Trên đời, chuyện tệ bạc nhất chính là khinh thường cha mẹ của mình. Tục ngữ có câu: “Con không chê cha mẹ xấu, chó không chê chủ nghèo”. Vậy mà ngày nay, có khá nhiều trẻ nhỏ thế nhưng lại có lòng chán ghét cha mẹ, chỉ bởi vì cha mẹ của mình nghèo, xấu hoặc là có nghề nghiệp tầm thường, không sang quý bằng cha mẹ của người khác.

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta vẫn thỉnh thoảng có thể chứng kiến hay nghe được một vài trường hợp như vậy.

Một số trẻ nhỏ cảm thấy cha mẹ của mình làm cho mình cảm thấy xấu hổ, mất mặt với bạn bè.

Một cô bé 5 tuổi học mẫu giáo, nói dối với các bạn cùng lớp rằng: người cô của mình hay lái xe ô tô tới đón mình chính là mẹ ruột, còn người mẹ ruột hay đạp xe đạp đưa cô bé đến trường chỉ là người giúp việc.

Một cậu bé 12 tuổi học sinh cấp hai, có cha mẹ là người buôn bán nhỏ ở chợ. Khi nhà trường tổ chức cuộc họp phụ huynh giữa năm học, thì cậu bé nhất định ngăn cản không cho cha mẹ của mình đến tham dự. Lý do chính là: cha mẹ của các bạn khác vừa đẹp lại có nghề nghiệp cao quý mới có thể đi họp, còn cha mẹ cậu buôn chợ bán bưng, mặc áo vải quần thô, đến họp sẽ khiến cho bạn bè của cậu khinh thường cậu mà thôi.

Một cậu bé khác là học sinh lớp 11, có cha mẹ làm nghề chăn nuôi gia cầm và trồng trọt ở nông thôn. Vậy mà cậu bé không cho cha mẹ cậu đến trường cậu học thăm cậu hoặc là tham quan trường. Thậm chí có lần khi ở cùng với bạn học, cậu đã tỏ ra chán ghét những món đặc sản mà cậu rất thích trước đây do cha mẹ mang đến cho cậu.

Thậm chí còn có những đứa trẻ xử sự còn tệ hại hơn, nhẫn tâm đánh đập, xô đuổi cả cha mẹ của mình.

Một cậu bé học trung học, bởi vì người mẹ có tật bệnh trong người khiến cậu cảm thấy mất thể diện đối với bạn bè cho nên cậu sinh lòng chán ghét và đã từng đánh đập bà ấy. Được biết, mấy năm trước cha của cậu qua đời, mẹ của cậu do buồn đau mà sinh bệnh, bà còn mắc chứng rối loạn ngôn ngữ. Vài năm trở lại đây, bà mẹ mắc bệnh tâm thần phân liệt, bà luôn cảm thấy lo lắng cho con trai còn nhỏ nếu ra ngoài một mình sẽ gặp nguy hiểm, cho nên luôn đi theo sau con trai mình. Cuối cùng, con trai bà cảm thấy có một người mẹ như vậy khiến cậu xấu hổ mất mặt với bạn bè, cho nên đã nhiều lần đánh bà, ngăn cấm bà đi theo mình. Có một vài người biết chuyện ấy, bèn hỏi bà rằng: “Bà có oán trách con trai không?”, bà mẹ trả lời rằng: “Tôi không trách nó, tôi là mẹ của nó mà”.

Có một số trẻ cảm thấy cha mẹ làm cho mình cảm thấy xấu hổ, mất mặt với bạn bè. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Yêu thương con cái vô tận, chính là nguyên nhân khiến cho con vô ơn

Tôi thở dài thầm nghĩ, đây cũng là thái độ của đại đa số cha mẹ đối với con cái của họ. Bởi vì họ làm cha mẹ, vì quá yêu thương con cái, cho nên không hề oán trách con. Một mặt, tôi thấy xúc động trước tình cảm mà họ, những người làm cha mẹ, yêu thương khoan dung hết mực đối với con cái họ. Mặt khác, lại cảm thấy tức giận đối với những vị cha mẹ như thế này, chính bởi vì họ đối với con trẻ yêu thương vô điều kiện, cho nên mới khiến cho đứa trẻ không hề có lòng biết ơn.

