Nhiều người cho rằng, trẻ em nhà giàu sẽ có hoàn cảnh nuôi dưỡng và giáo dục tốt hơn, chúng sẽ vui vẻ hạnh phúc hơn. Nhưng điều đó liệu có hoàn toàn tuyệt đối?
Tôi có một người bạn, thời gian đang học Đại học ở New York, anh ấy đã từng tham gia Hiệp hội giúp đỡ trẻ em.
Người bạn này kể rằng: “Tôi phụ trách một nhóm nhỏ có khoảng chừng 12 bé trai. Lúc mới bắt đầu làm quen, tôi hoàn toàn không biết phải làm như thế nào, vì giữa chúng tôi có rất ít thời gian để tiếp xúc, chỉ có mỗi cuối tuần mới gặp nhau khoảng 8 hay 9 giờ đồng hồ, mà việc tôi muốn làm thì rất nhiều. Lúc ấy, tôi rất nóng lòng muốn tìm hiểu xem bọn trẻ gặp phải khó khăn gì trong cuộc sống hàng ngày, cho nên đã phạm vào một sai lầm: Tôi cho rằng tất cả khó khăn mà bọn trẻ gặp phải chỉ là sự nghèo khó. Không phải tất cả bọn chúng đều có chung một điểm đó là nghèo khó sao?”
“Nhưng mà, sau khi từng bước tìm hiểu và thân thiết với bọn trẻ, tôi mới nhận thấy rằng, mỗi em đều có một hoàn cảnh riêng. Có em sẽ quấn quýt thân thiết với tôi, làm tôi cảm thấy bọn chúng nhỏ bé hơn so với độ tuổi rất nhiều, những đứa trẻ này thường là không có cha. Lại có em sẽ giữ khoảng cách với tôi, cũng tỏ thái độ không tin tưởng tôi, những đứa trẻ như vậy thường đến từ những gia đình nghiện ngập hoặc bạo lực. Có một số em chỉ xem trung tâm giúp đỡ trẻ em như một nơi để trốn tránh, những em này đến đây chỉ là vì để tìm một nơi yên tĩnh để đọc sách. Ngoài ra còn có một số em là những đứa trẻ chuyên gây chuyện, năng lượng dồi dào, luôn gây sự đánh nhau, khiêu khích, để xem mọi người có dám trách phạt chúng hay không”.
Vài năm sau, người bạn này trở thành giáo viên của một trường tư nhân khá nổi tiếng ở Manhattan, anh ấy được đảm nhiệm quản lý và dạy một lớp học sinh khá đặc biệt: “học sinh con nhà giàu có thành tích kém”. Anh ấy kể rằng: “Lớp học này bao gồm các học sinh con nhà giàu có nhưng thuộc dạng cá biệt, thành tích học hành rất kém. Những học sinh này đã bị những trường học khác đuổi học, cha mẹ của chúng muốn tạo cơ hội học tập cho con cho nên mỗi năm phải chi trả cho nhà trường khoảng 30.000 đô-la”.
Tại sao cuộc sống của những học sinh này lại phát sinh những lệch lạc như vậy? Rõ ràng là chúng có điều kiện rất thuận lợi, nhưng vì sao thực tế lại không phải như vậy?
Bạn của tôi tiếp tục nói: “Trẻ nhà giàu và trẻ nhà nghèo, tôi không hề nhìn vào sự khác biệt đó của chúng, mà bắt đầu quan sát tìm kiếm những điểm chung giữa chúng. Học sinh học ở trường học quý tộc, thường có cha mẹ mải mê lo sự nghiệp ngoài xã hội, một số trong họ là những người nổi tiếng trong xã hội. Những học sinh này có những trạng thái tâm lý rất giống với những trẻ em không có cha ở trung tâm hỗ trợ trẻ em, đều yếu ớt, tính ỷ lại rất mạnh, luôn cần nhiều sự quan tâm và an ủi. Cũng có những đứa trẻ hay giận dữ và thiếu niềm tin vào tôi. Đương nhiên cũng có một số em lại tỏ thái độ thách thức khiêu chiến, luôn ở bên bờ của sự trục xuất ra khỏi trường, những học sinh kiểu này khiến cho cha mẹ phải vất vả khắp nơi vì chúng”.
Cuối cùng, người bạn tôi kết luận rằng, trẻ em nhà giàu hay nhà nghèo, dường như không có mấy sự khác biệt, mà lại có những điểm chung ở trên.
Những gia đình thực hiện tốt việc giáo dục gia đình, sẽ có thể vượt qua được những khó khăn do nghèo túng gây ra. Còn những gia đình mà việc giáo dục thất bại, lại phải thường lãng phí tiền bạc và của cải. Bởi vậy, chúng ta không thể dựa vào hoàn cảnh giàu – nghèo để nói tuyệt đối rằng nhóm trẻ này sống vui vẻ, được dạy dỗ tốt hơn hoặc là có hoàn cảnh sống tốt hơn nhóm trẻ khác được.
Người bạn của tôi còn nói:
“Từ lúc hiểu được những đứa trẻ, tôi đã hiểu được một điều rất kỳ diệu rằng: sức mạnh tinh thần là một loại sức mạnh thần bí giúp bọn trẻ không sợ hãi trước mọi tình huống trong cuộc sống. Sức mạnh ấy đến từ đâu? Làm thế nào để bảo trì được tâm thái lạc quan cho chúng đây? Từ khi nhận trách nhiệm quản lý và giáo dục lớp học sinh con nhà giàu có, tôi đã nhận ra được một điều: Thời gian đầu tiếp xúc với những học sinh này, trong lòng tôi có một sự bất bình, không cam lòng, trong lòng nảy sinh ác cảm đối với chúng.
Tôi từng nghĩ: “cha mẹ mình không đủ khả năng để bỏ ra số tiền 30 ngàn đôla để cho mình đi học trường quý tộc, vậy thì vì sao lũ trẻ này lại có thể?”. Nhưng mà sau một thời gian dụng tâm tìm hiểu và thân thiết với bọn trẻ, tôi đã thấy được những khổ tâm và sự yếu ớt ẩn bên trong con người chúng. Từ đó tôi đã thay đổi cả thái độ lẫn suy nghĩ của chính mình về bọn trẻ.
Nếu đồng tình và cảm thông đối với những người thua kém hơn mình, thì đó không thực sự là đồng cảm. Đồng cảm là có thể thấu hiểu và giúp đỡ đối với mỗi một người, cũng như bất kỳ ai ở thế giới này”.
Theo tw.aboluowang.com
Minh Phúc biên dịch