Đại Kỷ Nguyên

Đệ Tử Quy: Dạy con trẻ ‘thấy chưa thật, chớ nói bừa’…

Ngày nay, các bậc cha mẹ thường trăn trở, không biết phải dạy con thế nào và bắt đầu từ đâu cho đúng. Họ cũng lo rằng những tệ nạn và hiện tượng xấu ngoài xã hội có thể ảnh hưởng không tốt đến sự trưởng thành của con trẻ…

Đồng cảm với nỗi băn khoăn trăn trở đó, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả những bài học dạy con quý giá của người xưa thông qua tác phẩm: ‘Đệ tử quy’ do Lý Dục Tú thời vua Khang Hy soạn thảo. Đây là cuốn sách cơ bản nhất về đạo lý đối nhân xử thế: dạy con biết hiếu kính với cha mẹ, dạy anh em phải biết thương yêu nhau, dạy cách ứng xử cho mọi người – đặc biệt là trẻ nhỏ, để có được cuộc sống và mối liên hệ tốt đẹp nhất trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

***

Nguyên văn:

Thoại thuyết đa, bất như thiểu.
Duy kỳ thị, vật nịch xảo.       
Gian xảo ngữ, uế ô từ.
Thị tỉnh khí, thiết giới chi.    
Kiến vị chân, vật khinh ngôn.
Tri vị đích, vật khinh truyền.
Sự phi nghi, vật khinh nặc.
Cẩu khinh nặc, tiến thoái thác.

Dịch thơ:

Nếu dễ nhận, tiến lui sai.
Nói nhiều lời, không bằng ít.
Phải nói thật, chớ xảo nịnh.
Lời gian xảo, từ bẩn thỉu.
Thói tầm thường, phải trừ bỏ.
Thấy chưa thật, chớ nói bừa.
Biết chưa đúng, chớ tuyên truyền.
Việc không tốt, chớ dễ nhận.

Ở thời cổ đại, yêu cầu của cha mẹ với con cái về lời ăn tiếng nói rất nghiêm khắc. Người xưa có câu: “Từ, chỉ được phép đủ, không được thiếu cũng không được thừa”. Nghĩa là, khi dùng từ chỉ cần đủ ý của mình là được. Khổng Tử cũng đã dạy rằng: “Lời nói và hành động của quân tử phải có chừng có mực”. Tức là, có ý khuyên chúng ta không nên nói nhiều, bởi nói nhiều sẽ dễ thành nói dại.

Không chỉ có vậy, người xưa còn yêu cầu trẻ nhỏ không được nói dối hay dùng những từ ngữ thô tục, không được dễ dàng tin lời người khác, không được để những lời đồn ảnh hưởng tới mình, không được tùy tiện hứa hẹn để tránh xảy ra việc tiến thoái lưỡng nan. Ngày nay nhiều phụ huynh thường quên mất những chi tiết này, nên đôi khi cũng khá bối rối khi gặp tình huống khó xử.

Ở thời cổ đại, yêu cầu của cha mẹ với con cái về lời ăn tiếng nói rất nghiêm khắc. (Ảnh: sohu.com)

Để con có thể trở thành người thận trọng trong lời nói và hành động, cha mẹ hãy khuyên dạy con những điều sau:

1. Không được ăn nói tùy tiện

Đức Phật đã dạy rằng: “Với tất cả chúng sinh thì họa đều từ miệng mà ra, người vạ miệng sẽ phải chuốc họa lớn…”.

Trong thực tế cuộc sống, có nhiều người rất mau mồm mau miệng, đi đến đâu là mang tiếng cười đến đó nên được nhiều người quý mến. Thế nhưng, sự vô tư hồn nhiên cũng mang đến cho họ những chuyện dở khóc dở cười. Ví như, chẳng may nhắc đến những vấn đề riêng tư hay tiết lộ bí mật của người khác, thì khi đó hậu quả mà họ phải gánh chịu không chỉ là đắc tội với người ta mà có khi còn mất đi nhiều cơ hội.

Có một cậu sinh viên mới tốt nghiệp, công việc đầu tiên của cậu chỉ kéo dài trong đúng một tuần, sếp của cậu nói rằng cậu không phù hợp với công việc nên mới sa thải cậu. Nhưng, nguyên nhân thực sự lại không phải như vậy. Chàng trai này có tính cách hướng ngoại, cậu rất vui vẻ, cởi mở nên lúc đầu mọi người trong công ty rất chào đón cậu. Ngay từ ngày đầu tiên đến làm, cậu đã không chỉ nhiệt tình, chu đáo với mọi người mà còn biết rót nước pha trà mời mọi người, ai nấy đều thấy cậu rất được.

Nhưng lâu dần, nhược điểm của cậu cũng hiển lộ ra. Cậu không cần biết là người khác đang làm việc hay nghỉ ngơi, cậu đều đến làm phiền họ bằng những câu chuyện không liên quan. Cho dù, những câu chuyện tiếu lâm của cậu có thể mang lại tiếng cười thư giãn cho mọi người, nhưng công ty là nơi làm việc chứ không phải công viên hay quán trà. Vài ngày sau, dù cậu không có vấn đề gì trong công việc, nhưng nhiều người trong công ty đã đề nghị sa thải cậu, bởi vì cậu đã làm ảnh hưởng đến công việc của họ, cậu thanh niên kia bị sa thải như vậy đó.

Trong thực tế cuộc sống, người ăn nói hoạt bát, mau mồm mau miệng dễ kết giao bạn bè nhưng nếu không biết dừng lại đúng lúc thì cũng dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Vậy, cha mẹ khi dạy con cách ăn nói cần chú ý những vấn đề gì?

Dạy con phải biết khống chế bản thân

Có một số phụ huynh thường không mấy chú ý cách nói năng của mình, thích sao nói vậy, nói từ chuyện nhà ra chuyện ngõ, nhà ai có chuyện gì cũng biết. Nếu đứa trẻ sống trong môi trường như vậy trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, chúng sẽ trở thành người nói năng không cân nhắc, thận trọng.

Để con không mắc phải những lỗi này, cha mẹ nhất định phải là tấm gương tốt cho con, điều gì nên nói điều gì không nên nói phải cân nhắc cẩn thận, chỉ có như vậy mới không gây ảnh hưởng xấu tới con.

Dạy con không được nói tục chửi bậy

Ngày nay đã có nhiều cha mẹ chú ý giáo dục con về phương diện này, nhưng cũng còn nhiều phụ huynh không biết phải dạy con thế nào, phải làm sao để con không nói tục chửi bậy. Thường thì cha mẹ phải tìm được nguyên nhân con hay nói tục chửi bậy, có phải là do con cảm thấy rằng nói cho oai hay do thích thú hay vì nguyên nhân nào khác.

Sau khi đã thấu tỏ nguồn cơn thì mới tìm ra biện pháp thích hợp để giáo dục con. Nếu trẻ nói tục chửi bậy chỉ để cho oai thì hãy nói cho con rằng chỉ có người ăn nói văn minh lịch sự mới được mọi người tôn trọng. Đồng thời, cha mẹ hãy chỉ ra cho con ví dụ thực tế để con noi gương, dần dần con cũng sẽ thay đổi được thói quen nói tục chửi bậy này.

Nói cho con hiểu rằng những người nói quá nhiều sẽ không được mọi người yêu quý

Do sự hiểu biết của con còn có hạn, nên cha mẹ có thể thông qua các câu chuyện ngụ ngôn để con nhận ra việc nói nhiều sẽ gây hậu quả ra sao, hay chân lý “im lặng là vàng” nên áp dụng vào lúc nào. Cha mẹ cần cho trẻ biết lúc nào nên nói ít lúc nào nên nói nhiều, cần nói gì, nói như thế nào và vì sao phải như vậy.

Để con trẻ trở thành người biết ăn nói, cha mẹ phải kiên trì và đặt tâm rất nhiều. (Ảnh: babyparent.org)

2. Không được dễ dàng tin vào lời đồn đại

Trong cuộc sống, hiện tượng vì tin vào những lời đồn mà làm ảnh hưởng tới mối quan hệ tốt đẹp với một người nào đó không phải là chuyện hiếm. Đôi khi, chúng ta phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những tin đồn thất thiệt. Những tin đồn như thế thường càng ngày càng được thổi phồng lên và gây ra cãi vã xích mích với nhiều người.

Để tránh việc con phải chịu hậu quả của những tin đồn, ngay từ khi con còn nhỏ cha mẹ hãy dạy con kỹ năng biết phân biệt thực hư, mức độ nặng nhẹ của các tin đồn, từ đó đưa ra quyết định tin được hay không. Khi chưa suy xét kỹ càng thì không được vội vàng kết luận hay ra quyết định. Đồng thời, cha mẹ phải dạy con không được góp phần tuyên truyền những tin đồn thất thiệt ấy. Chỉ khi con người tránh xa được những chuyện thị phi thì tâm thái mới thảnh thơi, mới có mối quan hệ tốt với những người xung quanh.

3. Không được hứa suông

Khi con còn nhỏ, các bậc cha mẹ thường dạy con rằng: sống thì phải biết thương người, khi ai đó gặp khó khăn thì cần hết lòng giúp đỡ họ, đây là một phẩm chất tốt mà ai cũng cần có. Thế nhưng, mọi sự giúp đỡ phải trong khả năng của mình, nếu không thì không được hứa suông. Bởi vì, nếu con không thực hiện được con cũng trở thành người thất tín. Tuy nhiên, khi từ chối thì cũng tránh không làm tổn thương đối phương và gây khó xử cho chính mình.

Khi con còn nhỏ, thường không phân biệt được câu nào nên nói câu nào không nên nói, vì thế con thường hay bắt chước những hành vi cử chỉ của những người thân thiết nhất, gần gũi nhất đó chính là cha mẹ. Do vậy, cha mẹ hãy giúp con biết lựa chọn những lời nói lịch sự, chuẩn mực để tạo thành thói quen. Đây chính là bước đệm quan trọng hình thành nên khí chất của con trên bước đường trưởng thành.

Hồng Ân

Exit mobile version