Đại Kỷ Nguyên

ĐIỀU BỊ XEM NHẸ: Có nên trách mắng con trẻ khi có người lạ ở bên?

Giữa những bộn bề của cuộc sống vốn không bao giờ hoàn toàn như ý muốn, đôi khi ta quên mất và xem nhẹ những điều rất đỗi quan trọng. Đặt mình vào vị trí người khác, xem chừng là công việc hơi xa xỉ khi cuộc sống của bản thân ta còn đang có quá nhiều điều phải lo toan.

Nhưng đặt mình vào vị trí người khác lại chính là phẩm chất tối thiểu của một người tự tại. Là cứu cánh cho rất nhiều mối quan hệ, là tấm ba-ri-e hạn chế những phiền toái không đáng có cho người khác và cho cả chính bạn.

Chuyên mục Điều bị xem nhẹ sẽ giúp bạn có các trải nghiệm khác nhau, để thấy rằng, đặt mình vào vị trí người khác không hề khó và nó có thể hóa giải nhiều phiền toái như thế nào. Bởi “Coi người khác là bản thân mình để đối đãi thì đó chính là từ bi”, và từ bi sẽ sinh ra Phúc Thiện.

***

Dung háo hức nghĩ đến kỳ nghỉ sắp tới, chắc sẽ có một kỳ nghỉ êm đềm đây. Cô và mấy người bạn cùng thuê một chiếc xe con chạy bon bon tới thành phố Vinh êm ả, thanh bình. Nghĩ tới bầu trời xanh đổ nắng vàng óng với biển rộng bát ngát Dung cứ mơ màng mãi không thôi.

Nhưng chẳng thể ngờ được sự có mặt của mẹ con chị Hoa đã khiến chuyến dã ngoại thành một chuyến đi chẳng mấy dễ chịu…

Tình yêu của chị với con thể hiện qua những lời trách mắng liên hồi gây phiền toái cho những người xung quanh

Cái nắng hầm hập ngày hè đã hạ nhiệt khi bóng chiều tà dần buông xuống. Chiếc xe 7 chỗ màu xanh đỗ xịch ngay trước mặt Dung. “Đợi anh lâu không? Giờ mình qua đón mẹ con Hoa nhé!”. Anh Hùng bụng tròn xoe, cái mặt cũng xoe tròn, cười hồ hởi, nhanh nhẹn đỡ lấy chiếc ba lô trên vai Dung giúp cô cho vào cốp xe. Dung tròn mắt ngạc nhiên: “Cu Nam cũng đi à anh?”. “Ừ, đi cho thằng Tùng nhà anh có bạn”.

Thi thoảng Dung cũng gặp Nam, cậu bé dong dỏng cao, da ngăm đen và mái tóc xoăn tít. Nam cao gần bằng mẹ, chân tay dài ngoằng. Dung thường nửa đùa nửa thật gọi cậu bé là “thanh niên hoi”. Nam có đôi mắt to, nhưng chẳng mấy khi cậu bé nhìn thẳng vào mặt người đối diện khi nói chuyện. Đôi mắt cứ nem nép như ngại ngùng, chỉ muốn khép chặt cánh cửa tâm hồn mình lại. Nhưng lạ là Nam rất quấn quýt với Tùng, có lẽ là do hai anh em trạc tuổi nhau. Thế là hai cu cậu ngồi sau xe cứ chòng ghẹo nhau, huyên thuyên đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Lần đầu tiên Dung thấy Nam cười hồn nhiên và vui vẻ đến thế.

Con trẻ gặp bạn là lúc quên đi cái mặc cả tự ti, hãy để cho trẻ tự phát triển điều đó một cách tự nhiên chứ không phải gượng ép theo ý bố mẹ. (Ảnh: transitocordoba.com)

Nhưng lạ là cậu con trai làm gì, nói gì cũng đều bị mẹ chỉnh lại. Vừa ngả lưng lên xe, chị Hoa đã nhắc con: “Nam ơi, ngồi thẳng lưng lên con”. Nam dựng được cái lưng thẳng một lúc, lại đâu vào đấy, chân tay cậu bé loằng ngoằng như một thứ thừa thãi. Cứ một lúc chị Hoa lại quay xuống nhìn con nhắc: “Ơ, cái thằng này, bảo ngồi thẳng lên mà cứ ngả ngớn thế nhỉ? Đàn ông con trai gì mà ngồi chân cẳng khuềnh khoàng thế kia?”. Nam chớp chớp đôi mắt to như hai cái đèn pha lẳng lặng nhìn mẹ chẳng nói chẳng rằng. Đến khi bị nhắc nhiều quá, cậu lườm mẹ một cái rồi buông một câu: “Biết rồi! Nói mãi!”. Dung tròn mắt ngạc nhiên, như không tin vào tai mình khi nghe thấy câu trả lời cộc lốc không đầu không cuối của Nam. Nhưng chị Hoa lại chẳng có phản ứng gì, như thể những lời này quá quen tai.

