Cha mẹ thực sự yêu thương, không phải là ra sức che mưa chắn gió cho con, mà là để con hứng chịu một chút gió mưa, cho con cơ hội rèn sức chịu đựng, đủ bản lĩnh mà đối mặt với hết thảy. Càng trong mưa gió, con có thể đứng càng vững, bay càng xa.
Hai chữ “Cha mẹ” nghe thật đơn giản, nhưng lại chứa đựng sức nặng tựa ngàn cân.
Hôm ấy, khi tôi cùng mẹ đi tản bộ ngoài phố, có mấy đứa trẻ đang chơi đùa bên đường. Nhưng, điều đáng nói là trò mà chúng chơi lại quá nguy hiểm. Chúng lấy đá ném vào người đi đường, có một thằng bé cầm cục đá ném trúng bả vai của mẹ tôi. Tôi quay lại và đi đến trước mặt thằng bé, trách mắng mấy đứa trẻ hư. Nói là trách mắng, nhưng thật ra cũng chỉ là nói vài lời khuyên răn. Bất ngờ mẹ của thằng bé từ đâu vội chạy tới, ôm thằng bé vào lòng, mà không hề hỏi xem vết thương của mẹ tôi có nghiêm trọng hay không. Người mẹ ấy chỉ một mực bảo vệ con của mình, nói: “Tôi thấy bà cụ chẳng bị sao cả, mấy người đừng có nghĩ bắt đền chúng tôi. Hơn nữa con trai tôi đang còn nhỏ chưa hiểu chuyện, có chuyện gì thì đối mặt với tôi đây này”.
Nhìn bộ dạng cô ấy quá hung hăng, lại một mực bảo vệ con như vậy, tôi bình tĩnh quay về phía mẹ rồi dìu mẹ rời đi. Trước khi rời đi, tôi chỉ nói với hai mẹ con thằng bé ấy một câu: “Hôm nay tôi không giáo dục thằng bé, cô cũng không hề dạy thằng bé, nhưng về sau nhất định sẽ có người hung hăng hơn dạy thằng bé”.
Dung túng con khi con phạm sai lầm, chẳng khác nào đẩy con vào vực thẳm
Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ bảo hộ con, đó chính là trách nhiệm của cha mẹ, nhưng một khi trẻ làm điều sai trái, thì cha mẹ không thể lấy lý do trẻ còn nhỏ tuổi để mà thoái thác trách nhiệm. Tôi nhận thấy rằng, những cha mẹ một mực đứng ra bảo vệ khi con trẻ làm việc sai trái, thì chẳng khác nào trò đùa nguy hiểm. Đây chính là hành vi tự tay đẩy con vào vực thẳm. Chỉ vì yêu con mà không nỡ dạy dỗ, yêu con theo kiểu không lý trí như vậy thật khó chấp nhận.
Có một đạo lý mà cha mẹ nên hiểu, nếu chờ cho trẻ tự mình hiểu được sai lầm, thì cái giá phải trả cho điều đó thường rất lớn. Kết quả của việc dung túng con trẻ càn quấy, chính là làm tổn hại lợi ích của người khác, thậm chí là đe dọa tới tính mạng của người khác, cuối cùng là tự làm hại bản thân, mang đau khổ và cả sự hối hận cho cha mẹ.
Chỉ một hành động của trẻ, suýt tước mất một mạng người
Ở trên các trang mạng Internet, cũng thường hay có những bài viết, đưa tin về những đứa trẻ không được giáo dưỡng. Có nhiều trường hợp chúng ta không thể nào tin được, kẻ gây ra tội ác lại là những đứa trẻ chỉ mới vài tuổi đời.
Có một cư dân mạng nói rằng, chính mắt anh ta nhìn thấy một đứa trẻ ‘giết người’ không thành. Anh kể, tại một ga tàu điện ngầm, mọi người đang đứng đợi tàu, có một cậu bé cứ làm ầm lên với mẹ rằng mình đang đói bụng. Vừa khéo, đứng gần hai mẹ con đó là một cô gái trẻ đang xách theo túi gà rán. Người mẹ bảo cậu bé đi đến chỗ cô gái trẻ mà xin. Cậu bé tiến đến đòi lấy đồ ăn, tất nhiên là cô gái từ chối. Mọi người xung quanh chứng kiến sự việc đều cho rằng, câu chuyện đến đây là chấm dứt. Ai ngờ, khi tàu điện vừa tiến đến, cậu bé đột nhiên chạy đến đẩy mạnh cô gái trẻ xuống đường tàu. May mắn thay, khi ấy có người nhanh tay kéo cô gái lại, cho nên mới không xảy ra thảm kịch. Sau khi sự việc phát sinh, người mẹ nhanh chóng kéo cậu con trai rồi lẩn trong đám đông trốn mất dạng.
