Khoang hạng nhất thì được ưu tiên lên máy bay; VIP của Ngân hàng thì được miễn xếp hàng; Vé đắt nhất của cuộc ca nhạc là vị trí ngồi tốt nhất… Đúng vậy, thế giới xưa nay vốn không có sự bình quân tuyệt đối. Ta cố gắng bao nhiêu sẽ có sự khác biệt bấy nhiêu.
Càng không công bằng, cố gắng càng có ý nghĩa
Trước kỳ thi tốt nghiệp phổ thông ở trường học nọ, mục “Thử thách giới hạn” đã làm một thí nghiệm chạy thi như sau: gọi 20 học sinh xếp hàng ngang trước vạch xuất phát để chạy thi, sau đó Ban giám khảo ra 6 câu hỏi cho các học sinh, ai trả lời “có” một câu thì được bước lên phía trước 1 bước, trả lời được hết 6 câu tức là được đứng trước vạch 6 bước.
Tình hình diễn biến như sau:
– Bố mẹ em có học Đại học không?
– Bố mẹ em có thường xuyên dạy dỗ em không?
– Bố mẹ em có khuyến khích em tiếp tục theo học ngành em ưa thích không?
Sau 3 câu hỏi, vài học sinh bước lên 3 bước, có em đứng nguyên chỗ cũ. Vấn đề chưa dừng ở đó.
– Từ bé đến giờ em đã được đi nước ngoài lần nào chưa?
– Bố mẹ em có hứa cho em đi du học nước ngoài không?
– Từ bé đến giờ em có phải là niềm kiêu hãnh của bố mẹ em? Họ có thường xuyên khen em trước mặt bạn bè bằng hữu không?
Câu hỏi cuối cùng vừa xong, có học sinh đã vượt lên cách xa vạch xuất phát 6 bước, nhưng cũng có học sinh vẫn đứng nguyên chỗ cũ.
Đáng lẽ các học sinh chạy thi xếp hàng bằng nhau trước vạch xuất phát nhưng bây giờ trở nên lộn xộn kẻ trước người sau. Tiếng pháo lệnh nổ vang, tất cả học sinh ào ào chạy về đích.
Học sinh Mã ngày thường chạy khá nhanh, hôm nay tuy bị xếp ở nhóm cuối cùng, nhưng Mã không bận tâm mà cố gắng chạy hết sức rồi nhanh chóng vượt lên dẫn đầu 20 học sinh. Rõ ràng học sinh Mã không phải là người xếp vị trí đầu tiên trước khi chạy?
Có một số học sinh trong số 20 em, tất nhiên không phải là tất cả tuy xếp trong tốp cuối nhưng đã vượt lên tốp đầu.
Xuất thân khác nhau, thi tốt nghiệp phổ thông cũng có vạch xuất phát, cuộc đời là một cuộc thi maraton, người cuối cùng thắng cuộc không phải là người oán trách số phận mà là người im lặng phấn đấu chạy đua với thời gian.
Bạn giành được thành quả là xứng đáng với công sức bỏ ra
Một sinh viên Đại học Chiết Giang được gọi là “thần đồng” đã tiết lộ tờ lịch học tập chi chít chữ.
Theo phân bổ trong tờ lịch học tập, hàng tuần mỗi ngày từ 6h sáng đến 12h30 đêm đã được ghi kín đặc từng phút từng giây. Đúng là học đua với thời gian.
Các sinh viên cho biết: “Đó chính là “thần học” của Đại học Chiết Giang. Thành tích học tập là một nhẽ, điều quan trọng là anh ấy còn rất biết chơi, điều khiển máy bay, tàu ngầm, sáng tác thời trang… cái gì cũng giỏi”.
Từ phổ thông thi lên đại học Chiết Giang, trở thành tấm gương học tập, việc gì cũng làm, việc gì cũng làm tốt.
Nếu như chúng ta không nhìn thấy tờ lịch học tập của anh sinh viên kia, chắc là sẽ nghĩ thầm: anh ta hạnh phúc thật, cuộc đời thuận lợi thế, gia cảnh chắc rất tốt, được giáo dục tốt…
Đó là cái cớ mà chúng ta thường mê hoặc mình. Tờ lịch học tập kia là minh chứng sự nỗ lực không ngừng mới dẫn đến thành công.
Có người nói rằng, trên con đường thành công không có sự chen lấn, bởi lẽ rất nhiều người ngoài miệng nói sẽ nỗ lực cố gắng, nhưng có rất ít người kiên trì cố gắng đến cùng.
Chúng ta ngưỡng mộ những người thành công, tuy nhiên những thành quả họ giành được là rất xứng đáng với công sức họ đã bỏ ra. Nếu như bạn chưa thành công, thì chỉ có thể nói rằng, bạn chưa cố gắng tới cùng.
Nghịch lý xưa nay là, không phải điều diệu kỳ một bước đến thành công, mà là đi từng bước từng bước vững chắc.
Con trẻ cần được hiểu biết về thế giới hiện thực
Có người nói rằng, nếu như con trẻ không chịu học hành, hãy dẫn chúng đến xem 4 địa điểm: bến ô tô, ga xe lửa, bến tàu hỏa cao tốc và sân bay.
Tới 4 nơi này là để quan sát mọi người ở đó mặc quần áo gì, nói chuyện gì và có tố chất gì?
Đúng vậy, mọi người đều bình đẳng mà, nhưng tố chất đời sống và trạng thái sinh sống của những người ở 4 địa điểm trên không giống nhau.
Sau đó hỏi con trẻ: Sau này con muốn trở thành kiểu người nào?
Cho con trẻ đi xem thực tế cuộc sống, cho các em suy nghĩ về nhân sinh thế thái, như vậy mới khai thông động lực nội tại của các em, mới có thể phát triển nội tâm giúp các em tìm tòi thực tiễn.
Trước đây có một vị nông dân làm việc trong kỳ nghỉ hè ở một trường Trung học thực nghiệm đã viết lên bảng mấy dòng chữ:
“Không cố gắng, tài năng của con sẽ không xứng với đạo đức của con”.
“Không cố gắng, bước chân con làm sao theo kịp tốc độ của bố mẹ con”
“Không cố gắng, thế giới rộng lớn như vậy, con dựa vào gì để quan sát thế giới?”
Đó là sự thực. Sự thực này bao hàm nỗi niềm chua xót của những người luôn hối tiếc “lẽ ra mình đã làm được”.
Vấn đề lớn nhất trong giáo dục của chúng ta là các bậc phụ huynh luôn giấu kín những nỗi “đau” những nỗi “khổ” của mình, chỉ cho con trẻ thấy được mặt tốt nhất của mình, cho chúng những thứ tốt nhất trong phạm vi năng lực của chúng.
Kỳ thực, chúng ta nên cho con trẻ biết những sự thực tàn khốc nhất và những bài học đắt giá của người lớn. Nếu có thể được, hãy cho chúng tận mắt chứng kiến và thử nghiệm, sẽ tốt hơn bất kỳ sự giáo dục nào.
Thế giới này vốn không công bằng, nhưng thế giới này cũng công bằng một cách lạ thường. Những thứ bạn giành được đều là xứng đáng, bạn cố gắng bao nhiêu sẽ có sự khác biệt bấy nhiêu.
Sớm cho con trẻ biết những đạo lý này, sẽ giúp chúng tự mình cố gắng và tìm tòi, sẽ giúp chúng thực sự hiểu rằng những khó khăn khổ cực đang chịu đựng rốt cuộc là vì đâu?
An Nhiên
Theo tw.aboluowang.com