Con gái của mẹ đã ngủ say giấc rồi. Mắt ngắm nhìn con như một vầng trăng trong sáng thơ ngây, còn bên tai là những tin tức buồn thương về môi trường Hà Nội, mẹ bỗng chìm vào suy nghĩ miên man… Mẹ nhủ thầm rằng khi con ngủ dậy, mẹ sẽ kể cho con nghe một câu chuyện.
Hà Nội mùa thu đẹp lắm! Có gì là lạ khi mùa thu Hà Nội đã đi vào tự tình của biết bao tâm hồn thi sĩ. Cái lành lạnh của heo may khiến lòng người ưu tư hơn, bàn tay người muốn nắm lấy bàn tay nhiều hơn. Mùi hoa sữa nồng nàn, ám ảnh, cho ta một thời để nhớ… Cốm xanh xưa ngọt bùi đã đi vào những món ăn còn mãi với thời gian… Vì sao lại có những điều đẹp đến nao lòng như vậy. Ấy là bởi thiên nhiên ban tặng, và con người đón nhận bằng tình yêu, bằng thấu hiểu, bằng trân trọng.
Nhưng mùa thu nay sao khác với mùa thu xưa. Vì đâu Hà Nội bé nhỏ những ngày này phải gồng mình chịu đựng quá nhiều nỗi đau cả về thể xác và tinh thần? Không khí ô nhiễm rồi, hóa chất độc hại tràn lan, đến cả nước cũng chẳng còn tinh khiết. Người ta quay sang oán trách nhau. Người xưa có câu “Ở đời lấy muối làm ngon, lấy nước làm sạch, lấy con làm giàu”. Cái ngày nước không còn sạch ấy đã đến tự bao giờ? Mẹ thiên nhiên vốn ban cho chúng ta nguồn nước tinh khiết, vậy mà những đứa con ngạo mạn của Người lại hủy hoại món quà ấy mất rồi.
Con ơi, mẹ chỉ là một thực thể bé nhỏ giữa hành tinh bao la. Mẹ có thể làm gì cho Hà Nội? Tất nhiên rồi, mẹ chẳng thể đi tìm một thứ máy móc hiện đại hay một công nghệ siêu phàm nào đó để lọc cho nước sạch.
Nhưng mẹ hiểu một điều rằng, nước chỉ sạch lại khi lòng người trong sạch lại. Nếu lòng người còn đen tối, tâm địa còn xấu xa, hành vi còn đi ngược với luân thường đạo lý, thì con người lấy gì để xứng đáng với dòng nước thuần khiết chảy ra từ cội nguồn đây! Có lẽ Thượng đế cũng đã bao dung quá nhiều, trước đủ điều tội ác mà con người đã tạo ra, nào là tham lam, nào là thù hận, nào là lừa dối… nếu cứ bao dung mãi thì cứ thế này mãi sao? Cho nên điều gì phải đến đã đến. Con người cần phải tỉnh ngộ lại.
Con à, mẹ sẽ không trách cứ bất kỳ ai, bởi khi một việc gì xảy đến điều quan trọng không phải là trách cứ ai đó mà chính là nghĩ xem nên làm gì tiếp theo. Mẹ sẽ làm tất cả những gì có thể của một người mẹ. Và mẹ đã nghĩ đến con. Làm thế nào để con của mẹ biết quý trọng nguồn nước ngay từ khi còn nhỏ? Hơn thế nữa, mẹ phải làm gì để con giữ mãi một tấm lòng trong sáng thiện lương ngay cả khi bị nhúng trong xã hội đầy rẫy cám dỗ và tranh giành chỉ vì chút lợi nhỏ như thế này? Thiết nghĩ, nếu tất cả các bà mẹ đều muốn nuôi dạy con cái của họ thành người thiện lương luôn biết nghĩ cho người khác, thì chính là đang chung tay gột rửa cho nước trên trái đất này.
Con có biết vì sao khi chúng ta càng trở nên thiện lương thì nước sẽ càng được thanh lọc không? Mẹ sẽ kể cho con nghe thí nghiệm của tiến sĩ Masaru Emoto. Khi ông dán các dòng chữ tích cực như “trí tuệ”, “cảm ơn”, “tình thương”… bằng các ngôn ngữ khác nhau lên các dụng cụ chứa nước khác nhau thì các tinh thể được tạo ra vô cùng đẹp đẽ và lung linh. Ngược lại, nếu các chữ được dán vào là “thù hận” và “ma quỷ” thì nước trong đó tạo ra các tinh thể xấu xí và biến dạng.
Đối với những người có tín ngưỡng chân chính, vốn từ lâu họ đã luôn tin rằng “gieo nhân nào gặt quả nấy”, hay nói cách khác, làm điều tốt sẽ tạo ra điều tốt, làm điều xấu sẽ tạo ra điều xấu. Giờ đây, khoa học chỉ là thêm một lần cung cấp bằng chứng để con người có thể kịp thời thức tỉnh trước khi khiến cho mọi thứ xung quanh bị hủy hoại. 70% cơ thể chúng ta là nước, 70% hành tinh này bao phủ bởi nước, mới thấy nước quan trọng vô cùng. Nước ô nhiễm do con người đổ cái dầu này hay đổ cái rác kia, lý do đó chỉ là bề mặt thôi con ạ. Kỳ thực, hàng ngày chúng ta xuất hiện không biết bao nhiêu ý nghĩ xấu xa trong đầu như ghen tị với một ai đó, hay cáu giận vì điều gì không như ý mình, chỉ thế thôi là đã quá đủ để âm thầm “nhuộm đen” cho nước rồi phải không con?
Nếu chúng ta có thể gieo vào lòng mình những ý nghĩ thiện lương thì cũng giống như dán lên “khay đựng nước” những thứ như “cảm ơn”, “xin lỗi”, “tha thứ”… đúng không con? Nhờ thế mà chúng ta có thể làm trong sạch chính mình, bất kể chúng ta có dùng thứ nước ô nhiễm nào trong đồ ăn thức uống. Nếu chúng ta có thể luôn nghĩ về người khác bằng sự “cảm thông”, “chia sẻ”, “giúp đỡ”… thì chắc chắn rằng chúng ta đã góp một phần để thanh lọc nước ở môi trường xung quanh.
Con biết không, ông Emoto đã được mời đến rất nhiều quốc gia để trình bày về các kết quả nghiên cứu của mình. Đồng thời ông đã khởi xướng một hoạt động toàn cầu tên là “Bày tỏ tình thương và cảm ơn đối với Nước”. Còn chúng ta có thể làm gì?
Hàng ngày, mẹ con mình đều dùng nước mà không biết đã “dán” vào đó biết bao thứ xấu xa. Mẹ đã kịp tỉnh ngộ ra rồi. Từ giờ mỗi khi nhìn thấy nước, có thể là lúc nấu cơm, khi tắm giặt, hay một hành động nhỏ thôi mà ai cũng làm hàng ngày là uống nước, mẹ sẽ coi như đấy là lời nhắn nhủ bản thân mình phải cảm ơn nước, mẹ sẽ nhắc con nhớ thầm cảm ơn nước. Nhìn thấy nước ở đâu cũng nhủ lòng nghĩ tốt về người khác. Điều đó cũng giống như có một thứ nước kỳ diệu đang chảy trong tâm trí khiến chúng ta trở nên bao dung hết thảy, khiêm nhường ung dung. Làm người, con hãy học đặc tính của nước, chịu mình ở chỗ thấp mà không tranh giành nhưng lại có thể dung nạp được vạn vật, nuôi dưỡng vạn vật.
Mẹ thật vui vì có con gái nhỏ là người bạn đồng hành, để mẹ con mình cùng làm những điều đẹp đẽ trên thế gian này. Mẹ dạy con biết cảm ơn nước, nhưng thậm chí con còn có thể nhắc mẹ khi mẹ trót quên bởi cuộc sống quay cuồng với công việc và áp lực.
Thật ra, “Lấy nước làm sạch” ở một nội hàm thâm sâu hơn chính là như vậy! Nước nhắc nhở chúng ta gột rửa tâm hồn mình, thả trôi đi những tị hiềm và oán hận, còn chúng ta được nhận về nguồn nước sạch trong, xứng đáng với tâm hồn thiện lương của chúng ta.
Cảm ơn những điều không may đã xảy ra để chúng ta biết trân trọng cuộc sống này hơn! Cảm ơn thí nghiệm của ông Emoto đã là bằng chứng rõ ràng và minh bạch! Mẹ càng thấy mình phải có trách nhiệm sống tốt từ trong suy nghĩ cho đến hành động hàng ngày. Chẳng phải nước ở xung quanh sẽ luôn luôn nhắc mẹ con mình về điều đó sao. Cảm ơn nước! Nhờ nước, mẹ đã dạy con một bài học làm người.
Video xem thêm: Nhẫn dưỡng phúc, từ bi dưỡng tâm, khoan dung dưỡng khí