Giáo dục con cách nào hiệu quả nhất? Đây hẳn là câu hỏi làm bận lòng nhiều bậc phụ huynh. Xin hãy trầm tĩnh đọc vài câu chuyện nhỏ về Thân Giáo sau đây, trong đó các em nhỏ rất nhanh tiếp thu được bài học từ cha mẹ chúng.
Thân Giáo là khái niệm cha mẹ tự lấy hành vi, lối sống, chính niệm thường trực của mình… làm gương cho con. Bởi vì trẻ em bắt chước rất nhanh, cha mẹ làm thế nào chúng đều quan sát và học tập, nên đức hạnh, phong thái của cha mẹ chính là bài học sinh động nhất cho con cái.
Trong nhà, trước nhất nên tôn trọng – chăm sóc ai?
Hôm nay cả gia đình cùng nhau ăn cơm, ông bà nội cũng có mặt. Người mẹ gắp miếng đầu tiên từ món ngon nhất cho ai vậy? Cho con mình – “Cưng à! Đây là mẹ đặc biệt nấu cho con đó! Ăn nhiều một chút nhé!”. Ông bà thấy vậy cũng gắp thức ăn cho cháu và nói vun vào “Cháu nội à, món này cũng rất ngon”. Bát của ai sẽ đầy ắp vậy? Của cháu. Thế thì, trong gia đình, ai quan trọng nhất? Cháu nhỏ là quan trọng nhất!
Thế có điên đảo hay không?
Nếu mọi người đều cung phụng trẻ em thì chúng liền trở thành Hoàng Tử nhỏ, Công Chúa nhỏ. Xin hỏi: Đặc điểm của Hoàng Tử nhỏ hay Công Chúa nhỏ là gì? Ích kỷ. Bởi vì được tất cả mọi người cung phụng, nên chúng chỉ nghĩ đến chính mình. Tục ngữ có câu Làm bạn với vua như chơi với hổ. Vì được đối xử như vua chúa, trẻ em hiện nay tính tình đều rất nóng nảy. Khi quý vị hết mực nuông chiều, mười việc thì làm vừa lòng chúng đến chín, có một việc trái ý thì chúng sẽ khóc la ầm ĩ. Quý vị lại không có nguyên tắc, chúng vừa tức giận thì quý vị lại nói: “Được rồi! Được rồi! Mẹ sẽ chiều con”. Vậy thì chúng liền thắng thế, quý vị sẽ từng bước nhượng bộ. Như vậy, không phải là chúng đang dạy bảo chư vị sao?
Thế có điên đảo hay không?
Khi chúng ta gọt trái cây thì đưa cho ai ăn trước? Liệu có mấy người làm cha mẹ sẽ đưa cho ông bà ăn trước? Nghe nói, có những bà mẹ mua và cất giấu vài loại trái cây đặc biệt đắt tiền, khi ông bà đi ngủ thì liền lấy ra, thì thầm “Con này, đây là mẹ đặc biệt mua cho con ăn đó”. Đứa con ăn rất là vui sướng, nó cũng học được rất nhanh những hàm ý xung quanh hành vi này. Người tính không bằng Trời tính. Về sau, đứa trẻ lớn lên, có tiền thì sẽ mua trái cây cho ai? Không phải cho quý vị (lúc đó đã lên bậc ông bà), mà là âm thầm cho con của chúng ăn. Quý vị thể hiện sự ưu ái sau lưng người khác, thì con của quý vị cũng sẽ học lấy cách ứng xử thiên vị lén lút, không trân trọng ân tình – hiếu kính, hành vi không minh bạch – chính trực.
Do vậy, dạy trẻ nhỏ phải từ chỗ gắp thức ăn mà bắt đầu. Học vấn lớn lao nằm ở việc nhỏ này. Mỗi một động tác, hành vi đều là tấm gương cho trẻ nhỏ học tập. Hôm nay, khi quý vị gắp thức ăn, lập tức hướng đến cha mẹ “Cha ơi! Ăn nhiều một chút”. Trẻ nhỏ nhìn sẽ cảm thấy không gian tràn ngập sự hiếu kính, tôn nghiêm, chúng sẽ không dám đòi “Mẹ ơi! Vì sao không cho con?”. Không thể nổi lên tà tâm ích kỷ! Thấy cha mẹ mình thực hành hiếu đạo, trong lòng chúng sẽ cảm động mà khởi lên niệm Trân trọng – Tôn kính, bởi vì mỗi con người đều vốn có tâm hướng thiện. Quý vị gắp thức ăn đúng thì đã dạy cho trẻ nhỏ đạo làm con một cách chuẩn xác.
