Cô giáo vừa dứt lời, Trang liền đứng phắt dậy, nói với giọng khá gay gắt: “Cha mẹ chỉ quan tâm đến điểm số! Ngoài đó ra, cha mẹ không quan tâm đến điều gì nữa sao?”
Thực tế là phần lớn cha mẹ đều coi điểm số là tiêu chuẩn đánh giá tình hình học tập của trẻ. Chỉ có một số ít người hiểu rằng, điểm số chỉ là một yếu tố tham khảo, điểm số cao hay thấp không hoàn toàn phản ánh được chính xác năng lực học tập của trẻ. Tuy nhiên, trong thời đại mà sự cạnh tranh về điểm số ngày càng khốc liệt như hiện nay, thì điểm cao hay thấp lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó có thể quyết định trẻ có được lên lớp, thăng chức hay không… Và như vậy, điểm số nghiễm nhiên trở thành mục đích, mục tiêu duy nhất để cha mẹ và con cái cùng theo đuổi.
Không chỉ vậy, còn có rất nhiều bậc cha mẹ lấy điểm số để làm điều kiện cho những nhu cầu sinh hoạt cơ bản của con cái, rồi bắt con phải học tập vì chính điểm số đó. Kết quả là sự phát triển tâm lý và thể trạng của trẻ bị ảnh hưởng.
Có những bậc cha mẹ còn xem thành tích học tập như một tiêu chuẩn chủ yếu, thậm chí là duy nhất để đánh giá trẻ. Họ vô cùng nhạy cảm với sự cao – thấp của điểm số. Nếu con được điểm 9, điểm 10 thì vui mừng phấn khởi, lập tức khen ngợi, có khi còn dùng cả tiền để làm phần thưởng. Còn nếu con bị điểm thấp không đúng theo nguyện vọng của mình thì bắt đầu giận dữ, la mắng, quát nạt, đến nỗi con trẻ phải run rẩy lên vì sợ hãi.
Trẻ em rất nhạy cảm, nếu cha mẹ quá quan tâm đến điểm số, chúng sẽ có phản ứng nhạy cảm hơn với điểm số. Nếu cha mẹ còn la mắng, giận dữ sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của các con, ảnh hưởng tới sự tự tin và lòng nhiệt tình đối với việc học tập của trẻ. Điều này hoàn toàn không có lợi cho việc tự học của con. Cha mẹ cần nắm rõ một nguyên tắc: Động viên trẻ học tập vì kiến thức chứ không phải vì điểm số.
Để làm được điều đó nên chăng chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận của mình?
1. Quan tâm quá mức tới điểm số có thể làm mất đi tính tích cực ở trẻ
Hôm nay bé Mẫn nhận được thông báo kết quả thi cuối kì, vừa mới bước chân vào cửa, mẹ đã vặn hỏi: “Thế nào, thi được bao nhiêu điểm hả con?”
Cô bé đặt chiếc cặp nặng trịch xuống, quay ra nói với mẹ: “Cũng được mẹ ạ, chỉ là…”, nét mặt tươi cười của mẹ chớp cái đã biến mất, quay người ngồi xuống chiếc sô-pha, ngắt lời con gái: “Mẹ không muốn nghe từ nhưng, yêu cầu của mẹ là không được dưới điểm 9, con chỉ cần nói cho mẹ biết kết quả thế nào!”
Cô bé bắt đầu cảm thấy bất an, tránh ánh mắt đang nhìn chằm chằm từ phía mẹ: “Ngoài môn toán ra, thì môn nào cũng trên điểm 9 ạ. Vì bài toán khó quá, con chỉ được 8 điểm thôi, trong lớp còn có bạn dưới trung bình cơ ạ…”
Mẹ bắt đầu nổi giận: “Cũng biết so sánh với những bạn học kém hơn sao? Thật chẳng có chí tiến thủ gì cả, lớp con có bạn nào được trên điểm 9 không?”
Thấy con gật gật đầu, mẹ lại lớn tiếng hơn: “Bạn khác có thể được 9 điểm thì sao con lại bảo là bài khó chứ, tại sao bạn ấy lại không thấy khó? Xem ra, con vẫn chưa cố gắng, nói với con bao nhiêu lần rồi, muốn là người đứng đầu thì phải chăm chỉ, chịu khó, biết chưa? Điểm không được dưới 9, đấy là mục tiêu cuối cùng của con, nhớ rõ cho mẹ như thế!”
Mẫn lắp bắp: “Không phải một mình con nói môn toán khó, cô giáo cũng nói thế ạ, mà sao con lại không cố gắng chứ, cô giáo cũng bảo con đã tiến bộ mà…”
Mẹ không kịp nghe hết lời giải thích của con gái, cắt ngang: “ Còn ngụy biện nữa à, mẹ nói cho con biết, dù có khó hay không, cũng không cần biết cô giáo khen con tiến bộ như thế nào, mẹ phải nhìn thấy thành tích, điểm thế này mà con bảo là tiến bộ à? Qúa kém! Nghỉ hè rồi, con không được đi đâu hết, ở nhà học hành cho mẹ, đọc lại hết tất cả các sách cho mẹ”.
