Một trong những lý do mà cuộc sống gia đình Pháp dường như rất tĩnh lặng và thanh bình là bởi cha mẹ Pháp luôn chú trọng đến việc rèn luyện tính kiên trì cho con trẻ.
Cha mẹ Pháp tin rằng, trẻ em có thể giáo dục và rèn giũa khả năng biết chờ đợi cũng như các kỹ năng liên quan đến sự kiên nhẫn. Điển hình như khả năng đối đầu và xử lý khó khăn, đối mặt với cảm giác thất bại, bất lực và tuyệt vọng hay khả năng kiềm chế các ham muốn và ý thích nhất thời.
Sở dĩ người Pháp rất quan tâm đến việc giáo dục tính kiên nhẫn cho con bởi họ đã chứng kiến những gia đình nơi mà cha mẹ không thể gọi được một cuộc điện thoại tử tế mà không bị con cắt ngang, hay không thể yên ổn ngồi uống cốc cà phê mà không bị con quấy rầy, nơi mà trẻ con lăn đùng ra đất giãy lên đành đạch chỉ vì con không có được những gì mình muốn. Người Pháp không muốn sống cuộc sống như thế, họ không nghĩ rằng nhà có con nhỏ thì phải chấp nhận thôi. Quan trọng hơn cả, người Pháp không nghĩ là kiểu sống “chấp nhận thôi” để chiều chuộng con cái như thế sẽ làm cho những đứa trẻ hạnh phúc và sung sướng.
Hãy cho con nhiều cơ hội rèn luyện việc biết chờ đợi
Bí quyết xây dựng tính kiên trì không phải nằm ở kỳ vọng một đứa trẻ sẽ biết nhẫn nhịn, ngồi im không động đậy và chờ đến khi nhận được sự quan tâm của người lớn. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những trẻ em có khả năng chờ đợi tốt khi các con học cách tự phân tán bản thân khỏi hoàn cảnh trước mắt như tự nhìn vào gương và làm trò hề… Những hoạt động tự giải khuây này của con làm cho quãng thời gian chờ đợi trở nên dễ chịu và dễ chấp nhận hơn.
Cha mẹ Pháp hiểu rõ điều này và họ không cần phải dạy con cách tự giải khuây và tự sao nhãng khi chờ đợi. Đơn giản họ chỉ nói “Con chờ mẹ một chút” rất nhiều lần mỗi ngày và một lẽ tự nhiên khi được rèn luyện nhiều về sự chờ đợi con cái họ tự bộc phát khả năng tự giải khuây. Còn ngược lại, nếu bạn dừng hết mọi hoạt động đang làm để có mặt bên con ngay khi con kêu chán hay dừng cuộc điện thoại dang dở chỉ vì bị con ngắt lời, con sẽ không học được khả năng chờ đợi mà chỉ học được khả năng mè nheo mà thôi.
Phản ứng chậm lại
Hãy cảm nhận nhịp điệu cuộc sống kiểu Pháp trong một bữa tối. Trong bữa tối người mẹ Pháp sẽ không vội lao ngay đi tìm khăn lau miệng ngay giây phút con đòi. Khi mẹ đang bận một cách lịch sự và nhẹ nhàng, người mẹ đã chỉ ra cho con thấy việc mẹ đang làm và yêu cầu con chấp nhận điều đó.
Ban đầu, để làm được như vậy bạn sẽ phải trải qua những thời khắc mà người Pháp gọi là “giai đoạn bắt buộc” khi con chợt nhận ra mình không phải là cái rốn của vũ trụ hay tâm điểm của mọi sự quan tâm trong gia đình. Cha mẹ Pháp tin rằng, nếu những đứa trẻ không có khả năng nhận ra sự tồn tại song song của những cá thể khác, mà luôn tin rằng, mình là trung tâm của mọi sự chú ý và mọi người xung quanh sẽ phải cung phụng tất cả những gì mình muốn, những đứa trẻ đó sẽ không bao giờ mong muốn trưởng thành.
Đương nhiên, người Pháp có những kỳ vọng đúng mức về sự kiên nhẫn của con trẻ. Họ không kỳ vọng một đứa trẻ có thể ngồi xem hết một vở kịch dài cả tiếng đồng hồ. Tất cả những gì họ kỳ vọng đó là đứa trẻ có thể chờ đợi một vài phút. Ngay cả khi bạn có thể đáp ứng ngay, việc chậm lại đôi nhịp cũng giúp con hoàn thiện khả năng đối đầu với chán chường và giảm bớt nỗi sợ hãi. Sự kiên trì cũng như cơ bắp trong cơ thể vậy, phải tự rèn luyện nhiều lần thì mới rắn chắc và vững mạnh được.
Yêu cầu con làm chủ bản thân
Khi đứng trước tình huống một em bé lững chững biết đi đang kéo đổ hết sách ra khỏi kệ, người mẹ Pháp sẽ ngồi xuống cùng tầm mắt với con và yêu cầu con dừng lại. Họ sẽ yêu cầu con xếp lại sách lên giá, đồng thời chỉ cho con cách làm bằng việc mẹ sắp lại cùng con. Người mẹ làm điều đó với sự bình tĩnh, kiên trì và trực tiếp đối diện với tầm mắt của con. Họ cho rằng, một đứa trẻ cần được học về giới hạn của bản thân, nhưng con cũng còn cần tình yêu thương nữa. Để trưởng thành đứa trẻ cần cả tình yêu lẫn khó khăn tuyệt vọng. Bởi nếu đứa trẻ chỉ có tình yêu mà không học được sự giới hạn, lớn lên con sẽ trở thành một kẻ hiếu chiến, độc đoán. Người Pháp gọi những đứa trẻ này là “ông\bà hoàng tí hon” – một em bé mà làm vua cả thiên hạ.
Không cho phép con ngắt lời người lớn
Khi trẻ ngắt lời người lớn, cha mẹ Pháp sẽ bình tĩnh và nói với con: “Mẹ xin lỗi nhưng mẹ đang nói chuyện… Con chờ mẹ một chút, khi kết thúc, mẹ sẽ nói với con”. Và cần thực hiện lời hứa đó, khi kết thúc họ quay lại và dành trọn tâm trí cho vấn đề của con. Tuy nhiên, khi tình thế thật sự khẩn cấp, họ cũng dạy con cách ngắt lời một cách lịch sự như “con xin lỗi ngắt lời…”.
Hãy nhớ rằng, bằng cách yêu cầu con chờ đợi và không ngắt lời, không chỉ cha mẹ đang cố gắng tận hưởng trọn vẹn cuộc điện thoại từ đầu đến cuối mà cha mẹ còn đang dạy con biết tôn trọng người khác và có ý thức về những gì đang xảy ra ở môi trường xung quanh con.
Có đi thì cũng có lại, cha mẹ Pháp không can thiệp vào hoạt động của con
Mỗi người trong gia đình đều có quyền được chìm đắm vào một hoạt động nào đó mà không bị ai làm phiền. Khi con đang thực sự sung sướng và nhập tâm vào một trò chơi nào đó, họ sẽ không ngắt quãng hay làm phiền con bằng những câu hỏi hay kế hoạch mới. Và khi tất cả mọi người đều không chen ngang vào hoạt động của nhau, nhịp sống gia đình Pháp cũng rất yên ả.