Bảo vệ con trẻ mà không phân biệt được đúng sai, thì không xứng với hai chữ “cha mẹ”
Một số người cho rằng, một mực bảo vệ con chính là làm đúng “trách nhiệm” của người làm cha mẹ, mà không hề nhận thấy vấn đề sai trái nằm ở con trẻ.
Đối với những người này, thì thực sự không xứng đáng với hai chữ “cha mẹ”, thậm chí là không đủ tư cách để làm một người trưởng thành. Làm cha mẹ thì nên biết, khi con trẻ làm việc sai trái thì không thể bỏ qua, bởi vì điều này sẽ quyết định tương lai của chính đứa trẻ về sau. Chỉ biết lo lắng cho con của mình, chỉ biết làm thay con, lại cho rằng đó mới là cha mẹ “có trách nhiệm”. Rốt cuộc như vậy có khác gì đang cổ vũ cho con trẻ làm việc ác?
Cha mẹ vô tình dưỡng thành ‘những đứa trẻ to xác’
Một nhà tâm lý nổi tiếng người Trung Quốc từng nói rằng: “Ở nước ta, phần lớn người trưởng thành có trình độ tâm lý như một đứa trẻ”. Nói như vậy nghĩa là người trưởng thành là một đứa trẻ to xác, mà một đất nước có nhiều người như vậy thì chính là một đất nước của những đứa trẻ to xác.
Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, rất dễ phát sinh trạng thái cực đoan. Mà điển hình cho trạng thái cực đoan này có hai loại. Loại thứ nhất, đó là bỏ mặc không quản. Loại thứ hai, chính là phương thức giáo dục những đứa trẻ to xác. Nghĩa là cha mẹ làm hết mọi việc cho con, xem con như một đứa trẻ to xác, mà không coi con trẻ là đối tượng cần phải giáo dục.
Có một số cha mẹ, thoạt nhìn thì như là có trách nhiệm, là yêu thương chiều chuộng con cái, nhưng thực ra lại là đang lấy đi khả năng độc lập sinh tồn và cuộc sống tự do của con trẻ. Có những đứa trẻ, từ nhỏ tới lớn, mọi việc đều do cha mẹ làm hết thảy. Cha mẹ cho rằng, đó là vì yêu thương con, nhưng thực tế là đang tước đoạt khả năng đối mặt với cuộc sống thực tại, tước đoạt tư cách chịu trách nhiệm của bản thân con. Đến khi con sắp bước chân vào xã hội, thì lại buông tay bỏ mặc con với tất cả. Điều này khác gì đem một đứa trẻ sơ sinh vứt bỏ nơi hoang dã để nó tự mình sinh tồn. Một đứa trẻ sơ sinh thì làm sao có thể lập tức thích nghi ngay được.
Cha mẹ làm hết thảy cho con, chính là vứt bỏ trách nhiệm giáo dục con. Cha mẹ làm như vậy, có lẽ con trẻ sẽ có được mọi thứ, nhưng lại không thể học được cách làm người trưởng thành. Làm cha mẹ, cần phải thực hiện đồng thời hai việc nuôi dưỡng và giáo dục. Cần phải giáo dục cho con trẻ biết như thế nào để làm một người trưởng thành có giáo dưỡng, có khả năng độc lập trong cuộc sống.
Những nhân tài xuất sắc, đều có những cha mẹ “vô trách nhiệm”
Ở đây, cần hiểu “vô trách nhiệm” như thế nào?
Cha mẹ của Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt chính là bậc cha mẹ nổi tiếng “không chịu trách nhiệm”. Khi còn bé, Franklin đã từng phạm sai lầm, đã có lần ăn cắp kẹo ở tiệm tạp hóa. Cha mẹ ông không hề đi xin lỗi, cũng không hề đem tiền bồi thường cho chủ tiệm thay ông, mà để chính ông đi giải quyết vấn đề này. Franklin phải đi làm việc ở các tiệm ăn để kiếm tiền bồi thường tiền kẹo đã trộm. Sau sự việc này, Franklin hiểu được rằng phạm lỗi thì phải trả giá. Hơn nữa, phải do chính bản thân mình gánh trách nhiệm. Cũng từ đây, Franklin bắt đầu tự mình bồi dưỡng khả năng tự kiềm chế, từ đó dần dần phát triển các khả năng và hoàn thiện nhân cách.
