Trong khu phố nọ, có hai người hàng xóm: Một người là giáo viên đã nghỉ hưu và một người là nhân viên bảo hiểm, người này rất quan tâm tới công nghệ.
Cả hai người đều rất thích trồng trọt, trong vườn của họ có nhiều loại cây khác nhau nhưng cách chăm sóc thì mỗi người mỗi khác. Người giáo viên về hưu thường tưới một lượng nước nhỏ cho cây, cũng không quá chăm chút đến chúng; trong khi người hàng xóm lại luôn cập nhập những kỹ thuật mới nên đã tưới rất nhiều nước cho cây của mình và chăm sóc chúng cẩn thận, chu đáo.
Cây của người giáo viên đã nghỉ hưu được chăm sóc rất đơn giản nhưng vẫn tươi tốt. Còn vườn cây của người nhân viên bảo hiểm nhanh lớn và xanh tốt hơn. Một đêm nọ, do ảnh hưởng của bão, nơi họ sinh sống xảy ra một trận mưa và gió lớn. Sáng hôm sau, cả hai người đều vội vã ra kiểm tra thiệt hại trong khu vườn của mình. Nhân viên bảo hiểm đau lòng khi thấy cả vườn cây của anh ta tan hoang, cây nào cũng bị bật rễ và bị phá hủy hoàn toàn. Nhưng, các cây của giáo viên đã nghỉ hưu hoàn toàn không bị hư hại và vẫn đứng vững.
Người nhân viên bảo hiểm rất ngạc nhiên trước sự việc này. Anh ta đến gặp giáo viên đã nghỉ hưu và hỏi: “Cả hai chúng ta trồng cây cùng một lúc, cháu đã chăm sóc cây của mình tốt hơn của bác và thậm chí còn tưới cho chúng nhiều nước hơn. Tuy nhiên, các cây của cháu đều bị bật rễ, trong khi cây của bác thì không. Sao lại có thể như vậy nhỉ?”.
Người giáo viên già mỉm cười và từ tốn nói: “Cháu đã chăm sóc và tưới cho cây của mình nhiều hơn nhưng chính điều đó đã khiến chúng không cần phải tự tìm kiếm. Cháu đã làm cho mọi thứ dễ dàng hơn với chúng. Trong khi bác cho chúng một lượng nước vừa đủ và để cho rễ của chúng tự tìm kiếm thêm. Vì thế, gốc rễ của chúng đã ăn sâu hơn và điều đó làm cho chúng đứng vững hơn trước mưa bão. Đó là lý do tại sao các cây trong khu vườn của bác sống sót”.
Nuôi dạy con cái cũng như chăm sóc cây cối vậy. Nếu mọi thứ được trao cho chúng một cách dễ dàng, chúng sẽ không hiểu được những khó khăn trong quá trình tìm kiếm và học hỏi. Không cần nỗ lực mà vẫn có được những gì mình muốn sẽ khiến con cái không hiểu được giá trị của những thứ mình nhận được, vì thế mà không biết quý tiếc. Chúng sẽ không học cách tự làm việc và tôn trọng nó. Từ đó, chúng dễ sinh ra tính ỷ lại vào cha mẹ. Nhưng cha mẹ đâu phải là siêu nhân, đâu thể mãi mãi theo sát mà bao bọc, chở che cho con mình được? Rồi sẽ đến một ngày chúng phải tự mình đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. Quen được bao bọc, khi va vấp trong đời, những đứa con này sẽ khó lòng vượt qua. Bởi thế, việc dạy trẻ cách tự lập ngay từ nhỏ, biết quý trọng sức lao động là vô cùng quan trọng. Đôi khi, thay vì cho chúng thì tốt nhất là hướng dẫn chúng cách làm. Dạy chúng cách đi bộ, nhưng hãy để chúng đi theo con đường của mình. Cha mẹ đừng tước đi cơ hội quý báu được trải nghiệm của con trẻ. Bởi có trải nghiệm thì mới tích lũy được vốn sống cho mình. Có thất bại thì mới có thành công. Có đau khổ mới biết trân trọng giá trị của hạnh phúc.
Theo Moral Stories
Huyền Thanh biên dịch
Video: “Phép tắc người con” (Đệ tử quy)