Đại Kỷ Nguyên

Bạn có đang ‘giỏi’ tiếng Anh theo cách này?

Video dưới đây dường như là một điều khá quen thuộc với học sinh Việt Nam. Người học đã chủ động Việt hóa tiếng Anh để cho dễ hiểu. Tuy nhiên, cách học này lại đem tới kết quả không tốt.

Tuy đó là trích đoạn trong một bộ phim, có yếu tố hài hước của diễn xuất nhưng phần nào đã thể hiện được cách học ngoại ngữ không đúng của nhiều học sinh Việt Nam.

Để cho dễ nhớ và dễ đọc, có bạn đã phiên âm tất cả từ tiếng Anh thành tiếng Việt. Cụ thể: Have some fun = Hép săm phăn; Come = Kăm; Outside = Ao sai; Under = ăn đờ; Bicycle = Bai sì cồ…Tuy nhiên, nhiều người đã để lại bình luận rằng cách học này đã quá cũ và khiến người học phát âm sai, từ bị mất hết “ending sound” (âm cuối). Khi nói những từ này với người nước ngoài, ắt hẳn sẽ không ai hiểu gì.

Vậy đâu là chướng ngại cản trở người Việt phát âm tiếng Anh chuẩn?

Từ loại

Trong tiếng Anh, có nhiều trường hợp từ thuộc các loại khác nhau (danh từ, động từ, trạng từ, tính từ) có phát âm khác nhau. Điều này nghĩa là các bạn phải nắm vững kiến thức về loại từ, xác định được loại từ mà mình đang sử dụng để phát âm chính xác.

Trọng âm

Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm tiết, điều này gây cản trở rất lớn trong quá trình học tiếng Anh – một ngôn ngữ đa âm tiết với những đặc tính phức tạp về trọng âm. Ta cần lưu ý rằng những từ tiếng Anh hai âm tiết trở lên luôn có một âm tiết được phát âm khác biệt hẳn về độ dài, độ lớn, độ cao. Một số từ có thể có hai trọng âm, trọng âm chính và trọng âm phụ.

Ngữ điệu

Ngữ điệu của câu trong tiếng Anh rất đa dạng và phong phú. Có thể cùng một câu nói, nhưng sự lên giọng, xuống giọng sẽ chuyển tải thông tin những khác nhau đến người nghe. Điều này dẫn đến hai khó khăn thường gặp của người Việt khi học tiếng Anh.

Những quy tắc cơ bản trong lối nói tiếng Anh hằng ngày của người bản xứ:

– Lên cao ở cuối câu hỏi.

–  Lên cao ở đầu câu cảm thán.

– Hạ giọng ở câu trả lời, câu trần thuật.

– Phát âm mạnh, rõ các động từ, trạng từ trong câu và lướt ở các trợ động từ, phụ từ.

Nối âm, nuốt âm

Trong thực tế, người bản xứ luôn nối âm bất cứ khi nào một từ kết thúc bằng một phụ âm và đi sau nó là một nguyên âm. Ví dụ như “depend on”, “tell us”, “world of”, “move on”… Hiện tượng nối âm không chỉ gây khó khăn cho người Việt chúng ta khi nghe tiếng Anh mà còn cả khi phát âm. Để khắc phục điều này, các bạn phải kiên nhẫn nghe tiếng Anh thật nhiều (qua phim, nhạc, tin tức…) và chú ý bắt chước cách nối âm.

Ngoài ra, khi một từ kết thúc là một trong các phụ âm /p/, /b/, /t/, /d/, /k/, /g/ theo sau là các từ bắt đầu bằng một phụ âm thì việc phát âm các âm trên sẽ không được thực hiện, ví dụ như “bad-judge” /d/-/dʒ/, “stop-trying”  /p/-/t/, “keep-speaking” /p/-/s/ (các âm /d/, /p/ sẽ bị nuốt đi, không được phát âm).

Thiện Nhân tổng hợp

Exit mobile version