Lỗi nhỏ không uốn nắn, sẽ thành tai vạ lớn
Có người mẹ, một hôm phát hiện đứa con đi học về với nét mặt hơi khác thường, cô liền mở cặp sách của con ra, bên trong có mấy quả táo. Kỳ lạ, sao lại có mấy quả táo này? Cô lập tức hỏi con. Đứa bé bối rối, muốn lảng tránh nên cứ ấp a ấp úng. Cuối cùng, nó thú nhận là đã cùng các bạn học đi ngang tiệm trái cây và tiện tay lấy vài quả táo. Thật ra, không hẳn là cháu bé quá thèm táo, mà là đám bạn học nhốn nháo quấy động tiệm quả đó, đã làm cho ma tính của cháu nổi lên, muốn nghịch liều một chút.
Người mẹ không nói gì, lập tức dắt đứa con đến cửa hàng bán trái cây nói trên. Đến nơi, trước tiên cô nghiêm cẩn cúi thấp người trước chủ tiệm và xin lỗi ông. Người này vẫn đang bận rộn, cũng chẳng biết đã xảy ra chuyện gì. Nghe người mẹ nói “Con trai tôi lấy trộm táo của ông” thì xuề xòa bỏ qua, không quan trọng hóa vấn đề. Nhưng cô cung kính lấy tiền ra trả và nghiêm khắc yêu cầu con xin lỗi ông chủ. Suốt chặng đường cùng mẹ trở về nhà, chú bé cúi đầu im lặng, buồn bã. Nó đang hối hận.
Như vậy, lần đầu tiên con trẻ phạm sai lầm, quý vị lập tức ngăn chặn thì chúng sẽ ghi nhớ suốt đời, không tái phạm nữa. Khi chúng nhìn thấy mẹ mình cúi đầu xin lỗi người ta, thật sự trong lòng chúng sẽ cảm thấy rất xấu hổ. Vì vậy, thân giáo của người mẹ đã đánh thức lòng tự trọng, khởi cảm giác hổ thẹn cho đứa con. Trẻ con thì rất dễ phạm sai lầm, nhưng khi chúng phạm lỗi, chỉ cần cha mẹ kịp thời dạy bảo thì lại trở thành cơ hội giáo dục rất tốt. Còn tốt hơn lúc chúng vô tâm chưa phạm những lỗi lầm đó.
Một người mẹ khác dẫn con đi nhà sách. Trong tiệm có nhiều quyển sổ nhật ký đính kèm một chiếc chìa khóa nhỏ dễ thương, đứa bé lén lấy một chiếc. Sau khi rời tiệm thì người mẹ phát hiện việc này, liền quay trở lại trả chiếc chìa khóa nhỏ cho cô thu ngân. Cô gái kia nói “Cái này trả lại cũng chẳng biết để ở chỗ nào, thôi tặng cho chị vậy”. Lúc đó, người mẹ vô tâm cũng không để ý, liền cho con đem về nhà. Sau này, khi đứa con đến tuổi đi học, người mẹ thỉnh thoảng lại phát hiện ra nó thường thuận tay lấy những món đồ vật nho nhỏ của bạn đem về nhà.
Tục ngữ có câu “Lúc nhỏ ăn cắp cây kim, khi lớn lên có thể ăn cắp vàng”. Khi con nhỏ chưa nhận thức được việc đúng – sai, tưởng rằng sẽ không ai biết, chúng dễ bị ma tính thúc đẩy phạm những lỗi nho nhỏ. Ví dụ rất đa dạng, chẳng hạn lấy vài chiếc kẹo trên bàn ăn nhà hàng xóm, ngắt hoa trong công viên, xỏ nhầm dép đẹp hơn của bạn… Quý vị mà không nghiêm khắc chỉnh sửa ngay những sai lầm của chúng, nhẹ nhàng dạy các đạo lý cơ bản một cách chi tiết và dễ hiểu, thì chắc chắn sẽ dần dần hình thành thói quen xấu và càng ngày càng tệ hại hơn.
Làm cha mẹ, trước khi con cái được 5-6 tuổi thì nên dành nhiều sự chú ý, hết sức cẩn thận dạy bảo con những nhận thức lương thiện, chính niệm đầu đời, chắc chắn chúng sẽ có nền tảng vững chắc về những chuyện Tốt – Xấu, Đúng – Sai, mãi mãi về sau.
