Đặt câu hỏi là một trong những kỹ năng quan trọng giúp bạn thành công trong giao tiếp, trong nghề nghiệp của mình nhưng không phải ai cũng biết đặt câu hỏi. Vậy kỹ năng đặt câu hỏi là gì, đặt câu hỏi như thế nào trong những hoàn cảnh thường gặp của cuộc sống, hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này.
Thiếu kỹ năng đặt câu hỏi đồng nghĩa với việc bạn sẽ không đưa ra những câu hỏi chính xác. Khi đó bạn có thể không nhận được câu trả lời mà bạn cần nghe hoặc nhận được thông tin sai hoàn toàn. Điều này khiến bạn phải đặt ra nhiều câu hỏi hơn, tốn nhiều thời gian hơn để có được phản hồi mong muốn, dẫn đến năng suất làm việc kém hiệu quả.
Vận dụng kỹ năng đặt câu hỏi thành công sẽ giúp bạn thiết lập được mối quan hệ, tạo được ấn tượng tốt với người khác.
Kỹ năng đặt câu hỏi là gì? Đó là khả năng đặt câu hỏi thuần thục đúng trọng tâm nhằm trao đổi thông tin một cách hiệu quả.
Kỹ năng đặt câu hỏi có quan trọng hay không?
Trong cuộc sống, có nhiều tình huống cần khả năng đặt câu hỏi thích hợp để đạt thành công. Do đó từ học sinh, sinh viên, giáo viên cho đến người tìm việc, người tuyển dụng, người đàm phán… đều cần trang bị kỹ năng thiết yếu này.
Đối với học sinh, sinh viên
Đây là kỹ năng quan trọng giúp học sinh, sinh viên nâng cao khả năng phản biện của mình, phát huy tinh thần sáng tạo và khả năng tư duy. Đặt câu hỏi là cách phát triển vấn đề để hiểu sâu sắc hơn. Mỗi câu trả lời sẽ cho bạn mở rộng kiến thức về những vấn đề mà mình quan tâm.
Đối với giáo viên
Đây là kỹ năng mà bất kỳ giáo viên nào cũng phải tự rèn luyện. Nó giúp kích thích, dẫn dắt học sinh, sinh viên suy nghĩ khám phá tri thức, tạo điều kiện cho họ chủ động tham gia vào quá trình học tập. Việc đặt câu hỏi giúp đánh giá được mức độ quan tâm và hứng thú, khả năng tiếp thu của học sinh, sinh viên.
Đối với người làm kinh doanh, bán hàng
Muốn bán hàng thành công, người bán không thể bỏ qua kỹ năng đặt câu hỏi trong bán hàng. Hãy thuyết phục tự đặt câu hỏi cho bản thân và khách hàng về các vấn đề, mong muốn của họ và tìm cách giải quyết vấn đề đó.
Đối với người tìm việc
Tuyển dụng là quá trình sàng lọc, lựa chọn ra những ứng viên có khả năng. Kỹ năng đặt câu hỏi là một trong những kỹ năng quan trọng, giúp ứng viên tạo ấn tượng và ghi điểm đối với nhà tuyển dụng. Một vài kỹ năng đặt câu hỏi các ứng viên cần nắm để: tìm hiểu nhà tuyển dụng, chuẩn bị câu hỏi, tập trung và tương tác với nhà tuyển dụng…
Đối với người đàm phán
Trình độ của người đàm phán được quyết định bởi mức độ và cách thức trả lời câu hỏi, đặt ra những câu hỏi phản biện. Cách hỏi khéo léo có thể đem lại lượng lớn thông tin cần thiết để sử dụng trong đàm phán. Trong quá trình đặt câu hỏi, cần chú ý không chỉ lời nói mà còn hành động, phong thái và cử chỉ bởi chúng bộc lộ phần nào suy nghĩ của đối tác.
Đặt câu hỏi như thế nào?
Mọi người đều biết chỉ cần sử dụng các từ để hỏi như Ai, Cái gì, Tại sao, Như thế nào, Ở đâu, Khi nào là có thể đặt các câu hỏi khác nhau. Tuy nhiên, ngoài điều cơ bản đó ra, cũng có những chi tiết tinh tế khác giúp bạn trở thành người giao tiếp giỏi.
Hạn chế các câu hỏi đóng
Câu hỏi đóng là câu hỏi nhận được câu trả lời một từ hoặc rất ngắn. Tính chất của câu hỏi đóng nhằm xác định lại thông tin, vì thế những câu hỏi dạng này thường không có tính gợi mở.
Câu hỏi đóng thường được sử dụng như câu mở đầu cho một đề tài nào đó. Qua cách trả lời bạn có thể lựa chọn tiếp tục hoặc dừng lại. Tuy nhiên, không nên lạm dụng câu hỏi đóng liên tục, vì điều này sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên nặng nề, dễ trở thành tra khảo.
Thay vào đó, hãy hỏi một câu hỏi mở. Bằng cách này, bạn sẽ có được thông tin chi tiết và thông tin bổ sung mà bạn có thể không biết chúng đang tồn tại. Những câu hỏi bắt đầu bằng “Điều gì?”, “Ai?”, “Như thế nào?”, “Khi nào?”, “Ở đâu?” sẽ khiến đối phương xem xét kỹ hơn về câu trả lời của họ và cung cấp cho bạn nhiều thông tin hơn.
Hỏi bằng ngôn ngữ của người nghe
Hãy kết nối những câu hỏi với nền tảng của người nghe và sử dụng các từ, cụm từ mà họ có thể hiểu. Tránh dùng các từ ngữ chuyên môn trong khi bạn trao đổi với ai đó bên ngoài ngành nghề của bạn. Nếu họ dường như không hiểu những gì bạn yêu cầu, hãy hỏi lại bằng cách từ khác đơn giản hơn.
Sử dụng các diễn đạt trung lập
Đặt các câu hỏi mang tính định hướng như “Bạn thích các tiện nghi tuyệt vời tại trung tâm hội nghị đó như thế nào?” sẽ không hiệu quả. Bởi vì câu hỏi thể hiện quá rõ ràng quan điểm của người hỏi, đối phương không thể trả lời bất cứ điều gì tiêu cực về nó, ngay cả khi họ “ghét” nơi này.
Họ sẽ không nói ra cảm giác thật của mình và bạn đã mất một cơ hội để biết sự thật. Một câu hỏi được diễn đạt theo cách trung lập sẽ gợi ra một thông tin chính xác hoặc một ý kiến trung thực, chẳng hạn, “Bạn thấy nơi đó như thế nào?” sẽ hữu ích hơn nhiều.
Đào sâu bằng các câu hỏi tiếp theo
Theo Careerlink, luôn luôn cân nhắc sử dụng các câu hỏi tiếp theo để làm rõ vấn đề, nếu không bạn sẽ rơi vào tình trạng phải suy đoán.
Giả sử bạn đang nói chuyện với đồng nghiệp và cần biết chi tiết về một dự án. Đồng nghiệp của bạn nói rằng nhà cung cấp X rất khó để hợp tác. Điều này khiến bạn thắc mắc và muốn tìm hiểu. Một câu hỏi như “Điều gì khiến bạn nói như vậy?” sẽ giúp bạn biết được nguyên nhân chính xác.
Có thể không phải vì nhà cung cấp rất khó để hợp tác cùng mà do họ không trả lời các thắc mắc một cách nhanh chóng hoặc bất kỳ lý do nào khác. Các câu hỏi tiếp theo sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn và đưa ra nhận xét chính xác của mình về mọi thứ.
Chỉ hỏi một vấn đề tại một thời điểm
Để có được câu trả lời rõ ràng, hãy tạo ra các câu hỏi tập trung, mỗi câu hỏi chỉ bao gồm một ý hỏi duy nhất.
Nếu bạn thực sự muốn biết hai điều khác nhau, hãy hỏi hai câu hỏi riêng biệt.
Không ngắt lời
Đừng làm gián đoạn người mà bạn đang nói chuyện bởi nó cho thấy bạn không hứng thú với những gì họ đang nói và ngăn chặn dòng suy nghĩ của họ.
Hãy đưa ra câu hỏi của bạn, sau đó để đối phương trả lời đầy đủ, ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình không đang nhận được câu trả lời mong muốn. Lắng nghe những gì họ nói và sử dụng điều đó để hướng họ trở lại chủ đề trong câu hỏi tiếp theo.
Nếu có áp lực về thời gian và người đó đã lạc đề thì tất nhiên bạn cần phải cắt ngang câu chuyện nhưng cần thực hiện với thái độ lịch sự nhất có thể. Điều này cho thấy bạn tôn trọng những gì họ đang nói.
Hãy nói một điều gì đó như “Xin lỗi, tôi muốn chắc rằng tôi hiểu bạn. Những gì tôi hiểu là…” và sau đó đưa họ trở lại với vấn đề đang thảo luận.
Tôn trọng thời gian của người khác
Chỉ nên đặt những câu hỏi mà bạn muốn biết câu trả lời và tránh những câu hỏi thừa, không cần thiết. Hãy tôn trọng thời gian của người khác và tránh chần chừ kết thúc cuộc gặp gỡ. Đồng thời đừng quên cảm ơn đối phương vì đã cung cấp cho bạn các thông tin quan trọng.
Cũng giống như các kỹ năng khác, việc đặt những câu hỏi hay cần phải liên tục thực hành. Điều này ngụ ý rằng bạn có thể sẽ không đạt được hiệu quả trong mỗi lần đưa ra câu hỏi. Tuy nhiên chỉ cần thường xuyên luyện tập, kỹ năng của bạn sẽ được cải thiện theo thời gian.
Hãy nhớ rằng, nếu bạn muốn câu trả lời chính xác, điều đó đến từ việc hỏi những câu hỏi hay.
Ảnh minh hoạ: Pixabay
Video xem thêm: Lời giải cho cuộc sống