Khi trẻ đọc sách nhiều, bộ não có sự gia tăng của chất trắng ở khu vực chịu trách nhiệm cho khả năng ngôn ngữ và đọc hiểu. Nhờ thế, đọc sách sẽ giúp con thông minh hơn, học giỏi hơn. Điều quan trọng là làm sao để trẻ ham mê đọc sách?
Thực tế, có những bạn nhỏ bẩm sinh đã yêu thích sách, bởi vốn dĩ tò mò và ham hiểu biết, độ tập trung cao, trong khi với những trẻ hiếu động, tinh nghịch thì việc đọc sách lại thường không hấp dẫn. Tuy nhiên, bằng sự kiên nhẫn và khéo léo, cha mẹ hoàn toàn có thể thay đổi con, từng bước đưa con vào thế giới kỳ thú trên trang giấy thơm.
Vai trò của đọc sách với sự phát triển của bộ não
Nghiên cứu mới đây của Trung tâm Khám phá Khả năng Đọc và Đọc hiểu của Bệnh viện Nhi Cincinnati (Ohio, Mỹ) cho biết, chất trắng là yếu tố quan trọng trong việc truyền thông tin giữa những phần khác nhau của não bộ, thúc đẩy các chức năng và khả năng học tập. Nếu không có một hệ thống truyền thông tin phát triển tốt, tốc độ xử lý của não sẽ chậm và gây khó khăn cho việc học tập.
Điều này khẳng định, việc đọc sách trong những năm đầu đời của trẻ rất quan trọng. Với sự phát triển của não bộ, ở những độ tuổi tiếp theo, đọc sách cũng mang đến những lợi ích tương tự. Tỷ phú Warren Buffett cũng từng nói: “Dù bạn ở giai đoạn nào của cuộc đời, nếu không ngừng học hỏi bạn sẽ thành công”. Điều đó được Warren Buffett chứng minh khi ông cho biết bản thân thường ngồi trong văn phòng và đọc sách hàng ngày.
Hiểu điều này, trong thời điểm trẻ nghỉ học ở nhà vì dịch COVID-19, nhiều bố mẹ đã mua sách cho con đọc. Chị Thùy Trâm (Quận Thanh Xuân, Hà Nội), làm việc tại một công ty truyền thông, có con bảy tuổi, cho biết trên báo VnExpress, những ngày vừa qua, số lượng sách chị mua cho con còn nhiều hơn tổng số sách trước đó. Mỗi ngày, hai mẹ con thống nhất đọc ít nhất ba cuốn sách truyện trước khi đi ngủ. Cuối tuần, cả gia đình thường xuyên đi nhà sách.
Khơi gợi đam mê đọc sách cho trẻ
Đặt câu hỏi: Nếu như, vì sao, tại sao?
Trước khi đọc sách, cha mẹ có thể bắt đầu bằng cách hỏi trẻ về những hình ảnh ngoài bìa cho chúng thấy điều gì. Khi trẻ bắt đầu đi vào câu chuyện, cha mẹ có thể đặt ra nhiều câu hỏi hơn, ví dụ: “Con nghĩ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?”.
Sau khi trẻ hoàn thành xong cuốn sách, hãy cùng trò chuyện với trẻ bằng cách đặt ra nhiều tình huống khác nhau: “Câu chuyện này khiến con có suy nghĩ gì?”, “Nếu được tạo ra một kết thúc mới, con muốn câu chuyện sẽ diễn ra như thế nào?”. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể hỏi trẻ yêu thích phần nào nhất. Thảo luận về một tình tiết trong cuốn sách cũng có thể giúp củng cố khả năng ghi nhớ, mở rộng vốn từ và bao quát vấn đề của trẻ.
Quy tắc 3 giây
Khi đặt câu hỏi trong các cuộc thảo luận về sách, cha mẹ không nên đưa ra ý kiến của mình ngay khi trẻ còn chưa kịp trả lời. Theo Young Parents, bà Kylie Bell, cha mẹ cần chờ 3 giây để trẻ có thời gian suy nghĩ về câu trả lời. Ngoài ra, hãy nhớ rằng không có câu trả lời đúng hay sai cho những câu hỏi này. Quá trình trẻ được suy nghĩ, tư duy mới là điều quan trọng nhất.
Xem phim chuyển thể từ sách
Hãy cho trẻ đọc sách, sau đó xem phiên bản phim hoặc ngược lại. Khi nhìn thấy những tình tiết mình từng đọc trên trang sách xuất hiện tại màn hình TV cũng sẽ trở thành một động lực tuyệt vời khiến trẻ hào hứng với việc đọc. Cha mẹ cũng có thể cùng xem với trẻ và thảo luận cuốn sách hay bộ phim hay hơn hoặc chúng khác nhau như thế nào.
Khuyến khích đọc theo độ tuổi
Cuối lớp một và lớp hai, khi học sinh đã biết đọc, việc khuyến khích khám phá sách giúp các em tăng tốc độ đọc, đồng thời não phát triển tư duy ngôn ngữ. Khi đã hình thành thói quen đọc sách, học sinh lớp ba, bốn sẽ được rèn luyện việc chọn sách có mục đích và định hướng để phục vụ sở thích, mối quan tâm và học tập của các em. Học sinh cuối cấp tập trung phát triển khả năng đọc chuyên sâu và phân tích những cuốn sách học thuật để rèn luyện tư duy trước khi các em bước sang cấp học cao hơn.
Áp dụng vào cuộc sống
Những câu chuyện có thể gợi lên nhiều cảm xúc, cuộc sống hàng ngày khi gặp những tình huống tương tự trong chuyện, trẻ biết cách xử lý và sáng tạo ra nhiều cách mới. Ngoài ra, khuyến khích trẻ kể lại câu chuyện bằng cách sử dụng đạo cụ, vật dụng có trong gia đình tương ứng cũng có thể khiến câu chuyện trong sách vở trở nên thú vị hơn. Đồng thời, điều này cũng sẽ khiến việc đọc trở thành một trải nghiệm tương tác.
Tôn trọng giờ đọc sách của con
Người phương Tây có câu: “Không có gì quan trọng hơn việc đọc của một đứa trẻ”, hoặc “Không có lý do gì để làm phiền một đứa trẻ đang đọc sách”. Ý thức quan tâm và tôn trọng giờ đọc sách của con sẽ giúp con thêm gần gũi với những bí ẩn trong trang giấy.
Làm thẻ thư viện cho con
Khi con đủ tuổi, cha mẹ hãy gợi ý và hướng dẫn con làm thẻ thư viện. Đến thư viện, với không gian của sách, sự yên tĩnh và gặp gỡ những người bạn đam mê sách, chắc chắn sẽ khiến tình yêu với sách và đam mê khám phá thế giới tri thức ở trẻ tăng cao nhanh chóng.
Cha mẹ cần làm gương
Chúng ta thường khuyên con đọc sách, tập thể dục… nhưng đi làm về mệt mỏi mà cha cầm iPhone để lướt, mẹ giải trí bằng iPad thì không thể nào con đọc sách được. Cha và mẹ luôn là hai người thầy đầu tiên trong đời bé. Mình dạy con cái gì, mình phải làm được và duy trì cái đó, có thế con mới tôn trọng và có thói quen. Vì thế, cha mẹ hãy làm gương và hãy dành thời gian đọc sách cùng con. Không những thế, mỗi tuần, cả nhà có thể cùng nhau đi hội sách, mua truyện, mua sách, đó cũng là cách tạo lập cho trẻ gắn liền tuổi thơ với sách.
Trên trang Giaoduc.com, chị Tuệ Nghi (doanh nhân Tuệ Nghi, tác giả của rất nhiều cuốn sách truyền cảm hứng cho người trẻ) khuyên: “Muốn trẻ ham đọc sách thì ba mẹ phải tạo được cảm giác hiếu kỳ, tò mò cho trẻ. Chọn thể loại sách cũng là yếu tố quan trọng, phải biết rõ con mình đam mê và quan tâm đến lĩnh vực gì. Ví dụ trẻ thích khám phá thế giới xung quanh, khoa học thường thức thì nên chọn những loại sách có chủ đề đó để cùng đọc và trao đổi với trẻ, như vậy sẽ tạo được thói quen tìm hiểu thông tin qua sách ngay khi còn nhỏ. Ngoài ra có thể tạo các phần thưởng khi trẻ đọc hết và tóm tắt được nội dung sách một cách súc tích nhất”.
Còn chị Nguyễn Thị Huệ (nhân viên bán hàng tại thế giới di động quận 3, Tp.HCM) thì chia sẻ: “Mình chưa có gia đình, nhưng mình hay tạo sở thích cho cháu đọc sách bằng cách tạo sự tò mò trong sách, tức mình thường là người PR (quảng cáo) sao cho cuốn sách trở nên hấp dẫn nhất. Chẳng hạn mỗi lúc bé hỏi mình cái này, hay thắc mắc điều gì đó, mình thường dẫn dắt bé vào những cuốn sách, mình nói ‘trong này sẽ giải đáp hết những thắc mắc mà con đang hỏi’, thế là bé tò mò và từ đó tạo thói quen thích đọc sách và tìm hiểu kiến thức từ sách”.
Video xem thêm: Lắng đọng đêm về số 572: Nếu bạn có một đứa trẻ cứng đầu,hãy học cách dạy con này của cha mẹ Do Thái