Cậu thanh niên trẻ tuổi đẹp trai ngày nào, bây giờ đã là một người đàn ông trung niên phong độ, 40 tuổi nhưng anh vẫn chưa lập gia đình…
Trong một chương trình truyền hình thực tế có tên “Cậu con trai nhà tôi” với người tham gia là dàn các diễn viên nổi tiếng. Chương trình ghi lại những sinh hoạt hàng ngày của minh tinh dưới sự quan sát mẹ của mình. Trong đó, một bà mẹ là cô Chu, mẹ của diễn viên Chu Vũ Thần được bước vào vòng phỏng vấn.
Cô Chu đã nói chuyện thẳng thắn trong chương trình rằng chính bản thân cô ấy: “Dành trọn cuộc đời mình để chăm sóc con trai”; “Hoàn toàn không có chút gì dành cho riêng mình, giờ đây tôi vẫn có thể làm việc, vẫn có thể vì con mà làm tất cả”; “Vị trí của tôi trong nhà, đảm đương bằng cả hai người giúp việc!”
…
Đúng vậy, cô Chu đã làm hết thảy mọi thứ cho con trai mình.
Ở tuổi 71, mười năm như một, mỗi ngày cô thức dậy từ 4h sáng để nấu bữa sáng cho con trai; khi con trai đi diễn, cô mang theo lò vi sóng để làm cơm cho con, không thuê người giúp việc, một tay cô trông nom quét dọn trong ngoài gọn gàng, sạch sẽ.
Không chỉ quán xuyến mọi việc lớn nhỏ trong sinh hoạt của con trai, mà đến cả con trai tìm bạn gái cô cũng góp phần can thiệp vào.
Một số cư dân mạng nói rằng, mặc dù Chu Vũ Thần không có sở thích xấu nào, nhưng đã 40 tuổi rồi mà vẫn còn độc thân, đều là nhờ được mẹ ban tặng sự chăm sóc tận tình từ đầu đến cuối không một chỗ hở!
Chu Vũ Thần đã từng nhiều lần nói rằng: “Mẹ dành cho tôi tình yêu như thế này, thật quá áp lực!”
Cũng trong chương trình này, sau khi chứng kiến Chu Vũ Thần một mình hét lên và bật khóc trong căn phòng trống, chứng kiến cảnh tượng anh mềm oặt người đi nằm trong góc phòng để tìm kiếm sự an ủi, một cảm giác cô độc bùng lên, bao nhiêu người cảm thấy đau lòng thay cho anh?
Là một người trưởng thành, nhưng không có không gian thực sự cho riêng mình, mong muốn kiểm soát của mẹ khiến anh gần như nghẹt thở.
1. Cha mẹ vượt quá giới hạn, dẫn đến mối quan hệ giữa cha mẹ và con trở nên khác thường
Lại có câu chuyện về một vị tri thức nhiều năm không về nhà. Ông từng là thủ khoa của Đại học Bắc Kinh, sau khi tốt nghiệp thì sang Mỹ tiếp tục sự nghiệp học hành của mình.
Khi mọi người đang khen ngợi không dứt các thành tích của ông, thì ông lại có một hành động khiến nhiều người kinh ngạc: Đem tất cả các thông tin của cha mẹ vào black list và 12 năm không trở về nhà. Ông đã viết một đoạn văn dài 15.000 chữ trách móc cha mẹ, với lý do: vì họ đối với ông “quá tốt”!
Trẻ đi học mẫu giáo yêu cầu phải mặc quần sooc, và mẹ đã mặc quần dài cho con theo ý muốn của mình.
Trước khi tốt nghiệp trung học, phạm vi xã giao gần như đều là trong khu ở gia đình, bạn bè đều là cha mẹ biết và hiểu rõ.
Nhắc đến chuyện đi học nơi khác, cha mẹ liền từ chối, đến khi thi đậu đại học Bắc Kinh, cũng nhờ dì cả “chăm sóc” cho.
Ngay cả khi du học ở Mỹ, cũng không tránh được bạn bè cha mẹ “quan tâm”.
…
Hết thảy những điều này, ông đều xem là thể hiện của sự không tôn trọng mình. Ông cực kỳ tự ti, năng lực thực hành kém, và có trở ngại trong xã giao.
Cũng chính bởi vấn đề tâm lý này, dẫn đến công tác của ông nhiều lần thất bại, oán hận tích tụ trong nhiều năm đã trở nên càng ngày càng sâu sắc hơn, cuối cùng phải rời xa cha mẹ bằng cách cực đoan này.
