Đi du học ở những nước có nền giáo dục phát triển là mục tiêu của rất nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, có không ít bạn nhầm tưởng rằng, để có thể đặt chân tới những mảnh đất mơ ước thì một điểm số IELTS ấn tượng là đủ. Và sự thật là: bạn cần nhiều hơn thế …

Xác định đam mê, hiểu rõ chuyên ngành

Du học là một quá trình đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực học tập nếu muốn có kết quả tốt. Do đó, nếu không tìm được đam mê, bạn sẽ rất dễ lùi bước trước những khó khăn gặp phải trong quá trình học. Được nghiên cứu đúng chuyên ngành mình yêu thích, bạn sẽ không còn cảm giác mình đang phải học mà là tìm kiếm những tri thức mới đầy thú vị với sự hào hứng. Có rất nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam chọn ngành học vì được bố mẹ định hướng hay thuộc kiểu “con em trong ngành”. Nhưng dù bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu bạn đã có cơ hội ra nước ngoài để học tập việc tìm hiểu kỹ chuyên ngành đó là điều vô cùng cần thiết.

Một trong những cách có thể giúp bạn thấy yêu thích chuyên ngành của mình hơn là dành thời gian để đọc các câu chuyện về những nhân vật lịch sử trong ngành, những câu chuyện thành công và sự ảnh hưởng của họ với thế giới. Bạn sẽ có thêm cảm hứng cũng như động lực bởi đằng sau mỗi thành công là sự nỗ lực không ngừng với vô số bài học từ sự thất bại. 

Lưu ý về ngôn ngữ chuyên ngành

Ngôn ngữ chuyên ngành có mức độ khó hơn so với những từ vựng trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, hãy trang bị cho mình một hệ thống ngôn ngữ chuyên ngành cơ bản để có thể tiếp cận tốt hơn với các bài giảng. Một điều lưu ý rất quan trọng khác trong khía cạnh ngôn ngữ là bạn cần làm quen với giọng bản địa, nếu không sẽ rất khó nắm bắt được bài học trên lớp. Ví dụ, khi bạn học ở Úc thì bạn cần phải làm quen với tiếng Anh – Úc vì đa phần giáo viên giảng dạy là người bản xứ. Dù điểm tiếng Anh của bạn có cao bao nhiêu đi nữa thì vẫn nên dành một thời gian để nghe các bản tin, xem phim, chương trình truyền hình …của đất nước nơi bạn sẽ đến để không cảm thấy xa lạ với giọng nói của họ.

Làm quen phương pháp học tập nơi ‘xứ người’

Một trong những thử thách lớn nhất của các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam khi ra nước ngoài là làm quen với phương pháp giảng dạy tại nơi theo học. Ở trong nước, đa phần chúng ta được học tập dưới dạng bài giảng nhưng ở những nước có nền giáo dục tiên tiến, người học sẽ tiếp thu kiến thức qua các bài tập nhóm, dự án mang tính thực tiễn cao.

Cũng chính vì thế, nó yêu cầu bạn phải có được những kĩ năng mềm đặc biệt là kĩ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Nhìn chung, đây lại là điểm yếu khiến những tố chất tốt như thông minh và chăm chỉ của du học sinh Việt Nam chưa bù đắp lại được. Rất nhiều người Việt có tâm lý e dè, đề phòng. Nếu đây là thói quen của bạn thì cần thay đổi bởi nó sẽ tách bạn với con người, hoàn cảnh học tập ở môi trường nơi đây, trong khi đó, khi đi du học, chính yếu tố tư duy và môi trường này mới là điều đem lại cho bạn các giá trị thành công. Kĩ năng làm việc nhóm vô cùng quan trọng và có liên hệ mật thiết với văn hóa giao tiếp ứng xử. Khi bạn muốn hợp tác tốt với người khác đồng nghĩa với việc bạn phải biết lắng nghe với một thái độ đón nhận, tôn trọng nhưng đồng thời cũng thể hiện sự tự tin khi thể hiện quan điểm của bản thân. Để làm được điều này, bạn cần một quá học hỏi và thực hành. Bạn có thể tham khảo thêm trong những cuốn sách về kĩ năng mềm và đừng quên áp dụng vào thực tế.

