Phương pháp nào có thể giúp trẻ thành người có khả năng tư duy độc lập và ra quyết định một cách khôn ngoan? Đó là dùng hậu quả tự nhiên và hậu quả logic để dạy trẻ.

Mặc dù hình phạt được sử dụng phổ biến, nhưng hình phạt không phải là phương pháp hiệu quả để dạy dỗ và uốn nắn trẻ. Điều này chỉ khuyến khích trẻ nói dối về hành vi của mình và khiến trẻ cảm thấy tồi tệ. Hình phạt làm gia tăng sự sợ hãi của con. Đồng thời hình phạt làm tổn thương kết nối giữa cha mẹ và con cái mà vốn dĩ là công cụ có sức mạnh nhất để chúng ta có thể tác động đến hành vi của con.

Trong khi đó, nếu một đứa trẻ hiểu được hậu quả hành động của mình, chúng sẽ tự học được cách có trách nhiệm hơn với lựa chọn, từ đó hình thành khả năng tự quyết định. Thay vì chỉ để làm hài lòng cha mẹ hoặc để tránh bị trừng phạt, trẻ sẽ hành động tốt kể cả khi bạn không để mắt tới.

Phân loại hậu quả

Hậu quả tự nhiên, đúng như từ “tự nhiên” ngụ ý, là những gì xảy ra mà không có bất kỳ can thiệp nào, chỉ đơn thuần là kết quả của một hành động hoặc quyết định.

Một số ví dụ điển hình của dạng hậu quả này là một đứa trẻ không chịu mặc áo khoác khi trời lạnh và sau đó không có gì để mặc khi cảm thấy ớn lạnh, hoặc một đứa trẻ liên tục quên mang tiền đi ăn trưa đến trường và sau đó chịu đói vào giờ ăn trưa .

Mặt khác, hậu quả logic là những gì được cha mẹ hoặc người chăm sóc trao cho trẻ khi đứa trẻ cư xử không đúng mực hoặc phá vỡ quy tắc và thường có liên quan đến hành vi xấu.

Ví dụ, một đứa trẻ không nghe lời khi được bảo không ném bóng trong nhà và làm vỡ đèn có thể bị cắt tiền tiêu vặt hoặc làm thêm việc vặt để giúp trả tiền thay thế. Hoặc nếu đứa trẻ nói chuyện riêng trong giờ học sẽ phải ở lại cuối giờ để dọn dẹp cùng cô giáo.

Hậu quả có thể là tích cực hoặc tiêu cực. Đi ngủ đúng giờ sẽ khiến trẻ cảm thấy được thư giãn đủ và sẵn sàng để học vào ngày hôm sau. Ngược lại, chống đối giờ đi ngủ và thức quá khuya nhắn tin cho bạn bè hoặc xem TV sẽ dẫn đến việc trẻ cảm thấy lảo đảo, cáu kỉnh, và nói chung là cạn kiệt năng lượng vào ngày hôm sau.

Làm thế nào để dùng hậu quả dạy trẻ?

Cả hai hậu quả tự nhiên và hậu quả logic có thể giúp dạy trẻ em đưa ra lựa chọn tốt hơn và học hỏi từ những sai lầm của chính mình. (Chẳng hạn, bị một lần không mang áo khoác và lạnh run sẽ khiến trẻ tự rút kinh nghiệm để lần sau mang theo áo). Nhìn chung, hậu quả được dùng để sửa đổi hành vi của trẻ.

Hậu quả cho phép cả sự lựa chọn xấu. Vì vậy, cha mẹ nên tập trung vào lựa chọn và kết quả chứ không tập trung vào trẻ.

Cha mẹ cũng không nên nói về quá khứ hoặc tương lai mà chỉ tập trung vào hiện tại. Không đay nghiến hành động trong quá khứ hoặc xét đoán về hành động trong tương lai của con. Tránh nói những câu như “Con không bao giờ lắng nghe” hoặc “Thể nào rồi con cũng quên”.

Không có sự xấu hổ, phán xét hoặc trừng phạt ở đây. Bởi vì một lựa chọn đã được đưa ra, và nó dẫn đến một cái gì đó, đơn giản là như vậy. Cho nên nếu một đứa trẻ không cẩn thận và bị mất hoặc làm hỏng một thứ gì đó, hãy hỏi trẻ làm thế nào để sửa sai mà không cần trách mắng hoặc khiến con cảm thấy tồi tệ vì những gì đã xảy ra.

Hậu quả giúp loại bỏ sự tức giận và trừng phạt. Hoàn toàn không cần sự tức giận hay trừng phạt bởi vì chính hậu quả sẽ dạy con. Nó đặt trách nhiệm và sự lựa chọn trong tay con bạn.

