Trên chuyến xe buýt đã đông nghịt người, lại còn chen thêm ba người nữa là cha mẹ và cô con gái nhỏ. Cô bé cố ý cúi người xuống, bởi trước lúc lên xe người mẹ đã bảo cô bé làm vậy để người thu vé không nhìn thấy chiều cao thực sự của mình…
Nhưng sau khi lên xe, cô bé vẫn bị người kiểm vé nhìn thấy, phát hiện chiều cao của em đã vượt quá quy định được miễn phí. Người soát vé yêu cầu mẹ cô bé mua vé cho con gái. Thế nhưng, người mẹ vẫn cảm thấy mình bị ‘hớ’, nói rằng con mình còn nhỏ, chưa đến mức phải mua vé. Họ bắt đầu cãi nhau, giằng co qua lại.
Trong lúc hai người cãi nhau, cô gái nhỏ mới 7 tuổi ấy cảm thấy vô cùng sợ hãi và bất an, trên khuôn mặt non nớt ấy còn hiện lên cả vẻ xấu hổ. Nhìn thấy mẹ và người soát vé cãi nhau ngày càng kịch liệt, cô bé lén lấy ra một tờ tiền đưa cho người kiểm vé. Không ngờ người mẹ ngăn con mình lại, nhất quyết không đồng ý, lại còn mắng cho cô bé một trận.
Cứ như thế, cô bé bị đẩy đi đẩy lại trong cuộc cãi vã vô ích của mẹ mình với người soát vé, khuôn mặt đẫm nước mắt và không biết nên làm thế nào.
Cha mẹ chính là tấm gương của con cái, nếu cha mẹ không biết dùng hành động thực tế để truyền dạy thì sẽ mang lại cho con những tổn thương về tâm lý. Trong câu chuyện nhỏ này, cha mẹ cô bé không những không trung thực mà còn không tôn trọng chính mình. Họ đã thất bại trong việc làm gương cho con cái. Nếu cô con gái của họ không hiểu được giá trị của bản thân thì làm sao cảm nhận được vai trò, ý nghĩa của lòng tự trọng, làm sao biết quý trọng bản thân mình? Trẻ em rất nhạy cảm, chúng sẽ cảm thấy xấu hổ vì những biểu hiện sai lầm của cha mẹ, vì ít nhiều chúng cũng có sự tự tôn của mình.
Vì thế, để con biết quý trọng bản thân, cha mẹ hãy làm gương, dùng hành động thực tế để con hiểu được tầm quan trọng của lòng tự trọng, biết yêu quý bản thân, từ đó dần bồi dưỡng cho mình những phẩm cách tương tự.
Để con nhận thức đúng đắn về lòng tự trọng
Lòng tự trọng chính là sự tôn trọng, là sự hãnh diện về bản thân của mỗi người. Lòng tự trọng là một đức tính tốt đẹp, là trụ cột tinh thần vững chắc giúp con người bước đi ngay chính trong cuộc đời. Nhưng lòng tự trọng của con người cũng giống như con dao hai lưỡi, quá cao hoặc quá thấp đều không tốt. Nhẹ thì mang lại phiền phức, nặng thì gây ra những vấn đề về tâm lý không tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu lòng tự trọng quá cao cũng có thể gây ra một số tác hại như:
– Lòng tự trọng quá cao không có lợi cho các mối quan hệ xã hội. Người có lòng tự trọng quá cao rất hay chú ý đến cử chỉ và hành động của mình, đồng thời cũng lại yêu cầu khắt khe với thái độ và ngôn ngữ mà người khác đối xử với mình. Có khi, một câu nói đùa của bạn bè cũng có thể khiến họ cảm thấy mất mặt, thậm chí nổi nóng. Vì thế, họ ít được mọi người yêu quý, các mối quan hệ xã hội cũng hạn hẹp.
– Lòng tự trọng quá cao khiến sự tự ti trong con người được thỏa sức phát huy. Tự trọng và tự ti là “hai anh em song sinh”, lòng tự trọng càng cao thì cảm giác tự ti lại càng lớn. Vì thế, họ sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt để phát triển bản thân và sự nghiệp.
– Lòng tự trọng quá cao hình thành nên những tính cách không tốt trong con người. Người có lòng tự trọng cao luôn muốn mình đứng tại vị trí ưu tiên, được khen ngợi, nếu ai hơn mình thì muốn công kích, làm tổn thương họ để thỏa mãn lòng tự trọng quá mãnh liệt của mình.
– Lòng tự trọng quá cao đôi khi khiến con người sống khép mình và cao ngạo. Một người có lòng tự trọng cao thường đánh giá cao bản thân mà đánh giá thấp người khác. Thậm chí, họ chỉ nhìn thấy sở trường của bản thân mà không thấy được những thiếu sót, từ đó mà trở nên kiêu ngạo, khó sống hòa hợp với mọi người.
Tự trọng chính là quý trọng bản thân
Cổ nhân có câu: Muốn yêu thương người khác trước hết phải biết yêu thương chính mình. Những người biết quý trọng bản thân mới hiểu và biết cách mang yêu thương đến cho mọi người. Một cô gái biết yêu thương bản thân bắt đầu từ việc rất đơn giản như lưu luyến ngắm mình trong gương và có cảm giác như đang ngắm nhìn hình ảnh của mình trong mắt người khác vậy.
Quý trọng bản thân là gì?
Lina – một bác sĩ tâm lý người Đức từng giải thích rằng: “Qúy trọng bản thân chính là muốn mở rộng trái tim mình, cảm nhận tất cả mọi thứ thuộc về bản thân mình và thế giới xung quanh mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ một lời đánh giá hay bình luận nào. Tự quý trọng bản thân chính là làm chủ cuộc sống của bản thân cùng những sự vật sự việc mà mình trải nghiệm, đồng thời biết chịu trách nhiệm trước những việc đó. Qúy trọng bản thân chính là tự quan sát bản thân, nhưng chú ý không tách rời những bộ phận khác của thế giới. Là thể nghiệm bản thân, xem bản thân mình như một bộ phận của thế giới”.
Do vậy, muốn con cái biết yêu quý bản thân mình một cách đúng đắn, các bậc cha mẹ có thể bắt đầu từ những phương diện sau:
– Bồi dưỡng cho con tính cách chân thực, xây dựng cho con một thái độ tích cực khi phải đối diện với những khó khăn.
– Sự quý trọng chỉ được thể hiện qua việc con người ý thức được việc cần phải bảo vệ giá trị của bản thân mình. Khi đó, các con sẽ nỗ lực đứng vững trước mọi khó khăn để bảo vệ giá trị của chúng.
– Đừng để trẻ nhỏ quá ư tự mãn. Có được sự tự tin cần thiết cũng là biết trân trọng bản thân, nhưng không được phát sinh tính tự mãn.
Một sinh linh bé bỏng mới chào đời là lúc cha mẹ đón nhận niềm hạnh phúc vô bờ. Trong sinh mệnh nhỏ bé ấy, ẩn chứa một tâm hồn tinh khôi, trong sáng, ngây thơ, không bị bất cứ một thứ bụi trần nào làm ô nhiễm, chẳng khác nào một trang giấy trắng. Cuộc đời của con người nhiều màu sắc vô cùng, trang giấy trắng của mỗi người cũng theo thời gian mà trở nên phong phú hơn. Người đặt bút đầu tiên trên những ‘trang giấy trắng’ ấy chính là cha mẹ. Vẽ ra đường nét thế nào, tô vào đó những màu sắc gì đều do cha mẹ phối màu mà vẽ nên. Dạy con về lòng tự trọng và biết quý trọng bản thân cũng là ‘nét vẽ’, là bài học không thể thiếu trong việc bồi dưỡng phẩm chất cho con của mỗi bậc cha mẹ.
Hồng Ân