Làm cha mẹ quả thật là một “nghề” khó. Có lúc dạy con hoặc sửa chữa lỗi sai cho con, chúng ta cảm thấy không thể không sử dụng đòn roi. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng có một cách dạy con không đòn roi mà lại dễ áp dụng, vừa giúp cha mẹ bình tĩnh vừa khiến con cái vui vẻ sửa sai. Đó là phương pháp dạy con kiểu sandwich, hay còn gọi là phê phán tích cực.
Bác sĩ tâm lý trẻ em, tiến sĩ Daniel Amen, chia sẻ rằng có nhiều bậc cha mẹ phê phán con của họ một cách rất thô lỗ, trong khi một số cha mẹ khác thì ngược lại, họ sợ nói gay gắt với con. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Amen, để tạo ra tác động tích cực và hiệu quả tới con, cha mẹ cần nhớ 2 yếu tố này: kiên định và yêu thương.
Điều đó có nghĩa là trong tâm trí cha mẹ cần xác định một cách dứt khoát và chi tiết về những điều gì mình không mong muốn ở con, nhưng khi thể hiện với con thì lời lẽ cũng như thái độ đều mang theo sắc thái của tình yêu, lòng tốt và sự quan tâm. Nó cũng giống như một chiếc bánh sandwich vậy. Bạn muốn khen hay chê gì thì đừng đưa thẳng “cái nhân bánh” đó cho con mà nên gói ghém trong hai “lớp vỏ bánh” mềm mại, ngọt ngào.
Lớp vỏ bánh thứ nhất: Khen ngợi
Trước hết, hãy bắt đầu bằng điều tích cực nào đó ở trẻ để không khí cuộc trò chuyện lắng dịu xuống. Khen con càng cụ thể càng tốt.
Nếu khen chung chung theo kiểu “con là một đứa trẻ ngoan” thì sẽ không có tác dụng. Tốt nhất là cha mẹ nhớ lại một việc có ích mà con đã làm cho người khác. Ví dụ con đã lau nhà cho mẹ, hay dọn đồ chơi cùng em…
Nhân bánh: Đưa ý kiến và nhận phản hồi
Ngay khi nhận ra con đang lắng nghe mình, cha mẹ có thể chuyển sang nói về hành động sai của con. Lời khuyên ở đây vẫn là càng chi tiết càng tốt. Nếu nói những điều chung chung cứng nhắc như “Mẹ không thích hành động này của con” hoặc “Con đừng bao giờ làm như vậy nữa” thì sẽ thất bại. Bởi lời lẽ đó vừa không giúp giải thích con sai ở đâu mà lại giống như chiếc chổi thô lỗ, xua con ra khỏi cuộc trò chuyện.
Chúng ta có xu hướng mắng con ngay khi thấy con sai và chỉ ra con phải thế nào mới đúng, nhưng sự thực là không nên làm như vậy. Thay vào đó, cha mẹ và con giống như một đội, cùng nhau bàn bạc, cùng nhau tìm ra giải pháp cho vấn đề, và các thành viên trong đội thì cần nói chuyện một cách tôn trọng, công bằng với nhau. Ví dụ cha mẹ có thể ngồi xuống bằng vai với con, rồi hỏi con: “Tại sao con làm như vậy? Chúng ta sẽ cùng giải quyết vấn đề nhé“.
Sau khi xong phần chính là đưa ra ý kiến của mình, cha mẹ hãy cố gắng nhận phản hồi từ con. Điều quan trọng là lắng nghe xem con tiếp nhận ý kiến của mình thế nào. Hỏi con có hiểu những điều cha mẹ nói không, con có đồng ý không, con có gì để thêm không. Con muốn tranh luận cũng không sao. Cha mẹ phải giữ giọng nói bình tĩnh, lắng nghe và đừng ngắt lời chúng trong suốt giai đoạn này. Hãy nhớ đây là một cuộc thảo luận giữa các thành viên trong nhóm với nhau.
Lớp vỏ bánh thứ hai: Thể hiện tình yêu không đổi dành cho con
Điểm chốt lại là phần kết thúc “có hậu”. Làm sao để trẻ cảm nhận được rằng dù chúng có sai thế nào đi nữa chúng vẫn được chấp nhận, được cha mẹ yêu thương. Bởi nếu trẻ nghĩ rằng mình đã làm cha mẹ thất vọng, mình không được yêu nữa thì cảm giác tội lỗi sẽ đeo đuổi chúng, thậm chí có thể khiến chúng tiếp tục cư xử tồi tệ cùng thái độ phản kháng.
Hãy kết thúc cuộc nói chuyện bằng vòng tay ấm áp và lời khẳng định rằng bạn yêu chúng nhiều như thế nào.
Chúng ta đều biết rằng không có ai hoàn hảo, vì thế không có đứa trẻ nào hoàn hảo cả. Cha mẹ không cần đặt tiêu chuẩn khắt khe cho con, càng không nên bỏ mặc con trong sai lầm. Nếu biết cách dùng thứ nguyên liệu kiên định và yêu thương, ta sẽ trao cho con chiếc bánh sandwich “dinh dưỡng” và “ngon lành”, giúp con trở thành phiên bản tốt nhất của chính con.
Theo Bright Side
Đan Tâm biên dịch
Video xem thêm: Thông minh là thiên phú, nhưng thiện lương lại là sự lựa chọn