Đại Kỷ Nguyên

Đứa trẻ rất mong muốn cha mẹ nói 6 câu này. Bạn đã nói điều đó chưa?

6 câu nói dưới đây, mỗi đứa trẻ đều thích nghe, nhưng nhiều bậc cha mẹ lại không dễ dàng mở lời. Có lẽ đã đến lúc người lớn chúng ta cần thay đổi.

Xin lỗi con!

“Cha/mẹ xin lỗi”, có bao nhiêu đứa trẻ đang mong chờ câu nói này từ cha mẹ?

Mọi đứa trẻ đều không muốn mình bị trách mắng, nhất là khi cha mẹ hiểu lầm về bản thân chúng. Đằng sau sự mong chờ cha mẹ nói câu xin lỗi kia, không phải là trẻ muốn cha mẹ phải hiểu, mà là chúng muốn chứng minh rằng mình đáng được yêu thương. Tuy nhiên, cụm từ “xin lỗi” thường bị cha mẹ cất giấu đi, vậy nên nỗi buồn cùng với những cảm xúc giận dữ, bất bình cứ thế dần tích tụ lại trong lòng đứa trẻ.

Khi cha mẹ nhận ra rõ ràng rằng mình đã hiểu lầm con, họ nên xin lỗi kịp thời. Ngoài việc kịp thời làm rõ và loại bỏ những hiểu lầm, cha mẹ chính là đang thiết lập một hình ảnh can đảm và làm gương, điều này có tác động rất tích cực con trẻ.

“Cha/mẹ xin lỗi”, mặc dù chỉ có ba từ, nhưng thông điệp là bạn muốn gửi đi là rất lớn. Tôi đã hiểu lầm bạn, thậm chí làm tổn thương bạn, tôi có điều gì đó sai, tôi thừa nhận sai lầm của mình và chân thành xin lỗi bạn.

Mỗi cha mẹ cũng đều từng là một đứa trẻ. Thử nhìn lại quá khứ khi bạn còn là một đứa trẻ, có bao giờ bạn bị cha mẹ hiểu lầm không? Và khi ấy, bạn có mong muốn cha mẹ mình xin lỗi khi bị hiểu lầm không?

Đây không phải là lỗi của con

Có nhiều lý do khiến một đứa trẻ bị tổn thương, chủ quan và khách quan đều có. Khi một đứa trẻ ở trong tình trạng này, thường có những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, buồn phiền và tự trách mình. Chúng sẽ nghĩ rằng mình rất xấu, cha mẹ sẽ tự trừng phạt và không yêu mình nữa.

Một số cha mẹ có thể nghĩ rằng đứa trẻ bị như vậy là vì chúng có chút vấn đề. Nếu như nói chúng không có lỗi vào lúc này, thì chẳng phải sẽ khiến trẻ trốn tránh trách nhiệm của mình sao? Vậy nên họ đã tận dụng thời điểm này để thuyết giáo, cố gắng khiến cho đứa trẻ phải rút ra ‘kinh nghiệm xương máu’. Tuy nhiên, cách làm này chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Hãy tưởng tượng rằng khi bạn đang ở trong một cảm xúc tiêu cực mạnh mẽ, có ai đó vẫn đang muốn buộc tội hoặc rao giảng cho bạn, cảm giác của bạn là gì?

Vậy nên, hãy biến sự chỉ trích khiến trẻ sợ hãi thành sự bao dung và thấu hiểu, khiến đứa trẻ cảm nhận được tình yêu và sự ấm áp từ cha mẹ. Khi vết thương được từ từ chữa lành, đứa trẻ sẽ có thể biến tình yêu khoan dung và thấu hiểu này thành động lực để tiến bộ, một cách tự nhiên không hay biết.

Hãy biến sự chỉ trích khiến trẻ sợ hãi thành thành một sự bao dung và thấu hiểu. (Ảnh minh họa: yousense.info)

Điều này sẽ không xảy ra lần nữa

Khi cha mẹ nhận ra rằng lời nói và hành động của họ đã gây ra tổn hại lớn cho con cái mình, họ nên là người đầu tiên nói chắc chắn và dứt khoát với con rằng “loại chuyện này sẽ không xảy ra nữa”.

Nếu “cha/mẹ xin lỗi” là một viên thuốc cứu trái tim, thì “loại chuyện này sẽ không xảy ra nữa” là một viên thuốc an thần. Khi một đứa trẻ bị tổn thương, trọng lượng câu nói này nặng tựa núi Thái Sơn, một là để chữa lành thương tích của của thực tại, hai là mang lại cho đứa trẻ niềm hy vọng.

