Trước khi phê bình con, cha mẹ bắt buộc phải đặt mình vào vị trí của con để suy nghĩ, không thể cứ thích nói gì thì nói, thậm chí dùng những từ ngữ xúc phạm con. Cha mẹ nhất định phải kiềm chế, chọn từ ngữ dễ nghe, có sức thuyết phục. Đặc biệt chú ý không được chì chiết về nhân cách của con, chỉ nói về hành động cụ thể mà con sai, như thế có thể tránh việc làm tổn thương lòng tự trọng của con.

Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống, có nhiều vị phụ huynh vẫn thiếu sự kiềm chế, vẫn mỉa mai, chì chiết, không phân tích đúng sai, lời nói không thấu tình đạt lý, đây là một sai lầm lớn.

Phê bình bằng cách xúc phạm con thực sự sẽ gây phản tác dụng. Cách phê bình đúng đắn là luôn tách bạch lỗi sai cụ thể và nhân cách, nên chỉ rõ việc gì chưa được, chứ không phải là do nhân cách hay con người chưa tốt. Phê bình bằng cách xúc phạm chính là đã đánh đồng lỗi sai với nhân cách. Nhiều lúc, chỉ cần một câu thôi nhưng thấu tình đạt lý đã khiến người ta tiếp thu ngay. Nhưng nếu có nói cả ngàn lời mà có thêm từ ngữ xúc phạm sẽ làm cho người bị phê bình không thể chấp nhận được. Và như vậy, việc dạy dỗ con sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn.

Hồng Ân