Rất nhiều sinh viên hiện đang học tập nước ngoài không thể làm quen với việc vừa lắng nghe, viết bài và tiếp thu bài giảng cùng một lúc. Điều đó buộc bạn cần phải có được kĩ năng lắng nghe và chủ động ghi lại những gì quan trọng trong bài giảng (taking note). Đó có thể là những điều thầy cô hay lặp lại, nhấn mạnh. Môi trường học tập ở quốc tế cũng năng động hơn. Bạn được khuyến khích đặt ra những câu hỏi hay đưa ra ý kiến bình luận của mình.

Việc học tập ở môi trường quốc tế cũng đòi hỏi sự chủ động nghiên cứu ngoài giờ lên lớp. Chính vì thế, số đầu sách sinh viên cần đọc rất lớn. Nếu bạn không có thói quen này thì bạn cần thay đổi và trang bị cho mình kỹ năng đọc hiểu thật tốt, ví dụ kỹ năng skimming (đọc để nắm bắt ý) và scanning (đọc để lấy thông tin chi tiết).

Khó khăn hơn trong quá trình học tập là bạn sẽ thường viết luận bằng ngoại ngữ, thường là tiếng Anh. Để có được một bài luận tốt, bạn phải dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, thu thập thông tin trước đó rồi sắp xếp các ý sao cho logic và thuyết phục. Một trong những điều cần chú ý là các trường đại học quốc tế tuyệt đối nghiêm cấm hành vi đạo văn (plagiarism). Do đó, những thông tin, dẫn chứng trong bài viết cần có nguồn gốc và trích dẫn rõ ràng theo yêu cầu.

Tìm hiểu văn hóa ứng xử

Đừng để sự khác biệt văn hóa ở đất nước nơi bạn đến làm mình bị sốc. Có những điều tưởng chừng rất bình thường, quen thuộc ở đất nước chúng ta nhưng lại không được đón nhận ở nước ngoài. Đương nhiên, bạn sẽ quen dần khi sống ở môi trường đó nhưng để có thể nhanh chóng hòa nhập, bạn cần tìm hiểu và chuẩn bị tinh thần từ trước.

Ví dụ trong cách ăn uống, người Mỹ thường dùng dĩa để cắt thức ăn sau đó lại chuyển sang dĩa khác để ăn nhưng đây được coi là hành động thiếu lịch sự và không đẹp mắt trong văn hoá ăn uống của người Anh. Vì vậy khi đến Anh hãy tập dùng dao bằng tay phải và lấy thức ăn bằng dĩa ở tay trái. Người nước ngoài rất coi trọng sự đúng giờ, nên bạn sẽ bị coi là bất lịch sự dù chỉ đến muộn vài phút. Hay trong văn hóa giao tiếp của người Đức, họ rất coi trọng cách xưng hô. Người Đức có thói quen gọi đầy đủ tên ghép cùng với chức danh của người đó như: Thưa ngài bộ trưởng Philip, đặc biệt với các tước hiệu quý tộc như bá tước, hầu tước,…

Ứng xử và giao tiếp không phù hợp không chỉ làm hình ảnh bạn xấu đi mà còn tạo ra chướng ngại trong tư tưởng của chính mình, khiến bạn e dè, tự ti hơn trong giao tiếp và lối sống. Dần dần, bạn sẽ tự tạo khoảng cách cho mình và cộng đồng nơi bạn sinh sống và học tập. Vì thế, việc tìm hiểu những nét văn hóa đặc trưng của điểm đến là điều không thể thiếu trước mỗi chuyến đi. Nó không chỉ giúp bạn tránh được những sai lầm không đáng có mà còn để lại được ấn tượng tốt đẹp với người bản địa. Chắc chắn rằng, bạn sẽ cần đến sự giúp đỡ trong quá trình học tập lâu dài ở nước đó.

Chúc bạn có một chuyến đi thành công!

Thuần Thanh

Xem thêm

 

Từ Khóa: