Mỗi thời có những quan điểm về điểm số không giống nhau, nhưng những người ‘thích điểm số’ thì luôn giống nhau, đó là bằng mọi giá để có điểm thật cao, học ngày học đêm, học thêm học nếm, đủ mọi thứ trên đời.

Học vì điểm số con chưa hẳn giỏi kiến thức thực sự, nhưng chắc chắn là sẽ đánh mất tuổi thơ. Thời học sinh của tôi đã qua hơn 10 năm, ngày đó điểm số cũng rất quan trọng nhưng chúng tôi không phải học nhồi nhét. Học chỉ một buổi, không đi học thêm. Chỉ các bạn học giỏi thì có thêm những buổi ôn thi và những bạn học yếu cũng được bồi dưỡng thêm.

Ngày ấy, tôi vừa học vừa phụ giúp gia đình làm đủ thứ việc nhưng lực học vẫn tốt. Thỉnh thoảng tôi có kể cho các con và học sinh nghe về việc học ngày xưa của mình. Tôi chủ động trong việc học và không bao giờ để cha mẹ hay thầy cô nhắc nhở.

Chính vì thế tôi dạy một cách nhẹ nhàng, thiết thực để việc học hành của các con thoát lối học “gạo”, thoát điểm số.

Những đợt kiểm tra học giữa kỳ, học kỳ cũng chẳng có gì áp lực. Nếu buổi chiều thi, buổi sáng con ở nhà xem qua vài lần, con vẫn có thời gian giải trí, vận động chân tay (đọc sách báo, xem truyền hình, làm việc nhà, chơi thể thao).

Thời nay, học sinh học mụ cả người vì điểm số. Học quá nhiều nên dư kiến thức sách vở mà thiếu vốn sống thực tế. Nhưng chính cha mẹ lại là người ép con học vì điểm số. Người lớn chúng ta đang đánh cắp tuổi thơ, đánh cắp tuổi học trò của con em mình, khiến con em “lạc vào điểm số”. Nhiều đứa trẻ sẽ trải qua nhiều năm ám ảnh, hoặc thậm chí ám ảnh tới khi đã trưởng thành.

Bạn tôi đang dạy tại một trường phổ thông ở Sài Gòn chia sẻ sở dĩ phụ huynh ép con học cũng là vì áp lực về thành tích của con mình với người ngoài (như đồng nghiệp, bà con, chòm xóm…).

Đa số phụ huynh bây giờ có 1-2 con nên đầu tư cho con rất nhiều. Người lớn thường đem những đứa trẻ trở thành câu chuyện bàn tán mỗi khi nói chuyện cùng nhau. Nếu con của ai đó kém hơn những đứa trẻ khác, họ sẽ cảm thấy xấu hổ.

Thậm chí có những phụ huynh biết rõ sức học con mình ở mức trung bình nhưng vẫn muốn con khá, giỏi nên… không ngừng làm phiền thầy cô để xin “giúp đỡ”. Tất nhiên, giáo dục trên nền tảng chân – thiện – mỹ không bao giờ cho phép điều đó.

Lẽ ra vào mùa thi của con, phụ huynh chỉ cần động viên con thi tốt trong khả năng; chăm sóc sức khỏe cho con đảm bảo đủ tinh thần thoải mái bước vào phòng thi thì lại làm cho con thêm nặng nề.

Mỗi bạn trẻ khi cắp sách đến trường, trước mỗi kỳ thi đã luôn có áp lực rồi mà còn thêm áp lực vô hình từ cha mẹ, có khi còn tác dụng ngược.

Từ kinh nghiệm tự thân, tôi thấy việc học hành thì nên thong dong một chút, chớ nên cưỡng cầu. Một máy tính mà ổ cứng chứa đầy, lại có thêm virus tấn công thì chạy sao nổi. Bộ não các con cũng thế, nếu có quá nhiều áp lực thì kỳ thi sẽ trở thành khoảng thời gian đau khổ, thậm chí dẫn đến hậu quả khó lường nếu không đạt như “ước nguyện” của phụ huynh “gửi gắm” trước đó.

Video: Tòa án yêu cầu Liên Hợp Quốc điều tra Bắc Kinh thu hoạch tạng cưỡng bức

videoinfo__video3.dkn.tv||c394d113c__