Trên thực tế dù là trẻ sơ sinh thì trong tự thân chúng đã tồn tại những hạt mầm trí tuệ và bản năng cần thiết để trẻ có thể tự lập và sinh tồn. Cha mẹ hãy hỗ trợ để những hạt mầm ấy tự mọc lên tươi tốt.
Làm thay con chính là hại con
“Cho cá hay là dạy cách câu?”. Đây là câu nói nổi tiếng dành cho những ai đi giúp đỡ người khác. Trong trường hợp đó, nếu là bạn, bạn sẽ làm gì?
Hành động cho cá với người sắp chết đói là việc làm từ thiện đáng trân trọng, nhưng bạn hãy thử nghĩ xem, nếu cứ đem cá cho họ thì tự bản thân họ sẽ mãi không giải quyết được vấn đề của bản thân và sẽ ỷ lại vào sự trợ giúp của người khác. Dần dần họ sẽ mang cảm giác thất vọng và bất mãn với bản thân, vì thấy mình kém cỏi. Tương tự, nếu một đứa trẻ từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành luôn được cha mẹ nuôi dưỡng bằng sự “giúp đỡ” thì sẽ trở thành người “không được việc” mà thôi.
Những đứa trẻ lớn lên trong sự bao bọc, giúp đỡ của cha mẹ sẽ bị tước đoạt đi vô vàn trải nghiệm mà đáng lẽ bản thân chúng phải được tự trải qua. Chính vì thế, việc học hỏi thông qua những trải nghiệm sẽ ít đi, dẫn đến trẻ sẽ thiếu kinh nghiệm để giải quyết vấn đề. Đối với những trẻ thiếu trải nghiệm thì chắc chắn sẽ rất khó hòa nhập, bởi lúc đó trẻ chỉ muốn bỏ cuộc và trốn tránh.
Cha mẹ hãy tặng con món quà “hỗ trợ”
Vậy làm thế nào để dạy con câu cá? Trong vai trò là người viện trợ thì việc câu cá sẽ dễ hơn việc dạy một người chưa biết cách câu, bởi vậy việc dạy đòi hỏi sự nhẫn nại của cả người dạy và người được dạy. Tuy nhiên, nếu thành công thì người được dạy có thể tự câu được cá và không cần đến người viện trợ nữa.
Nếu các bậc cha mẹ cứ làm hết mọi việc thay con vì nghĩ con chưa biết gì, thì dù này trẻ có lớn thế nào trẻ vẫn phải cần đến cha mẹ. Nếu suy nghĩ trẻ có thể làm được mọi thứ và luôn hỗ trợ, ủng hộ con thì con sẽ trưởng thành biết cách tự lập, tự tin, tự chủ ở bản thân, biết mình cần phải sống như thế nào, không bao giờ sống dựa dẫm vào bất kì ai khác.
Khi còn là học sinh tiểu học, tôi có một môn học ghi nhật kí quan sát quá trình trồng cây hoa bìm bìm, từ khi gieo hạt, nảy mầm, lớn lên, ra hoa, đến khi cây ra quả, thu hoạch hạt để làm giống cho vụ sau. Tôi gieo hạt vào chậu và đặt ở nơi có ánh sáng mặt trời thích hợp nhất, tôi tưới nước cho cây mỗi ngày và cây mọc lên rất đẹp. Bởi tất cả những gì cần thiết cho cây bìm bìm mọc đều ẩn chứa trong hạt mầm, còn việc tôi cần làm chỉ là điều chỉnh môi trường thích hợp cho cây mà thôi.
Vậy thì con người lớn lên cũng vậy. Qua thời gian, trẻ sẽ tự mình phát hiện và nhận biết được mọi thứ. Để giúp trẻ có thể tự học hỏi và sinh tồn, cha mẹ chỉ cần điều chỉnh môi trường cho phù hợp với trẻ, trẻ sẽ tự biết cách làm cho những hạt mầm trí tuệ đang ấp ủ trong mình lớn lên. Hỗ trợ không phải là bảo trẻ “hãy làm cái này”, “hãy làm cái kia”, hay luôn miệng chỉ thị trẻ phải làm gì. Để giúp trẻ tự mình phát hiện, tự mình học hỏi thì cha mẹ không nên cản trở quá trình đó của trẻ mà hãy để trẻ tự quyết định cuộc đời của mình.
“Giúp đỡ” – hành động tước đoạt cuộc đời con
Tại sao cha mẹ lại thích giúp con?
Với trẻ sơ sinh thì sự giúp đỡ của cha mẹ vô cùng quan trọng để trẻ có thể khôn lớn. Đồng thời đó cũng là cách mà cha mẹ gửi gắm tình yêu, sự chăm sóc bảo vệ và sẵn sàng hy sinh tất cả cho con. Chính tâm lý đó đã phát sinh ra suy nghĩ chỉ có cha mẹ mới che chở, bao bọc được cho con mà thôi. Bởi vậy, khi con không còn cần đến sự giúp đỡ từ cha mẹ, thì suy nghĩ “tất cả vì con” cùng với sứ mệnh làm cha mẹ ấy vẫn cứ cháy nồng nhiệt, nên cha mẹ vẫn cảm thấy mình cần phải bảo vệ, chăm sóc, chỉ thị, ra lệnh cho con. Chính việc đó đã khiến cho sự ỷ lại, sự phụ thuộc của con vào cha mẹ càng cao lên, còn bản thân cha mẹ lại càng cảm thấy vai trò của mình với con lại càng quan trọng.
Ai cũng thấy thích khi mình là người quan trọng với một ai đó. Giúp đỡ nếu nhìn thoáng qua là một hành vi rất tử tế. Tuy nhiên, vẫn có những người giúp đỡ rơi vào ngộ nhận, đánh đồng “người được việc” giống như “người không được việc”, tưởng mình là người ban ơn luôn ở vị trí cao hơn những người mà mình coi là “không được việc” ấy.
Con người ai cũng có lúc thật sự cần đến sự giúp đỡ như khi sự việc vượt quá khả năng của bản thân, khi tính mạng rơi vào nguy hiểm. Ngoài những thời điểm đó, nếu để họ tự xoay sở thì kiểu gì họ cũng tự mình giải quyết được.
Nhưng cha mẹ lại thích được làm giúp con, bởi khi đó cha mẹ có cảm giác mình đã làm tròn trách nhiệm của một người cha người mẹ. Cha mẹ cứ nghĩ rằng nếu bản thân mình thiếu thốn cái gì thì sẽ bù đắp cho con để con đỡ khổ. Trên thực tế, sự giúp đỡ ấy không đem lại hạnh phúc cho con, bởi nó không phản ánh điều con mong muốn, mà chỉ đáp ứng mong muốn của chính cha mẹ được gửi gắm nó thông qua con mà thôi.
Việc coi con là lẽ sống chẳng khác gì cha mẹ đã hy sinh cuộc đời tươi sáng của con để thỏa mãn chính mình. Khi đó, cha mẹ không phải là yêu con mà chỉ yêu chính bản thân mình mà thôi.
Cha mẹ hãy “hỗ trợ”, giúp tài năng của con thăng hoa
Trẻ nhất định phải được đóng vai chính trong cuộc đời mình, tự mình sống và tự mình trải nghiệm. Việc cha mẹ nên làm là cho trẻ nhìn theo và bắt chước những việc mà trẻ phải làm, rồi kiên nhẫn chờ đợi trẻ làm nó thành thạo. Để làm được điều đó cha mẹ cần giống như những “huấn luyện viên” tạo cho trẻ cái “khung” rồi giúp trẻ sống vui vẻ hạnh phúc.
“Huấn luyện viên” chắc chắn sẽ không thể thi đấu thay cầu thủ. Công việc của họ là đưa ra những hỗ trợ cần thiết giúp tài năng của cầu thủ thăng hoa. Để trở thành “huấn luyện viên” cho con mình cha mẹ hãy biết rằng, khả năng của con là vô hạn, con lúc nào cũng cần học hỏi để tiến bộ hơn và hãy kiên nhẫn chờ đợi rồi trợ giúp con khi cần thiết.
“Con có rất nhiều khả năng. Bố mẹ biết là con luôn muốn cố gắng để giỏi hơn. Cha mẹ luôn ủng hộ và hỗ trợ con hết mình để con đạt được điều con mong muốn”, đó chẳng phải là thông điệp tuyệt vời gói trọn tình yêu thương của cha mẹ đó sao? Nếu con cảm nhận được điều này thì chắc chắn con sẽ trở nên mạnh mẽ.
Hồng Ân