Giáo dục quý tộc thực sự không phải là cho con trẻ sống trong biệt thự, lái những chiếc xe sang trọng, đi du lịch khắp mọi nơi…, đây không phải là giáo dục quý tộc, mà là một kiểu giáo dục của những nhà giàu mới nổi.

Câu chuyện thứ nhất: Viện trưởng Trần và bài học dạy con về niềm tin

Bởi vì tôi phụ trách việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong trường đại học, nên đã gặp nhiều viện trưởng các trường đại học khắp cả nước. Trong đó có một vị viện trưởng khiến tôi rất ấn tượng.

Bà là Viện trưởng Trần. Thời điểm đó là vào kỳ nghỉ đông, tôi đã đến trường để thăm bà. Tình hình các sự việc trong trường không nhiều lắm, vì vậy sau khi nói về công việc, viện trưởng Trần chuyển chủ đề, nói chuyện về gia đình.

Viện trưởng Trần có một cô con gái, đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Tokyo, Nhật Bản. Cô con gái này đã đến tuổi kết hôn rồi, nhưng viện trưởng Trần chưa bao giờ thúc giục con gái chuyện cưới xin, cũng không sắp xếp mai mối. Bà nói chuyện này hoàn toàn do con gái tự quyết định, tình yêu thực sự của người mẹ chính là biết rút lui một cách hợp lý.

Tôi hơi ngạc nhiên khi nghe quan điểm giáo dục con của viện trưởng Trần. Bởi tò mò, tôi tiếp tục hỏi bà về bí quyết giáo dục con cái, và những gì bà nói thêm khiến tôi càng kinh ngạc.

Bà kể cha mẹ bà có tất thảy bốn người con. Bốn anh chị em lớn lên cùng nhau và đều là những nhân vật xuất chúng trong các tầng lớp xã hội, bằng cấp thấp nhất là đại học, đến thế hệ của con cái họ là kém nhất, chỉ là nghiên cứu sinh.

Điều này khiến tôi rất tò mò, đó có phải là truyền thống gia đình không?

Viện trưởng Trần không chút do dự kể cho tôi nghe một chuyện.

Đó là vào thế hệ của người cha. Vì cuộc Cách mạng Văn hóa, cha mẹ của bà bị quy thành cánh hữu. Mỗi ngày gia đình bà đều bị hàng xóm sang công kích, chửi rủa. Những thứ có giá trị trong nhà đều bị tịch thu, thậm chí cả gia đình bà cũng bị đuổi ra ở chuồng bò.

Vào thời điểm đó, lương thực rất khan hiếm, mỗi ngày phải đối mặt với sự tình lớn nhất chính là đói bụng. Cả đêm dài đằng đẵng không ngủ được vì bụng quá đói.  Không có gì trong bụng, axit dạ dày rất dễ quay trở lại đốt cháy thực quản. Trong tình trạng khó khăn này, nhà bà có một đứa bé vì thể chất quá yếu nên đã qua đời vào một đêm mùa đông.

Tuy nhiên, cha mẹ bà vẫn nghiến răng chịu đựng và kiên quyết rằng, dù cuộc sống có tồi tệ thế nào, vẫn không bao giờ để con cái ngừng học.  Và vậy là cứ sau một ngày làm việc mệt nhọc, cả gia đình bà lại cùng nhau ngồi dưới ánh đèn dầu để đọc sách, hoặc người cha kể về những câu chuyện lịch sử thú vị, cả nhà đều tập trung lắng nghe.

Thật khó để tưởng tượng đó là loại tinh thần gì, cha mẹ bà vào thời điểm đó đã thề rằng: Những người hiện nay công kích chúng ta, tương lai con cháu của chúng ta sẽ vượt qua con cháu của các người!

Họ dựa vào niềm tin như vậy, niềm tin ấy cắm rễ sâu vào trái tim, cứ như vậy giúp họ sống sót qua khó khăn.

