Bộ phim kể về chuột mẹ dạy chuột con học tiếng Anh. Chuột em không thuộc bài và mẹ yêu cầu ngồi lại ôn tập nhưng chuột không nghe lời mẹ và gặp nguy hiểm. May thay, chuột mẹ xuất hiện kịp thời và nhờ biết ngoại ngữ nên đã cứu được chuột con.

videoinfo__video3.dkn.tv||__

Các chi tiết trong bộ phim rất ngộ nghĩnh nhưng đã truyền tải được thông điệp về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ. Trong cuộc sống, có thể một thời điểm nào đó phải đối mặt với nguy hiểm, và biết đâu nếu như có thể giao tiếp bằng một ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ, chúng ta sẽ dễ dàng vượt qua được thử thách.

Như trong sự kiện đội bóng nhí Thái Lan được cả thế giới biết đến vừa qua, tiếng Anh cũng góp phần khiến cho việc giải cứu được thành công. Hãy thử hình dung, một thợ lặn chuyên nghiệp đến từ Anh Quốc phải mất từ 7 đến 9 tiếng, vượt qua bao nguy hiểm mới có thể tiếp cận được đội bóng. Dường như khó khăn sẽ tăng lên nếu như có vấn đề bất đồng ngôn ngữ. Nhưng thật may, các em nhỏ có thể giao tiếp bằng tiếng Anh với người thợ lặn một cách bình tĩnh. Hơn nữa, hiện nay, tiếng Anh là một trong những ngôn ngữ được nói phổ biến nhất trên thế giới nên chúng ta cần biết nó.

Cũng trong bộ phim hoạt hình trên, có chi tiết về việc chuột mẹ dạy chuột con học từ mới. Trên thực tế, từ vựng luôn là yếu tố quyết định đến khả năng sử dụng tiếng Anh của mỗi người. Bạn biết được càng biết được nhiều từ vựng thì khả năng nghe, nói, đọc, viết của bạn đều tiến bộ theo. Tuy nhiên có một vấn đề mà rất nhiều người gặp phải khi học từ vựng đó là tình trạng “học trước quên sau” giống như chú chuột con trong bài. Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với các bạn một vài bí quyết học từ vựng tiếng Anh.

1. Phương pháp 5 bước 7 lần nhớ từ

– Bước 1: Đọc to với phát âm chuẩn từ mà bạn cần học: Khi chuẩn bị học một từ mới nào đó, bạn nên mở từ điển điện tử như kim từ điển hay từ điển Lạc Việt hoặc cũng có thể chọn từ theo đoạn hội thoại của người bản xứ để nghe và lặp lại chính xác cách phát âm, sau đó đọc to nhiều lần cách phát âm của các từ mà trong danh sách học một ngày của bạn.

– Bước 2: Dùng các mẹo như liên tưởng từ có âm gần giống (homophonic method), phân giải từng bộ phận của từ, dùng từng ký tự của từ để ký hiệu hóa từ đang học thành một câu tiếng Việt nhằm nhớ cả spelling (cách đánh vần). Ví dụ: “run” thì liên tưởng đến chữ “run” trong tiếng Việt, hoặc cách phân giải từ cho các từ như “chalkboard” (bảng viết bằng phấn) = chalk (phấn) + board (bảng)…

– Bước 3: Hồi tưởng hai chiều Việt – Anh. Nghĩa là đọc từ tiếng Anh nghĩ trong đầu nghĩa tiếng Việt, sau đó đọc từ tiếng Việt nghĩ trong đầu nghĩa tiếng Anh.

– Bước 4: Chuỗi (series) tức thông qua liên tưởng một chuỗi ngữ cảnh có từ đang học để nhớ từ.

– Bước 5: Đặt câu, tức là dùng từ đang học viết thành câu.

– Cuối cùng là 7 lần ôn lại từ:

  • Lần 1: Nhìn lại danh sách từ của ngày đó sau 20 phút tính từ lúc học xong.
  • Lần 2:  Sau 1 tiếng
  • Lần 3: Sau 2 tiếng
  • Lần 4: Sau 1 ngày
  • Lần 5: Sau 1 tuần
  • Lần 6: Sau 1 tháng
  • Lần 7: Sau 3 tháng

Nghĩa là khi lập danh sách từ cho từng ngày, bạn nhớ đánh dấu số thứ tự danh sách rồi sau khi học xong bạn ghi giờ nào và ngày nào ôn lại danh sách nào.

2. Phương pháp tỉ mỉ hóa từ vựng

Phương pháp này dựa theo thuyết tỉ mỉ hóa thông tin trong quá trình xử lý thông tin của não bộ đã được nêu trong bộ môn tâm lý giáo dục, bao gồm các mẹo như sau:

– Thị giác hóa từ vựng: nghĩa là bạn gắn cho từ đang học một hình ảnh nào đó. Nếu từ đó là danh từ chỉ sự vật thì đương nhiên là dễ, nếu từ là động từ, hoặc tính từ thì đòi hỏi sự sáng tạo của chính bạn. Ví dụ: “obesity” (béo phì) thì chữ “o:b đầu nhìn như người bụng bự, béo ú…

– Bạn cũng có thể chia từ thành hai phần và liên kết nghĩa để giải thích tỉ mỉ từ đó. Ví dụ: “lineage” (huyết thống) = “line” (đường vạch) + age” (thế hệ, tuổi tác) = huyết thống là đường nối các thế hệ trong gia đình…

– Sử dụng mindmap (sơ đồ ý) để vẽ sơ đồ các từ có nghĩa liên quan.

3. Phương pháp học theo đặc tính ngôn ngữ

– Sử dụng các tiếp vĩ ngữ hoặc tiếp đầu ngữ để học từ phái sinh. Ví dụ: co- : cùng nhau, hợp sức => coworker (đồng nghiệp), collaborate (cộng tác)…

– Học từ và liên tưởng đến từ đồng nghĩa cũng như trái nghĩa của từ đó (nếu có)

Lưu ý:

  • Học đều đặn mỗi ngày ít nhất 3 từ và nhiều nhất 10 từ. Trường hợp ngày nào cần phải học một lượng từ lớn theo bài vở ở lớp, bạn vẫn học bên cạnh 10 từ quy định hàng ngày.
  • Không bỏ một ngày nào, trường hợp ngày không có thời gian cũng dành 10 phút cho 3 từ mới và 5 phút xem lại ôn lại các từ đã học của ngày xa nhất. Ví dụ bạn bắt đầu chiến lược học từ vào ngày 1/1/2010 thì ngày 10/1 bạn nên xem lại từ đã học ở ngày 1/1.

Thiện Nhân