Mất hơn một năm rưỡi mày mò nghiên cứu, máy ấp trứng cua đinh thông minh của Tiến và Công đã giành giải nhất nghiên cứu khoa học cấp tỉnh và quốc gia.

Ý tưởng sáng tạo máy ấp trứng giúp người dân

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Vị Thanh, từ nhỏ Khưu Dịch Tiến (học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Vị Thanh, Hậu Giang) đã tiếp xúc với cua đinh, loài vật quen thuộc với người dân Nam Bộ, thuộc bộ rùa và có giá trị kinh tế cao, từ 800.000 đến 2 triệu đồng một kg. Thu nhập chính của nhiều người dân tại Hậu Giang là từ việc nuôi và bán cua đinh.

Tiến nhớ lại, mùa hè năm lớp 8 đến thăm trang trại nuôi cua đinh của chú, Tiến thấy chú sử dụng phương pháp thủ công như tưới nước, thắp điện để ấp trứng cua đinh, vất vả nhưng tỷ lệ trứng nở không cao. Thông thường, một năm cua đinh đẻ hai lần vào tháng 5 và 12, mỗi lần 8-12 trứng, nhưng chỉ 5-7 trứng nở thành con.

Người dân thường tìm các biện pháp hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ trứng nở, nhưng kết quả không khả quan. Từ đó, ý tưởng tạo ra máy ấp trứng được nhen nhóm trong đầu cậu bé, nhằm giúp người nông dân cũng như những chủ trang trại có thể ấp trứng một cách dễ dàng, không tốn công lao động, cũng như dễ dàng kiểm soát quá trình ấp trứng và đạt được tỷ lệ nở cao nhất.

Khưu Dịch Tiến, 16 tuổi, học sinh lớp 11 trường THPT chuyên Vị Thanh, Hậu Giang (ảnh: Nhân vật cung cấp/VnExpress).

Quá trình chế tạo máy ấp trứng

Tiến rủ bạn thân Mai Trí Công cùng nghiên cứu và tạo ra máy ấp trứng cua đinh thông minh để hỗ trợ người dân trong việc nuôi và kinh doanh loài vật này. Chia sẻ về những khó khăn gặp phải trong quá trình tạo máy, Tiến cho biết hiện chưa có nghiên cứu về máy ấp trứng cua đinh để tham khảo. Các em phải tự mày mò thông tin trên mạng với nhiều kiến thức chưa được học tại trường.

Tiến và Công lựa chọn thùng ấp làm từ xốp, chứa được tối đa 60 trứng cua đinh, sau đó lắp thêm cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, máy phun sương, bóng đèn và quạt điều hòa lên giàn phía trên thùng.

Nhờ tiền tiết kiệm và xin thêm bố mẹ, Tiến và Công đặt mua vật liệu trên mạng. Nhiều lần, cảm biến gửi về không giống hàng đã đặt, các em phải sửa, lập trình và mã hóa lại cho phù hợp với thông số của thiết bị còn lại. Chiếc máy ấp đầu tiên được hai học sinh hoàn thành vào tháng 7/2018 sau hơn một tháng lắp ghép.

Tiến và Công mang máy đến gặp một người nuôi cua đinh lâu năm, xin được thử nghiệm ấp trứng mới sinh vì nhà không có cua đinh trong độ tuổi sinh sản. Tiến kể với báo VnExpress: “Lúc đầu họ không đồng ý, không tin những cái em nói vì trong vùng chưa ai có thể khiến trứng cua đinh nở thành con với tỷ lệ 100%. Tụi em phải vừa thuyết phục, vừa xin thì họ mới cho thử nghiệm với 9 trứng mới sinh”.

Sau 3 tháng chờ đợi, Tiến và Công nhận về thất bại nặng nề vì chỉ 3 trong 9 trứng nở thành con, kết quả không bằng phương pháp ấp thủ công người dân vẫn dùng. Tiến buồn bã, không dám xuống nhà người hàng xóm nuôi cua đinh vì áy náy. Được bố mẹ và chính hàng xóm động viên, hai học sinh tiếp tục nghiên cứu, bắt tay thực hiện cùng lúc chiếc máy ấp thứ hai và thứ ba.

