Sách Mạnh Tử viết: “Cái gốc của thiên hạ là nước, cái gốc của nước là nhà”. Lịch sử đã cho thấy: “Một nhà nhân thì cả nước nhân hưng thịnh. Một nhà đức thì cả nước đức hưng thịnh”, và “Gia phong chính thì đời sau chính, đầu nguồn chính, quốc gia chính”.
Giáo dục sớm có lợi gấp bội
Nhan Thị Gia Huấn viết: “Đời người khi tuổi nhỏ thì tinh thần chăm chú, sau khi trưởng thành thì suy nghĩ hỗn loạn, do đó phải giáo dục sớm, chớ để lỡ thời cơ”.
Trong Đình Huấn Cách Ngôn, vua Khang Hy cũng coi trọng giáo dục sớm: “Dạy bảo nên sớm (khi con còn nhỏ), không được ngại gian khó”.
Sách Quốc Gia Hưng Vong và Gia Phong Gia Đình cũng đề xướng giáo dục sớm. Nhà Chu thống trị 800 năm có lịch sử lâu dài nhất cũng đã đề xướng bắt đầu giáo dục từ khi mang thai, Thái hậu nghe mỹ nhạc (nhạc tốt đẹp), kiêng kỵ cay nóng và ngũ vị, lập 3 chức quan làm thầy dạy Thái tử, đã tạo nên bậc anh minh Chu Thành Vương.
Lập chí để thành sự
Trong “Gia thư”, Tăng Quốc Phiên viết: “Không tạo lập được chí hướng thì không thể thành tựu sự nghiệp trong thiên hạ được”, và “Không làm được bậc Thánh hiền thì chỉ có thể làm cầm thú. Đừng hỏi thu hoạch, chỉ hỏi cày bừa (ý nói chuyên tâm học hành như người nông dân chăm chỉ cày bừa thì mới có thu hoạch)”.
Trong gia thư, gia giáo, ông bàn luận về lập chí rất nhiều, nhấn mạnh sau khi lập chí hướng thì căn cứ vào đó tìm lỗi lầm của mình, tự giác tự khích lệ bản thân.
Nhan Thị Gia Huấn cũng đề xướng giáo dục tạo lập chí hướng: “Tu thân tề gia là để học quản lý quốc gia”
Tăng Quốc Phiên cũng giáo dục con phải trị sửa lười biếng tạo lập chí hướng, ông viết trong “Gia thư” rằng: “Những kẻ bất tài trong thiên hạ đều từ chữ Lười mà thất bại”, “Một chỗ buông lơi thì trăm chỗ trễ nải”, “Lười biếng thì buông lơi trễ nải”, và “Chuyên cần thì trị chữa được lười biếng”, hàng trăm tệ hại cũng đều từ chữ Lười mà sinh ra.
Lập Đức để lại cho con cháu
Gia Huấn của Chu Hi có viết: “Người có đức tuy nhỏ tuổi hơn mình, mình cũng phải tôn kính. Kẻ vô đức tuy lớn tuổi hơn mình, mình cũng phải tránh xa”. Chu Hi coi trọng tu thân dưỡng đức như quần áo mặc trên thân, như thức ăn thức uống ăn vào miệng, không thể một ngày không có, không thể không thận trọng”.
Trong gia huấn Ôn Công Gia Phạm, Tư Mã Quang cũng coi trọng đức: “Người hiền năng sống trên đời thì dùng đức để hiển hiện bản thân”.
Trong “Lâm Tắc Từ gia huấn” cũng chú trọng lập đức làm giá trị tiến thủ: “Hiền năng mà nhiều của cải thì sẽ tổn hại chí hướng. Ngu muội mà nhiều của cải thì sẽ tăng tội lỗi”.
Dạy con tiết kiệm
Trong “Huấn Kiểm Thi Khang”, Tư Mã Quang viết: “Từ tiết kiệm chuyển sang xa hoa rất dễ, từ xa hoa chuyển sang tiết kiệm rất khó”. Đây là giáo huấn răn dạy con của ông, đã nói rõ tính tất nhiên qua quan hệ giữa ‘tiết kiệm’ và ‘xa xỉ’, “Tiết kiệm có thể tạo lập danh tiếng, xa xỉ ắt tự bại hoại bản thân”.
Trong “Giới tử thư”, Gia Cát Lượng cũng tôn sùng tiết kiệm: “Tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức”.
Trong “Trị gia cách ngôn”, Chu Bá Lư cũng đề cao tiết kiệm: “Bát cơm bát cháo, phải biết có được không dễ. Sợi tơ mảnh vải, luôn nhớ vật lực gian nan”.
