Dạy con biết tự nhận thức trạng thái cảm xúc của bản thân và biết cảm thông là việc quan trọng, nhưng không phải dễ dàng. Để làm được vậy, các bậc cha mẹ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong một xã hội đang thay đổi theo xu thế ngày càng phức tạp. Phương pháp giáo dục “làm đầy xô” sẽ là một cánh tay đắc lực của các phụ huynh trong hành trình nuôi dạy trẻ.

Có nhiều phương pháp và triết lý nuôi dạy con khác nhau được đưa ra rồi bị lãng quên theo thời gian. Đến bây giờ, tất cả chúng ta đều biết rằng không phải chỉ có một cách nuôi dạy con đúng đắn.

Các bậc phụ huynh đều cố gắng giáo dục con bằng cách tốt nhất có thể trong khả năng, điều kiện của mình. Trên thực tế, không có hai cặp cha mẹ nào dạy con theo cùng một cách.

Trong nhiều trường học, nơi làm việc và các cộng đồng trên khắp thế giới, phương pháp “làm đầy xô” (nguyên gốc: “Bucket Filling”) đang được áp dụng một cách phổ biến để giúp mọi người thấu hiểu các trạng thái cảm xúc của bản thân và đồng cảm với người khác. Phương pháp này sử dụng một hình ảnh cụ thể để mô phỏng một khái niệm trừu tượng: cái xô giống như một bể chứa cảm xúc và tinh thần của bạn vậy. Cái xô đầy biểu thị rằng bạn đang tràn ngập những ý nghĩ và cảm xúc tích cực: bạn cảm thấy tự tin, an toàn, bình tĩnh, kiên nhẫn, thân thiện hơn; và ngược lại. Chính vì sự đơn giản trong ý tưởng, “làm đầy xô” trở thành một phương pháp giáo dục rất phù hợp với những đứa trẻ.

Ảnh minh họa (nguồn: Pixabay).

Nguồn gốc của phương pháp “làm đầy xô”

Bản thân khái niệm “làm đầy xô” được bắt nguồn từ những câu chuyện ngụ ngôn cổ xưa và được áp dụng vào vấn đề giáo dục tinh thần và cảm xúc trong những năm 1960. Tiến sĩ Donald O. Clifton đã viết câu chuyện “Dipper and Bucket” (tạm dịch: “Gàu và xô”), trong đó cái xô được ví như một bể chứa.

Tiến sĩ Clifton cũng là đồng tác giả cuốn sách “How Full Is Your Bucket?” (tạm dịch: “Xô của bạn đã đầy chưa?”), nằm trong tốp những cuốn sách bán chạy nhất trên trang Thời báo New York. Cùng với cháu trai của mình là Tom Rath, ông Clifton đã có những kế hoạch tích cực cho cả công việc và cuộc sống.

Khái niệm này đã được truyền qua nhiều thập kỷ và nhà giáo dục mầm non Carol McCloud đã biết về nó vào những năm 1990. Trong một dự án nghiên cứu, Carol phát hiện ra phương pháp này đã được áp dụng để dạy cho các em trong trại trẻ mồ côi ở Rumani. Qua nhiều năm trao đổi với các cộng sự về khái niệm này, cô nhận ra đây sẽ là chủ đề hấp dẫn cho một cuốn sách thiếu nhi. Vì vậy, cô đã cho xuất bản cuốn sách “Have You Filled a Bucket Today?” (tạm dich: “Hôm nay bạn đã làm đầy xô chưa?”), cuốn sách nhanh chóng trở thành cẩm nang niềm vui mỗi ngày cho các em nhỏ trong năm 2007.

Bìa cuốn sách “Have You Filled a Bucket Today?” (nguồn: Little Things).

Nội dung của phương pháp 

Trên trang web Bucket Fillers giải thích: “Khi xô của bạn đầy, bạn cảm thấy tự tin, an toàn, bình tĩnh, kiên nhẫn và thân thiện hơn. Bạn suy nghĩ tích cực và mong đợi những kết quả tích cực”.

“Khi xô của bạn trống rỗng, bạn sẽ không có hoặc có rất ít những suy nghĩ và cảm xúc tích cực. Bạn dễ trở nên buồn phiền, bất an, tức giận, lo lắng, chán nản, căng thẳng và sợ hãi, hoặc thân thể trở nên mệt mỏi. Khi bạn trải nghiệm bất kỳ cảm giác nào trong số này, bạn sẽ nghĩ rằng cuộc sống đầy thử thách và có cố gắng thì cũng chẳng thành công. Cái xô rỗng có thể ảnh hưởng đến hành vi của bạn và khiến bạn thể hiện cảm xúc của mình theo cách làm những người xung quanh cũng bị ảnh hưởng theo”.

Sự chán nản, tiêu cực trong cuộc sống có thể nhấn chìm và tiêu hủy sức mạnh của chúng ta. Ngược lại, tinh thần và cảm xúc tích cực – ở đây được ví như một cái xô đầy – tiếp thêm năng lượng cho chúng ta.

Khi xô của chúng ta đầy, chúng ta có xu hướng chia sẻ với xô của người khác. Khi xô của chúng ta trống rỗng, chúng ta cũng cần được người khác chia sẻ.

Đây chính là những thông điệp về sự tự nhận thức tinh thần, cảm xúc của mỗi cá nhân và cảm thông, chia sẻ vui buồn với những người xung quanh.

Tại sao phương pháp này lại hiệu quả và áp dụng trong nuôi dạy trẻ như thế nào?

Những người áp dụng tin vào khái niệm này là bởi vì khả năng tiếp cận của nó. Khái niệm “làm đầy xô” rất đơn giản nhưng cũng rất sâu sắc: Đơn giản đến mức đứa trẻ hai tuổi cũng thể hiểu được và sâu sắc đến mức các nhà trị liệu có thể sử dụng nó để giúp khách hàng giải quyết nhiều thách thức mà họ đang phải đối mặt.

Ảnh minh họa (nguồn: Pixabay).

Giờ đây, hãy giải thích khái niệm “làm đầy xô” cho con bạn, tất nhiên có dụng cụ trực quan thì sẽ giúp các bé dễ dàng tiếp thu và ghi nhớ hơn.

Hãy thường xuyên hỏi bé: “Con đã làm đầy xô của mình chưa”?. Nếu bé vui vẻ trả lời rằng cái xô của bé đã đầy ắp, đừng quên chúc mừng con và dặn con hãy chia sẻ với những cái xô rỗng khác. Nếu bé buồn rầu đáp lời bạn (hoặc buồn quá, không trả lời bạn luôn), vậy thì đã đến lúc bạn chia sẻ nước trong xô của mình cho con rồi đấy! 

Bên cạnh đó, bạn hãy dạy con cách quan tâm đến mọi người và tìm sự hỗ trợ khi con cần sẻ chia: “Xô của mẹ đã đầy chưa ạ?”, “Xô của bạn đã đầy chưa?”, “Mình giúp bạn làm đầy xô nhé?”, “Xô của mình đang rỗng, bạn có thể giúp mình không?”…

Bằng cách này, con của bạn sẽ trở thành một đứa trẻ có thể tự nhận thức được trạng thái tinh thần và cảm xúc của mình, đồng thời biết cảm thông, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn với mọi người xung quanh. 

Phương pháp này cũng rất hiệu quả cho người lớn chúng ta đúng không nào? Chúc bạn và gia đình “đầy xô” mỗi ngày nhé!

An Giang – Thanh Tâm

Video xem thêm: Các giáo viên và học sinh rất xúc động bởi những gì tôi chia sẻ. Chuyện kể của người phụ nữ Đức chuyên ngành nghệ thuật và điêu khắc.

videoinfo__video3.dkn.tv||b0df01bc6__