Một con cua đinh mới nở chui vào trong hộp nước của thùng ấp (ảnh: Báo Hậu Giang/VnExpress).

Lần này, hai em chú ý hơn tới vị trí lắp cảm biến trên giàn vì “gần bóng đèn quá thì máy báo nóng, gần giàn phun sương quá thì máy báo lạnh”, sau đó lắp thêm quạt điều hòa để máy cảm biến ghi nhận nhiệt độ chính xác. Ngoài ra, máy ấp trứng còn có một loa nhỏ, thường xuyên mở nhạc nhẹ, tiếng chim chóc, tiếng nước chảy để tạo môi trường thiên nhiên cho trứng phát triển.

Khi hoàn thành, hai học sinh tiếp tục đặt máy tại trang trại cua đinh lâu năm, lần lượt thí nghiệm 29 và 54 trứng, hồi hộp chờ đợi trong ba tháng. Hàng tuần, các em sẽ đến kiểm tra tiến độ và can thiệp nếu có sự cố.

Kết quả, tháng 12/2018, trứng tại hai máy đạt tỷ lệ nở cao, riêng máy ba nở toàn bộ 54 trứng. Tiến nhớ lại: “Em rất bất ngờ và vui sướng, không nghĩ lại đạt tỷ lệ trứng nở tuyệt đối như vậy chỉ trong lần thử thứ ba”.

Dự án có tính khả thi

Tính năng và nguyên lý vận hành máy là: Khi độ ẩm quá thấp thì cảm biến độ ẩm sẽ đo được, từ đó sẽ gửi số liệu về bộ mạch chính và sẽ tự động phun sương tạo ẩm cho hệ thống máy, đồng thời từ đó bật bóng đèn tạo nhiệt độ cho máy ấp. Hệ thống cảm biến chuyển động được lắp vào bể nước để khi cua đinh nở thì sẽ bò vào, hệ thống sẽ tự động bật còi và bật đèn giúp cho người nông dân biết đã có cua đinh nở.

Máy có gắn thêm camera để quan sát được toàn bộ quá trình sinh sản của con cua đinh. Đồng thời có gắn thêm một hệ thống loa để cua đinh hòa với thiên nhiên.

Tiến chia sẻ với báo Giáo dục và Thời đại: “Trong thời gian tới nhóm sẽ cải tiến lại máy và trang bị thêm pin năng lượng mặt trời, giúp máy có thể hoạt động trong thời gian cúp điện và tạo dây chuyền giúp cua đinh mới nở có thể tự động bò xuống vị trí khu vực nuôi”.

Khưu Dịch Tiến mong muốn với dự án “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” sẽ giúp bà con nông dân cũng như chủ trang trại nuôi cua đinh có thể chủ động về giống, giảm nhân công, dễ dàng kiểm soát quy trình ấp trứng và đạt được tỷ lệ nở cao nhất.

Về kinh phí đầu tư cho dự án, Tiến “tiết lộ” nhóm đã đầu tư hết khoảng 3 triệu đồng. Khoản chi trên đều do nhóm vận động nguồn hỗ trợ của gia đình.

Thầy Huỳnh Sinh Lel, giáo viên hướng dẫn đánh giá: Đề tài “Máy ấp trứng cua đinh thông minh” có tính thực tiễn rất cao, hiệu quả mang lại khá khả thi trong 2 lần thực nghiệm của 2 học sinh. Đề tài khi dự thi được Hội đồng khoa học cấp quốc gia đánh giá rất cao và hoàn toàn mới. Với tính thực tiễn cao, đề tài có thể áp dụng vào thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế tốt.

Video xem thêm: Các tướng lĩnh quân đội và cựu lãnh đạo nói gì về Pháp Luân Công?

videoinfo__video3.dkn.tv||138cf8fee__