Dung ngồi kế bên cũng thấy ngại thay cho Nam. Dẫu đúng hay sai thì bị mắng mỏ ngay trước mặt chẳng phải là một cảm giác gì dễ chịu cho lắm. Dung chỉ cười cười nói chữa: “Thôi kệ nó chị ạ, thanh niên đang tuổi mới lớn nên chân tay thừa thãi ý mà”. Cô chỉ mong chị Hoa có thể yên lòng vì cậu con để không gian chật hẹp trên xe có những phút giây thanh bình.

Nhưng dường như không một cử chỉ nhỏ nào của cậu con trai lọt khỏi mắt chị Hoa. Cứ một lúc chị lại nhắc con một lần, không chuyện này thì chuyện khác. Thành ra người nghe chị trách móc không chỉ có mình cậu con trai của chị, mà còn có thêm 4 người khác trên xe. Phải đến khi hai mẹ con chị chìm sâu vào giấc ngủ Dung mới được an giấc.

Mãi tới khi thấm mệt ngủ gục xuống thì cuộc giao tiếp giữa mẹ và con mới dừng lại.  (Ảnh: Safe Ride 4 Kids)

Suốt chặng đường về gần chục tiếng đồng hồ chuyện tương tự cũng lặp lại. Lúc này Dung mới thủ thỉ với chị Hoa: “Chị chăm con như chăm trứng ý nhỉ? Nam đang tuổi dậy thì, tuổi này thường hay tự ái lắm, tâm lý chống đối cũng rất mạnh nữa. Cứ khuyên giải hợp tình hợp lý thì mấy đứa nó còn chịu khó lắng nghe chị ạ. Chứ mình nói nặng hay mắng các bạn ấy trước mặt người khác là các bạn ấy lại tỏ ra cứng đầu, khó bảo hơn đấy”. “Ừ, tuổi này khó bảo lắm em ạ!”, chị Hoa thở dài đồng tình. “Nhà người ta có bố còn đỡ, nhà mình chỉ có mỗi hai mẹ con, nó cũng có sợ chị đâu”. “Thế ạ?” Dung cũng không tiện hỏi sâu vào câu chuyện buồn trong gia đình chị.

Dung liếc mắt qua nhìn Nam đang vui vẻ chòng ghẹo anh Tùng. Cô thầm nghĩ: “Thảo nào Nam thường có ánh mắt sợ hãi và đầy tâm sự như vậy”. Dung thấy thật tội nghiệp cậu bé. Nam vừa không có được hơi ấm của cha, lại chẳng được nghe những lời khích lệ từ mẹ. Thay vào đó tình yêu của mẹ lại thể hiện bằng sự quan tâm thái quá, tới mức ngột ngạt khi muốn nhất cử nhất động của con đều phải làm theo ý mình. Những lời trách mắng liên hồi của chị còn vô tình gây phiền toái cho cả những người xung quanh.

Chỉ một chuyến xe ngắn ngủi mấy tiếng mà đã gợi cho chúng ta những điều mà bản thân các bậc cha mẹ không nhận ra. (Ảnh: KOCU)

Dung còn nhớ mình đã từng đọc được một câu chuyện về người mẹ Nhật dạy con khi cô bé mè nheo trên xe buýt

Cô bé nhõng nhẽo đòi mẹ mua cho một nàng búp bê xinh xắn nhưng không được toại nguyện. Người mẹ bảo: “Ở nhà con đã có một tủ các bạn búp bê tuyệt đẹp rồi cơ mà!”. Nhưng cô bé không chịu, người mẹ kéo tay mãi cô bé mới dứt ra khỏi sạp hàng đồ chơi. Cô bé phụng phịu theo mẹ bước lên xe buýt. Vừa lên tới nơi cô bé đã bắt đầu thút thít và quấy khóc. Người mẹ Nhật nhỏ nhẹ dỗ dành, nhắc nhở nhưng cô bé vẫn mếu máo “làm già”.

Không muốn ảnh hưởng tới mọi người trên xe buýt, người mẹ Nhật dẫn cô bé xuống ngay bến tiếp theo. Đến khi chỉ còn hai mẹ con cô mới nghiêm khắc trách mắng cô bé. Cô bé biết rằng mình đã sai nên ngừng khóc. Thi thoảng chỉ nghe thấy tiếng sụt sùi nhè nhẹ. Đến khi ấy người mẹ Nhật mới cùng con đón chuyến xe khác trở về nhà.

Có thể thấy người Nhật rất thấu hiểu tâm lý trẻ nhỏ. Họ không trách mắng con ở nơi đông người vì không muốn làm tổn thương tới lòng tự tôn của trẻ. Chính cách làm này cũng giúp trẻ không nảy sinh tâm lý chống đối, bướng bỉnh. Điều này còn thể hiện phép lịch sự khi biết tôn trọng không gian và cảm giác của người Nhật khi ở chốn đông người. “Giá như chị Hoa cũng hiểu được điều đó thì có lẽ chuyến đi sẽ dễ chịu hơn nhiều”, Dung thầm nghĩ.