Hãy nhớ rằng vai trò của bạn chỉ xoay quanh việc nhắc nhở con về các lựa chọn và hậu quả tương ứng. Thay vì những lời đe dọa như: “Nếu con mà nô nghịch làm đổ canh ra bàn là mẹ cho con ăn đòn” bạn sẽ nhắc nhở con rằng con có lựa chọn: “Con hãy chú ý bát canh để không bị đổ, hoặc con làm đổ ra bàn thì con sẽ không còn canh để ăn và phải tự mình dọn dẹp.”

Hãy kiên định. Nếu con bạn thể hiện sự tức giận hoặc phẫn nộ khi phải đối mặt với hậu quả, hãy bình tĩnh và nhắc nhở con rằng đây là lựa chọn của con. Đừng bỏ cuộc và hãy để con tự đi con đường của mình.

Hai quy tắc cho việc áp dụng hậu quả tự nhiên

Không gây nguy hiểm cho trẻ: Hậu quả tự nhiên là cách giúp trẻ nhận ra kết quả hành vi của mình một cách tự nhiên. Tuy nhiên, người lớn phải đảm bảo an toàn cho trẻ. Ví dụ, chúng ta không được để cho trẻ nhỏ sờ vào điện, nước sôi hay đi qua đường phố nhiều xe cộ qua lại,… chỉ để dạy trẻ trải nghiệm hậu quả tự nhiên.

Không làm ảnh hưởng đến người khác: Ví dụ, không được để con bạn ném đá vào người khác. Vì khi đó, tuy trẻ có thể nhanh chóng nhận ra kết quả tiêu cực của hành vi đó, nhưng người kia phải chịu đau đớn chỉ vì bài học cho con bạn. Trẻ cũng có thể không học được gì nếu trẻ không quan tâm hoặc không nhận ra rằng hành vi của mình có ảnh hưởng đến người khác (không tắm rửa, đánh răng thường xuyên gây mùi hôi…). Vì vậy, bạn cần giúp trẻ hiểu rõ hành vi của trẻ gây ảnh hưởng thế nào đối với người khác đồng thời không được để nguy hại đến người khác.

Việc dùng hậu quả logic chỉ có hiệu quả khi bảo đảm được 3 quy tắc

Liên quan: Nguyên nhân và hậu quả phải có liên quan với nhau. Khi trẻ bày bừa đồ chơi thì hậu quả logic là dọn dẹp lại đồ chơi hoặc không được chơi tiếp nữa. Khi trẻ làm đổ nước ra bàn, ra nhà thì phải lau sạch nước. Khi trẻ viết bậy lên bàn thì trẻ phải lau chùi bàn cho sạch (chứ không phải là bắt trẻ quét sân trường, dọn nhà vệ sinh vì các hình thức đó là trừng phạt, không liên quan đến hành vi làm bẩn bàn của trẻ).

Tôn trọng: Nếu người lớn không thể hiện sự tôn trọng khi yêu cầu trẻ khắc phục lỗi, mà thay vì đó làm trẻ bị bẽ mặt như mắng chửi trẻ, dọa nạt trẻ… thì đó là cách thức trừng phạt trẻ. Khi đó, việc dùng hậu quả logic sẽ không hiệu quả. Ví dụ, khi người lớn nói “đồ hậu đậu, có thế mà cũng làm đổ. Lau ngay bàn đi không ăn đòn bây giờ”, trẻ có thể vẫn hiểu rằng phải lau bàn, nhưng chỉ vì sợ hãi.

Hợp lý: Nếu người lớn vô lý yêu cầu trẻ phải dọn đồ chơi, lau lại nền nhà và phải rút được ra bài học mà không giải thích thì đó cũng không còn là sử dụng hậu quả logic nữa. Tính hợp lý không còn, cộng với việc người lớn dùng quyền để bắt trẻ rút kinh nghiệm cho lần sau thì trẻ sẽ khó hợp tác để thay đổi.

Nếu người lớn không áp dụng 3 quy tắc trên đây thì việc dùng hậu quả logic của người lớn sẽ là sự trừng phạt và không có hiệu quả. Khi đó, trẻ sẽ có 3 dạng phản ứng sau:

Oán giận: “Thế là không công bằng. Không thể tin người lớn được”
Trả đũa: “Họ được lần này vì họ có quyền, nhưng lần sau mình sẽ…”
Trốn tránh hoặc giảm tự tin vào bản thân: “Lần sau mình sẽ không để bị bắt gặp (khi đang viết bẩn lên bàn) nữa”; “Mình chẳng ra gì, mình chỉ là đứa hậu đậu”

Như vậy, cùng với sự hiểu biết và bình tĩnh, cha mẹ hãy để hậu quả dạy con. Khi không cần hình phạt thì sự nóng giận, oán hận và sợ hãi cũng sẽ không còn. Đồng thời con học được trách nhiệm với sự lựa chọn và có khả năng tự ra quyết định.

Video: Ghi nhận nghiệp báo: Việc ác đền bù bởi cứu độ 2 sinh mạng

videoinfo__video3.dkn.tv||0d2459d6a__