Đây là một câu nói đòi hỏi sự nhìn lại mình, trách nhiệm và lòng can đảm của cha mẹ. Và cũng bởi nó là linh đan diệu dược, vậy nên cũng cần phải sử dụng một cách thận trọng. Nếu cha mẹ luôn lặp đi lặp lại những cam đoan này, nhưng lại không ngừng phạm lại lỗi cũ, thì niềm tin của trẻ cũng sẽ giảm đi khi tần suất của câu nói này tăng lên, và hiệu quả của nó sẽ dần mất đi.

Cha/mẹ yêu con

“Cha/mẹ yêu con” – đây là câu nói mà nhiều đứa trẻ mơ ước có thể nghe được từ cha mẹ mình. Đây cũng là một câu nói mà nhiều cha mẹ muốn bày tỏ nhưng lại cứ chôn sâu trong lòng.

Khi một đứa trẻ gặp vấn đề, đặc biệt là khi chúng phạm sai lầm, đối với chúng đó là một thảm họa và nó trở nên rất khủng khiếp. Khi này, trẻ sẽ lo sợ rằng cha mẹ không tha thứ và không yêu mình nữa.

Lúc này, chính là thời điểm yếu đuối nhất của con trẻ. Vậy nên, cha mẹ hãy dùng tình yêu để làm phương thuốc trị liệu tốt nhất. Nhà tâm lý học Carl Rogers nói: “Yêu là thấu hiểu một cách sâu sắc và biết chấp nhận”. Ba từ đơn giản “Cha/mẹ yêu con”, nhưng thông điệp được truyền đi chính là: cha mẹ hiểu sự khó chịu và nỗi đau của con vào lúc này, cha mẹ sẵn sàng chấp nhận con, bất kể con làm gì, trở nên như thế nào, con vẫn luôn là con yêu của cha mẹ.

Mỗi đứa trẻ đều cần có một tình yêu vô điều kiện, bởi chúng xứng đáng được yêu thương. Vậy nên, cho dù có thiên ngôn vạn ngữ, các bậc cha mẹ cũng đừng bỏ lỡ cụm từ “Cha/mẹ yêu con” này.

Cha/mẹ tự hào về con

Có không ít những đứa trẻ phải âm thầm rơi nước mắt vì thành tích học tập của mình không được như kỳ vọng của cha mẹ, khiến cha mẹ không hài lòng. Và liệu có bao nhiêu đứa trẻ, sau tất cả những nỗ lực của chúng, có thể nhận được một lời động viên khích lệ từ cha mẹ?

Nếu một đứa trẻ không bao giờ nhận được sự khẳng định và khuyến khích của cha mẹ, thì chúng sẽ trở nên cực đoan, cam chịu hoặc tự làm hại mình.

Nhiều bậc cha mẹ ngày nay, bởi chạy đua theo thành tích cho nên không bao giờ cảm thấy hài lòng về con mình, luôn cảm thấy con mình thua kém so với con người ta.

Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ là một cá nhân độc lập, chúng đều có sở trường, điểm mạnh – yếu riêng. Vậy nên không có lý do gì để bạn không tự hào về con mình.

Một câu nói “Cha/mẹ tự hào về con” chính là một sự khẳng định và khích lệ vô cùng lớn đối với con trẻ, tiếp thêm cho trẻ sự tự tin và cảm hứng.

Một câu nói “Cha/mẹ tự hào về con” chính là một sự khẳng định và khích lệ vô cùng lớn đối với con trẻ. (Ảnh minh họa: weibo.com)

Cha/mẹ sẽ không bao giờ rời xa con

Mỗi đứa trẻ thường có những nỗi sợ hãi và lo lắng, chúng sợ rằng đến một ngày cha mẹ có em bé mới, và sẽ bỏ rơi mình. Hoặc khi trẻ phạm sai lầm, chúng cũng lo sợ cha mẹ trách mắng và bỏ rơi mình… Có vô vàn lý do có thể khiến đứa trẻ cảm thấy bất an.

Vậy thì một câu nói “Cha/mẹ sẽ không bao giờ rời xa con” chính là một liều thuốc chữa lành mọi sự lo sợ và bất an đó. Một câu nói ấy là tình yêu vô bờ bến của cha mẹ, có thể sưởi ấm trái tim con trẻ, sẽ che chở, đồng hành cùng con trên bước đường nhân sinh.

***

6 câu nói rất đơn giản ở trên, các bậc cha mẹ có thể nói với con mỗi ngày. Tuy nhiên, đối với một số bậc phụ huynh, sao lại khó mở lời đến vậy? Phải chăng là bởi tình yêu rất khó để diễn đạt thành lời?

Tuy vậy, các bậc cha mẹ hãy thay đổi từ chính bản thân mình. Cha mẹ hãy mở lòng mình hơn, và yêu thương con chính từ những câu nói đơn giản nhất!

Theo tw.aboluowang.com
Vân Hà biên tập

Exit mobile version