Những đứa trẻ kể trên, đều có chung một đặc điểm, đó là thói ham hư vinh, không hiểu được coi trọng người thân, tôn trọng cha mẹ.

Ngoài những nhân tố trưởng thành khác, nhân cách đứa trẻ mang theo thói ham danh lợi, hư vinh đều phần lớn là do chính từ tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ mà tạo thành. Yêu thương vô điều kiện đối với con cái, nhìn như là yêu thương, nhưng bản chất thực sự lại là làm hại con.

Thuận theo sự phát triển của xã hội kinh tế thị trường, là xuất hiện sự chênh lệch rất lớn giữa giàu và nghèo trong xã hội, dễ dàng tạo nên tâm lý ham danh lợi, ham hư vinh ở con người. Nếu cha mẹ không đề cao giáo dục nhân phẩm cho con trẻ, thì dễ khiến cho con trẻ có tâm lý coi trọng vật chất, coi trọng danh lợi, từ đó hình thành nên những trường hợp đau lòng, những bi kịch. Ngay từ khi con trẻ còn nhỏ, cha mẹ đã không để cho con chịu một chút ủy khuất nào, không nỡ để con phải chịu khổ. Thậm chí còn mặc kệ hoàn cảnh kinh tế của gia đình như thế nào, chỉ mù quáng cố gắng tập trung lo cho con đầy đủ, tôn sùng cái gọi là nuôi dưỡng con sung túc, trong khi đó lại xem nhẹ giáo dục phẩm đức cho con. Kết quả tất yếu là nuôi dưỡng ra những đứa trẻ chỉ biết có vật chất và kiêu ngạo, ích kỷ chỉ biết có bản thân mình.

Yêu thương vô độ, nhìn như là tốt đẹp, nhưng bản chất thực sự lại là làm hại con trẻ.

Cái hại đầu tiên, chính là triệt tiêu nhân tính của đứa trẻ, làm cho đứa trẻ không hiểu thế nào trung nghĩa hiếu đức. Tiếp theo sau đó là sinh lòng chán ghét cha mẹ, khinh thường rồi hỗn láo với cha mẹ.

Nhà tư tưởng Vương Thủ Nhân đời Minh có nói: “Trồng cây trước tiên nhất định phải bồi dưỡng rễ, trồng nhân đức trước tiên phải bồi dưỡng tâm”. Cây không rễ, thì sẽ chết; người không đức, làm sao đứng vững ở đời!

Cha mẹ bồi dưỡng đức hạnh cho con trẻ là điều quan trọng bậc nhất trong việc nuôi dạy con cái

Yêu thương con cái vô tận, chính là nguyên nhân khiến cho con vô ơn
Yêu thương vô độ, nhìn như là tốt đẹp, nhưng bản chất thực sự lại là làm hại con trẻ. (Ảnh: pixabay.com)

Dung mạo là do cha mẹ cho, còn thể diện là do chính mình tìm lấy

Có một bạn nữ học sinh trung học kể lại câu chuyện như sau:

Trong lớp cô, có một bạn nữ, nhìn bề ngoài cũng bình thường, thành tích học hành cũng bình thường không có gì nổi bật cả. Tính cách bạn nữ này cũng an tĩnh ít nói, ở lớp học bạn này cứ như là người vô hình không được chú ý đến, thường hay bị bạn học bắt nạt.

