Tể tướng đời Tống Lã Công Trứ có vợ là Lỗ Thị, bà khéo giáo dục con, từ nhỏ đã hình thành thói quen hành vi rất tốt đẹp, chí hướng khí tiết cao thượng coi nhẹ danh lợi. Do đó con trai là Lã Hy Triết, Lã Hy Thuần sau này đều trở thành bậc hiền tài.
Lã Công Trứ là nhân vật nổi tiếng qua các đời hoàng đế Bắc Tống như Tống Nhân Tông, Anh Tông, Thần Tông và Triết Tông. Cha ông Lã Di Giản, là tể tướng những năm đầu triều Bắc Tống. Lã Công Trứ đỗ tiến sỹ những năm Khánh Lịch, năm Nguyên Hựu Tống Triết Tông (1086) đã làm quan đến chức Thượng thư hữu bộc xạ, kiêm Trung thư thị lang, làm tể tướng triều đình cùng thời với Tư Mã Quang.
Lã Công Trứ từ nhỏ đã đặc biệt thích học tập, thường đọc sách đến mức quên ăn quên ngủ. Cha của ông là Lã Di Giản rất coi trọng ông, thường nói ông có tài năng của bậc tể tướng. Sau khi ông đỗ tiến sỹ, được bổ nhiệm làm thông phán Dĩnh Châu, thường đàm luận học vấn cùng với Âu Dương Tu lúc đó đang là thái thú Dĩnh Châu, và trở thành đôi bạn thân.
Đại văn học gia Âu Dương Tu vô cùng tôn sùng học thức của ông. Một lần Âu Dương Tu đi sứ Khiết Đan, vua Khiết Đan hỏi: “Trong triều đình Đại Tống, ai là người có học vấn đức hạnh nhất? Âu Dương Tu nói Lã Công Trứ đứng đầu. Lúc đó, một vị đại văn học gia khác và Vương An Thạch có tài ăn nói, chưa từng có ai hùng biện nổi. Tư Mã Quang cũng là đại văn học gia nổi tiếng đương thời, nhưng họ đều vô cùng khâm phục Lã Công Trứ “lời trọng yếu chẳng nói nhiều”. Họ đều nói: “Mỗi lần nghe Lã Công Trứ giảng luận thì cảm thấy những lời mình nói là lắm lời”. Từ đó có thể thấy Lã Công Trứ được những danh sỹ nổi tiếng đương thời tôn sùng.
Lã Công Trứ từ nhỏ theo nghiệp học đã lấy “Tu tâm dưỡng tính” làm gốc, do đó cả đời hành vi đoan chính, phẩm hạnh thuần phác chân thật. Bình thường chưa từng thấy ông nghiêm mặt nói nhanh, đối với những danh lợi đều coi rất nhẹ, chú trọng thanh tĩnh, hành vi đoan trang chắc chắn. Mùa hè không thấy ông dùng quạt, mùa đông không thấy ông sưởi lửa.
Ngoài học thức uyên bác ra, Lã Công Trứ gặp sự việc đều giỏi quyết đoán. Nếu những việc có lợi cho quốc gia, không bao giờ dao động bởi tình riêng, hoàn toàn không có tư tâm. Ông lại giỏi khảo sát nhân tài, nghe được cả thiện ác tốt xấu, từ đó đánh giá và sử dụng chính xác. Ngay cả Tống Thần Tông cũng vô cùng khâm phục ưu điểm này của ông, đã từng khen ngợi ông rằng: “Lã Công Trứ đánh giá, sử dụng nhân tài chính xác như lấy cân cân đồ”.
Chính vì Lã Công Trứ có những phẩm chất ưu tú này, cho nên các con trai ông là Lã Hy Triết, Lã Hy Thuần cũng chịu ảnh hưởng lớn của gia đình. Lỗ Thị, vợ của Lã Công Trứ xứng danh là nội tướng hiền năng, bà yêu cầu rất nghiêm khắc với các con. Từng chi tiết nhỏ trong đời sống thường nhật đều chú ý cặn kẽ.
Bà rất thích người con trai Lã Hy Triết, nhưng yêu cầu Lã Hy Triết từng lời nói, từng hành động hàng ngày phải tuân theo đúng phép tắc. Lã Hy Triết khi mới lên 10, bất kể nắng mưa nóng lạnh, cả ngày đứng hầu bên người lớn, người lớn chưa bảo ngồi thì không bao giờ ngồi, cứ cung kính đứng đó. Khi gặp người lớn, ông đều mũ áo chỉnh tề. Cho dù trời nóng thế nào đi nữa, thì trước mặt người lớn, ông không bao giờ cởi áo, bỏ mũ. Ra vào nhà đều rất chú ý đến cử chỉ hành vi bản thân.
Dưới sự dạy bảo của Lỗ Thị, Lã Hy Triết chưa bao giờ đến các nơi như quán rượu, quán trà, cũng chưa bao giờ nghe những lời thiếu giáo dục, càng không bao giờ xem những sách bất hảo. Từ nhỏ đã hình thành thói quen hành vi rất tốt đẹp, chí hướng khí tiết cao thượng coi nhẹ danh lợi.
Do Lã Công Trứ và Vương An Thạch rất thân thiết, nên Lã Hy Triết cũng có quan hệ tốt với Vương An Thạch. Năm đó Vương An Thạch đã khuyên Lã Hy Triết không nên theo đuổi công danh, không làm quan hưởng bổng lộc. Lã Hy Triết nghe theo lời của người bạn thân của phụ thân, từ đó không có ý thi cử làm quan. Sau này Lã Hy Triết nổi tiếng là người hiền tài, Vương An Thạch muốn bảo Lã Hy Triết ra làm quan.
Lã Hy Triết nói với Vương An Thạch: “Được tướng công biết đến lâu nay, nếu cháu làm quan sẽ không tránh khỏi có ý kiến khác với tướng công, thế thì bao ý tốt của tướng công bấy lâu nay sẽ mất hết”. Vương An Thạch nghe nói có lý thì cũng không khuyên ông làm quan nữa. Hai người đều coi việc giữ được tiết tháo cao thượng là quan trọng nhất.
Sau khi Lã Công Trứ làm tể tướng, hai em trai của Lã Hy Triết làm quan trong triều, đều có địa vị nhất định, chỉ có Lã Hy Triết vẫn là viên thư lại nhỏ. Lã Công Trứ thấy con trai thực sự là nhân tài mà lại không được sử dụng, vô cùng tiếc nuối nói: “Nhân tài trên đời ta đều sử dụng hết, chỉ mình nó vì nguyên cớ là con ta mà không tham gia thi cử, đây đúng là mệnh vậy!”. Lỗ Thị vợ Lã Công Trứ rất hiền năng sáng suốt, nghe thấy chồng nói vậy, bất giác cười nói với Lã Công Trứ rằng: “Ông thực sự chưa hiểu rõ con trai rồi”.
Phẩm hạnh của Lã Hy Triết quả là cao khiết, ngay cả phụ thân của ông cũng phải khen ngợi phẩm đức “Không chê nghèo” của ông.
Tất cả những phẩm hạnh đó đều do nền tảng giáo dục gia đình tốt mà thành.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Nam Phương biên dịch