Trung hiếu để lập thân
Tô Thức 10 năm đọc “Hán thư”, rất khâm phục Phạm Bàng vì chữ Trung mà hiến dâng thân mình:
Phạm Bàng nói với mẹ rằng: “Con trung hiếu không thể vẹn toàn”.
Mẹ Phạm Bàng nói: “Mẹ tự hào vì con”.
Tô Thức hỏi mẹ: “Nếu con giống Phạm Bàng, mẹ thế nào?”
Mẹ Tô Thức nói: “Con thành Phạm Bàng thì mẹ là mẹ Phạm Bàng”.
“Lâm thị gia huấn gia quy” cũng coi trọng trung hiếu: “Hiếu bắt đầu từ thờ mẹ cha, cuối cùng là báo đáp quốc gia, chuyển hiếu làm trung, tức làm hiển danh cha mẹ, đó là toàn hiếu, là đại hiếu”.
“Hiếu là cái gốc lập thân. Nếu không hiếu với mẹ cha thì không thể trung với quốc gia được. Như thế ắt sẽ trở thành sâu mọt của xã hội”.
Đôn đốc học để tạo gốc rễ
Trong “Liệt nữ truyện – Mẫu nghi” có viết: “Mạnh Tử vốn có tư chất hiền lương, thuở nhỏ được mẹ nhân từ giáo dục chuyển chỗ ở 3 lần”.
Xưa Mạnh Mẫu, chọn nơi ở,
Con không học, chặt khung cửi
Nguyên văn:
Tích Mạnh Mẫu, trạch lân xử
Tử bất học, đoạn cơ trữ
Mẹ Mạnh Tử là mẫu mực giáo dục con ngay từ nhỏ, đốc thúc giám sát con học hành, là điển phạm giáo dục của người mẹ.
“Nhan thị gia huấn” cũng có câu danh ngôn về đốc thúc con học tập: “Nếu có thể luôn luôn duy trì đọc trăm cuốn sách thì hàng ngàn năm cũng không là tiểu nhân”.
“Tích trữ tiền tài hàng ngàn hàng vạn quan không bằng có một kỹ năng. Kỹ năng dễ học mà quý báu, không gì bằng đọc sách”.
Thịt lợn để gây dựng chữ tín
Sách “Hàn Phi Tử” có chép: “Vợ Tăng Tử đi chợ, đứa con nhỏ khóc đòi theo đi, người mẹ dỗ: “Con ở nhà, đi chợ về mẹ thịt lợn cho con ăn”.
Vợ Tăng Tử đi chợ về, Tăng Tử chuẩn bị bắt lợn thịt. Vợ ông ngăn lại: “Đùa với trẻ con thôi mà”.
Tăng Tử nói: “Trẻ con không phải trò đùa. Trẻ con chưa có đủ trí tuệ, chỉ biết nghe theo lời dạy của cha mẹ. Hôm nay bà lừa dối nó là dạy con lừa dối đó, không thể thành tựu giáo dục con được”. Nói rồi ông thịt lợn cho con ăn.
“Phép tắc gia tông” cảnh tỉnh đời sau
“Bao Chửng gia huấn” có viết về tông pháp (phép tắc gia tông) rằng: “Con cháu đời sau làm quan nếu có kẻ phạm tội tham nhũng lạm dụng chức quyền thì không được trở về nhà. Sau khi chết cũng không được chôn ở khu mộ gia tộc. Không theo chí của ta thì không phải là con cháu của ta. Khắc lên đá, dựng ở vách đông trong nhà để răn dạy con cháu đời sau”
Con cháu các đời sau của Bao Chửng không làm tủi nhục gia tông, con ông là Bao Thụ, cháu ông là Bao Vĩnh Niên… đều làm quan thanh liêm chính trực, được lưu truyền lại danh tiếng liêm chính.
***
Tư Mã Quang dành cả đời viết Tư Trị Thông Giám, nhưng ông nói: “Sách dạy con “Gia phạm” còn quan trọng hơn Tư Trị Thông Giám, bởi vì gia phong là nền móng cho phong thái xã hội”.
Gia phong hàng ngàn năm, nhuộm xanh thì xanh, nhiễm vàng thì vàng. Với gia tộc thì đó là gia phong, mẫu mực, với quốc gia thì đó là cột sống. Chấn hưng quốc gia, khai sáng xã hội thì trước hết chấn hưng phong khí, mẫu mực trong gia tộc, gia đình, và bắt đầu từ gia huấn, gia giáo.
Nam Phương
Theo sohu.com