Vẫn biết rằng người ta bỏ sách giấy chọn sách mạng, nhưng chỉ sách giấy mới đem lại những khoảnh khắc bình yên, những khung trời lặng lẽ mà bạn không thể tìm thấy ở một nơi nào khác…
Đọc sách không chỉ giúp bạn xua tan nỗi cô đơn, thoát khỏi sự tịch mịch, mà trong lúc chìm đắm vào nội dung cuốn sách bạn còn thể nghiệm được những chân trời mới. Khi thời sinh viên qua đi, chúng ta sẽ không còn cơ hội trở lại giảng đường nữa. Nhưng thông qua các thể loại sách khác nhau, bạn vẫn không ngừng mở mang tri thức, nâng cao bản thân, dưỡng thành thói quen tích cực. Tác dụng của việc đọc sách phát huy theo thời gian, tích góp theo năm tháng nhất định sẽ có ngày tạo nên điều khác biệt.
Tuy nhiên, thói quen đọc sách đang ngày càng mai một. Ti vi, báo đài, truyền thông kỹ thuật số, internet, điện thoại di động, v.v. khiến người ta muốn thêm một chút tiện lợi, bớt một chút tư duy, đọc sách cũng theo đó mà bị coi là lạc hậu, lỗi thời. Khi người ta không còn yêu sách nữa, thì những hiệu sách cũng theo xu hướng mà dần dần bị đào thải.
Mỗi lần đưa con đến thư viện, tôi thường đi ngang qua một hiệu sách nho nhỏ. Hiệu sách chỉ hơn mười mét vuông, nằm nép mình bên một góc đường phồn hoa và nhộn nhịp, nó giống như một mảnh đất thanh khiết, yên bình tồn tại ở nơi đó. Chủ hiệu sách đã hơn năm mươi tuổi, ông kể rằng hiệu sách này là từ ông cố nội truyền lại cho mẹ ông, tồn tại cho tới nay đã gần trăm năm rồi. Trong đó có cơ man nào là các sách đông tây kim cổ, nếu chịu khó tìm tòi còn thấy được rất nhiều cuốn cổ thư quý hiếm.
Ông kể, hơn mười năm trước mẹ ông qua đời, ông liền tiếp quản hiệu sách này. Nhưng lúc đó mạng internet bắt đầu phổ biến, nên người mua sách cũng ngày càng thưa thớt hơn. Hiệu sách không mang lại lợi nhuận, nhưng vì muốn duy trì gia nghiệp, ông đã phải chia sách làm ba phần: Một phần chuyển sang tiệm cà phê, một phần mang sang cửa hàng thời trang (vốn cũng là cửa hàng của gia đình), phần còn lại thì tiếp tục trưng bày tại hiệu sách. Ông nói: “Những khách quen lẻ tẻ thì vẫn thường lui tới, nhưng khách mới thì ngày càng ít ỏi, không biết còn có thể duy trì được bao lâu…”.
Ngày hôm nay, hiệu sách đã đóng cửa thật rồi.
Con gái nhìn thấy hiệu sách biến thành cửa hàng hoa, liền hỏi tôi: “Mẹ ơi, hiệu sách đâu mất rồi ạ?”. Đối mặt với câu hỏi của con, trong lòng tôi nhỏ lệ, tôi thật sự không biết phải trả lời ra sao. Gần một trăm năm trước, Vũ Đình Liên khóc thương vì chữ Nho không còn được coi trọng, khiến hình ảnh ông đồ chỉ còn là “cái di tích tiều tuỵ đáng thương của một thời tàn”. Còn ngày hôm nay, tôi bâng khuâng tiếc nuối cho những trang sách giấy, nơi lắng đọng tinh hoa tri thức đang bị gạt sang bên lề của cuộc sống hiện đại gấp gáp, xô bồ.
Vẫn biết rằng người ta bỏ sách giấy là vì yêu sách mạng, người ta không cần đến sách giấy là vì tri thức quá bùng nổ, một cuốn sách vừa in ấn đã nhanh chóng trở nên lỗi thời, trong khi sách báo mạng liên tục được cập nhật từng phút từng giây. Nhưng có những khoảnh khắc bình yên, có những khung trời lặng lẽ mà bạn sẽ không thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác. Cái cảm giác lần giở từng trang giấy đem lại cho con người ta khoảng thời gian lắng đọng, giúp tâm trí tĩnh tại mà cảm nhận. Giống như là, những nhà Nho xưa bước đi khoan thai chậm rãi, họ toát lên một phong thái thanh tao thoát tục; còn con người ngày nay vội vàng gấp gáp, dẫu năng suất hơn nữa, tích luỹ nhiều hơn nữa, thì điều mất đi chính là cái ý vị rất sang, rất tôn quý của người xưa.
Đọc sách không chỉ để tích luỹ tri thức, mà còn nuôi dưỡng tâm hồn
Hoài niệm về những trang sách giấy khiến tôi nhớ đến một câu chuyện lưu truyền trên mạng internet.
Chuyện kể rằng tại một trang trại ở miền Đông bang Kentucky, có một ông cụ sống với người cháu của mình. Mỗi buổi sáng, ông cụ đều dậy sớm để đọc sách. Có những cuốn sách ông đã đọc nhiều lần, đến mức gáy sách sờn cũ, nhưng lúc nào ông cũng đọc say mê và chưa bao giờ ông quên đọc sách.
Cậu cháu trai cũng bắt chước ông, cũng cố gắng ngồi vào bàn đọc sách. Rồi một ngày, cậu hỏi ông: “Ông ơi, cháu cũng đọc sách như ông, nhưng cháu không hiểu gì cả. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại là cháu quên ngay. Thế thì vì sao ông vẫn đọc thường xuyên thế ạ?”.
Ông cụ lúc đó đang đổ than vào lò, quay lại nhìn cháu và nói: “Cháu hãy đem cái giỏ này ra sông và mang về cho ông một giỏ nước nhé!”.
Cậu bé làm theo lời ông, nhưng tất cả nước đã chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về đến nhà.
Nhìn thấy cái giỏ, ông cụ cười và nói: “Nước chảy hết mất rồi! Lần sau cháu sẽ phải đi nhanh hơn nữa!”. Rồi ông bảo cháu quay lại sông lấy một giỏ nước.
Lần này cậu bé cố chạy nhanh hơn, nhưng khi cậu về đến nhà thì cái giỏ đã trống rỗng. Dù cậu chạy nhanh đến đâu, nước cũng sẽ chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà.
“Ông xem này”, cậu bé hụt hơi nói, “Thật là vô ích!”.
Ông cụ nói: “Cháu thử nhìn cái giỏ xem!”.
Cậu bé nhìn vào cái giỏ, và lần đầu tiên, cậu bé nhận ra rằng cái giỏ trông khác hẳn ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ.
“Cháu của ông, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy”.
Đọc sách giống như ăn cơm, không phải truy cầu mà là cuộc sống
Có người nói, đọc sách đã trở thành thói quen trong cuộc sống của mình. Anh nói, đối với tôi đọc sách cũng giống như cơm ăn nước uống, đó không phải truy cầu, mà là hơi thở cuộc sống. Nói đến ý nghĩa của việc đọc sách, anh cho rằng: “Điều gì gọi là ‘thi hòa viễn phương’? Là khiến tâm hồn chúng ta thêm rộng lớn, mà đọc sách lại chính là quá trình khiến cho tâm hồn được thăng hoa”.
Nhà văn Tưởng Phương Chu từng nói: “Giá trị quan của một người không đọc sách là do bản thân của người ấy quyết định”. Cứ như vậy, họ nhìn nhận bằng con mắt của người khác, nghe bằng đôi tai của người khác, sống cả đời không mặn không nhạt, không ý vị, dùng quan điểm của người khác cho cuộc sống của mình, ảnh hưởng đến phán đoán của bản thân. Đó chẳng phải là điều đáng buồn và cũng rất đáng thương đó sao? Giá trị quan của các tin tức trên truyền thông chỉ cho bạn “địa khí”, còn đọc sách mới có thể giúp bạn giữ lại “tiên khí”, mà phần “tiên khí” này sẽ giúp bạn nổi bật giữa đám đông, thể hiện khí chất một con người; thậm chí khi bạn không hay không biết có thể thay đổi sự hiểu biết và thế giới trong mắt bạn.
Một quyển sách hay cũng giống như một người bạn chân thành. Người bạn ấy có thể dùng văn tự để lay động tâm hồn và kích thích tư duy của bạn. Nếu một người không chịu đọc sách thì đầu óc của họ sẽ ngày càng lười biếng, tầm nhìn ngày càng nông cạn, dần dần tư tưởng của người đó cũng dừng lại mà không chịu tiến bước, chắc chắn không bắt kịp thực tế. Nhưng khi đọc sách biến thành thói quen, thì trong thời gian thư giãn nó lại chính là nơi bạn gởi gắm tinh thần, bạn sẽ không còn sợ tịch mịch hay cô đơn, ngược lại càng thêm trân trọng những lúc được ở một mình. Thưởng thức thời gian thư giãn, rảnh rỗi, mượn sách và văn tự để cùng với tác giả ở các lứa tuổi khác nhau, kinh nghiệm khác nhau và bối cảnh văn hóa khác nhau tiến hành “đối thoại có chiều sâu”.
Có một câu nói tiếng anh như thế này: “A house without books is like a room without windows”, ngôi nhà không có sách cũng giống như căn phòng không có cửa sổ. Một căn phòng đầy sách mới có thể mang lại sinh khí và ánh sáng. Sau mỗi ngày bôn ba vất vả, đọc sách sẽ mang lại cho bạn hy vọng và niềm vui lấp lánh trong tim.
Bạn đang đọc bài viết: “Đọc sách không phải cho sang, mà là đầu tư cho chính mình bằng chi phí rẻ nhất” tại chuyên mục Giáo Dục của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |