Nhiều bậc cha mẹ thường lo lắng con mình yếu kém hơn chúng bạn ở điểm xuất phát, cho nên ngay khi con còn nhỏ họ đã ra sức tìm kiếm các lớp học bồi dưỡng, học năng khiếu, học kiến thức. Nhưng họ lại thường bỏ qua một điều quan trọng nhất…
Đó chính là bồi dưỡng tính cách của con trẻ.
Nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của trẻ nhỏ không nằm ở việc chúng ta làm cho trẻ nhỏ tiếp thu được ít hay nhiều kiến thức, mà là ở việc chúng ta có giúp con trẻ bồi dưỡng, phát triển được tính cách tích cực hay không.
Cha mẹ có tính cách bình tĩnh hòa nhã, sẽ là dưỡng chất tốt nhất để cho trẻ lớn lên, trưởng thành
Chúng ta thường hay đem con mình ra so sánh với con của người khác. Nhưng mà làm sao có thể so sánh như vậy được, bởi vì mỗi một đứa trẻ là một cá thể độc lập có tính cách khác nhau, cũng như mỗi một thân cây độc lập có đặc điểm sinh trưởng khác nhau. Nếu như toàn bộ cây trên thế giới này đều có đặc điểm phát triển giống nhau, thì thế giới này làm sao có quang cảnh đặc sắc được.
Nếu cha mẹ cứ tùy theo những cảm xúc, ý thích cá nhân của mình để áp đặt giáo dục con cái, thì đứa trẻ đó trong quá trình trưởng thành nhất định sẽ có điều không được hài lòng như ý muốn. Bởi vì đứa trẻ đó lớn lên mà không xác định được điều mình mong muốn thực chất là gì, và càng mơ hồ không biết nên làm sao để vừa lòng cha mẹ.
Vậy nên, nếu các bậc cha mẹ có thể kiểm soát được các cảm xúc, các ý muốn chủ quan của họ, bất cứ việc gì cũng bình tĩnh, dùng lý trí để nhận định, đồng thời gần gũi trẻ, cùng trao đổi, trò chuyện để thấu hiểu con, như vậy con trẻ nhất định sẽ dưỡng được tính cách ôn hòa bình tĩnh. Trưởng thành trong một môi trường như vậy, trẻ sẽ có đủ năng lực và bình tĩnh để đối mặt với mọi khó khăn, thất bại của mình.
Trên thực tế, trẻ nhỏ chính là hình ảnh phản chiếu kết quả giáo dục, ứng xử của cha mẹ. Khi chúng ta ở chung với trẻ, thông qua các hành vi, cử chỉ và các giá trị nhân sinh của cha mẹ, trẻ sẽ học và tiếp nhận những tư tưởng, hành vi giống y như cha mẹ chúng thể hiện. Thật khó để thấy một đứa trẻ rộng rãi hào phóng trong một gia đình luôn tính toán chi li từng thứ. Cũng như thật khó để thấy một đứa trẻ có phẩm chất nhã nhặn, lịch thiệp trong một gia đình thô tục, hung hãn. Lớn lên trong môi trường như thế nào thì sẽ hình thành nên kiểu người như thế ấy, đây chính là điều dễ dàng thấy được.
Đặt ra những quy tắc để trẻ tuân thủ thực hiện và tạo thành thói quen tốt cho trẻ
Nói đến quy tắc, dường như những đứa trẻ đều có thể thực hiện theo đúng những gì đã đặt ra. Một quy tắc đặt ra và không thay đổi, thì trẻ nhỏ sẽ luôn luôn thực hiện theo.
Ngày trước, khi tôi bắt đầu vào học tiểu học, mẹ của tôi đặt ra một yêu cầu đối với tôi: đó là mỗi sáng phải thức dậy sớm và phải gấp chăn màn gọn gàng, làm xong việc này mới có thể đi học. Tôi đã thực hiện nghiêm túc yêu cầu đó và trở thành một thói quen hàng ngày. Mãi cho đến năm 18 tuổi, khi lên học đại học, tôi luôn là người đến lớp rất sớm. Đây cũng là một việc đem đến nhiều điều tốt đẹp ngoài ý muốn: mọi người đều đánh giá rằng tôi là một người hòa nhã, thường hay giúp đỡ bạn bè, và kết quả là các bạn đều vui vẻ kết bạn với tôi.
Tuy nhiên, khi đặt ra một quy định cần phải cân nhắc đến sự phù hợp với tình hình và tính nghiêm khắc của nó. Như lúc con trai của tôi 3 tuổi, mỗi lần dùng xong khăn giấy lại vứt thẳng xuống đất, tôi nhìn thấy và bảo bé nhặt lên vứt vào thùng rác, nhưng bé lại còn cố ý vứt tiếp một cái khác xuống đất. Lúc đó tôi không đánh hay mắng bé, mà cho bé ra đứng bên ngoài cửa rồi đóng lại, chỉ một lúc, bé sợ hãi và vội vàng đập cửa xin được vào nhà. Tôi bèn nói “Con có biết mình nên làm gì không? Con phải nhặt khăn giấy đem bỏ vào thùng rác nhé”. Từ đó về sau, con trai tôi không còn ném bất cứ rác gì xuống đất nữa. Nghiêm khắc như vậy không hề gây tổn thương đến trẻ, mà là khiến cho trẻ biết cần phải nghiêm túc thực hiện những điều đã được đặt ra.
Hướng cho trẻ có thói quen thích đọc sách sẽ giúp trẻ có đủ năng lực vượt qua khó khăn
Ở các khóa giảng về các phương pháp giáo dục gia đình, tôi từng đặt câu hỏi về các vấn đề như:
– Xin hỏi có bao nhiêu gia đình có giá sách trong nhà?
– Số lượng sách ở trên giá sách gia đình bạn nhiều hay ít?
– Có bao nhiêu người có thói quen đọc sách trước khi đi ngủ?
Muốn rèn cho trẻ có thói quen đọc sách, yếu tố trọng yếu đó là tạo môi trường để trẻ thích thú với việc đọc sách.
Lớn lên trong môi trường như thế nào thì sẽ hình thành nên người có tính cánh như thế ấy.
Tôi nhớ ngày còn nhỏ, khi tôi được khoảng 4 tuổi, mẹ sẽ không mua các thứ đồ chơi khác cho tôi nữa, mà chỉ toàn mua sách cho tôi. Ngay từ nhỏ, mẹ tạo cho tôi một môi trường đọc sách, vì vậy dần dần tôi cũng thích đọc sách.
So với xem phim thì việc đọc sách, đọc truyện cho trẻ nghe càng có thể giúp trẻ phát triển tư duy hơn.
Có người hỏi rằng: đọc truyện và xem phim thì có gì khác biệt?
Trải qua nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy, nếu như thường xuyên đọc sách truyện cho trẻ nghe hoặc để trẻ tự đọc, thì sẽ giúp trẻ phát triển mạnh về tư duy và khả năng tưởng tượng hơn so với việc trẻ nhìn trực tiếp hình ảnh. Bởi vì khi trẻ xem phim có các hình ảnh sống động ngay trước mắt thì trẻ sẽ không cần phải tưởng tượng ra nữa.
Các bậc phụ huynh nên hiểu rằng, việc đọc sách, kể chuyện thường xuyên cho trẻ sẽ giúp trẻ có được hai điều lợi ích: giúp trẻ hình thành nên thói quen yêu thích đọc sách, và thông qua việc đọc sách có thể nâng cao các năng lực khác, mà những năng lực này có thể rất quan trọng trong suốt cuộc đời của trẻ.
Những đứa trẻ thích đọc sách thì sẽ có năng lực giải quyết khó khăn trội hơn những đứa trẻ không đọc sách. Bởi vì những đứa trẻ thích đọc sách sẽ tích lũy được nhiều kiến thức từ trong sách vở và có thể vận dụng những kiến thức đó vào tình hình thực tế, áp dụng chúng để giải quyết vấn đề của bản thân mỗi khi gặp phải.
Dành “thời gian ý nghĩa” cho con trẻ
Cha mẹ dành thời gian cho con nhiều hay ít, sẽ quyết định tình cảm của trẻ đối với gia đình nhiều hay ít.
Chúng ta thường nói rằng, hãy dành thời gian ý nghĩa cho con trẻ. Như vậy “thời gian ý nghĩa” là gì?
Đó là khoảng thời gian khi chúng ta ở chung cùng con trẻ, vui vẻ chơi đùa, trao đổi, đồng thời hướng cho con xây dựng cá tính lạc quan tích cực, bồi dưỡng cho con một tấm lòng khoáng đạt hướng thiện, tinh thần nhẫn nại, ý chí mạnh mẽ.
Vậy làm sao để giáo dục cho con chúng ta trưởng thành với những tính cách như vậy?
Người Nhật Bản rèn luyện tính tự lập và ý chí mạnh mẽ cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ
Tôi từng đến Nhật Bản để làm các khảo sát các phương pháp giáo dục của họ, và thấy rằng: những đứa trẻ đi học tiểu học đều tự mình mang cặp sách của mình, còn phụ huynh chỉ đi theo phía sau. Họ tuyệt đối không mang giúp trẻ những đồ dùng của chúng, để rèn cho trẻ có ý thức tự lập.
Càng ngạc nhiên hơn là khi trao đổi với các giáo viên trường mầm non và được biết họ luôn dùng nước lạnh để tắm cho trẻ nhỏ nhằm rèn luyện thân thể trẻ thêm mạnh khỏe. Tôi hỏi: Dùng nước lạnh tắm, nếu trẻ bị cảm lạnh thì làm sao? Chẳng lẽ phụ huynh không trách các vị sao?
Họ trả lời rằng: sẽ không có chuyện đó. Nếu đứa trẻ bị cảm lạnh, thì phụ huynh sẽ đến đón đứa trẻ đó và nói xin lỗi với giáo viên: “Thật xin lỗi, là do chúng tôi không rèn luyện cho con mình tốt. Về nhà chúng tôi sẽ rèn luyện thêm cho đến khi nào tắm nước lạnh không bị bệnh nữa thì sẽ xin quay lại trường”.
Ở Mỹ người ta đã từng làm qua một cuộc điều tra với nội dung: Nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của trẻ là gì?
Kết luận rằng không phải là việc chúng ta làm cho trẻ nhỏ thu nạp được nhiều hay ít tri thức, mà chính là việc có giúp trẻ phát triển được các tính cách tích cực hay không. Ví như từ nhỏ giúp trẻ bồi dưỡng được các phẩm chất như lòng kiên trì, sự tự kiểm soát, tính ham học hỏi, có trách nhiệm, lòng can đảm và tự tin…, đây chính là những thứ sẽ có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc sống của chúng sau này. Một đứa trẻ càng có nghị lực thì càng có cơ hội đạt được thành công.
Tôi thường hay mang con trai đi leo núi, đi bộ, mỗi ngày phải leo khoảng 1,7 – 1,8km đường núi, hoặc đi bộ khoảng 30km, đi không nổi cũng phải cố gắng hoàn thành đoạn đường đã đặt ra, nhằm bồi dưỡng nghị lực và lòng kiên trì. Đồng thời cũng tạo điều kiện để cho con phát triển các khả năng sáng tạo của mình theo ý thích của bé.
Điều quan trọng nhất là bồi dưỡng cho trẻ những giá trị quan đúng đắn và thực tế.
Có rất nhiều đứa trẻ không muốn tham gia các hoạt động tập thể, các nhóm sinh hoạt, bởi vì bé có tâm lý nhút nhát hoặc lo lắng mình làm không tốt bằng người khác. Những trường hợp này cha mẹ nên nói cho con biết rằng: Con không cần lo mình làm không tốt, chỉ cần con cảm thấy vui vẻ là được rồi.
Nếu từ nhỏ mà phàm việc gì cũng bị đem ra so sánh thì sẽ khiến cho trẻ mất cân bằng tâm lý, mất tự tin.
So với giáo dục tri thức thì giáo dục tính cách, phẩm chất cho trẻ có tầm quan trọng hơn nhiều. Nếu chúng ta chú tâm giáo dục bồi dưỡng nhân cách, cá tính, tinh thần, bản lĩnh của trẻ cho tốt, thì cho dù đứa trẻ đó có thành tích học tập xếp cuối lớp đi nữa, thì đứa trẻ này không hẳn sẽ không thành công trong tương lai. Chẳng phải nhiều người trong chúng ta cố gắng học đại học, tốt nghiệp đại học chẳng qua là để tìm được một công việc thật tốt sao? Nhưng có được một công việc tốt không có nghĩa là đã có hết thảy cuộc sống. Mà có được những phẩm chất, tính cách tốt, bản lĩnh tự tin vững vàng mới là người ưu tú, mới có thể làm cho cuộc sống thêm hoàn thiện.
Vì vậy, có thể chắc chắn rằng, yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công của một đứa trẻ, đó chính là: giúp trẻ hình thành nên những tính cách tốt, tích cực. Thành tín, trung thực, tự tin, trách nhiệm, thân thiện và thiện lương… là những từ khóa quan trọng để giáo dục con trẻ. Nắm chắc được những điều này thì những vấn đề khác không còn phải lo lắng thêm nữa.
Theo Cmoney.tw
Minh Phúc biên dịch