Tất nhiên đây là hành động cực đoan rất đáng tiếc đã xảy ra, cũng bởi vết thương tâm lý hằn sâu không thể xóa bỏ.
Mặt trái của việc vượt quá giới hạn, biểu hiện ra không chỉ là tình yêu thương sâu đậm với con cái, mà còn là một kiểu kiểm soát và trói buộc thầm lặng.
Yêu con, không phải là không có biên giới, không có nguyên tắc, thay con làm chủ tất cả, can thiệp vào mọi mặt trong cuộc sống của con, mà là nên dành cho con đủ không gian để con trưởng thành độc lập, sống một cuộc sống của bản thân mình.
2. Cha mẹ vượt giới hạn hủy hoại hôn nhân của con trẻ
Việc đi quá giới hạn của cha mẹ đã tước đi quyền tự do đáng có, phá vỡ cuộc sống bình thường đáng có của con. Từ đó, không chỉ là công việc, tâm lý bị ảnh hưởng, mà ngay cả hôn nhân cũng không thể nào suôn sẻ.
Tôi có cô bạn gặp phải một điều vô cùng khó xử. Sau cơn vượt cạn khó nhọc của con dâu, mẹ chồng lo lắng con trai bà sẽ không được ngủ ngon vào buổi tối bèn đề xuất để con dâu ngủ một mình. Bởi vì nhà chỉ có hai phòng, vậy thì anh chồng ở cùng với mẹ một phòng là chuyện đương nhiên. Đứa trẻ cả đêm khóc ré, chồng và mẹ chồng ngủ ngon lành, để một mình cô khổ sở lăn qua lăn lại trong phòng, vô cùng tủi thân.
Không chỉ khiến vợ lạnh lẽo tâm can như vậy, anh chồng làm việc gì cũng không có chủ kiến, có việc gì lớn lớn một chút đều phải đi “tham kiến” ý của mẹ. Ngay cả mua quà sinh nhật cho vợ cũng đi “xin ý kiến” mẹ, kết quả mua được một cái bồn rửa mặt – cái mà mẹ chồng thấy có giá trị thực dụng nhất.
Vì muốn một chút đổi gió, đi xem phim cùng chồng, cô muốn để đứa trẻ ở nhà cho mẹ chồng trông một lúc. Không ngờ, mẹ chồng kiên quyết ôm cháu đi cùng, theo hai vợ chồng xem hết cả bộ phim ái tình lãng mạn.
Ngay cả công ty tổ chức đi du lịch, mẹ chồng cũng khăng khăng đi cùng, bà nói, không đi theo con trai thì không thể yên tâm được.
Cách cư xử của mẹ chồng khiến cô và anh chồng dần sinh ra mâu thuẫn lớn.
Mẹ chồng thông thường cho rằng con dâu đến là để tranh giành con trai của bà. Cha mẹ nếu vượt quá giới hạn sẽ là bên thứ ba phá hủy hôn nhân của con mình.
Người làm cha mẹ cần ý thức rằng, người có thể làm một người bạn đi cùng con suốt cả cuộc đời, thì chính là bạn đời của con chứ không phải là cha mẹ. Con đã trưởng thành, nếu như vẫn coi anh ta như một đứa trẻ, vẫn gọi là “cục cưng”, vậy thì anh ta vĩnh viễn vẫn chỉ là bé ngoan của cha mẹ, không thể nào trở thành một người chồng đủ tiêu chuẩn, một người cha có năng lực.
3. Cha mẹ vượt quá giới hạn, là tai họa của trẻ
Có trang tin kể một câu chuyện khiến người ta vừa kinh ngạc lại vừa cảm thấy đau lòng. Một cậu thanh niên tên Dương Tỏa, 23 tuổi đến từ Hồ Nam – Trung Quốc, tay chân có đủ, tư duy bình thường, vậy mà phải chết đói ngay trong nhà.
Người dân ở đó nói rằng lý do cậu ta chết đói là vì cậu ta quá lười biếng.
Thà rằng đi ăn xin còn hơn là phải làm việc. Quần áo không giặt, đồ bẩn cứ mặc đổi đi đổi lại. Cơm chẳng buồn nấu, cũng chẳng muốn bước chân ra khỏi cửa, ngay cả muốn đi vệ sinh cũng ngồi giải quyết luôn trong phòng.