Cha bà đã sớm qua đời, không đợi đến ngày được trả lại thanh danh. Còn lại người mẹ đã cố gắng chịu khổ cực một đời nuôi bốn người con khôn lớn. Những đứa trẻ rất ngoan ngoãn, như thể tất cả chúng đều biết mình có nhiệm vụ gì, và hiếm khi khiến mẹ phải lo lắng. Đứa lớn chăm đứa nhỏ, hơn nữa cũng biết cách giúp đỡ mẹ.

Cứ như vậy mấy chục năm trôi qua, bốn người con đã trưởng thành, tất cả đều xuất sắc, đều có chỗ đứng nổi tiếng trong xã hội. Và quả thực con cháu của những người hàng xóm trước đây công kích gia đình bà, không một ai có thể vượt qua bốn anh chị em bà.

Trong mỗi gia đình nhỏ của bốn anh chị em viện trưởng Trần, con cháu đều được giáo dục rất tốt, đều đỗ đạt thành danh, trở thành hiện tượng được ca ngợi ở địa phương.

Tôi chợt nghĩ về nền giáo dục quý tộc ở châu Âu, đây chẳng phải là phiên bản giáo dục quý tộc ở Trung Quốc sao!

Giáo dục tốt nhất của cha mẹ chính là truyền lại tinh thần cho con cái. Tinh thần lạc quan, tích cực tiến về phía trước. Đây chính là tài sản quý giá nhất cha mẹ có thể để lại cho con mà không một thứ vật chất nào có thể sánh được.

Tinh thần là một thứ có thể được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một vật gia truyền. Vật chất là thứ rất dễ bị mất đi hoặc bị phá vỡ. Nhưng tinh thần, gia huấn trong những gia tộc lớn thì trải qua hàng trăm năm vẫn trường tồn. Bởi vậy tinh thần của một gia tộc, đây mới là điều quý giá!

Giáo dục tốt nhất của cha mẹ chính là truyền lại tinh thần cho con cái. (Ảnh minh họa: mtsus.com)

****

Câu chuyện thứ 2: Người mẹ nuôi dạy 13 con đều có bằng tiến sỹ được tổng thống Mỹ vinh danh

Bà Vương Thục Trinh được coi là một phụ nữ phi thường. Bà có 5 người con trai, 8 người con gái, một mình bà đã nuôi 13 người con khôn lớn, tất cả đều có bằng tiến sĩ. Đến Tổng thống Hoa Kỳ, George Bush, cũng đã ca ngợi bà là một “người mẹ vĩ đại”.

3 người con của bà Vương đã nhận được danh hiệu “10 người trẻ xuất sắc của nước Mỹ”, đây là giải thưởng cho những đóng góp của họ đối với xã hội.

Bà có một người con trai là Lý Xương Ngọc , người được biết đến với cái tên Sherlock Holmes của phương Đông. Ông là chuyên gia giám định hình sự quyền lực nhất thế giới. Người ta nói rằng mức lương của ông được tính là 10.000 USD / giờ. Ông đã phá được hơn 8.000 vụ án, trong đó có những vụ án rúng động nước Mỹ. Tuy nhiên, một thám tử mạnh mẽ như vậy lại nói rằng: trên thế giới này, người tôi ngưỡng mộ nhất chính là Mẹ.

Người mẹ vĩ đại này đã giáo dục con như thế nào?

Mẹ của ông, bà Vương Thục Trinh, mặc dù không tốt nghiệp trung học, nhưng những lời nói và cách cư xử của bà chính là cách giáo dục tốt nhất cho con.

Sinh ra trong một gia đình có học thức ở Trung Quốc vào năm 1897, bà Vương Thục Trinh kết hôn với một doanh nhân giàu có khi 19 tuổi. Năm 1948, gia đình bà chuyển đến Đài Loan. Năm tiếp theo, khi đang trên chuyến công tác xa, chồng bà không may đã qua đời trong một tai nạn. Kết quả, bà cùng 13 người con đột nhiên phải rơi vào hoàn cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, mặc cho bi kịch kéo đến, bà vẫn không gục ngã.