Có một hôm, nhà trường tổ chức họp phụ huynh, tất cả phụ huynh của học sinh trong lớp đều đã đến, riêng phụ huynh của bạn nữ là chưa đến. Năm phút sau, có một người đàn ông trung niên mặc bộ đồ tây rất mới đi đến cửa lớp học, bộ áo quần của người đàn ông còn mới nhưng lại rộng thùng thình, nhìn là cũng có thể đoán được là vội vàng chuẩn bị cho buổi họp phụ huynh lần này. Người đàn ông bối rối xin lỗi với giáo viên vì mình đến muộn, sau đó đi vào lớp học. Lúc này mọi người mới chú ý tới thấy rằng người đàn ông đi chân khập khiễng, trong phòng học bắt đầu nổi lên nhiều tiếng xì xào bàn tán. Bởi vì để thuận tiện cho việc trao đổi giữa các phụ huynh với nhau, cho nên bàn ghế trong phòng học được xếp theo hình tròn. Khi người đàn ông khập khiễng bước vào đều khiến người khác dễ thấy. Phát hiện ra mọi người trong phòng đều hướng cái nhìn vào mình, người đàn ông cảm thấy ngại ngùng và bối rối, cho nên nhất thời không nhìn thấy vị trí ngồi của con mình.

Đột nhiên, cô bạn nữ kia đứng dậy và nói: “Ba, con ở đây !”. Nói rồi, cô ấy vừa tiến lên phía trước vừa nói với các bạn “Xin lỗi, cho qua một chút”, đồng thời đi tới đỡ người đàn ông khập khiễng đi đến vị trí của mình ngồi xuống. Khi ba của cô ấy ngồi xuống ghế, cô liền rất tự nhiên nói với ba rằng “Ba vất vả rồi”, xong rót nước mời ba uống. Từ đầu đến cuối, động tác của cô ấy nhanh nhẹn thành thục, không có một chút nào là gượng gạo hay có lệ.

Bạn nữ sinh kể lại câu chuyện này còn cho biết: Sau khi cuộc họp phụ huynh kết thúc, trên đường về, mẹ của bạn khen cô bé kia thật có giáo dưỡng; mà chính bản thân cô cũng từ đó sinh lòng cảm mến cô bạn kia.

Rồi từ đó, trong lớp học có rất nhiều bạn thay đổi thái độ, chủ động đến hỏi han nói chuyện với bạn ấy. Còn những bạn khác trước đây hay bắt nạt cũng không còn đối xử tệ với bạn ấy nữa.

Dung mạo là do cha mẹ cho, còn thể diện là do chính mình tìm lấy
Qua chuyện đó, trong lớp học có rất nhiều bạn thay đổi thái độ với bạn nữ đó. (Ảnh: minh họa: youtube.com)

Chuyên gia giáo dục cho rằng: Muốn được người khác tôn trọng, trước tiên phải biết tôn trọng bản thân mình. Một người hiểu được tôn trọng chính mình, tôn trọng người thân, sẽ không coi thường người khác, tự nhiên sẽ được người khác tôn trọng.

Đúng vậy, cha mẹ có thể không cho con cái gia thế tốt, cũng không mang lại cho con cái hoàn cảnh bước đầu tốt hơn so với người khác, cũng không đem đến cho con cái tài năng xuất chúng được.

Và, thể diện và sự tôn trọng vốn không phải được sinh ra là đã có, mà chính là phải dựa vào bản thân mình, dùng thực lực của bản thân để chứng minh, hoặc dùng chính nhân phẩm của bản thân để chinh phục người khác mà có được.

Thể diện và tôn nghiêm, cho tới bây giờ đều là do bản thân mình tự tìm lấy.

Chính vì vậy, chuyện tệ bạc nhất trong thiên hạ là khinh thường cha mẹ của mình. Cho nên, một khi bạn phủ nhận mối quan hệ máu mủ, tỏ ra chán ghét, khinh thường cha mẹ mình, cũng là lúc bạn đã đánh mất tư cách “cần thể diện” rồi đó.

Theo cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch