Ở Mỹ, khi đối diện với cái chết của người thân hay bạn bè xung quanh, cha mẹ đều sẽ để con đối mặt với sự thật đau lòng này. Tại sao cha mẹ người Mỹ lại làm như vậy? Họ nhận thức vấn đề này như thế nào?
Chủ nhật tuần nào bà của Jimmy cũng đến chơi với cậu, nhưng thật đáng tiếc bà đã qua đời vào thứ tư tuần vừa rồi vì cơn đau tim. Bố mẹ đưa Jimmy đến đám tang, nhìn thấy bà nằm bất động, cậu bé gọi mãi không thấy trả lời. Jimmy liền hỏi mẹ: “Tại sao bà lại không dậy nói chuyện với con hả mẹ?”
Mẹ nhìn cậu nói: “Bà đã ra đi rồi con ạ. Hôm nay, chúng ta đến để tiễn biệt bà lần cuối”.
Jimmy ngây ngô hỏi: “Ra đi là sao ạ? Có phải bà sẽ đến một nơi rất xa không ạ? Đi bằng tàu hay máy bay hả mẹ?”
Mẹ nhìn cậu âu yếm nói: “Ra đi tức là chết. Tim của bà đã ngừng hoạt động, cơ thể cũng vậy. Cơ thể mà không hoạt động nữa tức là chết”.
Jimmy gật gật đầu như đã hiểu chuyện.
Sau đó, mỗi khi đến ngày chủ nhật Jimmy đều hỏi mẹ “Tại sao bà vẫn không đến thăm con?”.
Mẹ đều trả lời rằng: “Bà sẽ không đến nữa, bà đã chết rồi mà”.
“Nhưng…”, Jimmy nói “Tối qua con mơ thấy bà đến thăm con”.
“Đấy là do con nhớ bà quá thôi. Bà đã mất rồi sẽ không thể đến thăm chúng ta được nữa”.
Cuối cùng, Jimmy cũng hiểu được rằng, bà đã chết, bà sẽ không bao giờ đến thăm cậu được nữa. Nhưng cậu bé rất nhớ bà. Mẹ đã gom tất cả những tấm ảnh cùng những món quà bà mua tặng cho Jimmy lại. Khi cậu nhớ bà có thể mở ảnh của bà ra xem. Cậu bé vừa xem ảnh bà vừa nói: “Bà mất rồi, bà sẽ không đến thăm mình nữa, nhưng mình vẫn có thể thấy bà qua những bức ảnh này”.
Ở Mỹ, khi đối diện với cái chết của người thân hay bạn bè xung quanh, cha mẹ đều sẽ để con đối mặt với sự thật đau lòng này. Họ không nói với con rằng người chết sẽ đi đến một nơi rất xa hay kể những câu chuyện liên quan đến cái chết để tránh làm con tổn thương mà họ sẽ thẳng thắn lựa chọn một số cách thức con có thể chấp nhận được để giúp con mình nhận thức về “cái chết”. Tại sao cha mẹ người Mỹ lại làm như vậy? Họ nhận thức vấn đề này như thế nào?
Nên để con có cái nhìn đúng đắn về cái chết
Hầu hết người Mỹ cho rằng, cha mẹ nên để trẻ dũng cảm đối diện với cái chết, đồng thời có cái nhìn đúng đắn về vấn đề này. Họ cho rằng, chỉ khi cho trẻ nhận thức về cái chết, hiểu về cái chết thì mới có thể giúp các con thực sự đối diện với nó, từ đó, giúp trẻ có cái nhìn đúng đắn về giá trị cuộc sống con người.
Với quan niệm này, ở các gia đình Mỹ, nếu con trẻ nhắc đến vấn đề liên quan đến cái chết, cha mẹ sẽ dùng lời lẽ đơn giản, dễ hiểu, thẳng thắn trả lời con. Họ sẽ không trốn tránh câu hỏi của bé và cũng sẽ không trả lời một cách mơ hồ. Bởi họ cho rằng, nếu trẻ có thể chủ động đưa ra vấn đề này thì đây chính là cơ hội tốt để cho con cái họ hiểu về cái chết. Ngoài ra, các trường học ở Mỹ còn tổ chức các buổi học, phối hợp cùng bố mẹ học sinh giúp các bé nhận thức về điều này.
Giáo dục con về cái chết cũng chính là giáo dục về tình cảm
Người Mỹ cho rằng, giáo dục con về cái chết cũng chính là một phần của việc giáo dục về tình cảm. Nhận thức đúng đắn về cái chết có thể giúp con có cái nhìn rõ nét về sinh mạng con người, từ đó thêm tin yêu và biết quý trọng giá trị của cuộc sống hơn, xây dựng nền tảng vững chắc cho cuộc sống sau này. Ngoài ra, nếu trẻ có cái nhìn đúng đắn về cái chết thì bé sẽ biết cách cư xử, bày tỏ tấm lòng mình với những người mà trẻ yêu thương trước khi họ lìa xa cõi đời.
Cha mẹ người Mỹ rất thẳng thắn trong việc giáo dục con có nhận thức đúng đắn về cái chết. Bởi họ cho rằng, điều này sẽ không làm tổn thương đến tâm hồn mong manh của con mà ngược lại, nó sẽ giúp con hình thành quan niệm về giá trị một cách đúng đắn nhất. Không ít những đứa trẻ sau khi được giáo dục về cái chết đã biết cách yêu thương nhiều hơn, khả năng chịu đựng khó khăn, thử thách cũng theo đó mà nâng cao.
Thay cho lời kết, người viết xin gửi đến các bạn câu chuyện:
Kisa Gotami lập gia đình và sinh được một người con, cô ấy rất yêu quý đứa con của mình. Khi đứa bé một tuổi, đứa bé bị ốm và chết. Quá đau buồn và không chấp nhận cái chết của con mình, Kisa bế đứa con trên tay, đi tìm người nào đó có thể đem lại cuộc sống cho đứa con của cô. Cuối cùng cô gặp Đức Phật và cầu xin ngài giúp đỡ. Đức Phật đồng ý và yêu cầu cô mang về cho ngài năm hạt mù tạt, nhưng những hạt mù tạt này phải được lấy từ ngôi nhà chưa bao giờ có người chết.
Kisa đi từ nhà này sang nhà khác trong làng và cho dù mọi người rất sẵn lòng biếu cô những hạt mù tạt, nhưng cô không thể tìm ra ngôi nhà nơi cái chết chưa bao giờ xảy ra. Dần dần cô được hiểu cái chết xảy ra với mọi người. Vì vậy, cô quyết định chôn cất con mình, xin thọ giới và trở thành đệ tử của Đức Phật. Dưới sự dẫn dắt của Đức Phật, cô đạt được trạng thái niết bàn, hoàn toàn thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi.
Hồng Ân