Dẫu cuộc sống có khổ cực, có mệt mỏi, chỉ cần cảm nhận được sự an nhiên tự tại từ trong tâm thì mọi phong ba bão táp đều trở nên nhỏ bé. Nó không còn u ám, mọi khổ nạn đều gieo mầm cho sự khởi đầu mới ngọt ngào…

Ánh nắng mùa xuân sưởi ấm mặt đất. Một bông hoa nhỏ xinh khẽ đung đưa trong gió, muốn kiếm tìm sự tương ngộ đẹp nhất cho riêng mình. Một cái cây nhỏ đang đâm chồi thu hút sự chú ý của bông hoa, bông hoa bẽn lẽn, ngượng ngùng bày tỏ tình cảm của mình với cái cây.

Và thế là chúng yêu nhau.

Bông hoa xinh đẹp và cái cây chỉ có thể ngắm nhìn nhau từ xa. Cái cây cố hút lấy chất dinh dưỡng dưới lòng đất, mong mình có thể vươn dài cánh tay ra thật xa để an ủi vỗ về nỗi mong nhớ của bông hoa.

Mùa thu đến, cánh tay mong chờ từ lâu của cây đã vươn ra chạm đến phần rễ yếu ớt của bông hoa. Song bông hoa đã dần dần héo tàn trong gió thu.

Cái cây không vì mất bông hoa mà bi thương tuyệt vọng, nó ôm chặt lấy hạt của bông hoa. Mùa đông năm đó, cái cây cố hết sức đưa hạt hoa xuống phần rễ của mình.

Mùa xuân thứ hai lại về, bông hoa hạnh phúc khoe sắc thắm cạnh cái cây. Khi bông hoa ngẩng đầu lên nhìn, thấy cái cây đã lớn, nó thanh thản mỉm cười.

Từ đó về sau, mỗi khi mùa xuân về, mọi người đều thấy dưới gốc cây to mọc lên một bông hoa rất đẹp, tỏa ngát hương thơm. Họ nói: Đó chính là nhân duyên đời đời kiếp kiếp của bông hoa và cái cây.

***

Vì tính chất công việc, tôi may mắn được đọc rất nhiều sách, biết được nhiều câu chuyện hay, trong đó tôi rất tâm đắc với câu chuyện trên.

Tình yêu và hôn nhân dẫn dắt trái tim người phụ nữ hướng đến cuộc sống hạnh phúc. Dưới sự chiếu rọi của vầng sáng này, người phụ nữ trở nên dịu dàng, can đảm, thông minh và… cố chấp. Dẫu cuộc sống có khổ cực, có mệt mỏi, chỉ cần cảm nhận được sự an nhiên tự tại từ trong tâm thì mọi phong ba bão táp đều trở nên yếu nhược. Nó không còn u ám, mọi khổ nạn đều gieo mầm cho sự khởi đầu mới ngọt ngào. Dù thế nào chăng nữa, hôn nhân cũng để lại dấu vết trong cuộc đời người phụ nữ, hoặc là khổ đau, hoặc là hạnh phúc.

Tình yêu và hôn nhân dẫn dắt trái tim người phụ nữ hướng đến cuộc sống hạnh phúc nhưng thực tế có thể là sự khổ đau. (Ảnh minh họa: gafin.vn)

Tôi đã từng đi trên con đường hôn nhân tưởng chừng hạnh phúc nhưng lại hóa khổ đau và lận đận mãi trên con đường ấy.

Còn nhớ, hồi mối quan hệ của tôi và chồng rơi vào bế tắc, khoảng cách giữa chúng tôi càng ngày càng xa thể hiện qua những cuộc cãi vã. Khi ấy, con trai tôi chưa đầy 2 tuổi, song khả năng quan sát của bé rất tốt. Trẻ con rất nhạy cảm.

Tôi nhìn thấy cậu bé liên tục quan sát tôi bằng đôi mắt to tròn của mình. Cu cậu chạy đến ôm lấy cổ tôi và nói: “Mẹ ơi, con không cần bố cũng được, con chỉ cần mẹ thôi!”. Hành động của cậu con trai khiến tôi vừa sửng sốt vừa đau đớn. Tôi đã không kìm được nước mắt. Tôi muốn nói với con trai “Mẹ xin lỗi con” mà nghẹn ngào không nói nên lời.

Vào giây phút ấy, tôi tự xem xét lại bản thân thêm một lần nữa, cảm thấy đủ loại cảm xúc đan xen, lòng đau như dao cắt. Tôi chưa kịp chuẩn bị tinh thần trước cho con về việc cha mẹ chia tay. Những năm tháng sau này, tôi phải bỏ không biết bao nhiêu tâm huyết để bù đắp cho con.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, vết thương trong tâm hồn bé bỏng của con tôi cũng lành theo năm tháng. Bây giờ mỗi khi có ai đó hỏi về bố, cậu bé đã có thể bình thản trả lời: “Bố mẹ cháu chia tay nhau rồi ạ. Bây giờ họ chỉ là bạn thôi”. Bạn bè và hàng xóm xung quanh tôi vẫn thường hay nói với tôi rằng: “Thằng bé thật hiểu chuyện”.

Khi bố mẹ không thể hàn gắn, thì làm thế nào để con không bị tổn thương và phát triển bình thường. (Ảnh minh họa: hellobacsi.com)

Khi bố mẹ không thể hàn gắn, tâm lý của những đứa trẻ lúc này sẽ ra sao? Một khi gia đình không khắc phục được những mâu thuẫn trong hôn nhân thì cha mẹ nên yêu con như thế nào? Và làm sao để thể hiện tình cảm đó? Dù thế nào đi nữa, bạn nhất định phải tránh phạm phải sai lầm trong cách yêu con.

Sai lầm thứ nhất: Quá nhiều ám thị tình cảm

Khi xuất hiện mâu thuẫn và các vấn đề trong quá trình trưởng thành của con, nhiều phụ huynh thường quy kết, đổ lỗi cho sự không hoàn chỉnh của gia đình, truyền cho con những ý nghĩ tiêu cực. Nhất là khi phụ huynh thường hay nói những câu như “con thật đáng thương” sẽ làm cho trẻ có cảm giác tự ti, mặc cảm.

Phụ huynh không nên cho con những ám thị tình cảm sai lầm. Nếu chúng ta biết cách xử lý tốt, những bất hạnh trong hôn nhân không thể ảnh hưởng tới sự trưởng thành của con cái, con trẻ vẫn có thể sống vui vẻ, khỏe mạnh cả về thể chất và tâm lý.

Sai lầm thứ hai: Liên tục bài xích đối phương

Rất nhiều cặp vợ chồng sau ly hôn, bên nuôi con thường không muốn người kia tiếp xúc với con, có khi còn chuyển chỗ ở tới nơi người kia không tìm được, ngăn con không được gặp cha hoặc mẹ của chúng. Còn có phụ huynh cảm thấy đối phương vô cùng xấu xa, nên truyền cho con tư tưởng thù hận như “tuyệt đối không được giống cha hoặc mẹ con”. Nếu đứa trẻ thường xuyên phải nghe những lời nói ấy, vô hình trung chúng sẽ hình thành tâm lý bác bỏ cha hoặc mẹ mình. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến con trẻ hình thành tính cách lệch lạc.

Sai lầm thứ ba: Quá nuông chiều con

Nuông chiều con cái là bệnh chung của rất nhiều gia đình và thường thể hiện rõ hơn ở phụ huynh đơn thân. Cha mẹ đơn thân cho rằng: cha mẹ ly hôn là rất có lỗi với con, nên khi con có bất cứ yêu cầu gì, bất luận về tinh thần hay về vật chất, phụ huynh đều đáp ứng một cách vô điều kiện. Lâu dần, trẻ sẽ dễ hình thành khiếm khuyết trong tính cách như lầm lì, tự kiêu, buông thả, ích kỷ.

Sai lầm thứ tư: Suy sụp tinh thần

Trước hết, người mẹ đơn thân cần phải tự động viên, không được suy sụp tinh thần. Đặc biệt là ở trước mặt các con, người mẹ lại càng phải tỏ ra ung dung điềm đạm. Như vậy mới có thể khiến trẻ có cảm giác an toàn. Khi đối diện với những lời đồn thổi, suy đoán lung tung của người đời, mẹ đơn thân cần giữ vững tinh thần, trách nhiệm. Lại càng phải biết trân quý bản thân mình và yêu cuộc sống để làm lá chắn cho con trước sóng gió cuộc đời.

***

Cha mẹ chia tay là điều vĩnh viễn không mong muốn đối với con trẻ, nhưng cuộc đời trớ trêu, số phận éo le, đành chấp nhận… Cuối cùng, sau bao sóng gió cuộc đời, tôi đã tìm lại được ánh nắng ban mai ấm áp và lẽ sống cho cuộc đời mình khi tình cờ đọc được cuốn sách Chuyển Pháp Luân. Sau những lần tìm hiểu và thực hành theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn được giảng giải trong cuốn sách trân quý này, tôi dần dần biết cách xây dựng cuộc sống tốt đẹp và lạc quan bằng tình yêu thương, chân thành và dung nhẫn khiến cho cậu con trai bé bỏng của tôi ngày càng cảm nhận được năng lượng ấm áp trong cuộc sống của hai mẹ con, ngay cả mọi hoàn cảnh xung quanh cũng dần theo đó mà trở nên tốt đẹp.

Cũng nhờ nội tâm thanh thản, kiên cường của người mẹ, mà những khó khăn, va vấp trong cuộc sống thường nhật không thể khiến chúng tôi ngừng cất cao tiếng hát mang theo phúc lành và bình an: “Bong bóng Chân – Thiện – Nhẫn. Bạn đến đây vì ai? Đến vì bạn hôm nay. Gieo hạt Chân – Thiện – Nhẫn…”. Cuộc sống lại bắt đầu tươi mới, ngập tràn niềm tin và ước vọng.

Hồng Ân