Bà không chỉ nỗ lực hết sức nuôi nấng con cái mà còn khăng khăng phải cho chúng đi học. Để kiếm sống, bà sẵn sàng làm các việc, từ rửa bát thuê, vú em đến người giúp việc, con bà cũng phải làm một các công việc lặt vặt khác. Hơn nữa, ở bà luôn có một tấm lòng lương thiện. Mặc dù không biết có đủ thức ăn cho gia đình hôm sau không, bà vẫn không ngần ngại chia sẻ gạo với những người hàng xóm không có miếng ăn.

Khi con trai bà, Lý Xương Ngọc tốt nghiệp học viện cảnh sát, bà nói: “Có bằng thạc sĩ rồi, con vẫn cần học tiếp lên tiến sĩ”. Bà luôn hy vọng con mình lớn lên không chỉ thành người mà còn phải thành tài.

Bà Vương Thục Trinh và người con trai Lý Xương Ngọc . (Ảnh: huaren.us)

Tuy con cái đã lập nghiệp thành danh ở Mỹ nhưng mãi đến năm 1959, bà mới chuyển đến đây. Điều đáng khâm phục là ở tuổi 62, bà tự học tiếng Anh và đã vượt qua một kỳ thi ngôn ngữ, cho phép bà trở thành công dân vĩnh viễn của Hoa Kỳ.

Bà hy vọng rằng những đứa con của mình sẽ trở thành những tài năng xuất sắc nhất có thể. Thuận theo mong đợi của người mẹ, tất cả 13 người con đã học hành chăm chỉ và cuối cùng đã thành công trong sự nghiệp, thừa hưởng sự kiên trì của mẹ.

Dưới sự giáo dục của Vương Thục Trinh, đã có 13 tiến sĩ trong một gia đình, đó hoàn toàn là một hiện tượng hiếm có trên toàn thế giới.

Giáo dục quý tộc thực sự là gì? Chính là đây!

Ngày sinh nhật lần thứ 100 của bà Vương, Tổng thống Bill Clinton và thị trưởng thành phố New York đã cùng đến để chúc mừng và thể hiện sự tôn kính đối với bà.

Trong buổi tiệc mừng thọ, các con bà hỏi bà muốn nhận quà gì? Bà nói: “Mẹ muốn về Trung Quốc xây trường học cho học sinh nghèo ở đó”. Chỉ một câu nói đơn giản, nhưng đã minh chứng cho phẩm cách đáng tôn kính của một ‘người mẹ vĩ đại’.

Ngày 6/3/2003, bà Vương qua đời ở tuổi 106 tại thành phố New York. Hàng ngàn người đã đến dự tang lễ cuả bà.

***

Giáo dục quý tộc thực sự không phải là cho con trẻ sống trong biệt thự, lái những chiếc xe sang trọng, đi du lịch khắp mọi nơi…, đây không phải là giáo dục quý tộc, mà là một kiểu giáo dục của những nhà giàu mới nổi.

Giáo dục quý tộc thực sự là trau dồi sự ngoan cường và ý chí vươn lên của trẻ.

Một nhà triết học đã từng nói:

“Bản chất của giáo dục là một cái cây rung chuyển một cái cây khác, một đám mây đẩy một đám mây khác, và một linh hồn gọi một linh hồn khác”.

Vậy nên, cha mẹ hãy là những tấm gương mẫu mực, truyền cảm hứng và niềm tin cho con trẻ.

Lâm Tắc Từ, chính trị gia nổi tiếng đời nhà Thanh đã từng nói: “Con cái nếu giỏi hơn ta thì cần tiền để làm gì? Nếu như chúng không được như ta, vậy thì giữ tiền của ta để làm gì”.

Câu nói này, từng chữ đều rất hữu ích.

Nếu bạn thực sự muốn tốt cho con cái của mình, đừng để lại cho chúng núi vàng núi bạc, hãy giáo dục con về tinh thần lạc quan, sự sáng tạo, để chúng đổ mồ hôi, rơi nước mắt…, để chúng một mình chạy dưới mưa.  

Bạn chỉ cần truyền lại sự kiên cường và đức tin, đây chính là những “chiếc thìa vàng” giúp con trẻ có thể ăn món súp ngon nhất thế giới!

Theo Tống Vân / hk.aboluowang.com
Vân Hà biên dịch