Đọc mấy chữ của cha, người con trai rúng động hết tâm can, cả đời khắc cốt ghi tâm. Con cháu được truyền thụ chân lý này, đối nhân xử thế không hổ thẹn với tổ tiên, học vấn nghiên cứu tu dưỡng đều có kiến giải độc đáo.
Trịnh Bản Kiều tên là Trịnh Tiếp, tự là Khắc Nhu. Bản Kiều là danh xưng của ông. Ông quê ở Giang Tô, Hưng Hóa, làm tiến sỹ dưới thời vua Càn Long đời nhà Thanh. Ông tạm trú ở Dương Châu, được mệnh danh là “Tam tuyệt”: thơ, họa, và thư pháp nổi tiếng một đời.
Trịnh Bản Kiều làm quan thanh liêm, giản dị, yêu thương dân như con, ông từng dốc hết bổng lộc và mở cửa kho để cứu người hoạn nạn, để lại tiếng thơm muôn thuở. Ít ai biết được ông còn có phương pháp giáo dục con độc đáo trí tuệ, giúp con cháu trong nhà phát huy năng lực, trở thành bậc hiền tài.
Chuyện kể rằng Trịnh Bản Kiều lúc lâm chung, người thân đau buồn khôn xiết, nhưng bản thân ông lại thể hiện tinh thần mạnh mẽ sáng suốt. Con trai ông hỏi, cha có điều gì dạy bảo? Ông nói với con trai rằng: “Muốn ăn bánh màn thầu do chính tay con làm”.
Ước nguyện của cha nào dám trái lời. Con trai ông xuống bếp mày mò. Ngày thường trong thư phòng đọc sách luyện chữ, vào bếp chân tay luống cuống, bối rối, làm bánh màn thầu cứ như lâm trận. Làm đi làm lại mấy lần vẫn không thành. Cha già thoi thóp, dồn hết tinh lực chờ đợi, cuối cùng cũng chẳng đợi được đến khi người con trai làm bánh thành công.
Con trai của Trịnh Bản Kiều gào khóc rống lên. Đau đớn hối hận ngày thường chưa học được cách làm bánh, cảm thấy những việc nhỏ nhặt tầm thường học được cũng không dễ, hối hận đã không thể thỏa nguyện cha già lúc lâm chung. Khi đích thân thay y phục cho cha, người con trai thấy ở dưới gối có mẩu giấy, trên có mấy chữ:
“Đừng cầu vào tổ tiên, hãy dựa vào chính mình”
Đọc mấy chữ của cha, người con trai rúng động hết tâm can, cả đời khắc cốt ghi tâm. Cha già lâm chung khó mà nhắm mắt, cũng chỉ hy vọng cháu con tự lập tự cường.
Dựa vào người khác không bằng dựa vào bản thân, đây là phương sách hay mà Trịnh Bản Kiều đã dạy con. Chấn động lúc lâm chung, chính là thâm ý của người cha yêu thương con. Có lẽ Trịnh Bản Kiều biết rõ khả năng tự lập của con còn khiếm khuyết. Cũng có lẽ Trịnh Bản Kiều đã trải qua gập ghềnh trắc trở, hiểu rất rõ tầm quan trọng của tự lập.
Dựa vào người khác không bằng dựa vào bản thân, đây chính là chân lý giáo dục con em mà Trịnh Bản Kiều để lại cho hậu thế. Con cháu Trịnh Bản Kiều được truyền thụ chân lý này, đối nhân xử thế không hổ thẹn với tổ tiên, học vấn nghiên cứu tu dưỡng đều có kiến giải độc đáo.
Nam Phương – Thanh Ngọc