Mang trong mình sự cảm thông, tình thương vô bờ bến, cô Lê Thị Giang và cô Lê Thị Hòa vượt qua tất cả những lời ngăn cản từ người thân và hàng xóm, khó khăn trong nghề để mang con chữ, giúp các trẻ khuyết tật hoà nhập cộng đồng.

“Mẹ không đẻ ra con sao mẹ yêu thương con thế?”

12 năm nay, sáng thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần, lớp học tình thương của cô Hòa (quê Ngọc Hòa, Chương Mỹ) đều đặn diễn ra ở sân chùa. Lớp rộng khoảng 100m2, một nửa dành cho học sinh chưa biết đọc, một nửa cho các em làm được toán lớp 1. Bàn kê từ thấp đến cao, phù hợp với chiều cao các em. 

Sau khi lập gia đình, cô Hòa bắt đầu dạy trẻ em kém may mắn vào năm 1997, chuyển về công tác tại trường Tiểu học Đông Sơn (Chương Mỹ). Biết trong làng có nhiều trẻ bị khuyết tật trí tuệ, không được đi học, cô hay rủ các em qua nhà chơi. Căn bếp vỏn vẹn 10 m2 trở thành nơi cô và những đứa trẻ kém may mắn tập hát, chơi nhảy dây và vẽ nên ước mơ được đến trường.

Cô Hòa kể trên báo VnExpress: “Lúc nhìn những nét chữ bằng than nguệch ngoạc trên sàn bếp, tôi quyết định sẽ giúp các em biết con chữ”.

Lúc mới mở lớp, cô Hòa có khoảng 9-14 học sinh. Ngoài những em khuyết tật trí tuệ, những học sinh bị ốm, nghỉ học nhiều cũng đến nhờ cô Hòa giúp bổ sung và ôn lại kiến thức đã quên. 

Khi nhiều người tìm đến hơn, căn bếp 10m2 không đủ chỗ cho cô trò, cô Hòa đến chùa Hương Lan xin với sư thầy cho mở lớp học. Cô làm đơn xin địa phương cho mình dạy học. 

Bắt đầu từ ngày 14/9/2007, lớp học tình thương tại chùa hoạt động vào cuối tuần. Xen lẫn niềm vui khi giúp nhiều trẻ khuyết tật có nơi học tập, cô Hòa phải đối mặt với những khó khăn mà trước đây chưa từng nghĩ đến. Nhiều em bệnh nặng, gần như không có nhận thức về thế giới xung quanh cũng đến xin học. Ngoài việc cắn và đánh cô giáo, các em còn đập phá tượng, đồ của nhà chùa. Những ngày trái gió trở trời, nhiều em đau đầu, gào thét, cắn xé quần áo. 

“Tôi ôm các con vào lòng, mặc cho bị cắn vào tay. Trò khóc, cô khóc, đến khi con qua cơn đau mới thôi”, cô Hòa kể. 

Hơn 20 năm dạy trẻ, cô Hòa chưa từng soạn một trang giáo án bởi tâm niệm mỗi đứa trẻ sinh ra đều cần phương pháp giáo dục riêng, không thể rập khuôn. “Miệng cái bát là chứ o, đặt cái đũa hướng ngược lên là chữ d, đặt ngược xuống là chữ q…” – bài học từ người mẹ không biết chữ được cô dạy lại cho trẻ.

Những bài học của cô đôi khi là dạy các con không còn chảy dãi, biết cầm bút, cầm đũa. Có những em bước vào độ tuổi dậy thì, cơ thể có nhiều thay đổi, cô Hòa phải hướng dẫn các em cách chăm sóc và bảo vệ mình. Có học trò từng hỏi “Mẹ không đẻ ra con sao mẹ yêu thương con thế?”, cô Hòa không trả lời, chỉ biết ôm con.

Cô Nguyễn Thị Hòa tại lớp học tình thương (ảnh: Thanh Hằng/VnExpress).

Kể từ khi lớp tình thương hoạt động, số ngày cô Hòa nghỉ dạy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả khi sinh con vào năm 2012, dù bị nhiễm trùng sau mổ, cô chỉ nghỉ ngơi một tháng rồi quay lại lớp vì lo “vắng mình các con không nghe lời, lớp học sẽ tan rã”.

Nhiều người nói cô “đồng bóng”, “dở hơi”, thậm chí trước khi sinh con, có người còn bảo “dạy những đứa không bình thường thì con đẻ ra cũng như vậy thôi”, cô đau lòng nhưng không bận tâm, tập trung giáo dục con cái nên người và dành thời gian bên các học trò của lớp học tình thương.

Bà Đặng Thị Lan (Hoài Đức, Hà Nội) đã đưa con gái theo học lớp của cô Hòa đã 6 năm. Con gái bà Lan bị ngạt trong lúc sinh nên chậm phát triển trí tuệ, không thể đi học. Được người quen giới thiệu, bà Lan xin cho con theo học, đều đặn đưa con đến và đợi đón về. 

“Từ ngày được cô Hòa giúp đỡ, con tôi biết nhận thức hơn, có thể kể chuyện trên lớp dù nói ngọng. Cháu cũng đã cầm được bút bằng tay phải và tập viết, gia đình mừng lắm”, bà Lan nói. Ngày 20/10, bà Lan mua chiếc thiệp để con gái viết những nét nguệch ngoạc, chúc cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc. 

Cũng từ lớp học này, nhiều học sinh bị khuyết tật trí tuệ mức nhẹ đã “tốt nghiệp”, tìm được một công việc có thu nhập như em Nguyễn Thị Miền, Nguyễn Thị Xuân (xã Thanh Bình, Chương Mỹ)…

Cô Hòa vẫn thường nói: “Mình sống gần 50 năm thì dành 22 năm dạy các con, tài sản chẳng có gì ngoài tình yêu thương của cô và trò”. Những ước mơ trở thành bác sĩ, cô giáo hay chỉ đơn giản là… lấy vợ của những học trò đặc biệt có thể khó thành hiện thực, nhưng cô sẽ tiếp tục nuôi dưỡng cho các em.

Với những hy sinh và đóng góp của mình, cô Lê Thị Hòa được trao tặng nhiều danh hiệu, như: “Nhà giáo tiêu biểu ngành giáo dục và đào tạo thủ đô dạy học sinh các lớp tình thương, học sinh khuyết tật”, “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu của Hà Nội, “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2019…

“Con yêu cô Giang nhiều lắm”

Cùng tâm huyết với trẻ khuyết tật như cô Hoà, cô Lê Thị Giang (sinh năm 1987), giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng chia sẻ trên TTXVN: “Ai cũng có mơ ước, khao khát được sống một cuộc sống bình thường, nhưng đối với các em của trường học đặc biệt này, từ khi sinh ra đã bị khuyết tật, các em phải chấp nhận số phận để vươn lên và cần có những cánh tay giang rộng chở che, chắp cách cho những ước mơ. Công việc của tôi chỉ một phần nhỏ giúp các em hòa nhập cuộc sống và tôi cảm thấy hạnh phúc khi từng ngày nhìn thấy các em thay đổi, trưởng thành hơn”.

Khi còn trên ghế nhà trường, chứng kiến những đứa trẻ bị khuyết tật tự mình vươn lên vượt khó, nữ sinh Lê Thị Giang luôn có những cảm thông, chia sẻ và ước muốn trở thành giáo viên dạy học sinh khuyết tật đã nung nấu từ đó.

Tốt nghiệp phổ thông, Lê Thị Giang đăng ký thi vào Khoa Tâm lý, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng.

Ba mẹ, người thân đã ngăn cản trước quyết định đó của cô. Mặc dù vậy, Giang vẫn theo đuổi ước mơ của mình. Sau 4 năm miệt mài học tập ở giảng đường, rời xa quê hương Quảng Bình, Giang đã thử sức làm việc tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng.

Những ngày đầu khi mới đứng trên bục giảng, tiếp xúc với những trẻ em khuyết tật là những ngày khó khăn nhất của cô giáo trẻ: “Những ngày đầu, tôi không thể hòa nhập với lớp, nhiều tình huống xảy ra, như em học sinh tự lấy bút viết vào tay đến lúc chảy máu, hay có em không thể kiểm soát cảm xúc chạy đến đánh tôi, hét toáng lên, rồi khóc, nhiều lúc sợ quá tôi phải chạy ra ngoài”. Những tưởng sẽ dừng lại, không thể kiên trì với mục tiêu của mình nhưng khi thấy những đứa trẻ thiếu may mắn, cần có chỗ dựa để các em hòa nhập với xã hội, cô lại cố gắng tiếp tục con đường của mình.

Cô Lê Thị Giang trong giờ lên lớp (ảnh: Văn Dũng/TTXVN).

Trải qua 10 năm dạy học sinh khuyết tật, nhiều thế hệ học sinh đã được cô “đưa qua sông”. Sau khi được cô Giang dạy, các em đã phần nào có sự thay đổi tính cách, cách sống, nhiều em đã hòa nhập vào cộng đồng, có thể đi học tại các trường bình thường.

Để có tiết học hay, cô Lê Thị Giang luôn có những phương pháp riêng biệt, độc nhất phù hợp với từng học sinh khuyết tật. Ngoài ra, cô cũng “đóng vai” như người cha, người mẹ để có thể chỉ bảo, hướng dẫn các em. Theo cô Giang, đối với trẻ khuyết tật, không đơn giản chỉ cần dạy vài lần là các em có thể hiểu, mà phải tìm cách để các em thay đổi được hành vi không tốt.

Cô Giang cho biết: “Cách dạy tốt nhất với các em khuyết tật là phải như người bạn, biết lắng nghe và hiểu các em, không nên áp đặt suy nghĩ, hay ra lệnh cho các em phải làm gì. Muốn các em nghe lời, cần nhẹ nhàng chỉ bảo, chia sẻ về những khó khăn mà các em gặp phải.”

Qua nhiều năm làm nghề, cô Giang vẫn nhớ như in cậu học sinh tên Nguyễn Đình Phong (14 tuổi) đã phải “học đi, học lại” với cô trong 5 năm liền. Phong bị khiếm thị và chính cô là người dạy chữ cho Phong.

Cô Giang chia sẻ: “Chữ đầu tiên Phong viết được là chữ “con yêu cô Giang nhiều lắm”, tôi không thể kìm nổi xúc động, vui sướng và đã khóc khi nhìn thấy những dòng chữ đó. Đây cũng là động lực để tôi cố gắng hơn trong sự nghiệp trồng người”.

Anh Nguyễn Xuân Trung, phụ huynh em Nguyễn Đình Phong cho hay: “Nhờ phương pháp dạy của cô Giang mà cháu Phong đã từng ngày hòa nhập với mọi người. Cháu không còn tự ti như trước và đã biết tự làm nhiều việc phụ gia đình. Bên cạnh đó, cô Giang còn thường xuyên tư vấn với gia đình về cách thức dạy cháu phù hợp, giúp cháu tiến bộ hơn”.

Nghề giáo là nghề cao quý, nhưng nghề dạy học sinh khuyết tật còn trân quý hơn nhiều lần. Sau nhiều năm cống hiến, giảng dạy, cô đạt nhiều danh hiệu, 2 năm là giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

Cô cũng giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi chuyên môn. Đặc biệt, cô Lê Thị Giang vinh dự được thành phố Đà Nẵng trao tặng Giải thưởng “Nhà giáo tiêu biểu” năm học 2019-2020.

Những tấm lòng cao quý, xã hội cần lắm những người như hai cô! Nhờ có những người như hai cô giáo mà các em khuyết tật bớt bất hạnh, được hoà nhập với cộng đồng và bước trên đường đời bằng đôi chân của mình.

Video xem thêm: Những ngọn nến trong đêm yêu cầu Trung Quốc chấm dứt 20 năm đàn áp

videoinfo__video3.dkn.tv||511063105__