Toàn bộ tác phẩm chỉ có hơn 500 chữ, ngôn từ dễ hiểu, nội dung ngắn gọn súc tích lại rất đầy đủ. Từ khi tác phẩm ra đời đã được lan truyền rộng khắp, trở thành bản gia huấn kinh điển quản lý gia đình giáo dục con cái được mọi người yêu thích.
Chu Dụng Thuần (1627 – 1698), tự Trí Nhất, hiệu Bá Lư, người huyện Côn Sơn, Giang Tô, sống vào cuối đời Minh đầu đời Thanh. Ông là nhà lý học, nhà giáo dục nổi tiếng. Khi nhà Thanh thay thế nhà Minh, ông ẩn cư dạy học, ở quê dạy học trò, chuyên tâm nghiệp học. Ông lấy lý học của Trình Di, Chu Hy làm căn bản, chú trọng học và hành cùng tiến, tự mình thực hành. Ông đích thân viết mấy chục quyển giáo trình dạy học. Ông là người điềm tĩnh, ít nói, nghiêm khắc tự luật. Các quan lại, sỹ phu đều thích được kết giao với ông, và đều dùng lễ đối đãi. Ông viết “Trị gia cách ngôn”, “Quý nột tập”, “Đại học Trung dung giảng nghĩa”…, trong đó “Trị gia cách ngôn” là tác phẩm nổi tiếng nhất, có ảnh hưởng sâu rộng ở khắp các nước Á Đông.
“Trị gia cách ngôn” còn có tên “Chu Tử gia huấn”, “Chu Tử trị gia cách ngôn” và “Chu Bách Lư trị gia cách ngôn”. Toàn bộ tác phẩm chỉ có hơn 500 chữ, ngôn từ thông tục dễ hiểu, nội dung ngắn gọn súc tích lại rất đầy đủ, thể văn biền ngẫu, đối nhau, gọn ghẽ tinh tế, rất vần điệu trôi chảy. Từ khi tác phẩm ra đời đã được lan truyền rộng khắp, trở thành bản gia huấn kinh điển quản lý gia đình giáo dục con cái được mọi người yêu thích, ai ai cũng biết thời nhà Thanh.
Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu bản gia huấn nổi tiếng chứa nhiều triết lý, đạo nghĩa sâu sắc, vẫn còn nguyên giá trị cho tới ngày nay. Bản dịch cố gắng giữ văn phong và nội dung sát với bản gốc, toàn văn như sau:
Bình minh trở dậy, quét dọn sân nhà, trong ngoài cần sạch gọn.
Hoàng hôn thì nghỉ, cổng cửa khóa rồi, tự mình cần kiểm điểm.
Bát cơm bát cháo, phải biết có được không dễ.
Sợi tơ mảnh vải, luôn nhớ vật lực gian nan.
Nên chưa mưa mà thu lụa, chớ khát nước giếng mới đào.
Cuộc sống cần phải tiết kiệm, làm tân khách chớ liên miên.
Đồ dùng bền lại sạch, gốm sứ hơn bạc vàng.
Ăn uống kiệm lại tinh, rau vườn hơn yến tiệc.
Đừng xây nhà đẹp, đừng kiếm ruộng hay.
Ba cô sáu bà, ấy mầm họa gian dâm.
Tì đẹp thiếp xinh, chẳng phải phúc khuê phòng.
Kẻ hầu chớ dùng xinh đẹp, thê thiếp tránh mặc xa hoa.
Tổ tông tuy xa, cúng thờ giữ lòng thành kính.
Cháu con dù ngốc, kinh sách không thể không xem.
Ăn ở thì nên thuần phác, dạy con phải có cách hay.
Đừng tham của cải Trời cho, đừng uống rượu bia quá lượng.
Mua bán cùng người khác, chớ chiếm phần hơn.
Người thân quen nghèo khổ, thì nên trợ giúp.
Khắc bạc làm giàu, tất chẳng được lâu.
Luân thường chẳng giữ, liền thấy tiêu vong.
Anh em chú cháu, chia người khó phần hơn.
Già trẻ nội ngoại, giữ tôn ti phép tắc.
Nghe vợ bạc anh em, nào phải trượng phu.
Trọng của nhẹ mẹ cha, chẳng xứng làm con.
Gả con chọn rể tốt, chớ đòi lễ hậu.
Cưới dâu tìm hiền thục, đừng tính hồi môn.
Thấy phú quý mà xun xoe xiểm nịnh, vô sỉ nhất.
Gặp bần cùng mà tỏ ý kiêu căng, đê tiện thay.
Sống nên tránh kiện tụng, kiện ắt chẳng lành.
Xử thế tránh đa ngôn, nói nhiều lỡ miệng.
Chớ cậy thế lực, chèn ép kẻ thế cô.
Đừng ham ăn uống, tàn sát loài muông thú.
Cố chấp bảo thủ, hối hận ắt nhiều.
Biếng nhác thối chí, đạo nhà chẳng nên.
Thân cận trẻ ranh, lâu ngày lụy bản thân.
Tôn kính lão thành, cấp bách được tựa nương.
Nhẹ dạ phát ngôn, sao biết chẳng phải chuyện gièm pha? Nên nhẫn nại nghĩ suy.
Gặp việc cãi tranh, đâu biết cái sai ở bản thân? Phải bình tâm xem xét.
Gia ơn đừng nhớ, chịu ơn chớ quên.
Làm việc nên để đường lùi, đắc ý chớ nên tiến tiếp.
Người có chuyện vui, chớ sinh lòng đố kỵ.
Người gặp hoạn nạn, đừng có ý mừng vui.
Thiện muốn người biết, chẳng phải chân thiện.
Ác sợ người hay, chính là đại ác.
Thấy nhan sắc khởi tà tâm, báo ứng vợ con.
Giấu thù oán ngầm hãm hại, họa giáng cháu con.
Trong nhà hòa thuận, tuy bữa đói bữa no, vui vẻ vẫn thừa.
Thuế khóa hoàn thành, tuy trong túi chẳng dư, tự mình an lạc.
Đọc sách noi chí thánh hiền, chẳng cầu khoa cử.
Làm quan tâm tồn dân nước, đâu tính gia tông.
An phận thủ thường, thuận theo mệnh Trời.
Làm được như thế, Đạo đã gần kề.
Bạn đang đọc bài viết: “Đọc bản gia huấn kinh điển để hiểu trí tuệ quản trị gia đình của cổ nhân” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |