Con yêu, đừng phàn nàn về việc học hành vất vả, bởi một chút khổ ấy sẽ trở thành một con đường rộng lớn, đưa con đến nơi con muốn đi.
Các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống có những nhiệm vụ khác nhau. Ở giai đoạn là học sinh, học cách nắm vững kiến thức, mới có thể đạt được thành công trong cuộc sống sau này. Đó là nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn này của con.
Có người nói rằng, làm việc chăm chỉ thì khổ nửa đời người, nhưng nếu không làm việc chăm chỉ thì khổ cả một đời.
Lâm Bô, thi nhân thời Bắc Tống từng nói: “Thiếu bất cần khổ, lão tất gian tân; Thiếu năng phục lão, lão tỉ an dật”.
Ý rằng:
Trẻ trung chẳng biết chuyên cần,
Tuổi cao ắt sẽ nhọc nhằn gian truân
Phòng lão khi tuổi còn xuân
Tuổi già ắt sẽ yên tâm an nhàn.
Những lời này quả là khích lệ vô số học sinh, rất đáng để đọc!
“Khổ” là nền tảng của cuộc sống. Đức Phật nói rằng tất cả chúng sinh đều phải chịu đau khổ. Người xưa nói rằng cuộc sống có ngũ vị: chua, ngọt, đắng, cay và mặn. Và vị đắng là một mùi vị mà cuộc sống không thể tránh khỏi.
Schopenhauer, nhà triết học nổi tiếng người Đức từng nói: “Cuộc sống chính là đau khổ, chúng ta có thể biến đau khổ thành hạnh phúc”.
Nỗ lực là quá trình biến đổi, mặc dù trong quá trình này, chúng ta có thể sẽ cảm thấy càng thêm khổ cực.
Khổ, là quá trình tất yếu phải trải qua trong cuộc đời. Từ ngày sinh ra đời, chúng ta bắt đầu thực hành cuộc sống. Bất kể bạn đang sống ở môi trường nào, bạn sẽ phải đối mặt với những khó khăn khác nhau.
Đối mặt với những vấn đề và tình huống khó xử này, không ai có thể đổ mồ hôi mà không có nước mắt.
Tuy nhiên, sau khi vượt qua rồi, bạn càng trải nghiệm, càng dễ dàng khám phá sự thật của thế giới này.
Bạn càng sợ khó khăn, bạn càng phải chịu khổ.
Những người thực sự có một tâm hồn giàu có, họ không sợ đau khổ.
Cuộc sống, có một chút cay đắng để biết ngọt ngào, có một thời gian khó khăn để biết cách trân trọng.
Nỗi đau của cuộc sống chỉ là tạm thời. Chịu khổ muộn, chi bằng chịu khổ sớm hơn. Bây giờ bạn không mệt mỏi, thì bạn sẽ mệt mỏi hơn trong tương lai.
Bạn phải biết rằng vị đắng trong món ăn của hiện tại thực sự là một phước lành trong tương lai.
Tăng Quốc Phiên từng nói: “Một trăm loại tệ nạn là từ lười biếng mà sinh ra”.
Khổng Tử cũng nói: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu”, ý rằng người không biết lo xa, ắt sẽ có buồn gần.
Trong cuộc sống, hãy có một tầm nhìn sâu xa. Nếu chỉ biết tham lam an nhàn nhất thời, thì sự lười biếng sẽ kiểm soát cuộc sống của bạn.
Ngày nay, có nhiều trẻ em không thể chịu khổ. Đụng phải một chút trở ngại là mỏi gối chùn chân, gặp một chút khó khăn là thụt lùi từ bỏ.
Nếu bạn hỏi chúng tại sao không gắng sức chịu một chút khổ, thì chúng sẽ hùng hồn trả lời với bạn rằng: “gắng sức chịu khổ sẽ vượt qua, không gắng sức cũng sẽ vượt qua. Vậy thì tại sao không để cho bản thân mình thoải mái một chút chứ?”.
Thuở thiếu thời đã ham muốn an nhàn, ỷ lại, không muốn nỗ lực cố gắng, cuối cùng thiếu các kỹ năng để chèo chống trong cuộc sống, thì tương lai ắt sẽ phải chịu đựng sự trống rỗng và bần cùng.
Chịu khổ sẽ không bao giờ lãng phí, Trời Phật sẽ luôn luôn trợ giúp bạn. Khi một ngày bạn gặp rắc rối, thì những nỗ lực của bạn tại thời điểm này sẽ được triển hiện.
Làm việc chăm chỉ là cơ hội cải thiện các kỹ năng, tâm trí cởi mở, trưởng thành. Đây là hành trang có ý nghĩa lớn đối với cuộc sống và tốt cho bạn suốt cuộc đời.
Truyền thuyết kể rằng Lão Tử gặp một ông lão đã hơn 100 tuổi.
Ông lão tự hào nói: “Ta từ thời trẻ đến nay, nay đây mai đó mà ung dung sống qua ngày. Bạn cùng lứa với ta cả đời khổ cực lại sớm qua đời. Vất vả cả một đời rốt cuộc chỉ có thể sớm mất mạng, chẳng phải đáng cười lắm sao?”.
Lão Tử lấy một viên gạch và một tảng đá đặt trước mặt ông lão và nói:
“Nếu ông chỉ có thể chọn một, thì ông sẽ chọn viên gạch hay tảng đá?”.
Ông lão chọn viên gạch rồi chỉ vào tảng đá và nói:
“Tảng đá này không có góc không có cạnh, chọn nó thì dùng để làm gì?”.
Mỗi người đều có mục tiêu và ước mơ. Ước mơ là làm việc chăm chỉ để đạt được.
Giá trị của cuộc sống không nằm ở dài hay ngắn, mà là ở ý nghĩa từ những việc mà bạn đã phó xuất, đã nỗ lực hoàn thành.
Kỳ thực, con người thường lười biếng, đều là truy cầu an nhàn trốn tránh thống khổ. Chúng ta ghen tị với thành tích và địa vị của người khác, và sau đó oán giận thế giới bất công. Nhưng một người chỉ ham muốn được an nhàn, không chịu nỗ lực chăm chỉ làm việc, thì còn oán giận ai đây?
Có nhiều bậc cha mẹ cả một đời làm lụng, họ làm tất cả để tạo nên một tổ ấm thoải mái cho con cái của họ.
Nhưng phải biết rằng, ý nghĩa của sinh mệnh, không thể trói buộc trong bầu không khí thoải mái kia.
Kỹ năng, năng lực không thể được sinh ra trong sự an nhàn vui vẻ, mà phải được trau dồi trong nỗi thống khổ và thất bại.
Khi một đứa trẻ đã quen với cuộc sống an nhàn thoải mái, chúng sẽ sợ sự thay đổi. Chúng không muốn chịu khổ, không muốn nỗ lực chăm chỉ làm việc. Mầm mống lười biếng được hình thành, nhân sinh cuối cùng rồi sẽ chẳng có gì khởi sắc.
Chịu khổ đương nhiên là vất vả, là không thể thoải mái. Chỉ có như vậy bạn mới có thể thăng hoa, mới có thể tiến bộ, làm phong phú cho chính bản thân mình.
Thời gian không đợi người. Thời trẻ nếu không nỗ lực, khi về già sẽ bi thương.
Cuộc sống nếu không có những thất bại, trắc trở, khi bạn nhìn lại, bạn sẽ thấy rằng điều đáng tiếc nhất không phải là không có cơ hội, mà là bạn đã không cố gắng, không dám chịu một chút khổ trong những thời khắc quan trọng ấy.
Tuy vậy, không nhất thiết phải ngọt ngào sau khi đau khổ, sau những nỗ lực, nó không nhất thiết phải thành công. Nhưng nếu trong cuộc sống không có nỗ lực thì những hy vọng càng trở nên xa vời hơn. Nó giống như một hồ nước tù đọng.
Trên con đường nhân sinh không có sự cố gắng và nỗ lực, trong nháy mắt bạn quay đầu nhìn lại, đến một cảnh quan nhợt nhạt cũng không có, thì đây mới là thực sự đau khổ và cay đắng nhất.
Vậy nên, các bậc cha mẹ khi giáo dục con trẻ đừng quá bao bọc con. Hãy cho con cơ hội được vấp ngã và trưởng thành. Ngay từ khi còn nhỏ, có thể dẫn dắt con trẻ, cho con thấy rằng “cay đắng” chính là nền tảng của cuộc sống, người có thể chịu khổ mới có thể trưởng thành mạnh mẽ.
Theo Cmoney
Vân Hà biên dịch