Chính từ lúc ấy, Mẫn không còn hứng thú gì với việc học nữa, cô bé chỉ nghĩ: Dù sao thì mẹ cũng không nghĩ mình đã chăm chỉ học tập nữa, chi bằng không học nữa còn hơn. Vậy là, thành tích học tập của cô bé ngày càng giảm sút.
Có thể thấy, phần lớn cha mẹ, hễ thấy con đi học về liền hỏi điểm số. Như vậy các bé sẽ nghĩ rằng, điều cha mẹ quan tâm chỉ là thi cử và điểm số, các thứ khác cha mẹ hoàn toàn không quan tâm. Từ đó, khiến trẻ nảy sinh tâm lý phản kháng, chán ghét rồi từ bỏ việc học hành.
2. Cha mẹ chỉ quan tâm đến điểm số! Ngoài đó ra cha mẹ không quan tâm đến điều gì nữa sao?
Các bậc cha mẹ khi quản thúc con cái chuyện học hành đừng chỉ nhìn vào điểm số của con, hãy quan tâm đến năng lực thực chất của con. Đừng xem điểm số là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá trình độ của con, mà nên dùng thái độ bình thản để nhìn nhận điểm thi của con. Con thi được điểm tốt đừng ngại ngần động viên tinh thần, nếu thi cử không như ý thì cũng cần tìm ra nguyên nhân, cổ vũ con tiếp tục nỗ lực. Tinh thần của trẻ ổn định, tăng thêm sự tự tin, phát triển lành mạnh là điều quan trọng hơn cả. Trẻ không những nắm được kiến thức mà còn cần nắm được phương pháp rèn luyện các kỹ năng cơ bản, biết cách làm người tốt. Điều này cần sự phối hợp của cha mẹ và giáo viên.
Trong buổi sinh hoạt lớp, cô chủ nhiệm tổng kết cho học sinh nghe kết quả buổi họp phụ huynh hôm trước. Đến khi gần kết thúc, cô giáo nói: “Các bậc cha mẹ đều rất quan tâm đến thành tích học tập của các em, cứ hễ gặp cô là hỏi điểm số của con thế nào”.
Cô giáo vừa dứt lời, Trang liền đứng phắt dậy, nói với giọng khá gay gắt: “Cha mẹ chỉ quan tâm đến điểm số! Ngoài đó ra cha mẹ không quan tâm đến điều gì nữa sao?”. Sự phản ứng bất ngờ này khiến lớp học bỗng chốc yên ắng đến lạ lùng. Trang cảm thấy hơi xấu hổ và khó xử vì thái độ kích động vừa rồi của mình, cô bé gục xuống bàn, bật khóc…
Sau giờ sinh hoạt, cô gọi Trang lại hỏi nguyên nhân. “Em hơi kích động đấy, sao lại như vậy?”. Cô giáo hỏi.
“Cha mẹ em bình thường rất ít khi ở nhà, chẳng quan tâm gì đến em cả. Nhưng hễ về nhà là y như rằng lập tức hỏi em tình hình thi cử ở trường, điểm số được bao nhiêu, xếp thứ mấy trong lớp. Cha mẹ em luôn đặt ra yêu cầu về điểm số, nếu điểm cao thì không sao còn nếu điểm thấp thì chì chiết đến vài ngày. Ngoài điểm số ra, hình như em không có điều gì đáng được cha mẹ chú ý đến cả!”
“Cha mẹ quan tâm đến tình hình học tập của em như vậy, chẳng lẽ không tốt sao?”
“Thực ra, em biết là cha mẹ rất quan tâm đến em, họ mắng em cũng là muốn tốt cho em mà thôi. Em cũng phần nào hiểu được tâm tư của cha mẹ, nhưng hễ cứ gặp em là hỏi điểm số… Cách quan tâm điểm số như thế này khiến em phải chịu áp lực quá lớn”. Nghe những lời tâm sự của Trang, cô giáo quyết định sẽ nói chuyện với bố mẹ em về vấn đề này.
***
Càng ngày, chúng ta càng nhận ra được một thực tế rằng, điểm số không còn là công cụ để đo lường giá trị của một con người trong xã hội. Vậy nên, các bậc cha mẹ đừng nên để điểm số trở thành cái kiềng trói buộc con cái mình. Mục đích của chúng ta khi cho trẻ đến trường học hoàn toàn không phải là để lấy được điểm cao mà là để có được kiến thức thực tế, học cách tạo dựng các mối quan hệ, học cách làm người. Chỉ khi điểm số không còn là áp lực nữa thì trẻ em mới vui vẻ đến trường và trưởng thành khỏe mạnh.
Spencer Johnson, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ cũng từng nói rằng: “Là người làm cha mẹ, tuyệt đối không nên quá xem trọng điểm số thi cử của con mà nên chú ý đến việc bồi dưỡng phương pháp học tập và khả năng tư duy của trẻ. Tuyệt đối không nên chỉ dựa vào điểm số mà phán đoán ưu điểm của trẻ, càng không nên khiến trẻ vì việc này mà hình thành nên quan điểm về danh dự và nhục nhã”.
Hồng Ân