Hãy tưởng tượng lái máy bay mà không được đào tạo thì sẽ như thế nào? Không có chuyến bay thử nghiệm, không có chuyến bay mô phỏng, không có người hướng dẫn, cũng không có sự chuẩn bị, bạn chỉ có một mình trong buồng lái, xung quanh là sương mù, nhìn gì cũng không rõ. Lúc này bạn rất có thể sẽ suy sụp. Nếu muốn lái máy bay trên bầu trời, bạn cần phải không ngừng rèn luyện kỹ năng bay của mình trong cuộc sống hiện thực; Trước khi bay lên bầu trời, bạn cũng cần thỉnh giáo những phi công có kinh nghiệm phong phú.
Điều tương tự cũng xảy ra khi bạn muốn có một cuộc đời tốt đẹp, đó là mục tiêu cuối cùng của giáo dục. Nếu chúng ta hy vọng sự nghiệp thành công, chúng ta tất yếu cần không ngừng học tập tích lũy kinh nghiệm. Rất hiếm người có thể không luyện tập mà thành thạo bất cứ việc gì, không nỗ lực mà muốn có một cuộc đời tốt đẹp là điều rất khó.
Rút ra bài học cuộc sống từ các tác phẩm văn học
Tôi có thể tìm thấy “kinh nghiệm” cuộc đời ở đâu? Làm thế nào để trẻ em và thanh thiếu niên thiếu từng trải có được kinh nghiệm nhân sinh? Đáp án là tác phẩm văn học ưu tú. Bằng cách đọc tác phẩm văn học, những người trẻ tuổi, ở một mức độ nào đó, có thể thể nghiệm rất nhiều cuộc đời – tư tưởng của những vĩ nhân trong nền văn minh của chúng ta đã được tôi luyện qua nhiều thế kỷ, thông qua những tác phẩm văn học kinh điển truyền lại cho chúng ta. Nếu mục đích của giáo dục là tạo ra những con người lạc quan, có đạo đức cao thượng, có trí huệ và năng lực để sống một cuộc đời tốt đẹp, thì tác phẩm văn học có thể phát huy tác dung then chốt.
Plato và Aristotle nói với chúng ta rằng, nguồn gốc của nghệ thuật là sự mô phỏng. Họa sĩ mô phỏng phong cảnh, nhà điêu khắc mô phỏng hình thái con người, tiểu thuyết gia mô phỏng nhân sinh, và những tiểu thuyết gia ưu tú dùng tất cả những sự phức tạp đan xen, dũng khí và vinh quang để mô tả tính cách con người. Những nhà văn vĩ đại trong lịch sử như Homer, Dante, Shakespeare, Austen, Dickens, Dostoevsky và những đại văn hào khác đều có trí huệ và kinh nghiệm nhân sinh thâm thúy, có lực quan sát tinh tế về mặt sáng và mặt tối của nhân tính, những đại văn hào này thông qua mô phỏng những giai thoại và câu chuyện cảm động lòng người để truyền đạt sự hiểu biết sâu sắc của họ.
Khi bạn đọc một tác phẩm kinh điển chân chính, bạn sẽ tiến vào những tư tưởng và cảm thụ của nhân vật chính, bạn sẽ vượt ra khỏi bản thân. Quan trọng hơn là, bạn sẽ nhìn thấy hậu quả mà tính cách của nhân vật chính mang lại, bất luận là tốt hay là xấu, đều đang được trình diễn một cách kịch tính trước mắt bạn. Đối với trẻ em và thanh thiếu niên, đây có thể là một kiểu tấm gương cho họ khi phải đưa ra quyết định về cuộc đời của chính mình. Với sự chỉ dẫn của những hoa tiêu văn học đầy trí huệ các thời đại, độc giả nhỏ tuổi có thể từ những sai lầm phạm phải, cũng như thắng lợi đạt được của nhân vật trong tác phẩm, từ đó rút ra bài học và trí huệ để bản thân không mắc phải những sai lầm tương tự. Tác phẩm văn học có thể cung cấp những kinh nghiệm nhân sinh quý báu cho độc giả.
Văn học có thể nuôi dưỡng tâm hồn
C.S. Lewis đã đề cập trong cuốn sách “Sự bãi bỏ của nhân loại” của mình rằng, hầu hết các nền giáo dục đều chỉ coi trọng rèn luyện trí óc, trong khi những tác phẩm văn học, là một trọng điểm bồi dưỡng tinh thần, lại thường bị bỏ qua. Nói cách khác, tác phẩm văn học có thể giúp người trẻ dưỡng thành thói quen điều chỉnh cảm xúc và phản ứng hợp lý khi gặp khó khăn.
“Cho đến thời cận đại, tất cả giáo viên, thậm chí tất cả mọi người đều tin rằng: Tướng do tâm sinh. Trên thực tế, họ tin rằng sự tốt xấu của sự vật khách quan phụ thuộc rất lớn vào sự chủ quan của việc chúng ta tán đồng hay phản đối, tôn kính hay coi thường.”
Lewis than thở về sự nổi lên của cái gọi là “người không có lồng ngực”, những người mà tâm trí của họ chưa được rèn luyện một cách đúng đắn, nên không cách nào phản ứng với thế giới bằng một tâm thái lành mạnh.
Hơn bao giờ hết, chúng ta cần những “người có tâm hồn”, không phải những người đa cảm, không phải những người vì cảm tính hay theo đuổi cảm tính, mà là những người có tâm hồn chuyển biến trở nên cao thượng sau khi được tiếp xúc với những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại – những tác phẩm uẩn hàm sự tán dương vẻ đẹp và chân lý. Chúng ta cần những người từ nội tâm cự tuyệt tà ác, khát vọng điều thiện lương.
Aristotle đã mô tả giáo dục lý tưởng trong cuốn “Chính trị học” của mình như sau: “Mỹ đức bao gồm niềm vui và sự yêu thiện ghét ác một cách chính xác, và hiển nhiên không có gì sánh được với năng lực phán đoán chính xác và việc sở hữu tính cách tốt đẹp và hành vi cao thượng, xứng đáng với những gì chúng ta dụng tâm bồi dưỡng.”
Aristotle giải thích, “tính cách tốt đẹp và hành vi cao thượng” có thể đạt được thông qua âm nhạc. Ông chỉ ra, một số loại âm nhạc nhất định có thể rèn luyện tình cảm của chúng ta, khiến chúng ta biến trở nên dũng cảm, tràn đầy hy vọng, v.v. Ông chỉ ra, “sự vui sướng hay thống khổ được cảm thụ trong âm nhạc vô cùng tương tự với cảm giác hiện thực”.
Khoa học hiện đại ủng hộ chủ trương của Aristotle rằng nghệ thuật, như âm nhạc và văn học, có thể giúp bồi dưỡng những cảm xúc lành mạnh. Khoa học chứng minh, đọc tác phẩm văn học có thể làm tăng sự đồng cảm của một người. Việc đọc tác phẩm văn học khiến chúng ta tưởng tượng bản thân sẽ cảm giác như thế nào khi ở trong hoàn cảnh của người khác.
Các khía cạnh thể hiện tình cảm trong văn học
Văn học lôi cuốn tư tưởng, tình cảm, lực tưởng tượng, trí nhớ và giác quan của con người. Như nhà thơ William Wordsworth đã nói về sức mạnh của thơ ca: “Đối tượng của thơ ca là chân lý… mang theo tình cảm tiến vào nhân tâm.”
Bởi vì tác phẩm văn học liên quan đến nhiều phương diện của tình cảm nhân loại, nên chúng có sức mạnh bất khả thay thế trong việc truyền thụ chân lý. Về lý thuyết, biết thế nào là lòng trung thành chỉ là một việc, nhưng cùng với nàng Penelope trong The Odyssey nhận thức về lòng trung thành và sống theo ý nghĩa của nó lại là một chuyện hoàn toàn khác. Penelope là vợ của Odysseus trong vở Odyssey của Homer, đã chung thủy với chồng trong suốt 20 năm chồng vắng bóng, mặc dù có 108 người muốn cầu hôn nàng.
Trí tuệ của chúng ta biết rằng giết người là sai trái, cũng biết chủ nghĩa hư vô dẫn đến tuyệt vọng. Nhưng cùng với Raskolnikov trải nghiệm những hậu quả sâu sắc và bi thảm về tâm lý, đạo đức, gia đình và pháp lý trong “Tội ác và Hình phạt” lại là một chuyện khác.
Tác phẩm văn học chứa đựng chân lý, khi chân lý được triển hiện ra, nó tỏa sáng trong tâm linh người đọc. Đây chẳng phải là điều chúng ta hy vọng giáo dục con cái mình sao? Trẻ em không chỉ cần ghi nhớ chân lý, mà còn phải hiện thực chân lý thực tiễn, tiếp xúc với điều gì đó sống động và có ý nghĩa. Có hình thức giáo dục nào tốt hơn một tác phẩm văn học?
Những tác phẩm văn học ưu tú có thể mang lại cho chúng ta nhiều cảm hứng hơn. Việc hiển hiện cuộc sống hiện thực thông qua nghệ thuật thu hút sự chú ý của chúng ta đến những điều mà chúng ta có thể đã bỏ qua, hoặc những điều mà chúng ta tưởng mình đã biết, các tác phẩm văn học triển thị cho chúng ta thấy khía cạnh mới lạ của chúng, giúp chúng ta phát hiện được sự tồn tại của vẻ đẹp trong những điều bình phàm. Quả thực, một tác phẩm văn học lớn mở rộng kiến thức của chúng ta, cho phép chúng ta nhìn thấy sự tráng lệ của thế giới hiện thực, nghe thấy những âm vang bất tận trong cuộc sống “bình phàm”. Khi tâm hồn thăng hoa, chúng ta sẽ hiểu rằng cuộc sống không hề bình thường, mà tràn đầy vẻ đẹp, sự thần bí và kỳ tích.
Bài viết gốc “Why Literature Is Crucial for a Good Education”, được đăng trên “The Epoch Times”
Hương Thảo biên dịch