Hãy quan sát những nguyên tắc ăn uống của người Pháp
Cách tổ chức việc ăn uống của người Pháp giúp trẻ em rèn luyện hàng ngày việc trì hoãn các ham muốn nhất thời. Ví dụ, mọi bữa ăn của trẻ đều được phục vụ theo từng món thay vì nhiều món cùng một lúc. Con sẽ nếm thử tất cả các món, kể cả các món mà con không thích. Đây chính là một trong những kỹ năng đối đầu và xử lý khó khăn hay những điều không vừa ý. Và dù có đói hay “buồn miệng” giữa giờ, con cũng hiểu rằng mình sẽ phải chờ và chỉ ăn vào bữa ăn, không được ăn vặt bất cứ khi nào mà mình thích. Nếu con đã ăn sô – cô – la vào bữa sáng, con sẽ tự động hiểu rằng bữa trưa sẽ không có nữa và nếu muốn ăn thì phải chờ đến bữa phụ buổi chiều.
Đương nhiên, khi luyện tập thường xuyên những nguyên tắc này những khó khăn như sự nhõng nhẽo, mè nheo sẽ giảm, mọi sự sẽ trở nên dễ dàng theo thời gian. Đến một ngày, những nguyên tắc này không còn cứng nhắc, mệt mỏi và khó chịu nữa mà ngược lại nó trở thành những hành xử tự nhiên của con.
Hãy để con ăn bánh
Làm bánh là một công việc cuối tuần phổ biến ở các gia đình Pháp, bắt đầu, từ khi trẻ biết ngồi vững trên ghế. Việc đong đếm chính xác các nguyên liệu, đọc và theo sát một công thức nấu ăn chính là bài học hoàn hảo để luyện tập tính kiên nhẫn. Và ngay cả khi bánh đã hoàn thành, cả gia đình sẽ chờ đợi đến bữa ăn phụ để gia đình cùng nhau thưởng thức. Tất cả mọi người từ người lớn đến trẻ em, đều được chia những phần bánh vừa vặn, không quá nhiều và thường thì người lớn sẽ làm gương cho trẻ nhỏ về thói quen không ăn uống thái quá.
Hãy coi việc con tự xử lý những điều không vừa lòng như một kỹ năng cơ bản quan trọng của cuộc sống
Người Pháp không sợ làm hư con mỗi khi đưa ra những khó khăn cho trẻ đương đầu. Ngược lại, họ nghĩ một đứa trẻ sẽ không bao giờ thực sự hạnh phúc nếu con đòi gì được nấy khi con mè nheo. Họ tin rằng trẻ sẽ học được sự tự hào và sự thỏa mãn thông qua việc con lựa chọn cách để đối đầu, để vượt qua khó khăn cũng như những điều không vừa ý.
Việc dạy con cách xử lý khó khăn trong cuộc sống ngay từ nhỏ sẽ giúp trẻ trở nên nhẫn nại và có chí phấn đấu. Những trẻ có khả năng kiềm chế ham muốn chắc chắn sẽ biết vượt qua những biến động của tuổi dậy thì và niên thiếu, đồng thời có kỹ năng tập trung cao độ và lý luận tốt hơn. Có một bí quyết rất được người Pháp coi trọng đó là: Khi cha mẹ càng cố chiều theo ý con để con được hạnh phúc sẽ chỉ càng làm cho con gặp nhiều khó khăn hơn khi đối đầu với cuộc sống sau này.
Muốn dạy con kiên nhẫn, cha mẹ cần kiên nhẫn trước
Dạy con tính kiên nhẫn không thể ngày một ngày hai mà thành công. Con sẽ không trở thành chuyên gia biết chờ đợi chỉ sau một ngày. Học cách chờ đợi theo người Pháp là một phần của cái gọi là giáo dục.
Dạy con biết kiên nhẫn, chờ đợi là một quá trình lâu dài và song song với đó là việc dạy và học các kỹ năng cũng như các giá trị của cuộc sống. Cha mẹ cần phải kiên trì và theo đuổi đến cùng. Mỗi khi muốn bỏ cuộc, hãy nhớ đến hậu quả là những câu chuyện bị ngắt quãng, công việc bị bỏ dở trong tiếng khóc ăn vạ của con thì các bạn sẽ có thêm động lực trong việc nuôi dạy con.
Hồng Ân