Mấy hôm trước có anh bạn tới nhà chơi, thấy bộ dạng mệt mỏi hỏi ra mới biết đang bực mình vụ con cái, kêu con cái ngày càng không nghe lời, thật là phí công uổng sức. Sau một hồi tìm hiểu chi tiết mọi chuyện mới vỡ lẽ…
Anh ấy vì muốn con cái có thành tích học tập tốt, sau này ra ngoài kiếm được công ăn việc làm ổn định nên đã tốn bao nhiêu tiền nhờ người chạy chọt, chuyển cho con vào một ngôi trường có danh tiếng. Ở nhà cũng thiết kế cho cậu con trai một không gian học tập riêng, không chỉ vậy, anh ấy còn sưu tầm hẳn một kho sách quý về cho con học.
Bao nhiêu tâm huyết bỏ ra như vậy, ai ngờ thành tích học tập của con lại chẳng đâu vào đâu, đã thế lại hay tụ tập bạn bè chơi bời đánh nhau bị nhà trường mời lên nói chuyện. Mọi chuyện khiến cho anh ấy vô cùng tức giận.
Muốn con cái trở lên tốt thì việc đầu tiên là thay đổi chính mình
Tôi hỏi anh ấy, bình thường hàng ngày có kèm cặp con học không? Anh ấy đáp: “Không, chỉ để chúng tự học”.
Tìm hiểu thêm nữa mới biết anh ấy vì công việc làm ăn nên cũng hay đưa bạn bè, đối tác về nhà ăn nhậu. Hơn nữa, anh nhiều lần đưa con ra ngoài, gặp chuyện đụng độ với người khác thường không dùng lý lẽ hòa giải, thay vào đó là thích động tay động chân.
Anh ấy hỏi tôi bây giờ phải làm sao?
Tôi đáp: “Tình cảnh của anh người ta gọi là ‘gieo gió thì gặt bão’, con cái trở nên như này, phần nhiều là do lỗi của anh. Vậy nên, muốn tốt hơn, việc đầu tiên chính là anh phải thay đổi. Con cái không nghe lời, anh chỉ biết tức giận, oán trách chúng, nhưng lại không bao giờ tự nhìn lại mình, tìm nguyên nhân ở chính mình. Nếu đợi đến lúc vấn đề trở nên nghiêm trọng mới tìm cách giải quyết, việc cũng đã muộn rồi”.
Giáo dục con cái về nhân phẩm, tu dưỡng đạo đức mới là điều cốt lõi
Hiện nay có rất nhiều ông bố bà mẹ lao tâm khổ tứ chỉ mong con mình vào được một trường đại học danh tiếng, có được thành tích học tập tốt, cho nên cưng chiều đủ thứ, muốn gì được đó. Họ cứ ngỡ rằng ‘thành tích tốt’ đó sẽ là tấm vé bảo đảm cho con cái mình sau này có được một cuộc sống tốt đẹp.
Tuy nhiên đó chưa phải là tất cả. Trường học không phải là duy nhất, đường đời còn có rất nhiều điều cần học hỏi, hơn nữa khả năng tiếp thu tri thức mỗi người mỗi khác, không thể giống nhau.
Giáo dục nhân phẩm mới là điều giúp con người trở nên tốt đẹp và có được tương lai tươi sáng.
Vậy nên, trẻ con khi đến trường không nhất định cứ phải có thành tích học tập cao, nhưng nhân phẩm và đạo đức nhất định cần phải tu dưỡng tốt, bởi chỉ có được nhân phẩm thật tốt mới có thể làm người. Có câu rằng: “Muốn thành danh trước tiền phải thành nhân”. Nhân phẩm, đạo đức không có thì chẳng thể làm nên việc gì.
Cha mẹ cần lấy thân làm mẫu
Là cha mẹ, điều cần nhất chính là biết dùng ‘thân giáo’, lấy mình ra làm gương cho con cái noi theo. Là bậc cha mẹ thông minh, trước khi trách mắng con cái, họ sẽ tìm nguyên nhân ở chính bản thân mình, nỗ lực tu sửa tâm tính và đạo đức của chính mình, trở thành tấm gương tốt đẹp để con cái noi theo.
Đối với việc nuôi dạy con cái, từ cử chỉ, lời nói, hành vi… của cha mẹ đều nhất cử nhất động ảnh hưởng đến con. Trẻ luôn nhìn vào cha mẹ mà đối chiếu hành vi của bản thân.
Thân làm cha mẹ thật không dễ! Nuôi dạy con cái không phải cứ làm thật nhiều tiền rồi cho chúng cuộc sống vương giả đã là đúng đắn. Bởi khi cái gốc làm người không vững thì dẫu tiền bạc chất như núi cũng nay còn mai mất. Từ xưa tới nay, những bài học cho điều này vốn không phải là ít.
Vậy nên thân làm cha mẹ nên đặc biệt chú trọng phương diện này. Nuôi dạy con cái thành người nhân đức mới là bậc cha mẹ thực sự thông minh.
Theo cmoney.tw
Minh Vũ biên dịch