Tương truyền, năm 987 một người Tống là Lý Giác sang Đại Cồ Việt, vua Lê Đại Hành sai sư Pháp Thuận cải trang làm người lái đò tiếp đón. Đang trên thuyền, thấy hai con ngỗng bơi trên sông, Lý Giác liền ngâm hai câu thơ rồi giật mình nhìn qua lại khi nghe ông lão chèo đò cao giọng họa theo.

Pháp Thuận (chữ Hán: 法順, 914-990) tên thật là Đỗ Pháp Thuận (杜法順), là thiền sư dưới triều Tiền Lê, học rộng, thơ hay, hiểu biết về văn học Trung Quốc, lại có tài giúp vua, hiểu rõ việc nước. Câu chuyện hai người đối đáp với nhau nhân có hai con ngỗng bơi trên mặt sông khiến Lý Giác rất thích thú và bị chinh phục đã trở thành giai thoại thú vị trong bang giao và văn học.

Lý Giác ngâm:

Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.

Tạm dịch:

Song song ngỗng một đôi,
Ngửa mặt ngó ven trời.

Sư Pháp Thuận đang buông mái chèo, dừng tay tiếp lời Lý Giác, ngâm nga rằng:

Bạch mao phù lục thủy,
Hồng chưởng bát thanh ba.

Tạm dịch:

Lông trắng phơi dòng biếc,
Sóng xanh chân hồng bơi.

Phiên bản tiếng Anh:

Goose, goose, goose,
You bend your neck towards the sky and sing.

Your white feathers float on the emerald water,
Your red feet push the clear waves.

***

Thơ của thiền sư có phần hay hơn của Lý Giác, tạo nên một tuyệt phẩm. Chỉ bằng hai câu, ông có thể vẽ ra được một bức tranh sống động đầy màu sắc tươi sáng. Đó là sắc trắng của lông ngỗng, màu xanh của sóng nước, màu hồng của chân; hơn nữa, trong tĩnh lại có động: chân ngỗng đạp bơi dưới dòng nước…

Lý Giác do đó thán phục trước kiến thức về thơ, tài ứng thơ, đối đáp của người lái đò. Và khi về sứ quán, ông đã làm hẳn một bài thơ khá dài, trong đó có ý ca ngợi nước Việt ”Thiên ngoại hữu thiên ứng viễn chiếu” (Ngoài trời lại có trời soi nữa).

Theo cách lý giải của Thiền sư Ngô Khuông Việt (933-1011), Lý Giác viết như thế là có ý ca ngợi vua Lê Đại Hành, không khác gì vua Tống. Trong những dòng ghi chép có vần điệu tốt đẹp đó của viên sứ giả triều Tống hẳn đã có tác động từ những cảm nhận của ông về Pháp Thuận.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Thiện Nhân (Tổng hợp)