Người Nhật không trách mắng con ở nơi đông người vì không muốn làm tổn thương tới lòng tự tôn của trẻ. (Ảnh: sohu.com)

Cô bạn mắng con khiến Dung cũng chẳng thể thư giãn sau một ngày mệt nhọc

Một lần nọ Dung có việc ghé qua nhà cô bạn ngủ nhờ một đêm để sáng hôm sau kịp lo công chuyện. Suốt cả ngày trời Dung tất tả lo thu xếp công việc cho buổi lễ kỷ niệm vào ngày mai. Mãi tới tận khi trời tối mịt Dung mới đặt chân về đến nhà cô bạn. Dung thả chiếc ba lô xuống nền nhà và ngước nhìn lên tường thì đồng hồ đã điểm 10h đêm. Ấy vậy mà giờ này cô bạn vẫn còn ở trong nhà tắm, dội nước ào ào. Dung thầm nghĩ, chắc cô ấy bận lắm nên ở nhà cả buổi tối mà giờ này mới tắm được.

Dung uể oải lê bước chân mệt mỏi vào trong phòng ngồi đợi và chơi đùa với bé Chúc. Cô bé cao đến ngực Dung, người mũm mĩm, trên má có hai má lúm đồng tiền, trông rất duyên dáng và đáng yêu.

Đợi cô bạn tắm xong, Dung mới tranh thủ vào xối nước tắm qua loa cho tỉnh người. Xong xuôi đâu đấy, Dung ngoảnh nhìn đồng hồ thì cũng đã 10 giờ 35 phút. Cô bạn đang cắm cúi đọc sách dưới ánh đèn vàng đục. Bé Chúc dường như quen thức khuya cùng mẹ, cứ chơi vẩn vơ một mình với chiếc khăn voan tim tím. Khi thì cô bé đóng giả làm người mẫu, sải bước tự tin trình diễn trên sàn catwalk, lúc lại làm nàng công chúa e lệ ngắm mình trong gương. Dung bận rộn từ sáng đến tối nên cũng thấm mệt. Cô lim dim ngả lưng trên giường. Dung định bụng sẽ nhắm mắt nghỉ ngơi một lát, đợi tiếng chuông báo thức điểm đúng 11h cô mới trở dậy hoàn tất một vài việc vặt. Cô bạn Dung cũng biết khá rõ lịch trình này.

Dung vừa thiu thiu ngủ thì loáng thoáng nghe thấy tiếng cô bạn nhắc con đến vài ba lần: “Chúc ơi, giắt màn đi ngủ đi con!”, rồi cô lại cắm cúi vào trang sách chẳng rời mắt. Nhưng cô bé mải chơi, cứ lần lữa không muốn động chân, động tay. Đang mơ mơ màng màng bỗng Dung giật bắn cả người khi nghe tiếng cô bạn quát con: “Chúc! mẹ bảo con giắt màn đi cơ mà! Sao cứ để mẹ phải nhắc mãi thế nhỉ?”. Cô bé đang nằm chơi trên đệm giật nảy cả người, vùng dậy như tên bắn, vội vàng mở tủ lấy màn móc vào bốn góc giường. Chiếc màn trắng tinh được căng gọn gàng xong xuôi, cô bé mới phụng phịu úp mặt vào chiếc gối, hai chân duỗi thẳng đuột nằm im thin thít.

Cô bạn mắng con khiến Dung cũng chẳng thể nằm im. Dung lồm cồm bò dậy làm nốt vài việc vặt. Dung cũng thấy khá ái ngại khi bất đắc dĩ phải chứng kiến cảnh cô bé bị mẹ mắng. Bản thân cô cũng chẳng thể thư giãn sau một ngày dài mệt nhọc. Dung thầm nghĩ: “Hay cô bạn mình nghĩ là hai người thân thiết quá rồi nên không cần phải giữ ý giữ tứ gì nữa nhỉ? Thôi kệ!”. Xong việc, Dung quay sang nhìn cô bạn thì cô ấy vẫn đang miệt mài bên trang sách chẳng nỡ rời. Dung cũng không tiện làm phiền, bèn lặng lẽ quay trở lại chiếc giường. Cô vừa ngả lưng đã nhanh chóng chìm sâu vào giấc ngủ.

Thật chẳng dễ chịu gì khi phải chứng kiến cảnh một người mắng mỏ một người khác trước mặt mình. Thiết nghĩ, dẫu là con trẻ thì ai cũng có lòng tự trọng của riêng mình. Trẻ nhỏ thì đương nhiên cần uốn nắn kịp thời, nhưng nếu hiểu tâm lý và có thể nhẫn nại hơn một chút cha mẹ sẽ không làm con phải bẽ mặt trước người khác. Người ngoài cuộc cũng không phải lúng túng, ái ngại với những gì mình không muốn nhìn thấy, không muốn nghe thấy. Nếu các mẹ đều đủ tinh tế và khéo léo như bà mẹ Nhật kia luôn biết nghĩ tới cảm xúc của mọi người xung quanh thì cuộc sống sẽ tuyệt vời hơn biết bao!

Đỗ Quyên

Exit mobile version