Ý nghĩa chân chính của ngày sinh nhật
Có một cô giáo nọ, sau khi tiếp thu một khoá học về đạo hiếu, thì trong tâm cảm động sâu sắc. Trở về nhà, cô muốn cảm tạ cha mẹ, liền đem ra 3 cái ghế. Lúc đó cũng có bà ngoại của cô ở đó, cô liền mời bà, cha mẹ ngồi trên ghế. Mẹ của cô tương đối nhạy cảm nên hỏi “Con gái! Rốt cuộc con muốn làm việc gì vậy?”. Trước mặt bà và cha mẹ mình, cô kính cẩn thưa:
“Con sống qua hơn 30 năm rồi, đã gây ra cho cha mẹ biết bao lo lắng. Hiện tại, con đã bắt đầu học tập giáo huấn của Thánh Hiền. Cho nên từ nay về sau, con phải làm một đứa con gái hiếu thuận, không để cho bà và cha mẹ phải bận tâm, buồn phiền nữa. Còn ân dưỡng dục hơn 30 năm, con sẽ ghi nhớ ở trong lòng. Hôm nay, cũng là gặp lúc sinh nhật của mình, con phải chân thành cảm tạ ông bà, cha mẹ. Cho nên hôm nay con muốn hành lễ 3 lần quỳ, 9 lần cúi đầu”.
Lúc cô giáo này quỳ xuống lạy lần đầu tiên, mẹ của cô lập tức rơi nước mắt. Đây là nước mắt gì? Là những Giọt lệ An ủi. Kỳ thực, người làm mẹ không hề nghĩ đến con cái phải đền đáp thứ gì. Thế nhưng, nếu con cái có chút tâm hiếu thuận, thì họ sẽ cảm thấy sự An ủi, Mãn nguyện dâng trào.
Khi cô giáo quỳ xuống lạy lần thứ hai, con của cô (mới là học sinh lớp 3) liền tự động nhích đến bên cha nó và không biết làm gì hơn là bắt đầu xoa bóp cho anh ấy. Đứa bé dường như nhận thấy không gian tràn ngập cảm xúc Tôn nghiêm – Hiếu kính đang thôi thúc nó phải làm điều gì đó, nó muốn biểu đạt một hành vi thuận theo sự Cảm hóa Thiêng liêng này…
Cô giáo chậm rãi và kính cẩn quỳ xuống lạy lần thứ ba. Cả nhà lặng như tờ, có năng lượng kỳ diệu nào đó đang lan tỏa. Rất khó diễn tả, chỉ có thể cảm thấy, đó chính là “Phật quang Phổ chiếu, Lễ nghĩa Viên Minh”.
…
Tâm hiếu hạnh này của người mẹ đã làm cho đứa con cảm thấy xúc động mãnh liệt. Vậy là “thân giáo” vô hình đã tạo nên sức mạnh cảm hóa thiêng liêng và vĩnh viễn. Ngay sau sự kiện cảm động kia, chú bé này đứng trước song thân dõng dạc nói “Cha mẹ ơi! Năm tới sinh nhật của con, con cũng lạy cha mẹ”.
Thật là một bài học không lời sâu sắc và chẳng thể nào quên!
Đó là giáo dục chân chính, trên làm dưới cảm ngộ. Kết quả này có tới từ những ngôi trường danh tiếng, giáo trình đắt giá, chuyên viên cao cấp không? Vậy mới nói, đối với việc truyền thụ những thông điệp lớn lao, đạo lý quan trọng nhất trong đời người, thì tiền bạc và phương tiện không có có mấy ý nghĩa.
Giáo dục trẻ nhỏ ngày nay là mối quan tâm của mọi nhà. Nhiều bậc cha mẹ lo lắng tìm trường tốt cho con, gửi gắm thầy cô giỏi, tham khảo nhiều phương pháp giáo dục hiện đại của nước ngoài, đưa đón xa xôi, cả tuần không gặp… Tuy nhiên, biện pháp giáo dục hiệu quả nhất, không liên quan nhiều đến bạc tiền, đó chính là Thân Giáo.
Ngọc Hà
(Bài viết sử dụng tư liệu từ loạt bài “Đệ tử quy giảng giải” của Tiến sỹ Thái Lễ Húc; nguồn: detuquy.com)