Nguyên nhân Dương Tỏa lười biếng đến mức độ này và việc cha mẹ “không buông tay” là có quan hệ rất lớn.
Dương Tỏa từ nhỏ được cha mẹ cưng chiều, cái tên “Tỏa” (nghĩa là cái khóa) cũng là vì lúc nào cũng được giữ khư khư ở bên người.
Họ không nỡ để con trai phải đi bộ, khi đi ra ngoài họ luôn thay phiên nhau bế con, 8 tuổi rồi còn dùng quang gánh để gánh con đi.
Dương Tỏa muốn làm chút việc đồng áng, cha mẹ từ chối, bảo “Con sang bên kia ngồi chơi, đừng làm kẻo mệt!”
Sau khi cha cậu ta qua đời, mẹ đề nghị cậu ta làm chút việc, cậu ta từ chối và còn đánh mẹ mỗi khi cậu cảm thấy không thoải mái.
Đến lúc mẹ cũng qua đời, cậu con trai được cưng chiều từ bé bỗng nhiên không biết làm thế nào, tìm một công việc cũng thấy ngại cái này ngại cái kia, cuối cùng phải đi ăn xin.
Cha mẹ yêu con, luôn muốn ôm con trong vòng tay mình, luôn vì con che chở bao mưa gió, thay con làm hết mọi việc, nhưng con cũng vì thế mà bị tước mất cơ hội được rèn luyện bản thân mình.
Con trẻ nếu quen với cuộc sống dưới sự bảo hộ của cha mẹ, cho dù là đến tuổi phải sống độc lập rồi, họ vẫn luôn muốn lựa chọn sự thoải mái, và trở thành một đứa trẻ to lớn không chịu cai sữa.
Bản thân đã trưởng thành nhưng lại vẫn như một đứa trẻ, không có khả năng tự chăm sóc cho chính mình, hỏi làm sao có thể lo cho người khác, làm sao có thể tự lập thân, tìm cho mình một chỗ đứng trong xã hội?
Truyền thuyết Gót chân Achilles kể rằng: Để giúp cho con trở nên trường sinh, Thetis đã dốc ngược người cậu bé, hai tay giữ bằng gót chân, rồi nhúng cả người cậu bé vào nước sông Styx, vậy cả người Achilles là mình đồng da sắt.
Hành động này xem ra thật tàn nhẫn, nhưng ai có thể biết rằng, người cha này đã nhẫn chịu bao nhiêu dằn vặt mới có thể buông tay để con biết chịu khổ?!
4. Yêu con thì hãy nên khéo léo tạo khoảng cách cho con trưởng thành
Các nhà nghiên cứu tâm lý học phát hiện: Cha mẹ càng không hiểu được sự tách biệt thì tính độc lập của trẻ càng kém; trong cuộc sống, đa số họ đều không tự tin.
Trẻ lúc nhỏ, không thể tự lo cho sinh hoạt của mình, cần sự đồng hành tin cậy và che chở ấm áp từ cha mẹ. Từng bước trưởng thành, chúng ta cần dạy trẻ kỹ năng sống, để trẻ hiểu được bản thân và hòa nhập vào xã hội.
Tâm hồn trẻ nhỏ mong muốn được tôn trọng và thấu hiểu, mong muốn được chúng ta ủng hộ các quyết định của chúng, mong muốn vùng ra khỏi sự ôm ấp của cha mẹ để bay vào một thế giới mới rộng lớn.
Trong tâm cái gì cũng không thể buông bỏ, vậy đúng là cần phải buông tay..
Khi tụi trẻ lớn lên từng ngày, chúng ta cũng sẽ dần dần già đi, con đường cho đến cuối cùng vẫn là để chúng tự phải bước đi.
Mà điều chúng ta cần làm chính là buông tay ra, và dừng lại, lặng lẽ chúc phúc cho con, ủng hộ và cổ vũ con trên chặng đường phía trước.
Tình yêu mãnh liệt của mẹ không phải là sở hữu vĩnh viễn đứa trẻ mà là quan tâm đúng mực và khéo léo tạo khoảng cách để con tự trưởng thành.
Gần gũi, bảo hộ là một loại yêu thương, buông tay đúng lúc cũng là một loại yêu thương. Cha mẹ mong con bay xa, vậy xin hãy mở cửa kính ra và ban cho con một đôi cánh!
Theo aboluowang
Mây Trắng biên dịch