Đạo diễn nổi tiếng Lý An cũng là bậc cha mẹ “vô trách nhiệm” như thế. Ông có một cậu con trai tên là Lý Thuần. Thường ngày, hai cha con ông rất thân thiết và tình cảm. Ông thường xuyên bồi dưỡng con trai nhưng tuyệt đối không can thiệp vào cuộc sống của con, buộc Lý Thuần cần phải tự mình quyết định, tự mình thực hiện mọi việc của bản thân. Biết là không thể dựa vào cha, cho nên Lý Thuần tự mình tìm tòi, cố gắng học hỏi, tự mình nuôi dưỡng đam mê biểu diễn. Cuối cùng ước mơ cũng trở thành hiện thực, anh được khoa sân khấu điện ảnh trường Đại học NewYork tuyển chọn. Sau một thời gian nhập học, qua quá trình tham gia giao lưu với giáo viên, sinh viên của trường, thì lúc này mọi người mới biết anh là con trai của đạo diễn lừng danh Lý An.
Cả Franklin và Lý Thuần đều đạt được thành công, là do cả hai người đều hiểu được rằng: cuộc sống của mình phải do chính bản thân mình chịu trách nhiệm.
Kỳ thực, những người thành công xuất sắc phần lớn đều có cha mẹ là những người bình thường. Con trẻ được xuất sắc, đều là bởi có cha mẹ hiểu rõ trách nhiệm của từng người. Những bậc cha mẹ này hiểu được rằng, không thể nói trước được tương lai. Họ hiểu được rằng, cuộc sống của con là do bản thân con phụ trách, cha mẹ không thể quyết định thay con được. Cho nên không thể làm khác hơn, mỗi khi con cái nảy sinh vấn đề, thì họ lại chọn cách “vô trách nhiệm”.
Khi “vô trách nhiệm”, cha mẹ vừa được nhẹ nhõm lại khiến cho con trẻ có cơ hội khẳng định bản thân, tỏa sáng rực rỡ.
Con trẻ nhờ vậy mà sớm học được phải chịu trách nhiệm cho sai lầm của chính mình, hình thành được cái nhìn rõ ràng về cuộc sống tự lập. Con sẽ ý thức được rằng, cuộc sống của mình phải do mình chịu trách nhiệm, dựa vào cha mẹ là không thể tồn tại lâu dài được.
Có thể ban đầu, trẻ không thể nào chấp nhận được, nhưng sau khi trở nên mạnh mẽ, trở nên xuất sắc, lúc đó trẻ mới hiểu ra và biết ơn vì cha mẹ đã “không chịu trách nhiệm” thay mình.
Tại những thời điểm đặc biệt, cha mẹ lại chọn khoanh tay đứng nhìn, không phải là vì thờ ơ, không yêu thương con. Mà vì họ cần phải đẩy con ra khỏi chiếc tổ ấm áp để cho con trẻ nhận thức cuộc sống chân thực, để con tiếp nhận gió mưa của đời thực mà cố gắng chống chọi, mà rèn luyện bản lĩnh.
Chân chính yêu thương, không phải là cha mẹ che mưa chắn gió cho con. Mà là để cho con hứng chịu mưa gió, buộc con rèn cho mình sức chịu đựng, đủ bản lĩnh để mà đối mặt với hết thảy. Càng trong mưa gió con có thể đứng càng vững, bay càng xa. Trong gian khổ, con trẻ tự đột phá, bước lên phía trước. Đây mới là tình yêu vĩ đại cha mẹ dành cho con. Tình yêu đích thực không phân được đúng – sai, nhưng lại phân ra lợi – hại.
Khi sinh con ra, sứ mệnh của cha mẹ chính là nuôi dưỡng và giáo dục con cái, đảm bảo cho con có thể đối mặt với mưa gió, khó khăn của cuộc sống này. Cho đến một ngày, cha mẹ có thể nhìn theo bóng con, mang theo hy vọng, khát khao tương lai đi xa. Cuộc đời này, có thể trở thành người một nhà với nhau đã là một niềm hạnh phúc, một may mắn.
Có một loại yêu thương, đó chính là buông tay. Dù sao, vui vẻ chính là tự do, mà yêu thương mới là thứ cần phải khắc chế đúng mực.
Theo cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch