Trong dịp Tết Nguyên Đán, chào đón năm mới này, cha mẹ cũng có thể nhân cơ hội mà giúp trẻ hiểu rõ hơn về mối quan hệ gia đình và các vấn đề khác liên quan đến lễ nghi, phép tắc. Hãy giúp con tìm hiểu về văn hóa và các nghi thức truyền thống.

Một người có giáo dưỡng đều là từ từ ‘mưa dầm thấm đất’ mà được hình thành. Vì vậy, cha mẹ nên bắt đầu từ ngay bây giờ, dạy các quy tắc mà trẻ nên tuân theo, giúp con trở thành những đứa trẻ ngoan ngoãn, lịch sự và biết cách hòa đồng với thế giới.

1. Lễ nghi làm khách

Cha mẹ hãy căn dặn con trẻ, khi đến nhà họ hàng, nhất định phải vui vẻ và lễ phép chào hỏi mọi người trong gia đình. Nếu con không quen lắm với các cách xưng hô, thì có thể vẫy tay và nói “chào bác’… với một nụ cười.

Nếu chủ nhà chưa mời ngồi xuống thì không ngồi xuống. Nếu có người lớn tuổi trong phòng, hãy đợi người lớn ngồi xuống  sau đó mình mới ngồi.

Trong nhà của người khác, việc ngó nghiêng nhìn trái phải và nhìn xung quanh là điều rất cấm kỵ. Càng kiêng kỵ hơn là đi bộ xung quanh và vào các khu vực riêng tư như phòng ngủ của người khác. Đừng làm lộn xộn đồ đạc khi chưa có sự cho phép của chủ sở hữu. Cho dù là ngồi trên ghế sofa, cũng không mở loạn TV và điều chỉnh điều khiển từ xa.

Cha mẹ hãy dặn con, sau khi được chủ nhà tiếp đãi, nhất định phải mỉm cười và nói “cảm ơn”. Khi rời đi, bằng ngữ khí ôn hòa nói lời tạm biệt với gia đình chủ nhà.

Hãy nhớ kỹ, nhà người khác không phải là nhà của mình, những phép lịch sự cơ bản nhất định phải nghiêm túc đối đãi.

Cha mẹ hãy căn dặn con trẻ, khi đến nhà họ hàng, nhất định phải vui vẻ và lễ phép chào hỏi mọi người. (Ảnh: beetify.com)

2. Lễ nghi đãi khách

Cha mẹ nên khuyến khích và hướng dẫn con trẻ và khách hòa hợp với nhau. Đừng để con bạn nghĩ rằng tiếp đãi khách chỉ là nhiệm vụ của cha mẹ, rằng việc đó không liên quan đến mình.

Khi nghe tiếng khách gõ cửa, phải nhanh nhẹn đáp lại và nhiệt tình nghênh đón. Khi nhận quà hoặc lì xì từ khách, con phải lấy nó bằng cả hai tay và nói lời cảm ơn. Sau khi nhận được nó, không bóc quà hoặc lì xì ngay trước mặt khách.

Sau khi khách ngồi xuống, đứa trẻ có thể làm một số việc tiếp đãi đơn giản. Ví dụ, rót trà vào cốc mời khách, hoặc mời khách ăn trái cây, bánh kẹo đã được bày biện sẵn trên bàn.

Nếu khách có mang con đến, trẻ phải biết cách chia sẻ đồ chơi và đồ ăn. Khi khách đang nói chuyện với cha mẹ thì trẻ không được ngắt lời hoặc chen ngang.

Khi khách nói chuyện với mình, trẻ phải tỏ ra lễ phép, chân thành và lịch sự, đừng gượng ép trả lời chiếu lệ.

Khi khách bắt đầu rời đi, trẻ nên đứng dậy, cùng ba mẹ tiễn khách.

3. Lễ nghi bàn ăn

Cho dù ở nhà mình hay nhà người thân, trong bữa ăn, con phải chờ người lớn tuổi ngồi xuống trước, sau đó mình mới được phép ngồi.

Hãy để những người lớn tuổi động đũa trước, và cha mẹ nên khuyến khích trẻ xới cơm cho người lớn. Trong khi ăn, không lật các miếng thức ăn trên đĩa để chọn món bạn thích, hoặc đặt món ăn yêu thích của bạn trước mặt của mình. Điều này thực sự là rất ích kỷ. Khi ăn, cố gắng nhai chậm, không tạo ra âm thanh, không nuốt ngấu nghiến cũng không ngậm thức ăn.

Cha mẹ nhớ nhắc con mình không làm những việc khác trong khi ăn. Ví dụ, chơi đồ chơi, chơi điện thoại di động, v.v., sẽ không tốt cho tiêu hóa.

Sau khi sử dụng bữa ăn, thu dọn bát của mình và xếp lại ghế ngồi. Sau đó nói một cách lịch sự với những người trên bàn: “Mời mọi người tiếp tục dùng bữa”.

Khi bạn là khách ở nhà người khác, bất kể món ăn có phù hợp với khẩu vị hay không, cũng cần cảm ơn sự hiếu khách của chủ nhà.

Từng chi tiết trong quá trình ăn uống, đều phản ánh sự giáo dưỡng của một người.

Cha mẹ đã nuôi dạy con cái của mình về phép lịch sự ngay từ khi còn nhỏ, đừng quên dạy con những phép tắc và lễ nghi trên bàn ăn.

Cha mẹ đừng quên dạy con những phép tắc và lễ nghi trên bàn ăn. (Ảnh: topsimages.com)

4. Lễ nghi nói chuyện xã giao

Cha mẹ nên khuyến khích con cái cởi mở, chủ động chào hỏi khi gặp mọi người.

Nếu đứa trẻ lúng túng và ngại ngùng, cha mẹ cũng không nên lo lắng, không nên quở trách con trước mắt khách, sau khi về nhà kiên nhẫn chỉ bảo con là được rồi.

Cha mẹ nên nhắc nhở con rằng khi nói chuyện với mọi người, giọng nói phải vừa phải, không vung tay múa chân. Nói chậm thôi, đừng quá nhanh, nếu không thì đối phương sẽ không nghe rõ. Và khi nói chuyện với mọi người, hãy nhìn vào mắt nhau.

Trong khi nói chuyện với mọi người, có thể có những nhận thức khác biệt, hãy nhớ kỹ đừng làm tổn thương người khác và cố gắng tôn trọng lẫn nhau.

Bốn lễ nghi trên là những phép tắc lịch sự cơ bản mà mỗi chúng ta đều cần phải học. Có những hành vi tuy nhỏ nhặt thôi nhưng đều thể hiện sự giáo dưỡng của một người. Năm mới sắp đến, Tết Nguyên Đán sắp về, cha mẹ hãy trang bị cho con bốn lễ nghi đó nhé!

Hy vọng rằng Xuân mới, năm mới, đứa trẻ của bạn cũng thêm một tuổi và ngày càng ngoan ngoãn, lịch sự.

Theo Cmoney
Vân Hà biên dịch