Ngày nay, các bậc cha mẹ thường trăn trở, không biết phải dạy con thế nào và bắt đầu từ đâu cho đúng. Họ cũng lo rằng những tệ nạn và hiện tượng xấu ngoài xã hội có thể ảnh hưởng không tốt đến sự trưởng thành của con trẻ…
Đồng cảm với nỗi băn khoăn trăn trở đó, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả những bài học dạy con quý giá của người xưa thông qua tác phẩm: ‘Đệ tử quy’ do Lý Dục Tú thời vua Khang Hy soạn thảo. Đây là cuốn sách cơ bản nhất về đạo lý đối nhân xử thế: dạy con biết hiếu kính với cha mẹ, dạy anh em phải biết thương yêu nhau, dạy cách ứng xử cho mọi người – đặc biệt là trẻ nhỏ, để có được cuộc sống và mối liên hệ tốt đẹp nhất trong gia đình cũng như ngoài xã hội.
***
Nguyên văn:
Đông tắc ôn, hạ tắc sảnh.
Thần tắc tỉnh, hôn tắc định.
Giải thích:
Khi phụng dưỡng cha mẹ, cần phải học theo Hoàng Hương thời Đông Hán trong sách ‘Nhị thập tứ hiếu’: Để giúp cha mẹ ngủ ngon, trước khi cha mẹ lên giường đi ngủ, mùa hè cần làm mát giường chiếu, mùa đông cần hơ ấm chăn đệm. Buổi sáng khi ngủ dậy phải đến thỉnh an cha mẹ, buổi chiều khi về đến nhà phải đến chào cha mẹ.
Thông điệp hữu ích dành cho phụ huynh
Với người xưa, phận làm con phải có trách nhiệm phục tùng, hiếu thuận với cha mẹ. Phận làm con phải luôn quan tâm chăm sóc cha mẹ, bất kể là mùa đông giá rét hay mùa hè nóng nực đều phải quan tâm đến miếng ăn, giấc ngủ của cha mẹ. Trước khi đi ra ngoài hay sau khi về nhà đều phải đến chào hỏi cha mẹ để cha mẹ yên tâm.
Ngày nay, cùng với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, mức sống không ngừng được nâng cao, việc để cha mẹ không bị nóng không bị lạnh chẳng khó khăn gì, việc chào hỏi cha mẹ sớm tối cũng vậy. Thế nhưng, có nhiều đứa trẻ do quen sống trong sự cưng chiều, nên đã không biết quan tâm đến cha mẹ nữa. Chúng chỉ biết đòi hỏi, bắt cha mẹ phục vụ mình, mà không hề nghĩ đến việc đền đáp công ơn, thậm chí khi trưởng thành rồi cũng không biết cách để quan tâm, chăm sóc cha mẹ mình. Sở dĩ có tình trạng này, không hoàn toàn là lỗi của con cái, một phần cũng là do cha mẹ đã không dạy bảo chúng.
Vậy thì, làm thế nào để con cái biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc cha mẹ mình?
Dạy con có thái độ đúng đắn với cha mẹ
Trong xã hội ngày nay, do phần lớn mỗi gia đình chỉ có ít con, cha mẹ dù đã chăm sóc con cái rất cẩn thận, tỉ mỉ nhưng họ vẫn luôn lo như vậy là chưa đủ. Thế nên, có rất nhiều việc con có thể tự làm, nhưng cha mẹ không cho chúng động tay vào. Điều ấy khiến trẻ dần dần có thói quen lười biếng, chỉ chờ người khác phục vụ và chúng nghĩ việc cha mẹ chăm sóc mình là hiển nhiên.
Những đứa trẻ này, khi trưởng thành sẽ không bao giờ biết để ý đến cảm nhận, tâm trạng của cha mẹ, và chắc chắn sẽ không biết thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm đối với cha mẹ mình. Thậm chí, do lúc nhỏ được quá cưng chiều nên chúng còn không thể tự lo liệu cho cuộc sống của mình. Vì vậy, khi con còn nhỏ, chúng ta cần chỉ bảo cho chúng những kiến thức cần thiết trong cuộc sống, dạy chúng biết quan tâm, yêu thương cha mẹ mình, để chúng sớm hình thành thái độ đúng đắn đối với người đã sinh ra mình.
Vậy như thế nào mới được coi là có thái độ đúng đắn với cha mẹ?
Phận làm con phải có lòng biết ơn và lễ phép với cha mẹ
Dạy trẻ biết ơn và lễ phép với cha mẹ là một phần quan trọng của giáo dục gia đình. Khi con vừa biết nói cha mẹ phải dạy con cách chào hỏi, phải dạy con biết nói năng lễ phép khi cần nhờ ai đó và phải biết cảm ơn chân thành khi nhận được sự giúp đỡ của người khác. Một đứa trẻ lễ phép và biết ơn cha mẹ, khi bước ra xã hội cũng sẽ hành xử đúng mực và chắc chắn chúng sẽ được mọi người yêu quý.
Cha mẹ phải làm gương cho con
Người xưa có câu rằng: “muốn dạy được con cái thì cha mẹ phải làm gương”. Trên thực tế khi dạy trẻ, việc “làm gương” quan trọng và hiệu quả hơn “lời nói suông”. Muốn dạy con biết yêu thương, không thể chỉ dùng lời nói giảng giải, mà cha mẹ còn phải luôn thể hiện sự yêu thương, quan tâm của mình với mọi người trong gia đình.
Chúng ta phải hiếu kính với chính cha mẹ mình, từ đó cho con thấy cha mẹ cũng rất cần tình yêu, sự quan tâm của con cái. Chúng ta cũng nên để con được cùng mình thăm hỏi, chăm sóc ông bà, cho con tự cảm nhận sự ấm áp của một gia đình hòa thuận yêu thương.
Cậu bé Mạnh đang học lớp 3, bình thường cậu hay giúp cha mẹ làm những việc phù hợp với tuổi mình. Cuối tuần, cậu bé đều được về thăm ông bà nội, và khi sinh nhật ông, cậu đã dùng tiền tiết kiệm của mình mua tặng ông một cái kính lão. Mọi người đều khen Mạnh hiếu thảo.
Thực ra khi còn học mẫu giáo, Mạnh vẫn chưa hiểu thế nào là tình yêu thương, chưa biết thể hiện sự quan tâm ra sao, cậu được như hôm nay hoàn toàn là do công lao của cha cậu.
Cha mẹ bé Mạnh do quá bận công việc ở cơ quan, nên đã giao cậu bé cho bác giúp việc chăm sóc. Một lần, cha cậu đi làm về thấy cậu bé quát bác giúp việc lấy nước cho cậu uống, trong khi bác giúp việc đang bận việc khác, mà việc này cậu bé có thể tự làm được. Bác giúp việc đành bỏ dở công việc đang làm để lấy nước cho cậu uống. Thế nhưng, cậu bé lại không có bất cứ phản ứng gì, kể cả một tiếng “cảm ơn”.
Điều này đã làm cha cậu bé nhận ra rằng, cần phải dạy cậu biết quan tâm, yêu thương người trong gia đình, nếu không sẽ bất lợi cho sự phát triển của cậu. Thế là, cha cậu bé cố thu xếp công việc để dạy cậu bé tự mình làm những việc cá nhân mà cậu có thể làm được. Cha cậu còn thường xuyên đưa cậu đi thăm ông bà, tạo cơ hội cho cậu bé giúp ông bà những việc đơn giản nhẹ nhàng.
Các bậc phụ huynh hãy để con giúp đỡ ông bà, cha mẹ làm một số việc phù hợp với sức của mình. Qua đó, con có thể nắm được những kiến thức cần thiết trong cuộc sống hằng ngày. Đồng thời, còn có thể hình thành ở con thói quen yêu thương, quan tâm, chăm sóc người lớn tuổi từ nhỏ và chúng sẽ trưởng thành lên từ đó.
Hồng Ân